Áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS
Thực tiễn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội" quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), tác giả nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải lưu ý để áp dụng phù hợp và những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS được tách ra từ điểm m khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999. Tình tiết này chỉ đòi hỏi thủ đoạn, công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng, đặt trong điều kiện nhất định có khả năng gây nguy hại cho nhiều người mà không đòi hỏi khả năng đó phải thực sự xảy ra. Mức độ tăng nặng của tình tiết này phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của thủ đoạn, phương tiện mà người phạm tội lựa chọn.
1.Quy định của Luật
1.1. Nội hàm các thuật ngữ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS
Về thuật ngữ "Thủ đoạn": Có thể hiểu là ý thức chủ quan người phạm tội, những suy tính có mục đích, quy trình, cách làm, sắp xếp các hành vi, phương thức thực hiện khôn khéo, xảo trá cốt sao để đạt được mục đích và thủ đoạn đó làm cho đối tượng tác động của tội phạm không nhận diện được hoặc có nhận diện được thì cũng đã muộn. Ví dụ: Vụ án bác sỹ C đầu độc vợ mình cho đến chết. Trong cuộc sống vợ chồng có những mâu thuẫn không thể dung hòa được, bác sỹ C đã lấy dung dịch thạch tín pha loãng, cho vào thức ăn hằng ngày của vợ; hậu quả vợ của bác sỹ C đã lâm bệnh từ từ và dẫn đến chết. Những toan tính giết vợ của C đã hình thành trong ý thức chủ quan, có mục đích và cách thức thực hiện tinh vi, vợ C hoàn toàn không biết. Đồng thời những thủ đoạn đó cũng để che dấu đi hành vi phạm tội của mình.
Về thuật ngữ "Phương tiện": Là đối tượng vật chất được chủ thể của tội phạm sử dụng trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Khác với các phương tiện để định tội hoặc định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định trong BLHS thì "phương tiện" quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS là phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người. Ví dụ: Để giải quyết mâu thuẫn, nhóm của A đã dùng bom xăng để ném vào nhà của B, mục đích để gây thương tích và cảnh cáo B, hậu quả B và hai con nhỏ của B bị bỏng nặng.
Về thuật ngữ "Khả năng gây nguy hại cho nhiều người": Là việc sử dụng thủ đoạn hoặc phương tiện có thể gây ra nguy hiểm, có hại cả tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín… không chỉ cho đối tượng tác động của tội phạm mà còn cho những người khác khi thực hiện hành vi phạm tội.
Từ các ví dụ trên, ta thấy việc dùng thủ đoạn đầu độc hoặc dùng bom xăng, không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng tác động mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh. Những thủ đoạn, phương tiện ấy, khi sử dụng, hậu quả dù có xảy ra hay không nhưng khả năng gây hại cho nhiều người là rất lớn.
Như vậy, "Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội" là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội dùng cách làm khôn khéo, xảo trá hoặc các đối tượng vật chất trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội có khả năng gây nguy hiểm và có hại không chỉ cho đối đượng tác động mà còn cho nhiều người khác. Khi áp dụng tình tiết này chỉ đòi hỏi thủ đoạn, công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng, đặt trong điều kiện nhất định có khả năng gây nguy hại cho nhiều người mà không đòi hỏi khả năng đó phải thực sự xảy ra. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này tùy thuộc vào mức độ nguy hại của thủ đoạn, phương tiện mà người phạm tội đã thực hiện và khả năng thực tế cũng như hậu quả xảy ra. Thủ đoạn, phương tiện càng nguy hiểm, hậu quả xảy ra càng lớn thì mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự càng cao. Tình tiết này được áp dụng đối với tội danh có lỗi cố ý.
