Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tại phiên tòa trong tố tụng dân sự

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tại phiên tòa trong tố tụng dân sự hiện nay còn có nhiều quan điểm xử lý khác nhau. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, vấn đề này rất cần Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 133 BLTTDS thì trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 BLTTDS.

 Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án; nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa. Như vậy, việc giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được thực hiện ngay tại phiên tòa.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, để thực hiện được biện pháp bảo đảm, đòi hỏi Hội đồng xét xử phải xem xét dự kiến và tạm tính tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồng thời, đương sự thực hiện biện pháp bảo đảm cũng cần phải có khoảng thời gian nhất định để thực hiện biện pháp bảo đảm (chuẩn bị tiền, tài sản) và xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm cho Hội đồng xét xử.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 133 của BLTTDS 2015 thì chứng cứ đó phải được xuất trình trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Do đó, sau khi người yêu cầu đã thực hiện hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 BLTTDS thì Hội đồng xét xử mới ra quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.  Trường hợp này, BLTTDS không quy định Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa hay tạm ngừng phiên tòa. Về vấn đề này, trong thực tiễn xét xử, hiện nay có các quan điểm khác nhau:

          – Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 259[1]. Vì vậy, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa để người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của BLTTDS. Tuy nhiên, những người theo quan điểm này cũng có hai loại ý kiến khác nhau, đó là:

(1) Tòa án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 259, do trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa để ngừng phiên tòa.

(2) Tòa án áp dụng điểm c khoản 1 Điều 259, cần bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa để ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.

          – Quan điểm thứ hai cho rằng, Điều 259 không quy định cho trường hợp này do đó cần hoãn phiên tòa để người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm.

Đây là vướng mắc xảy ra trong thực tiễn xét xử, dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất trong hệ thống Tòa án.

Chúng tôi cho rằng, cả hai quan điểm nêu trên đều có những điểm hợp lý nhất định cần được nghiên cứu, xem xét khi xây dựng văn bản hướng dẫn và hoàn thiện quy định của BLTTDS. Và cần khẳng định, đây không thuộc trường hợp “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS.

Xuất phát từ lý do người yêu cầu không thể cùng một lúc vừa tham gia phiên tòa, vừa thực hiện biện pháp bảo đảm ở ngoài Tòa án; bên cạnh đó, ngay tại phiên tòa cũng có các giai đoạn khác nhau, sự vắng mặt của người đương sự trong mỗi giai đoạn có một hậu quả pháp lý do luật quy định. Vì vậy, cần phân chia thành hai giai đoạn để xử lý cho phù hợp, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các đương sự, đó là:

Giai đoạn thủ tục bắt đầu phiên tòa;

Giai đoạn tranh tụng tại phiên tòa;

Từ đó, tùy vào thời điểm Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà giải quyết cụ thể như sau:

– Trường hợp tại phiên tòa, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu và trường hợp phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm mà người yêu cầu cần có thời gian để thực hiện biện pháp bảo đảm không thể có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa theo quy định tại các điều 227, 241 BLTTDS.

– Trường hợp tại phiên tòa, sau khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chuyển sang tranh tụng tại phiên tòa cho đến trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án, Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu và trường hợp phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm mà người yêu cầu cần có thời gian để thực hiện biện pháp bảo đảm không thể có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa “do trở ngại khách quan mà người tham gia phiên tòa không thể tiếp tục tham gia phiên tòa” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 259 BLTTDS.

Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử trong hệ thống Tòa án, rất cần Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về vấn đề này.

[1] Khoản 1 Điều 259 BLTTDS quy định:

“1. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;

b) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;

c) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;

d) Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại;

đ) Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải;

e) Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.”

NGỌC TRÂM