Quy trình tố tụng sau khi cơ quan thanh tra chuyển điều tra

Thời gian qua, trong quá trình thanh tra tại một số Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều vụ việc không đơn thuần là sai phạm kinh tế – dân sự mà có dấu hiệu sai phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên theo Luật, cơ quan thanh tra lại không có thẩm quyền khởi tố hình sự, nên đã chuyển cơ quan có thẩm quyền điều tra – cơ quan công an. Vậy quy trình tố tụng sau khi cơ quan thanh tra chuyển cơ quan điều tra sẽ diễn ra thế nào? dựa trên quy định pháp luật nào?

Thanh tra phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu sai phạm hình sự

Ngày 16/01/2018 Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành Thông báo số 84/TB – TTCP kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30/6/2015. Qua kết luận thanh tra tại TKV và một số đơn vị thành viên, tổng số tiền và đất đai được phát hiện và kiến nghị xử lý lên tới trên 14.882,4 tỷ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà, đất. Trong đó kết luận cũng nêu rõ: Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền. Hậu quả là một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị lớn. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để xem xét, điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Thứ nhất là vụ TKV và các doanh nghiệp (Công ty cổ phần Xi măng Hữu Nghị – Phú Thọ, Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang và Công ty cổ phần Bình Nguyên – Đắk Nông) đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế về điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến mất vốn giá trị trên 30 tỷ đồng.

Thứ hai, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc TKV và Tổng công ty Khoáng sản (thời kỳ trước 31/12/2005) đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vay vượt thẩm quyền… Hậu quả là một số khoản đầu tư không có hiệu quả, thua lỗ, mất giá trị rất lớn.

Cụ thể tại Công ty Southern Mining Co.,Ltd lãng phí, mất vốn 77,6 tỷ đồng. Vi phạm các quy định của pháp luật trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đầu tư, quyết định chủ trương góp vốn cổ phần, sử dụng nguồn vốn không đúng quy định để đầu tư dẫn đến không mang lại hiệu quả, lỗ, mất vốn đầu tư trên 76,4 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Vận tải thuỷ – Vinacomin; tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà mất vốn gần 47,9 tỷ đồng; tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh nợ không có khả năng thu hồi gần 52,6 tỷ đồng; Công ty Kim loại màu Thái Nguyên bảo lãnh không đúng thẩm quyền phải trả nợ thay ngân hàng Eximbank 13.785.678 USD; việc đầu tư, thành lập Công ty cổ phần Crômit Cổ Định Thanh Hoá không có hiệu quả, gây lãng phí số tiền gần 437 tỷ đồng.

Vụ thứ ba là việc thực hiện đầu tư một số khoản ra nước ngoài nhưng không có sự điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án, quyết định đầu tư phù hợp với thực tế, khả thi và hiệu quả theo quy định. Điều này dẫn đến lỗ, mất vốn trên 303 tỷ đồng (Công ty liên doanh khai khoáng Stung Treng, Campuchia 111,45 tỷ đồng; Công ty liên doanh Alumia, Campuchia thăm dò mỏ bauxite 184,78 tỷ đồng; Công ty TNHH Vinacomin-Lào Cai khai thác mỏ muối 37,9 tỷ đồng và dự án Mỏ sắt Phu Nhuon, Lào…).

Cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm về quản lý tài chính, đầu tư góp vốn của Ban lãnh đạo TKV và các đơn vị thành viên
Cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm về quản lý tài chính, đầu tư góp vốn của Ban lãnh đạo TKV và các đơn vị thành viên

Vụ việc thứ tư là nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển đất đá tại 2 công ty than Đèo Nai và Cao Sơn vi phạm quy định về sử dụng đăng kiểm tải trọng xe, với tổng khối lượng trên 43,4 triệu m3, trị giá 347,6 tỷ đồng.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính, đầu tư góp vốn không chỉ xảy ra ở TKV, mà tình trạng này còn xảy ra ở nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước khác như PVN, Petrolimex, VRG…

Hay mới đây, Thanh tra chính phủ đã có Thông báo số 356 công bố kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng Cty viễn thông Mobifione mua 95% cổ phần của Cty nghe nhìn toàn cầu (AVG), kết luận thanh tra đã khẳng định, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã dẫn tới nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng; trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG của Thanh tra Chính phủ; trong đó có kiến nghị chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an xem xét khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG sáng ngày 23/3 (nguồn ảnh: vtc.vn)
Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG sáng ngày 23/3 (nguồn ảnh: vtc.vn)

Quy trình tố tụng sau khi cơ quan thanh tra chuyển điều tra

Quy trình tố tụng sau khi cơ quan thanh tra chuyển cơ quan điều tra được xác định là thời điểm mà các quan hệ tố tụng khởi phát, đó cũng là cơ sở cho việc thực hiện các quy định pháp luật tố tụng hình sự khác liên quan đến sự kiện pháp lý phải điều chỉnh.

Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự cụ thể như sau: “Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.”

Như vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu trên, dẫn chiếu những vụ việc sai phạm mà cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét, khởi tố thì cơ quan điều tra sẽ xem xét theo quy định tại khoản 4 Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (xem xét khởi tố vụ án dựa trên kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước).

Phân tích sâu về quy trình này, Luật sư Trần Đại Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Luật Trần Nguyễn cho biết: Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng và từ đó các quan hệ tố tụng bắt đầu phát sinh. Tầm quan trọng và ý nghĩa mở đầu một quá trình tố tụng của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự nằm ở chỗ, chính trong giai đoạn này các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trên cơ sở những thông tin ban đầu thu thập được đi đến xác định có hay không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Dựa trên cơ sở đó cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phù hợp.

