VỀ CHẾ ĐỊNH ÁN LỆ TẠI VIỆT NAM – Định hướng phát triển hệ thống án lệ của Việt Nam

TANDTC Việt Nam, TATC Hàn Quốc phối hợp cùng Văn phòng Dự án Koica, Hàn Quốc tổ chức Hội thảo về “Kết cấu xây dựng án lệ và việc nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong thực tiễn”, với sự tham gia của các Thẩm phán Hàn Quốc, các chuyên gia của TANDTC và đại biểu đến từ Tòa án các tỉnh miền Bắc từ Hà Giang đến Hà Tĩnh. Ông Oh Byung Hie - Thẩm phán chủ tọa Tòa án địa phương Daegu, Hàn Quốc có tham luận với tiêu đề “Về chế định án lệ tại Việt Nam – Đề xuất hướng phát triển hệ thống án lệ của Việt Nam” rất đáng quan tâm. Đây là góc nhìn riêng của một Thẩm phán nước ngoài, gắn bó nhiều năm với Tòa án Việt Nam, có sự so sánh giữa hệ thống pháp luật hai nước, nên là tài liệu tham khảo hữu ích. Tạp chí TAND online xin lược ghi giới thiệu cùng độc giả.

  Ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ HTQT TANDTC chủ trì Hội thảo

1.Xây dựng hệ thống quy phạm
 a. Án lệ với tư cách một nguồn luật, quy phạm pháp luật

        (1) Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và án lệ

        Pháp luật của Hàn Quốc chủ yếu bao gồm các quy định chung và trừu tượng, nội dung chi tiết được quy định trong văn bản dưới luật như Lệnh thi hành, Quy tắc thi hành[1]. Khác với Hàn Quốc, có vẻ như pháp luật Việt Nam quy định các nội dung cụ thể và chi tiết theo từng trường hợp và mỗi quy định lại có nhiều phần được viết một cách trùng lặp. Hệ thống quy định như vậy có ưu điểm là giúp người đọc dễ hiểu nội dung, nhưng ngược lại có nhược điểm là trong trường hợp pháp luật quy định về các lĩnh vực trên phạm vi rộng thì dễ khiến các quy định pháp luật trở nên quá dài. Nhưng nhìn chung so với pháp luật Hàn Quốc, số điều khoản của luật Việt Nam còn ít và nội dung không nhiều nên vẫn còn tương đối nhiều lỗ hổng về mặt lập pháp.  

        TANDTC đã ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để bổ sung và lấp các lỗ hổng trong công tác lập pháp đó. Nhưng các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật này không lấy tiền đề là các vụ án cụ thể mà được TANDTC giải thích quy phạm pháp luật một cách trừu tượng trong phạm vi quyền hạn của mình. Xét về mặt nội dung, có nhiều nội dung đưa ra định nghĩa về điều khoản hoặc câu văn có vấn đề trong việc giải thích pháp luật hoặc quyết định phạm vi và cách thức áp dụng của điều khoản pháp luật đó. Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật được viết dưới hình thức là lấy các ví dụ cụ thể để giúp nâng cao sự hiểu biết về định nghĩa hoặc cách thức áp dụng.

        Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật rất khác so với án lệ ở chỗ không lấy tiền đề là các tình tiết cụ thể và được quy định dưới hình thức tương tự với pháp luật nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng với án lệ ở chỗ chức năng và vai trò của văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và án lệ là giúp Thẩm phán giải thích và áp dụng thống nhất pháp luật. Tuy nhiên vấn đề là khó ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Trong trường hợp không có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, Thẩm phán phải đối diện với lỗ hổng trong công tác lập pháp và sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

        Trong tình hình như vậy, nếu TANDTC lựa chọn và công bố các án lệ hướng dẫn xét xử, thì có thể tháo gỡ hiệu quả các vấn đề phát sinh do chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Mặt khác án lệ cũng có thể trở thành biện pháp ứng phó tốt đối với trường hợp Thẩm phán khó áp dụng văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật vào các tình tiết cụ thể vì văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật có hình thức giống như pháp luật, không lấy tiền đề là các tình tiết cụ thể. Tính cần thiết và tầm quan trọng của án lệ cũng được nhấn mạnh ở điểm này. Nói tóm lại, trong mối quan hệ giữa văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và án lệ, án lệ phải có khả năng thay thế cho các chức năng mà văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khó có thể thực hiện được. Trong số các chức năng của án lệ, chức năng quan trọng nhất là đúc kết và xác định rõ nguyên tắc pháp lý thông qua việc giải thích pháp luật dựa trên tiền đề là các tình tiết cụ thể từ đó đưa ra tiêu chí giải thích pháp luật cho các Thẩm phán.

