Nâng cao hiệu quả khai thác mạng xã hội phục vụ công tác phòng và chống tội phạm

Sự xuất hiện và phổ biến của các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook… đã tác động nhiều đến các mặt của đời sống xã hội. Không ít các vấn đề về an ninh trật tự đã nảy sinh khi mạng xã hội bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội hoặc tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, mạng xã hội đã và đang là trợ thủ đắc lực cho công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát các nhân dân…Bài viết đề cập đếnmột số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác mạng xã hội phục vụ phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Trong thời đại hiện nay, Công nghệ thông tin, Internet, và các dịch vụ trực tuyến đang thay đổi cuộc sống của con người, và đóng góp một phần quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Trước nhu cầu được tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời, internet đã trở nên phổ biến, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với mỗi người, đặc biệt số người tham gia vào mạng xã hội ngày càng đông do tính tương tác cao, kết nối rộng rãi với cộng đồng, không phân biệt không gian và thời gian, thông tin nhanh chóng và rộng khắp trên toàn thế giới. Theo thống kê của Cục Công nghệ tông tin – Bộ Thông tin và truyền thông năm 2017 có khoảng hơn 40% dân số thế giới có kết nối Internet, 72% trong số người dùng có sử dụng mạng xã hội.Có thể kể đến một số trang mạng xã hội phổ biến và có sô lượng người tham gia đông đảo như: What App (1 tỷ người tham gia), QQ của Trung Quốc (860 triệu người), WeChat (650 triệu người), Qzone (653 triệu người), Tumblr (555 triệu người), Instagram (400 triệu người), Twitter (320 triệu)… và mạng xã hội có số người tham gia nhiều nhất đó là Facebook (1,59 tỷ người dùng).Xuất hiện trong vài năm gần đây, Facebook nổi bật hơn những trang mạng xã hội khác do nhiều tính năng tiện ích mà số người tham gia ngày càng nhiều và có sức lan tỏa nhanh chóng. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Facebook. Việc khai thác thế mạnh của các mạng truyền thông xã hội là việc hoàn toàn thích hợp với các nước đang phát triển, nhất là tại Việt Nam – nơi đang có cơ sở hạ tầng mạng Internet và viễn thông thuộc loại phổ cập nhất thế giới.

Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 35 triệu người dùng Facebook hoạt động hàng tháng, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook. Trong số đó, 21 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam truy cập hàng ngày vào mạng xã hội này thông qua thiết bị di động. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng người dùng lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (82 triệu người) và Thái Lan (37 triệu người).Ngoài mạng xã hội Facebook, ở Việt Nam cũng xuất hiện những mạng khác thu hút đông đảo các thành viên tham gia như Yahoo, Zalo, Zingme, Youtube, Viber…. Với chức năng kết nối và chia sẻ thông tin nhanh chóng và rộng rãi, mạng xã hội đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng phục vụ nhu cầu tiếp cận, nắm bắt các thông tin của đại đa số người tham gia, trong đó có lực lượng Cảnh sát nhân dân.

  1. Sử dụng mạng xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Mạng xã hội hiện nay có thể làm cầu nối giữa quần chúng nhân dân với lực lượng Cảnh sát nhân dân qua các thông tin được chia sẻ, bằng việc khai thác có hiệu quả trang mạng, có thể xem đây là công cụ, kênh thông tin tương tác với nhân dân, tiếp nhận phản ánh của người cùng kết nối, từ đó lực lượng Cảnh sát nhân dân có thể sử dụng để tuyên truyền có hiệu quả, vận động nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ việc thực thi nhiệm vụ của mình trong nắm tình hình, thu thập các nguồn tin có giá trị để chủ động xây dựng các phương thức đấu tranh có hiệu quả với nhiều loại tội phạm, góp phần đổi mới phương thức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đồng thời giúp lực lượng Cảnh sát nhân dân có điều kiện để triển khai sâu rộng các mặt công tác nghiệp vụ.

Thực tiễn đã cho thấy hiệu quả từ mô hình của Công an TP Đà Nẵng đã lập 2 trang facebook là “Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng” và “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng”, mỗi trang có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng có chung một mục đích là góp phần nâng cao phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trang “Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng” được thành lập từ cuối năm 2014, đến nay đã có hơn 50.000 thành viên tham gia. Qua hai năm hoạt động trang đã góp phần tuyên truyền rộng rãi đường lối, chính sách của Đảng, tuyên truyền những hình ảnh đẹp, gương người tốt, việc tốt, giúp xây dựng hình ảnh đẹp của Công an thành phố trong mắt người dân và du khách. Bên cạnh đó, Công an TP còn nhận được rất nhiều tin tức, phản ánh của nhân dân có liên quan đến các loại tội phạm như ma túy, buôn lậu, thông tin các đối tượng truy nã …, các thông tin đều được phân loại và chuyển cho các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Đà Nẵng xử lý.