2.2. Phân biệt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS với một số quy định khác trong BLHS
Thứ nhất, phân biệt với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS. Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m, n khoản 1 Điều 52 BLHS được tách ra từ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999, đây là điểm mới, tiến bộ của BLHS, bởi chúng khác nhau về bản chất: Đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m khoản 1 Điều 52 BLHS "Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội" là người phạm tội có những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho bị hại hoặc người khác không thấy được để đề phòng hoặc người phạm tội dùng thủ đoạn tàn ác gây tác hại nhiều người không thương xót. Hành vi người phạm tội sử dụng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác phải trong khi thực hiện tội phạm, nếu thủ đoạn xảy ra sau khi tội phạm đã hoàn thành thì không được áp dụng tình tiết tăng nặng này. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất, mức độ tinh vi, xảo quyệt, tàn ác mà phạm tội đã thực hiện. Ví dụ: Giả vờ âu yếm nạn nhân, rồi bóp cổ nạn nhân cho đến chết… Khi áp dụng mức độ tăng nặng ở tình tiết này sẽ cao hơn khi áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS.
Thứ hai, phân biệt với quy định tại điểm l khoản 1 Điều 123 BLHS "Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người", điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS "Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí gây nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người". Khác với những phân tích về thủ đoạn và phương tiện như đã nêu trên, ở đây một số tội phạm, thủ đoạn hoặc phương tiện phạm tội lại có ý nghĩa quy định bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và do vậy được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Khi áp dụng cần lưu ý nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS "Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng". Ví dụ: A dùng lựu đạn để ném vào vị trí đứng của B, mục đích để B chết, hậu quả B chết và một số người khác đứng cùng B bị thương. Hành vi của A đủ yếu tố để cấu thành tội "Giết người" với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm l khoản 1 Điều 123 BLHS. Khi xét xử, Tòa án không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS cho bị cáo A.
2. Khó khăn, vướng mắc
Một là, kỹ thuật lập pháp gây ra các cách hiểu khác nhau, khó áp dụng trên thực tế. Điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS quy định: "Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện…", về mặt logic ngữ pháp có thể hiểu đây là hai tình tiết trong cùng một điểm, "dùng thủ đoạn" hoặc "dùng phương tiện", nhưng trên thực tế có trường hợp thủ đoạn và phương tiện đi liền với nhau, có khi người phạm tội sử dụng phương tiện phản ánh thủ đoạn. Từ quy định trên đã gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.
Hai là, điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS quy định: "… gây nguy hại cho nhiều người…", vậy thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại đó tác động trực tiếp hay gián tiếp đến mọi người. Hiện nay, khi áp dụng pháp luật trên thực tế, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều. Có ý kiến cho rằng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại phải tác động trực tiếp đến nhiều người, nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người không cần biết có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp hay không. Vấn đề này đang còn gây tranh cãi, đặc biệt là các vụ án có liên quan đến môi trường. Ví dụ: Công ty A, dùng thủ đoạn chôn ống dẫn nước thải chưa qua xử lý để thải trực tiếp ra sông, suối, hậu quả ô nhiễm môi trường, người dân sống xung quanh Công ty A sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe. Vậy Công ty A có được xem là dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người hay không?
Ba là, khi áp dụng điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS cần đánh giá và đặt trong điều kiện nhất định có khả năng gây nguy hại cho nhiều người, do đó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Ví dụ: A xả khí độc vào phòng kín nhằm giết B, hậu quả B chết, hành vi giết người đã hoàn thành. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vào khám nghiệm hiện trường thấy căn nhà bị nhiễm độc. Có cơ quan có thẩm quyền không áp dụng tình tiết này, bởi lẽ hành vi đã hoàn thành, nhưng cũng có cơ quan áp dụng vì chất độc đó có khả năng gây nguy hại cho nhiều người, mặc dù A giết B tại nhà riêng, không có ai ngoài B.
3. Kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng pháp luật thực tiễn, người viết kiến nghị đề xuất Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về thủ đoạn và phương tiện có khả năng gây nguy hại trực tiếp hay gián tiếp, điều kiện đánh giá việc gây nguy hại cho nhiều người để áp dụng thống nhất quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 BLHS và kiến nghị sửa đổi điều luật theo hướng bỏ từ "hoặc", cụ thể:
"Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: … n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội".
TAND huyện Mai Sơn (Sơn La) xét xử sơ thẩm vụ án Trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy. Ảnh: Nguyễn Đức Mạnh
Bài liên quan
-
Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng
-
Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng- Bất cập và một số kiến nghị
-
Chi phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng là lệ phí đương sự có yêu cầu thông báo chịu
-
Xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn – thực trạng và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận