Vụ kỳ án ở Nhơn Trạch, Đồng Nai: Bài học rút ra từ vụ án kéo dài gần 20 năm

Vụ kỳ án kéo dài 18 năm giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ với bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phong, bà Trần Thị Lan liên quan đến 2 ha đất ở bãi phá hủy bom mìn xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, đã được Chánh án TANDTC ban hành Quyết định kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai. Mới đây Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị, hủy bản án phúc thẩm để TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại.

Hủy án phúc thẩm lần thứ hai

Quyết định Giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TPHCM ngày 25/9/2017 nhận định: Năm 1989, ông Nguyễn Thanh Quang có nhận tiền của bà Lê Thị Mỹ nhờ sang dùm 2 ha đất tại khu vực bãi phá hủy bom mìn thuộc xã Vĩnh Thanh với giá 160.000đ/ha (tương đương 1 chỉ vàng/ha). Sau đó ông Quang có nhận thêm tiền của bà Mỹ để thuê người cày đất, mua cây giống. Do cây chết nhiều, bà Mỹ còn nợ ông Quang tiền trồng cây nên ngày 6/6/1991, ông Quang ký “Tờ sang nhượng đất rẫy màu” có nội dung chuyển nhượng 2 ha đất này cho vợ chồng Nguyễn Xuân Phong và bà Trần Thị Lan. Ông Phong, bà Lan đã nhận đất, trồng cây cao su. Năm 1992, bà Mỹ mới phát hiện và có đơn đề nghị chính quyền giải quyết thu hồi đất trả cho bà Mỹ hoặc bồi thường.

Trong quá trình VKSND huyện Nhơn Trạch giải quyết thì bà Mỹ và ông Quang đều thống nhất là ông Quang sẽ bồi thường tiền sang nhượng và đầu tư cho bà Mỹ sau khi trừ tiền trồng cây mà bà Mỹ còn nợ ông Quang. Ngày 19/5/1992 hai bên thỏa thuận ông Quang bồi thường cho bà Mỹ 5,5 chỉ vàng 24K; ngày 2/7/1993 thỏa thuận mức bồi thường là 18 chỉ vàng 24K, nhưng cả hai lần ông Quang đều không trả được cho bà Mỹ. Do đó có cơ sở xác định từ khi biết ông Quang chuyển nhượng đất cho ông Phong, bà Lan đến năm 1999 thì bà Mỹ không có đơn yêu cầu hủy hợp đồng mà chỉ yêu cầu ông Quang bồi thường số tiền đã bỏ ra.

Đơn khởi kiện ngày 10/8/2013 bà Mỹ lại có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông Phong, bà Lan trả lại 2 ha đất; trong khi bà Mỹ chưa có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất và đất tranh chấp ông Quang đã chuyển nhượng cho ông Phong, bà Lan và người nhận chuyển nhượng đã được UBND huyện Nhơn Trạch cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tòa án cấp phúc thẩm không giải quyết về hợp đồng ký ngày 6/6/1991 giữa ông Quang và vợ chồng ông Phong, bà Lan nhưng lại buộc ông Phong, bà Lan trả cho bà Mỹ 1 ha đất … là không bảo đảm quyền lợi của các đương sự. Đại  diện VKSNDCC tại TP HCM  cũng chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC.


Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phong bên rẫy cao su bị tranh chấp kéo dài

Vì các lẽ trên, Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 50/2017/KN-DS ngày 12/7/2017 của Chánh án TANDTC; hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 247/2015/DS-PT ngày 15/10/2015 của TAND tỉnh Đồng Nai giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ với bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phong, bà Trần Thị Lan; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại.

Trước đó, ngày 12/7/2017, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 50/2017/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 247/2015/DS-PT ngày 15/10/2015 của TAND tỉnh Đồng Nai; đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại”.

Hai lần Chánh án TANDTC kháng nghị hủy án

Theo dõi vụ án này mới thấy, bản án vừa bị hủy là bản án phúc thẩm lần thứ hai của TAND tỉnh Đồng Nai.