Từ những tin tức tài liệu đa dạng, phong phú thu được từ quần chúng nhân dân cung cấp là cơ sở để lực lượng Cảnh sát nhân dân đấu tranh, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là động lực quan trọng để nâng cao ý thức tự giác của hàng chục triệu người tham gia vào công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc ở từng đường phố, từng tổ dân phố, phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp tạo thành thế chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh trấn áp tội phạm tạo thành một thế trận an toàn về an ninh trật tự.

  1. Sử dụng mạng xã hội trong phòng chống tội phạm

Từ mạng xã hội, lực lượng cảnh sát nhân dân có thể nắm bắt được xu hướng hoạt động của tội phạm, các diễn biến của một nhóm đối tượng hoặc các thông tin khác để chủ động phòng ngừa hoặc dự báo trước tình hình, lập các kế hoạch, chính sách ứng phó cho phù hợp.

Với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, người dùng mạng xã hội Facebook dễ dàng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả từ đó tác động đến ý thức của mọi người. Tận dụng  được tất cả mọi tầng lớp nhân dân, với trình độ nhận thức đa dạng trong xã hội.  Khi trao đổi một vấn đề sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, phản biện thì mạng xã hội facebook sẽ là môi trường giúp chúng ta trao đổi, giải thích cho nhân dân biết và định hướng được dư luận xã hội phục vụ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền.Cụ thể, thông qua phương tiện này để tuyên truyền giúp nhân dân nhân thức rõ về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm.Thông qua facebook có thể đăng tải, chia sẻ các bài viết nhằm giáo dục, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, phát huy tinh thần trách nhiệm của nhân dân tham gia phòng ngừa đấu tranh chống.

Qua hoạt động “tuần tra” nắm bắt thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội, lực lượng cảnh sát có thể truy nguyên được nguồn gốc thông tin để tìm ra đối tượng phạm tội hoặc địa chỉ nghi vấn từ đó phát hiện ra những thông tin về tội phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Những thông tin về tội phạm được chia sẻ rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, trang blog ngày càng nhiều.Đây chính là điều kiện thuận lợi để giúp cho lực lượng Cảnh sát nhân dân có kênh thông tin, nắm tình hình, thu thập chứng cứ, xác định căn cứ điều tra, xác minh truy bắt tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ với một chiếc điện thoại có thể quay, chụp hình lại, mỗi cư dân tham gia mạng xã hội đều có thể trở thành một camera an ninh ở khắp nơi hay các nguồn live-stream trên mạng Internet có thể được sử dụng như một phương pháp thu thập thông tin về tội phạm góp phần cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm hay các hành vi vi phạm pháp luật vô cùng hiệu quả

Với việc trung bình mỗi người dùng facebook tại Việt Nam sử dụng 2,5 giờ mỗi ngày trên facebook thì mỗi cú “kích chuột” là một sự trao đổi thông tin nhanh chóng. Mọi người dân đều có thể tố giác tội phạm cho lực lượng Cảnh sát nhân dân thông qua facebook, từ đó lực lượng Cảnh sát nhân dân có thể trao đổi trực tiếp với người cung cấp tin để làm rõ vấn đề, xác định rõ được lai lịch của người cung cấp tin, các thông tin cung cấp có hình ảnh, video về đối tượng hoặc quá trình phạm tội từ đó giúp lực lượng công an có cơ sở để điều tra, khám phá nhanh các vụ án.Hiện nay đa số người dân đều sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) do đó họ hay sử dụng điện thoại để ghi lại những vụ việc tại hiện trường, nơi họ chứng kiến vụ việc và đưa nó lên mạng xã hội. Lực lượng công an có thể tiếp nhận được vụ việc, thu giữ được chứng cứ (video) để điều tra, đấu tranh, xử lý vụ việc, điều mà trước đây chúng ta không thể làm được nếu bị hại không khai báo.

Đồng thời những chứng cứ này có thể sử dụng để vận động đối tượng truy nã ra đầu thú: Việc đăng tải thông tin, hình ảnh đối tượng truy nã trên mạng xã hội sẽ được rất nhiều người chia sẻ, thông tin sẽ đi nhanh hơn, rộng hơn đến tất cả mọi người, từ đó nhân dân có thể cung cấp thông tin cho lực lượng Cảnh sát nhân dân, thay vì chỉ đăng tin trên truyền hình, hay đăng tải trên các website.