         (2) Án lệ có phải là nguồn luật hoặc quy phạm pháp luật hay không?

        Liên quan đến việc án lệ của Việt Nam có phải là một nguồn luật và có tính chất của quy phạm pháp luật (Văn bản quy phạm pháp luật) hay không, theo như những gì tôi đã được nghe ở Hội thảo về hệ thống án lệ được tổ chức tại Hàn Quốc thì án lệ của Việt Nam cũng không phải là nguồn luật giống như các quốc gia thuộc hệ thống luật Châu Âu lục địa. Trên thực tế, án lệ của Việt Nam không phải là một dạng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam nên về mặt hình thức nó không phải là một nguồn luật.

        Mặt khác, án lệ của Việt Nam được ban hành dưới hình thức nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại quy định “nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” là một trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, mặc dù án lệ của Việt Nam không phải là một nguồn luật và về mặt hình thức, cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng nó được ban hành bởi nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên về mặt thực chất (nội dung) có thể có hiệu lực pháp lý như là văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế, án lệ của Việt Nam có hiệu lực ràng buộc không chỉ đối với tòa án cấp dưới trong vụ việc đó mà có hiệu lực ràng buộc đối với toàn bộ Tòa án và cũng được quy định cả thủ tục bãi bỏ như pháp luật nên nhìn vào khía cạnh này thì án lệ của Việt Nam có tính chất của văn bản quy phạm pháp luật.

        Nếu như án lệ có tính chất của văn bản quy phạm pháp luật thì có thể phát sinh vấn đề về mối quan hệ giữa án lệ và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật vốn có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Và tôi cho rằng cần phải nghiên cứu và xây dựng phương hướng trên lập trường lâu dài đối với vấn đề đó là trong thời gian tới văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và án lệ có thể tiếp tục cùng tồn tại hay không, hoặc tuỳ trường hợp một trong hai sẽ biến mất chẳng hạn như án lệ sẽ dần dần thay thế cho các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật v.v…[2] Nhưng tôi cho rằng nếu án lệ thực hiện chức năng bổ sung, bù đắp cho văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chẳng hạn như án lệ khắc phục những thiếu sót của văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và thực hiện chức năng giải thích pháp luật dựa trên tiền đề là các tình tiết cụ thể thì mối quan hệ giữa văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và án lệ có thể không phải là vấn đề lớn.

         b.Sự giao lưu giữa Tòa án, giới luật gia và giới học thuật

        Luật học giống như một thị trường tự do với sự cạnh tranh giữa các lý thuyết và học thuyết đa dạng với hy vọng được các nhà lập pháp hoặc Toà án Tối cao lựa chọn làm nguyên tắc pháp lý. Cho dù là hệ thống luật Châu Âu lục địa hay hệ thống luật pháp Anh-Mỹ sau khi trải qua quá trình phê bình và đánh giá của các chuyên gia pháp luật, các nhà khoa học và những người dân thường trong một thời gian dài, sẽ tìm ra được những án lệ có giá trị và giá trị đó sẽ được công nhận rộng rãi. Để phán quyết của tòa án được xây dựng thành án lệ có giá trị, thì thông thường các phán quyết đó phải qua quá trình phê bình và kiểm chứng dựa trên nghiên cứu của không chỉ các Thẩm phán trong Tòa án mà còn cả giới luật gia và giới học thuật.

