Hội đồng xét xử ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự như thế nào?

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của BLTTDS năm 2004, trong đó có bổ sung quy định về quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự khi lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn, đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền ra quyết định này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả luận bàn quy định của BLTTDS năm 2015 về việc Hội đồng xét xử (HĐXX) ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, từ đó chỉ ra vướng mắc trong thực tiễn và đưa ra kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1.Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của HĐXX

Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định cụ thể tại Điều 219 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:

1. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 219 nêu trên thì thẩm quyền ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự tại phiên tòa thuộc HĐXX.

Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự, tại Mẫu số 44-DS là Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự (dành cho HĐXX). Như vậy, trước đó việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do HĐXX quyết định, nay lý do tạm đình chỉ không còn thì HĐXX phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

Theo Mẫu số 44-DS nêu trên hướng dẫn thì HĐXX ký quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự là hoàn toàn đúng với quy định tại khoản 2 Điều 219 BLTTDS 2015.

2.Thực tiễn áp dụng

Có thế thấy, quy định của BLTTDS năm 2015 đã khắc phục khiếm khuyết, hạn của pháp luật tố tụng trước đây (Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, BLTTDS năm 2004) không quy định về việc quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự sau khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Tuy nhiên, với quy định tại khoản 2 Điều 219 BLTTDS năm 2015, vấn đề đặt ra là HĐXX ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự như thế nào? Có phải mở phiên tòa hay chỉ họp để ra quyết định? Đây chính là một trong những hạn chế của BLTTDS năm 2015 trong thực tiễn áp dụng để giải quyết các vụ án dân sự.

Về vấn đề này, hiện nay đang tồn tại các quan điểm khác nhau, cụ thể:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không phải mở phiên tòa để ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Việc ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, mặc dù HĐXX ký ban hành nhưng sau khi ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án thì thời hạn xét xử được tính lại từ đầu, việc giải quyết vụ án còn phải tiến hành nhiều thủ tục theo quy định của BLTTDS, chưa xét xử ngay được. Vì vậy, không cần thiết phải mở phiên mà HĐXX chỉ cần họp để ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: BLTTDS quy định việc ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của HĐXX và theo quy định tại Điều 235[1] của BLTTDS quy định về thủ tục ra bản án và quyết định của Tòa án tại phiên tòa thì quyết định về các vấn đề khác được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa (khoản 3). Do đó, HĐXX phải mở phiên tòa để ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.

Như vậy, dù theo quan điểm nào thì trường hợp trước đó, tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214[2] của BLTTDS năm 2105 không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Với các quy định nêu trên của BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của BLTTDS không còn, HĐXX phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

3.Kiến nghị, đề xuất

Qua nghiên cứu, tác giả thấy, về mặt khoa học pháp lý thì trước đó, tại phiên tòa, HĐXX đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nên khoản 2 Điều 219 BLTTDS năm 2015 quy định HĐXX có thẩm quyền ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự là hợp lý. Tuy nhiên, quy định này lại không phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án dân sự. Bởi lẽ, sau khi ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì không còn sự hoạt động của phiên tòa. Tòa án cũng không thể mở phiên tòa khi chưa có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Hơn nữa, theo quy định tại điểm b[3] khoản 1 Điều 203 của BLTTDS năm 2015 thì trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Và sau khi ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp; Tòa án phải thực hiện các thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án chứ không phải tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án. Vì vậy, quy định HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa tại khoản 3 Điều 235 BLTTDS năm 2015 không thể áp dụng cho trường hợp này. Trong khi đó, BLTTDS năm 2015 lại không quy định HĐXX ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án như thế nào?

Theo tác giả, đây là vướng mắc cần phải được xử lý khi sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2105. Tuy nhiên, trước mắt, rất cần sự hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để Tòa án các cấp có thể thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử.

Để bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật, bảo đảm sự thuận tiện cho người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, tiết kiệm chi phí về tiền, công sức đi lại, thời gian và phù hợp với quy định của BLTTDS năm 2015 cũng như tương thích với hướng dẫn tại Mẫu số 44-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP, theo tác giả, cần hướng dẫn cụ thể như sau: Trường hợp tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày lý do của tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của BLTTDS không còn, Hội đồng xét xử phải họp để ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

Đồng thời, để bảo đảm sự thống nhất trong BLTTDS, cần luật hóa nội dung trên vào khoản 2 Điều 219 của BLTTDS năm 2015.

 

 

[1] Điều 235 BLTTDS 2015 quy định:

Điều 235. Thủ tục ra bản án và quyết định của Tòa án tại phiên tòa. 

Bản án phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.

Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên tòa, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm ngừng phiên tòa phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản.

Quyết định về các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập thành văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

 

[2] Điều 214 BLTTDS 2015 quy định:

“Điều 214. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

  1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
  2. a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
  3. b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
  4. c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
  5. d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;

đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

  1. e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
  2. g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;
  3. h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
  4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.”

 

[3] Điểm b khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định:

“Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử

  1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:
  2. a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
  3. b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

 

NGỌC TRÂM