Việc đăng tải, đưa tin về các vụ việc vi phạm pháp luật cũng góp phần giáo dục, răn đe những người đang có nguy cơ vi phạm, họ sẽ thấy được hậu quả về mặt pháp lý mà mình sẽ nhận, thấy được dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ, lên án để từ đó không dám vi phạm.

Nhân dân khi nắm bắt được những thông tin cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người cần phải giáo dục tại cộng đồng dân cư.Facebook giúp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị, giữ gìn vệ sinh mỹ quan nơi công cộng. Những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, hay vức rác bừa bãi, nhưng hành vi đó được ghi lại và chia sẻ trên facebook sẽ là lời “răn đe” trực quan nhất với các đối tượng vi phạm.Điển hình như, sáng ngày 5/12/2017, Bùi Đức Phương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ An ninh Việt Nhật (đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình), nổ súng hăm dọa bà Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Chứng kiến vụ việc, một người dân bất bình, ghi hình rồi tung lên Facebook. Từ thông tin trên mạng xã hội, công an quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc. Qua điều tra, Công an quận Tân Bình phát hiện Phương có hành vi làm giả thẻ ngành công an và các tài liệu liên quan đến đồng phục công an nhân dân nên ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Đức Phương về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.

Có thể thấy rằng, mạng xã hội là một khía cạnh tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa, trong đó có lĩnh vực công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân cảnh sát. Nhận thức được vai trò của mạng xã hội trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác mạng xã hội  phục vụ phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân như sau:

Thứ nhất,Lực lượng Cảnh sát nhân dân có vai trò chủ công trong đấu tranh phòng chống tội phạm cần không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh PCTP liên quan đến mạng xã hội.các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ư và có biện pháp xử lý phù hợp.

Thường xuyên mở lớp tập huấn, bối dưỡng kiến thức pháp luật, tin học nghiệp vụ chuyên sâu, trình độ về ngoại ngữ, công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực khai thác thông tin tội phạm, từ mạng xãhội. Đặc biệt các lớp đào tạo chuyên sâu về “phân tích và đánh giá chất lượng thông tin”.

Thứ hai,Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan đến hạ tầng mạng viễn thông để thiết lập hệ thống dữ liệu cơ sở để chủ động và nâng cao hiệu quả giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để.

Công an các địa phương cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao, bồi dưỡng kỹ chiến thuật trong khai thác các thông tin mạng xã hội phục vụ phòng chống tội phạm. Cung cấp và hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ hoạt động này.Chủ động học tập kinh nghiệm từ quốc tế, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật nghiệp vụ tiên tiến trong hoạt động điều tra.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế kênh ASENAPOL, INTERPOL các quốc gia có quan hệ tương trợ tư pháp với Việt Nam nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, nhất là thông tin tội phạm để nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Thông qua các buổi hội thảo nghiên cứu khoa học, trao đổi thực tiễn đã được tiến hành và cảnh sát các nước đã tìm ra được nhiều bài học kinh nghiệm hay, biện pháp tốt để khai thác mạng xã hội để giúp sức cho hoạt động nghiệp vụ của mình.

Thứ ba,Có chính sách phù hợp đối với những người cung cấp thông tin về tội phạm qua mạng xã hội.

Hiện có 2 dạng thông tin tố giác tội phạm. Thứ nhất, tố giác bằng cách gửi đơn trực tiếp đến cơ quan công an. Thứ hai, có thể thông qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. Riêng mạng xã hội, những hình ảnh người thật việc thật trong video clip là bằng chứng đủ sức mạnh tố giác tội phạm. Do đó, để khuyến khích người dân cung cấp thông tin, cần có biện pháp can thiệp cần thiết, cam kết từ cơ quan công an trong việc giữ bí mật thông tin người tố giác, bảo vệ an toàn tính mạng cho họ. Ngoài ra, cần có chính sách khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích người dân tham gia phòng chống tội phạm.

Thứ tưtăng cường công tác tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng chống tội phạm; Tích cực cung cấp các thông tin về tội phạm cho cơ quan chức năng. Qua đó tham gia tích cực vào việc phát hiện tố giác tội phạm, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh trật tự./.

Thượng úy, Th.sy NGUYỄN VĂN SÁNG Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm – T32