        Ở Việt Nam, TANDTC chính thức lựa chọn án lệ thông qua quy trình nhận đề xuất một số bản án của TANDTC và Tòa án các cấp. Sau đó tiến hành thủ tục đánh giá thông qua buổi lấy ý kiến góp ý đối với bản án được đề xuất trước khi công bố bản án đó là án lệ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng rất khó để đánh giá đầy đủ giá trị của án lệ bằng một quy trình diễn ra trong thời gian ngắn hạn như vậy. Về cơ bản, tôi cho rằng ngoài việc ban hành các án lệ, TANDTC nên công khai bản án của Tòa án để tất cả mọi người có thể dễ dàng theo dõi đồng thời cung cấp đầy đủ các tài liệu cũng như phân tích liên quan đến án lệ và bản án, từ đó nên tạo điều kiện để giới luật gia và giới học thuật có đủ thời gian đánh giá.

         2.Về cấu trúc và hình thức của án lệ

  • a.Cấu trúc của án lệ Việt Nam – Vấn đề biên tập

        Hiện nay án lệ của Việt Nam không phải là bản án gốc mà được viết lại dưới hình thức nhất định và được ban hành dưới hình thức khác so với bản án thông thường. Liên quan đến cấu trúc và cách viết  án lệ, thì TANDTC Việt Nam có thể biên tập lại, viết lại bản án gốc hoặc cũng có thể lấy y nguyên bản án gốc và xuất bản tập án lệ giống như cách mà Hàn Quốc và hầu hết các quốc gia khác đang làm. Án lệ của Tòa án tối cao Hàn Quốc phát hành y nguyên bản án gốc nhưng khi phát hành án lệ Thư viện Tòa án trình bày trước nguyên tắc pháp lý trọng tâm làm “vấn đề chính được nhận định” để người đọc dễ dàng tham khảo. Sau đó trích dẫn y nguyên một phần trong số nội dung phán quyết của Tòa án tối cao để đưa vào “khái quát nội dung của bản án”, ngoài ra viết cả quy định pháp luật và án lệ tham khảo.

        Tôi cho rằng cách viết lại án lệ của Việt Nam như vậy có thể có những ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là trong quá trình viết lại án lệ, có thể loại bỏ các nội dung không phải là cốt lõi của bản án gốc và chỉ đưa ra nguyên tắc pháp lý cốt lõi của án lệ đó, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được vấn đề gây tranh cãi và nguyên tắc pháp lý. Nhưng nhược điểm là một số vấn đề gây tranh cãi về mặt pháp lý có trong bản án gốc có thể bị loại bỏ, bị bỏ sót hoặc nội dung chính của bản án gốc bị bóp méo theo ý kiến của người biên tập và có thể dẫn đến kết quả là làm giảm phạm vi xem xét và nghiên cứu của các nhà nghiên cứu.

        Mặt khác, trong trường hợp viết giống như án lệ của Toà án Tối cao Hàn Quốc thì đôi khi cũng có trường hợp khó nắm bắt được các nội dung cụ thể của vụ việc vì Toà án tối cao chỉ nhận định phần cần thiết là vấn đề pháp lý. Lúc này phát sinh vấn đề đó là bất tiện vì phải tìm kiếm bản án của cấp sơ thẩm, phúc thẩm (phán quyết của tòa án cấp cao hoặc tòa án địa phương bị Tòa án tối cao đưa ra xem xét lại) để nghiên cứu lại và thêm vào đó để tìm kiếm bản án của cấp sơ thẩm, phúc thẩm thì tất cả các bản án đều phải được đăng ký (trên hệ thống phần mềm)

        Cấu trúc của án lệ sẽ phản ánh thực tiễn của Tòa án và truyền thống của mỗi nước nhưng án lệ gắn kết thực tiễn với lý luận và phát triển nghiên cứu luật học bằng cách cung cấp đề tài nghiên cứu nổi bật và mang đến cái nhìn mới mẻ cho công tác lập pháp và giải thích pháp luật. Theo đó án lệ cần phải tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện để có thể thực hiện vai trò thúc đẩy hoạt động giao lưu giữa tòa án và giới học thuật.

         b.Phương án cụ thể hóa nguyên tắc pháp lý trong án lệ – So sánh với án lệ của Tòa án tối cao Hàn Quốc

        Để án lệ làm tròn vai trò là một tiêu chí giải thích và áp dụng pháp luật cụ thể đối với các Thẩm phán, thì “nhận định liên quan đến việc giải thích và áp dụng  pháp luật”- có thể coi là cốt lõi của án lệ hay nói cách khác nguyên tắc pháp lý phải được thể hiện trong án lệ. Liên quan đến cách đưa ra nguyên tắc pháp lý của án lệ, tôi xin lấy án lệ của Việt Nam và án lệ của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vụ việc tương tự làm ví dụ.