Ngày 10/8/1999, sau nhiều năm không được ông Quang thanh toán theo thỏa thuận, bà Mỹ đã khởi kiện khởi kiện ông Phong, bà Lan. Tòa án huyện Nhơn Trạch chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Phong, bà Lan phải thanh toán trị giá 2 ha đất cho bà Mỹ. Bị đơn kháng cáo. Bản án Dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai buộc vợ chồng ông Phong thanh toán giá trị 2 ha đất cho bà Mỹ là 900.000.000 đồng.

Vợ chồng ông Phong khiếu nại, báo chí có nhiều bài viết không đồng tình với hai bản án của hai cấp xét xử tại Tòa án Đồng Nai. Sau tròn 10 năm, đến ngày 11/10/2012 Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã kháng nghị tái thẩm và Quyết định tái thẩm của TANDTC đã hủy Bản án phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai và Bản án sơ thẩm số 58/DSST của TAND huyện Nhơn Trạch.

Ngày 11/7/2014 TAND huyện Nhơn Trạch đưa vụ án ra xử sơ thẩm lại theo Quyết định tái thẩm của TANDTC, đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ đối với ông Phong, bà Phong với nhận định: Vụ việc tranh chấp đã được bà Mỹ và ông Quang giải quyết bằng tự thỏa thuận tại VKSND huyện Nhơn Trạch ngày 19/5/1992, sau đó ông Quang và bà Mỹ lại tự thỏa thuận nâng mức bồi thường từ 5,5 chỉ vàng lên 18 chỉ vàng 24K. Như vậy là vụ việc đã tự giải quyết xong. Do đó, yêu cầu của bà Mỹ đối với ông Phong, bà Lan là không có căn cứ. TAND huyện Nhơn Trạch đã quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Mỹ đối với các bị đơn Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan và dành quyền khởi kiện cho bà Lê Thị Mỹ đối với ông Nguyễn Thanh Quang theo qui định của pháp luật khi có yêu cầu.

Bà Mỹ kháng cáo dẫn đến TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và ban hành bản án số 247/2015/DS-PT ngày 15/10/2015, chấp nhận kháng cáo, buộc ông Phong, bà Lan phải bồi thường cho bà Mỹ 700.000.000 đồng. Phán quyết của TAND tỉnh Đồng Nai gây bức xúc cho bị đơn và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhiều lần có công văn đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì vậy, Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị bản án số 247/2015/DS-PT ngày 15/10/2015 của TAND tỉnh Đồng Nai.

Bài học rút ra từ vụ án

Qua nhiều năm theo dõi vụ án này, chúng tôi thấy chí ít cũng có thể rút ra hai bài về công tác xét xử.

Thứ nhất, xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ pháp luật hay không? Nếu có thì phải xác định là căn cứ pháp luật nào? Đây là vấn đề cơ bản trong giải quyết vụ án dân sự.

Kết quả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần thứ nhất, TAND huyện Nhơn Trạch (bản án dân sự sơ thẩm số 58/DSST ngày 18/6/2002) và TAND tỉnh Đồng Nai (bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002) đều quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ và buộc bị đơn là ông Nguyễn Xuân Phong và bà Trần Thị Lan bồi thường cho bà Mỹ giá trị quyền sử dụng 2 ha đất, tính thành tiền là 900 triệu đồng.

Phán quyết của Tòa án hai cấp ở Đồng Nai là không đúng sự thật khách quan của sự việc, gây thiệt hại cho bị đơn. Cụ thể là thời điểm khởi kiện lần thứ nhất, ngày 10/8/1999, bà Mỹ không tài liệu, chứng cứ nào chứng minh bà Mỹ là người sử dụng hợp pháp 2 ha đất mà bà Mỹ yêu cầu bị đơn bồi thường. Bởi vì, tuy năm 1989 ông Nguyễn Thanh Quang có sang nhượng giúp cho bà Mỹ 2 ha đất nhưng không có giấy tờ chứng minh. Mặt khác do bà Mỹ còn nợ tiền của ông Quang nên ngày 6/6/1991 ông Quang đã sang nhượng 2 ha đất đó cho vợ chồng ông Phong, nhằm mục đích thu tiền nợ của bà Mỹ. Đầu năm 1992, bà Mỹ biết sự việc nên khiếu nại đến chính quyền địa phương, khiếu nại đến VKSND huyện Long Thành. Kết quả là ngày 19/5/1992, VKSND huyện Long Thành có biên bản hòa giải với nội dung là ông Quang và bà Mỹ thỏa thuận với nhau là ông Quang bồi thường cho bà Mỹ 5,5 chỉ vàng 24K. Đến ngày 2/7/1993 ông Quang và bà Mỹ lại thỏa thuận với nhau nâng mức bồi thường từ 5,5 chỉ vàng lên 18 chỉ vàng 24K.

Như vậy là yêu cầu bồi thường của bà Mỹ đã được giải quyết trực tiếp bằng thỏa thuận giữa bà Mỹ với người có nghĩa vụ bồi thường là ông Nguyễn Thanh Quang kể từ 19/5/1992. Sau đó, UBND huyện Nhơn Trạch (tách ra từ huyện Long Thành) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phong, bà Lan.

Năm 2002, do TAND huyện Nhơn Trạch và TAND tỉnh Đồng Nai xác định không đúng căn cứ pháp luật đối với yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ nên đưa ra quyết định buộc vợ chồng ông Phong bà Lan bồi thường là không đúng. Hậu quả pháp lý là tuy bản án có hiệu lực pháp luật nhưng không thi hành được vì dư luận xã hội và ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai cùng một số cơ quan địa phương có đề nghị TANDTC ra kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai.

Ngày 11/10/2012, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã ra quyết định kháng nghị bản án trên đây theo thủ tục tái thẩm. Quyết định tái thẩm của TANDTC đã hủy bản án dân sự sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm của TAND huyện Nhơn Trach, TAND tỉnh Đồng Nai để xét xử sơ thẩm lại.

Kết quả xét xử lại vụ án, TAND huyện Nhơn Trạch đã tự sửa sai bằng bản án dân sự sơ thẩm số 35/2014/DSST ngày 11/7/2014, quyết định: “Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị Mỹ đối với bị đơn ông Nguyễn Xuân Phong, bà Trần Thị Lan”. Bản án này bị kháng cáo, yêu cầu xét xử phúc thẩm.

Bản án dân sự phúc thẩm số 247/2015/DSPT ngày 15/10/2015 của TAND tỉnh Đồng Nai đã giữ nguyên nhận định về việc giải quyết vụ án theo bản án phúc thẩm lần thứ nhất (năm 2002) và quyết định: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Mỹ” và buộc vợ chồng ông Phong bà Lan thanh toán cho bà Mỹ số tiền 700 triệu đồng. Bản án dân sự phúc thẩm này bị khiếu nại.

Khác với việc giải quyết khiếu nại trước đây, chỉ sau một năm kể từ ngày TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm, Chánh án TANDTC đã ra Quyết định số 50/2017/KN-ST kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 247/2015/DSPT ngày 15/10/2015 của TAND tỉnh Đồng Nai. Kết quả như đã nêu ở đầu bài, UBTP của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị và quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm bị kháng nghị, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại.

Hy vọng rằng bản án dân sự phúc thẩm lần thứ ba của TAND tỉnh Đồng Nai sắp tới áp dụng đúng pháp luật, không lặp lại kết quả bị Tòa án cấp trên hủy bỏ như hai bản án trước.

Thứ hai, phải nắm vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự là tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 BLTTDS (2004, sửa đổi bổ sung năm 2011). Cụ thể là việc giải quyết tranh chấp dân sự được thực hiện bằng hai hình thức:

Hình thức 1: Các đương sự tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp với nhau ngoài Tòa án. Hình thức này được pháp luật hóa và quy định tại Điều 415 BLTTDS năm 2015.

Hình thức 2: Đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định mà bắt đầu là khởi kiện vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án được thực hiện hình thức các đương sự tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp với nhau thông qua phiên hòa giải do Tòa án tổ chức, được quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015.

Ảnh đầu bài: Trụ sở TAND tỉnh Đồng Nai – Ảnh Nguyễn Xuân Thắng

ĐỖ VĂN CHỈNH