Khi phát sinh những quan hệ tố tụng thì cũng là lúc có thể nảy sinh các vấn đề liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia các quan hệ đó. Vì thế việc xác định căn cứ khởi tố nhằm hạn chế tối đa những khả năng vi phạm các quyền cơ bản của công dân đồng thời xác định thời điểm mà các quan hệ tố tụng được khởi phát là cơ sở cho việc thực hiện các quy định pháp luật tố tụng hình sự khác liên quan đến sự kiện pháp lý phải điều chỉnh.

Việc khởi tố vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ hoạt động tố tụng tiếp theo. Cuộc điều tra có đạt được kết quả khách quan, toàn diện và đầy đủ hay không, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản và các quyền tự do dân chủ khác của công dân được pháp luật thừa nhận có được thực sự tôn trọng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện đúng đắn và nghiêm chỉnh những quy định về khởi tố vụ án hình sự.

Để loại trừ những trường hợp oan sai, điều luật quy định khả năng duy nhất cho phép khởi tố vụ án, đó là khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định có dấu hiệu tội phạm dựa trên 6 căn cứ được quy định chi tiết tại Điều 143.

Đối với những sai phạm tại một số Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước thời gian qua được cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố, điều tra thì cơ quan điều tra cũng sẽ thận trọng xem xét theo quy trình trên, đặc biệt cơ quan điều tra sẽ chỉ khởi tố vụ án khi xác định có dấu hiệu tội phạm.

Dấu hiệu tội phạm chính là những tài liệu ban đầu về sự kiện phạm tội nói chung, chưa phải tài liệu về người phạm tội cụ thể nào. Tôi cũng xin lưu ý một thực tế cho thấy có những trường hợp lúc đầu mới chỉ biết những thông tin về sự kiện nhưng khi kiểm tra thì sự kiện đó không đủ dấu hiệu tội phạm. Điều luật quy định trên cơ sở đó xác định căn cứ để khởi tố vụ án mà chưa nói đến khởi tố bị can bởi vì những dấu hiệu ban đầu đó chỉ mới cho phép xác định có tội phạm xảy ra còn ai là người có hành vi phạm tội thì cần thiết phải tiến hành những hoạt động tố tụng hình sự khác sau khi khởi tố vụ án mới có thể xác định được. Cũng vì thế, luật quy định khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vụ án hình sự ngay để làm cơ sở cho các hoạt động điều tra, chứ không được đợi đến khi phát hiện ra người phạm tội thì mới quyết định khởi tố. Đồng thời luật cũng chưa cho phép quyết định khởi tố bị can ngay đồng thời với khởi tố vụ án.

Việc xác định có dấu hiệu tội phạm chính là căn cứ cần và đủ để khởi tố vụ án hình sự. Dấu hiệu tội phạm được xác định trên cơ sở những thông tin thu được từ những nguồn nhất định. Điều 143 quy định 6 nguồn thông tin cụ thể làm cơ sở xác định có dấu hiệu tội phạm.

Bằng việc khởi tố vụ án hình sự, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra văn bản xác định có dấu hiệu tội phạm để tiến hành cuộc điều tra theo tố tụng hình sự. Theo quy định hiện hành thì: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân,

Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm có thể khởi tố vụ án hình sự.

Chỉ sau khi đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì mới được thực hiện các hoạt động tố tụng khác như bắt người, khám xét, trừ một số trường hợp luật định. Khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải căn cứ vào một trong những cơ sở được nêu ở Điều 143 của Bộ luật tố tụng hình sự, phân tích, đánh giá để đi đến những kết luận: Có sự việc đã xảy ra hay không, thời gian, địa điểm, diễn biến sự việc…; Sự việc có đủ dấu hiệu một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành hay không ?

Xác định dấu hiệu của tội phạm ở giai đoạn này là xác định những dấu hiệu hành vi và sự kiện phạm tội. Luật chưa yêu cầu phải xác định người phạm tội. Để xác định được người phạm tội thường phải trải qua một loạt các hoạt động điều tra mà thông thường được tiến hành sau khi đã khởi tố vụ án hình sự. Để xác định dấu hiệu tội phạm làm căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự, phải phân tích trong những nguồn tin ban đầu mà luật quy định là cơ sở xác định dấu hiệu tội phạm.

Cần phân biệt dấu hiệu, cơ sở và căn cứ để khởi tố vụ án. Những nguồn thông tin (trong trường hợp này nguồn cơ sở là kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước) chỉ mới là những cơ sở ban đầu để cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nghiên cứu (xác minh, thẩm tra hay bằng các biện pháp tố tụng hình sự khác…) nhằm xác định có đủ hay không căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Điều đó có nghĩa là những nguồn tin đó chưa phải là căn cứ khởi tố mà chúng mới chỉ là nguồn, là cơ sở hàm chứa những thông tin cho phép đi đến kết luận có căn cứ hay không để khởi tố vụ án hình sự.

Nói cách khác, có thể có những cơ sở nêu tại Điều 143 nhưng vẫn không khởi tố vụ án hình sự khi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thấy rằng không có căn cứ để khởi tố. Ngược lại, cơ quan tiến hành tố tụng không thể tìm những căn cứ ở đâu khác ngoài những cơ sở nêu ở Điều 143 để xác định căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Những thông tin từ các nguồn không thỏa mãn là một trong sáu cơ sở (nguồn) quy định ở Điều 143 không thể làm cơ sở xác định căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Theo Phaply.vn

THÀNH CHUNG