         ■ Ví dụ về lý do của án lệ Việt Nam 

        Án lệ số 01/2016/AL

        Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định:

        Căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo Đồng Xuân Phương trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm, phiên Tòa Phúc thẩm; lời khai và kết quả nhận dạng của những người làm chứng về các đối tượng liên quan đến vụ án; Biên bản khám nghiệm hiện trường; Bản giám định pháp y cùng các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án; có đủ căn cứ kết luận do mâu thuẫn trong sinh hoạt, Đồng Xuân Phương đã thuê Hoàng Ngọc Mạnh và Đoàn Đức Lân dùng dao đâm anh Nguyễn Văn Soi, với mục đích gây thương tích cho nạn nhân để trả thù. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra. Vì thế, bị cáo chỉ yêu cầu tấn công vào chân, tay mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Khi thực hiện tội phạm, Mạnh đã đâm 02 nhát đều vào đùi nạn nhân theo đúng yêu cầu của Phương. Hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Mạnh khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Việc nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp không hồi phục là ngoài ý muốn của Đồng Xuân Phương và đồng phạm. Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội “Giết người” là không đúng pháp luật.

         ■ Ví dụ về lý do của án lệ Hàn Quốc 

        Bản án số 2002/DO/4089 ngày 25-10-2002 của Tòa án tối cao Hàn Quốc

        【 Vấn đề chính được nhận định】

        [1] Trách nhiệm hình sự của người xúi giục trong trường hợp xúi giục người khác gây thương tích hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người bị hại nhưng người bị xúi giục (người thực hành) đã thực hiện hành vi giết người.

        [2] Tiêu chí để nhận định lỗi cố ý trong tội giết người

        【 Khái quát nội dung của bản án 】

        [1] Trong trường hợp người xúi giục đã kích động người khác (người thực hành) thực hiện hành vi gây thương tích hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người bị hại nhưng người bị xúi giục đã thực hiện hành vi giết người ngoài ý muốn của người xúi giục, thông thường người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” hoặc “tội gây thương tích nghiêm trọng”. Nhưng trong trường hợp này người xúi giục phải chịu trách nhiệm về tội “gây thương tích dẫn đến chết người” khi có lỗi vô ý đối với hậu quả là người bị hại sẽ chết hoặc có thể thấy trước hậu quả đó.

        [2] Lỗi cố ý trong tội giết người được xác định khi chỉ cần chủ thể có nhận thức hoặc thấy trước sự thật là người bị hại có thể chết do hành vi của mình gây ra là đủ mà không cần chủ thể phải mong muốn người bị hại chết hoặc có mục đích giết chết người bị hại, chỉ cần có lỗi cố ý gián tiếp là đủ chứ không cần phải có lỗi cố ý trực tiếp.

        【Quy định của pháp luật tham khảo 】

        [1] Khoản 1 Điều 31, Khoản 1 Điều 259 của Luật Hình sự

        [2] Điều 13, Khoản 1 Điều 250 của Luật Hình sự

        【 Án lệ tham khảo 】

        [1] Bản án số 93/DO/1873 ngày 08-10-1993 của Tòa án tối cao (Công /1993/02, 3117 ; Có nghĩa là trang 3117 của quyển 2 Công báo án lệ năm 1993; Phần dưới đây tương tự như vậy), Bản án số 97/DO/1075 ngày 24-06-1997 của Tòa án tối cao (Công/1997/02, 2220)

        [2] Bản án số 87/DO/2564 ngày 09-02-1988 của Tòa án tối cao (Công/1988, 548); Bản án số 93/DO/3612 ngày 22-03-1994 của Tòa án tối cao (Công/1994/01, 1373); Bản án số 2001/DO/3997 ngày 28-09-2001 của Tòa án tối cao (Công/2001/02, 2405)

