VIỆN DẪN, ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG THỰC TIỄN XÉT XỬ TẠI TÒA ÁN HIỆN NAY

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc là một bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp của pháp luật nước ta. Hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao đã thông qua và Tòa án nhân dân tối cao đã công bố tổng cộng 16 án lệ.

NỘI DUNG CÁC ÁN LỆ ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ

         Án lệ số 1 đến Án lệ số 6 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, áp dụng kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2016.

         Án lệ số 1: Vụ án “Giết người”

Nội dung án lệ: Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình Tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

         Án lệ số 2: Vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản”

Nội dung án lệ: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.

         Án lệ số 3: Vụ án “Ly hôn”

Nội dung án lệ: Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

         Án lệ số 4: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Nội dung án lệ: Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.

         Án lệ số 5: Vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”

Nội dung án lệ: Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức.

         Án lệ số 6: Vụ án “Tranh chấp thừa kế”

Nội dung án lệ: Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.

         Án lệ số 7 đến Án lệ số 10 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, áp dụng kể từ ngày 01/12/2016.

         Án lệ số 7: Về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01-7-1991.

Nội dung án lệ: Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận.

        Án lệ số 8: Về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm.

Nội dung án lệ: Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng. Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.

        Án lệ số 9: Về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

    Nội dung án lệ:

– Hợp đồng mua bán hàng hóa bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán.Trường hợp này, tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định 

– Hợp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại. Trường hợp này, người có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó.

           Án lệ số 10: Về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Nội dung án lệ: Quyết định về việc phê duyệt phương án hỗ trợ và tái định cư của Ủy ban nhân dân tỉnh có nội dung dẫn chiếu đến văn bản khác mà văn bản đó có nội dung tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người khởi kiện. Trường hợp này, nội dung của văn bản được dẫn chiếu thuộc quyết định hành chính và quyết định hành chính đó là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

         Án lệ số 11 đến Án lệ số 16 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, áp dụng kể từ ngày 15/02/2018.

         Án lệ số 11: Công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp.

   Nội dung án lệ:

– Một bên thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng trên đất còn có tài sản thuộc sở hữu của người khác; hình thức và nội dung của hợp đồng phù hợp quy định của pháp luật. Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng có hiệu lực pháp luật.

– Bên thế chấp và bên nhận thế chấp thỏa thuận bên nhận thế chấp được quyền bán tài sản là quyền sử dụng đất mà trên đất có nhà không thuộc sở hữu của người sử dụng. Trong trường hợp này, khi giải quyết Tòa án phải dành cho chủ sở hữu nhà trên đất được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó nếu họ có yêu cầu.

         Án lệ số 12: Xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa.

      Nội dung án lệ: Tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa và lý do hoãn phiên tòa không phải lỗi của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt. Tòa án phảo xác định đây là trường hợp đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt lần thứ nhất tại phiên tòa.

         Án lệ số 13: Hiệu lực thanh toán của thư tín dụng trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của thư tín dụng bị hủy bỏ.

         Nội dung án lệ: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C); thỏa thuận thực hiện L/C theo tập quán thương mại quốc tế (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 của Phòng Thương mại Quốc tế và phù hợp với quy định của pháp luật Việt nam. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tề là cơ sở của L/C bị hủy bỏ. Trong trường hợp này, Tòa án phải xác định thư tín dụng (L/C) không bị mất hiệu lực thnh toán vì lý do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của thư tín dụng (L/C) bị hủy bỏ.

         Án lệ số 14: Công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng.

        Nội dung án lệ: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Trường hợp này, Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.

         Án lệ số 15: Công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

       Nội dung án lệ: Các đương sự tự thỏa thuận miệng với nhau về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993 ( ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực pháp luật); đã đăng ký, kê khai diện tích đất đã đổi và được ghi nhận tạo Sổ địa chính; đã trực tiếp canh tác, sử dụng ổn định, liên tục, lâu dài. Trong trường hợp này, Tòa án phải công nhận sự thỏa thuận miệng của các đương sự về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp đó để xác định các đương sự có quyền sử dụng diện tích đất đã đổi.

         Án lệ số 16: Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng.

        Nội dung án lệ: Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất chuyển nhượng không còn trong khối tài sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.

THỰC TIỄN VIỆN DẪN, ÁP DỤNG ÁN LỆ TẠI CÁC TÒA ÁN HIỆN NAY

        Ngày 11/7/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số: 146/TANDTC-PC về viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử (Công văn 146). Nội dung công văn nêu rõ: “Việc viện dn, áp dụng hoặc không áp dụng án lệ  khi xét xử, giải quyết những vụ việc cụ thể phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28-10-2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Khi xét xử, giải quyết những vụ việc đã có án lệ thì Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu án lệ đó để quyết định việc viện dẫn, áp dụng hoặc không áp dụng. Trường hợp áp dụng án lệ thì số án lệ, số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ (nội dung khái quát của án lệ) phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn nhng nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự. Ví dụ: Theo Án lệ số 07/2016/AL về công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01-7-1991 được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23-9-2013 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì: “Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, s dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà. Trường hợp này, hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tin cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận”. Hội đồng xét xử xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định tại …

(nêu rõ các điều luật có liên quan) và theo Án lệ số 07/2016/AL, có đủ cơ sở để công nhận hợp đồng mua bán nhà giữa ông A và ông B.

Qua tìm hiểu các bản án được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao của các Tòa án thì thấy rằng số lượng bản án có viện dẫn, áp dụng án lệ là rất ít. Có phải vì các tranh chấp mà Tòa án giải quyết không có tính chất, tình tiết tương tự như các vấn đề pháp lý trong các án lệ đã được công bố. Quan điểm của tác giả cho rằng chưa hẳn là như vậy. Thực tế trong các vụ án mà các Tòa án đang giải quyết hoặc đã giải quyết có nhiều vụ án có tính chất, tình tiết tương tự như nội dung các án lệ. Tuy nhiên, các Tòa thường không phân tích, viện dẫn vấn đề pháp lý của án lệ trong phần “Nhận định của Tòa án” mà các Tòa thường chỉ vận dụng tinh thần nội dung của án lệ để giải quyết vụ án. Đơn cử như việc xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm trong vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Đa số các bản án của Tòa án chỉ vận dụng tinh thần của án lệ số 8 để giải quyết. Theo đó, các bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng thường tuyên như sau: “Kể từ ngày tiếp theo ngày …., ông, bà … phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay” nhưng lại không phân tích viện dẫn vấn đề pháp lý của án lệ số 8 trong phần “Nhận định của Tòa án” như hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

         Thiết nghĩ để án lệ đã được Tòa án nhân dân tối cao công bố được áp dụng rộng rãi và thực chất trong thực tiễn xét xử tại Tòa án, các Thẩm phán cần mạnh dạn áp dụng án lệ nếu vụ án có tính chất, tình tiết tương tự như vấn đề pháp lý của án lệ. Nếu bản án có áp dụng án lệ thì việc viện dẫn, áp dụng án lệ trong bản án cần thực hiện đúng như hướng dẫn tại Công văn số 146 của Tòa án nhân dân tối cao.

Dương Tấn Thanh -TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh