Người cai nghiện ma túy tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấp phép và quản lý hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2018.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện

Một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP được sửa đổi. Trong đó Điều 21 về  Hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện được sửa đổi, bổ sung, gồm 5 khoản.

-Giao dịch giữa người có nhu cầu cai nghiện ma túy và cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy là quan hệ dân sự, được thực hiện thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện. Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi có nhu cầu cai nghiện ma túy phải thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ.

-Khi tiến hành giao kết hợp đồng, người thực hiện giao kết hợp đồng phải chứng minh nhân thân bằng một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy khai sinh; giấy phép lái xe.

-Ngay khi người có nhu cầu cai nghiện ma túy đề xuất nhu cầu sử dụng dịch vụ cai nghiện ma túy và chứng minh nhân thân, cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người cai nghiện, quyền và nghĩa vụ của cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện.

-Hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện được ký kết giữa người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy và người có nhu cầu cai nghiện ma túy hoặc cha, mẹ, người giám hộ đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi. Hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

-Khi tiếp nhận người tự nguyện cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện phải kiểm tra, lập biên bản tiếp nhận người nghiện ma túy, đồ dùng cá nhân và tư trang (nếu có); khám sức khỏe ban đầu”.

Điều 23 về kết thúc hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyệnđược sửa đổi, bổ sung gồm 3 khoản:

-Khi hoàn thành hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện, các bên tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự. Đồng thời, người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy phải cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành Chương trình cai nghiện ma túy tự nguyện cho người đã cai nghiện ma túy theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện khi kết thúc hợp đồng mà chưa đủ 18 tuổi thì Cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy có trách nhiệm bàn giao người đã cai nghiện cho cha, mẹ hoặc người giám hộ.

-Trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra vi phạm hợp đồng cai nghiện ma túy tự nguyện thì các bên tiến hành thương lượng. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng thì giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

-Người đi cai nghiện ma túy tự nguyện đang trong thời gian Điều trị cắt cơn, giải độc, Điều trị rối loạn tâm thần và phục hồi sức khỏe không được chấm dứt hợp đồng trừ trường hợp có chỉ định của Bác sỹ.

Chế độ chính sách đối với người đi cai nghiện ma túy tự nguyện

Nghị định bổ sung Điều 2a sau Điều 2 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP về chế độ chính sách đối với người đi cai nghiện ma túy tự nguyện như sau:

-Chế độ chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định tại Nghị định này được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 48a và Điều 48b Nghị định số 135/2004/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này.

-Chế độ chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện theo khoản 1 Điều này được thực hiện thí điểm từ năm 2018 đến năm 2020 tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ.

Nghị định bổ sung Điều 2b sau Điều 2 và Điều 2a Nghị định số 147/2003/NĐ-CP về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện như sau:

– Thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tối thiểu là 6 tháng, gồm: Điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe; giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

-Thời gian Điều trị cắt cơn, giải độc, Điều trị rối loạn tâm thần và phục hồi sức khỏe tối thiểu là 20 ngày.

Khuyến khích các địa phương hỗ trợ cao hơn quy định

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP. Trong đó Điều 28 về Hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện được sửa đổi là “thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP.”

Điều 29 về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện được sửa đổi là “thực hiện theo quy định tại Điều 2b Nghị định số 147/2003/NĐ-CP .”

Điều 48 về Kết thúc hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện được sửa đổi là “thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP.”

Nghị định bổ sung Điều 48a sau Điều 48 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với người đi cai nghiện ma túy tự nguyện như sau:

-Ngân sách nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập.

-Ngân sách nhà nước hỗ trợ 95% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ; Điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường đối với các đối tượng: Thương binh; Người bị nhiễm chất độc hóa học và suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;  Người thuộc hộ nghèo; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; Trẻ em mồ côi; Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

-Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách và dự kiến số lượng người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở công lập thuộc phạm vi quản lý quyết định: Mức hỗ trợ cao hơn, đối tượng mở rộng hơn ngoài chế độ quy định tại khoản 1 và 2 Điều này. Mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.  Mức hỗ trợ chỗ ở cho người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.”

Nghị định bổ sung Điều 48b sau Điều 48 và Điều 48a Nghị định số 135/2004/NĐ-CP về nguồn kinh phí thực hiện chế độ cai nghiện ma túy tự nguyện là “Nguồn kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước.”

Bãi bỏ Điều 19, Điều 20 và Điều 22 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP và Điều 26, Điều 27 và Điều 49 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP.

 

 

LÊ THỊ CHUNG (CĐ DLHN)