        【 Toàn văn 】

        【Bị cáo】 4 người ngoài bị cáo 1

        【Người kháng cáo lên tòa án tối cao】 các bị cáo

        【Người bào chữa】 Luật sư A

      【Bản án phúc thẩm】Bản án số 2002/NO/735 ngày 12-07-2002 của Tòa án cấp cao SEOUL

        【Quyết định】

        Bác toàn bộ kháng cáo

        【Lý do】

        Nhận định lý do kháng cáo.

        1. Đối với Bị cáo 1, 2

        Trong trường hợp người xúi giục đã kích động người khác (người thực hành) thực hiện hành vi gây thương tích hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người bị hại nhưng người bị xúi giục đã thực hiện hành vi giết người ngoài ý muốn của người xúi giục, thông thường người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” hoặc “tội gây thương tích nghiêm trọng”. Nhưng trong trường hợp này người xúi giục phải chịu trách nhiệm về tội “gây thương tích dẫn đến chết người” khi có lỗi vô ý đối với hậu quả là người bị hại sẽ chết hoặc có thể thấy trước hậu quả đó. (Tham khảo Bản án số 93/DO/1873 ngày 08-10-1993 của Tòa án tối cao v.v…)

        Căn cứ vào các chứng cứ được đưa ra trong Bản án sơ thẩm, Tòa Phúc thẩm nhận thấy: Bị cáo 1 đã yêu cầu Bị cáo 3, 4, 5 và đồng bị cáo 7 ở cấp phúc thẩm dùng dao đâm vào vùng dưới thắt lưng của người bị hại, người đã từng có mâu thuẫn trong quan hệ kinh doanh với bị cáo 1 đặc biệt là đâm vào đùi hoặc bắp chân gây tàn tật để người bị hại hối hận cả đời. Sau đó Bị cáo 1 đã đưa cho các bị cáo trên khoảng 900.000WON với danh nghĩa là phí mua xe và dao để thực hiện hành vi phạm tội. Khi bị cáo 1 chỉ đạo các Bị cáo trên thực hiện hành vi phạm tội, Bị cáo 2 đã liên lạc, tập hợp họ lại với nhau và nói “Hãy giúp Bị cáo 1”. Kết quả là các Bị cáo trên đã dùng dao đâm 20 nhát vào phần bắp chân làm cho nạn nhân bị chết giống như đã nêu trong bản cáo trạng. Tòa Phúc thẩm xét thấy: Theo tình hình lúc đó, Bị cáo 2 cũng có quan hệ thông đồng và Bị cáo 1, 2 đã có thể thấy trước việc người bị hại có thể sẽ chết. Tòa Phúc thẩm đã kết án Bị cáo 1, 2 về tội gây thương tích dẫn đến chết người”. Nhận định như vậy là có căn cứ vì dựa theo nguyên tắc pháp lý trên và không thể cho rằng nhận định đó vi phạm pháp luật vì hiểu sai nguyên tắc pháp lý về tội gây thương tích dẫn đến chết người hoặc đồng phạm giản đơn như được đưa ra trong các lý do kháng cáo.

         2. Đối với Bị cáo 3, 4, 5

        Lỗi cố ý trong tội giết người chỉ cần nhận thức hoặc thấy trước sự thật là người bị hại có thể chết do hành vi của mình gây ra là đủ mà không cần mong muốn người bị hại chết hoặc có mục đích giết chết người bị hại, chỉ cần có lỗi cố ý gián tiếp là đủ chứ không cần phải có lỗi cố ý trực tiếp. (Tham khảo bản án số 97/DO/3231 ngày 24-03-1998 của Tòa án tối cao).

        Nếu tình tiết của vụ án giống với nội dung mà Bản án sơ thẩm xác nhận một cách hợp lệ được Tòa án phúc thẩm giữ nguyên, mặc dù Bị cáo 3, 4 -người đã trực tiếp thực hiện hành vi gây hại cho người bị hại chủ yếu đâm vào đùi hoặc bắp chân không phải là phần trọng yếu trên cơ thể như đầu hoặc ngực của nạn nhân nhưng do các bị cáo đã dùng dao đâm rất mạnh trên 20 nhát vào nạn nhân dẫn đến nạn nhân bị chết vì mất máu quá nhiều nên không thể xem là Bị cáo 3, 4 không nhận thức được việc người bị hại có thể chết do hành vi gây hại của mình mà ngược lại có thể xem là Bị cáo 3, 4 có lỗi cố ý gián tiếp. Ngoài ra không thể xem là Bị cáo 5- người đã chỉ đạo Bị cáo 3, 4 ở hiện trường gây án cũng không thấy trước được việc Bị cáo 3, 4 có thể giết người bị hại. Nên việc Tòa phúc thẩm nhận định rằng Bị cáo 3, 4 và Bị cáo 5 có lỗi cố ý giết người là có căn cứ và không thể cho rằng nhận định đó vi phạm pháp luật vì hiểu sai nguyên tắc pháp lý về “lỗi cố ý trong tội giết người” hoặc nhận định sai sự thật khách quan của vụ án như được đưa ra trong lý do kháng cáo.

         Trong ví dụ nêu trên, Án lệ của Việt Nam không rút ra nguyên tắc pháp lý trọng tâm của vụ việc và không trình bày riêng mà lại đưa nguyên tắc pháp lý đó vào các tình tiết của vụ án. Nếu đọc kỹ lý do, thì có thể biết được nguyên tắc pháp lý đó là “Trường hợp người bị xúi giục thực hiện hành vi phạm tội vượt quá ý muốn của người xúi giục thì người xúi giục phải chịu trách nhiệm về tội đã có ý định và xúi giục từ ban đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp người xúi giục đã có thể thấy trước được phần vượt quá thì phải chịu trách nhiệm đối với cả hậu quả đó”.

        Tuy nhiên, vì nguyên tắc pháp lý không được viết rõ ràng mà được hàm chứa vào trong các tình tiết của vụ án nên có khả năng người đọc không thể nắm bắt được dẫn đến hiểu sai hoặc trong trường hợp người đọc thiếu kiến thức cơ bản về pháp luật cũng có khả năng hoàn toàn không thể nắm bắt được nguyên tắc pháp lý này. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần cố gắng trình bày nguyên tắc pháp lý được đưa ra trong án lệ dưới hình thức chung không kết hợp với tình tiết cụ thể của vụ án đó (đây là phần gạch chân trong án lệ của Tòa án tối cao Hàn Quốc) như Tòa án tối cao Hàn Quốc.

        Mặt khác những án lệ của Việt Nam được ban hành và công bố cho đến nay đều là bản án, quyết định của Tòa án tối cao và dự kiến trong thời gian tới đa phần án lệ sẽ được ban hành bởi bản án của TANDTC. Vì thế, tôi cho rằng khi đưa ra bản án để Tòa án cấp dưới dễ dàng tham khảo, TANDTC cần phải bỏ việc chỉ chủ yếu liệt kê những tình tiết của vụ án, rồi đưa ra luôn kết luận hoặc chỉ nêu ra quy định pháp luật có liên quan trong bản án chứ không trình bày giải thích về quy định pháp luật đó. Và cần phải đưa ra giải thích pháp luật và nguyên tắc pháp lý trong bản án một cách chủ động  hơn nữa.

Đại biểu tham dự Hội thảo đến từ nhiều Tòa án địa phương

         c.Cách viện dẫn án lệ

        Điều 8 nghị quyết về việc lựa chọn, công bố án lệ do TANDTC ban hành quy định “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án”

        Trên thực tế, các Thẩm phán Việt Nam phải làm như thế nào để viện dẫn án lệ vào trong bản án? Mặc dù Điều 8 Nghi quyết của Tòa án nhân dân tối cao ghi cụ thể về việc viện dẫn nhưng nếu quan sát kỹ thì có thể chia thành nhiều cách viện dẫn cụ thể tùy theo Thẩm phán. Liên quan đến cách viện dẫn án lệ, có lẽ rất khó để đưa ra một phương pháp tuyệt đối.

        Trong khi đó, Tòa án tối cao Hàn Quốc viết án lệ theo cách thức như sau: trước tiên viết nguyên tắc pháp lý chung và trừu tượng liên quan đến vụ việc của bản án đó giống như phần gạch chân trong án lệ nêu trên, sau đó ghi rõ số án lệ đã đưa ra nguyên tắc pháp lý đó. Sau khi ghi như vậy sẽ trình bày tình tiết cụ thể của vụ án, giải thích pháp luật và nguyên tắc pháp lý. Ngoài cách viện dẫn như vậy, tùy theo Thẩm phán có thể viện dẫn bằng cách sau: chỉ đưa ra giải thích pháp luật và nguyên tắc pháp lý đối với vụ việc cụ thể mà mình nhận định và ở phần cuối chỉ viết số án lệ là căn cứ thay vì ghi nguyên tắc pháp lý chung và trừu tượng như trên.

         3.Kết luận

        Hệ thống pháp luật, hệ thống tòa án và nghiệp vụ xét xử như hiện nay của tất cả các nước trong đó có Việt Nam đều dựa trên bối cảnh truyền thống lịch sử. Vì thế, việc Việt Nam lựa chọn cách thức ban hành và công bố án lệ dưới hình thức nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Việt Nam cũng phản ánh truyền thống pháp lý và thực tiễn lâu đời của Việt Nam và cũng đã cân nhắc đến các điều kiện và hạn chế về mặt pháp luật và thực tế để đưa ra phương án tốt nhất. Việc giới thiệu hệ thống án lệ của Hàn Quốc và trình bày một số ý kiến tham khảo mang tính cá nhân trong việc vận hành hệ thống án lệ nhằm mục đích cung cấp tài liệu tham khảo giúp cho hệ thống án lệ của Việt Nam đi vào ổn định, vận hành tốt và đạt hiệu quả cao.

                                                                                                                                   ( lược ghi)

[1] Lệnh thi hành là lệnh của Tổng thống, do Tổng thống ban hành trong trường hợp có quy định của pháp luật về việc ủy quyền hoặc trường hợp cần thiết để thực thi pháp luật. Lệnh này tương tự với Nghị định của Việt Nam. Quy tắc thi hành là lệnh của Bộ trưởng, quy định các nội dung cần thiết để thi hành pháp luật và Lệnh thi hành.

[2] Nếu nhìn vào trường hợp của Trung Quốc, quốc gia có hệ thống án lệ tương tự với Việt Nam, hệ thống lập pháp của Trung Quốc không hoàn thiện, pháp luật có nhiều lỗ hổng, nhiều điểm mâu thuẫn và xung đột với nhau nên việc giải thích tư pháp (tương tự như văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Việt Nam) của Tòa án nhân dân tối cao là rất quan trọng đóng vai trò bổ sung cho công tác lập pháp. Ở Trung Quốc, ngoài việc giải thích tư pháp, Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và ban hành các án lệ hướng dẫn. Trong khoảng thời gian hơn 2 năm kể từ khi ban hành quy định về án lệ hướng dẫn tháng 10. 2010 cho đến tháng 1. 2013, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã công bố tổng số 16 tập án lệ sau 4 lần, mỗi lần 4 tập. Đây là con số rất nhỏ so với tổng số 7.600 văn bản giải thích tư pháp được Trung Quốc ban hành đến đầu những năm 2000. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc đã lựa chọn và công bố nhiều án lệ hướng dẫn hơn. Đến ngày 10 tháng 10 năm 2017, số án lệ hướng dẫn của Trung Quốc là 55 án lệ hướng dẫn dân sự, 14 án lệ hướng dẫn hình sự, 18 án lệ hướng dẫn hành chính. Ngoài án lệ hướng dẫn, Trung Quốc đã lựa chọn những án lệ có giá trị tham khảo trong số các Bản án/ Quyết đinh và đặt tên gọi là án lệ điển hình (典型案例) và án lệ khác (其他案例). Số lượng án lệ điển hìnhán lệ khác nhiều hơn so với án lệ hướng dẫn.

 THÁI VŨ