Tiêu chí xác định hòa giải thành, đối thoại thành

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nên sự thống nhất trong hệ thống Tòa án nhân dân trong việc xác định những vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành, ngày 20/3/2018, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 55/TANDTC-PC về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Những vụ việc nào được xác định hòa giải thành, đối thoại thành?

Theo Công văn số 55/TANDTC-PC thì nguyên tắc chung để xác định hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính là:

– Đối với vụ án được xác định là hòa giải thành, đối thoại thành là vụ án dân sự, vụ án hành chính sau khi thụ lý Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại mà sau khi hòa giải, đối thoại, người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc các đương sự thống nhất được với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án không phải đưa vụ án ra xét xử.

– Đối với việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, Thẩm phán tiến hành  mà sau khi hòa giải, vợ chồng đoàn tụ.

Đồng thời Công văn nêu trên cũng hướng dẫn các tính vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Vụ việc dân sự hòa giải thành

Vụ việc dân sự được tính là vụ việc hòa giải thành bao gồm:

(1) Các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án và được Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận theo quy định tại Điều 212 và Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự;

(2) Sau khi hòa giải, nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự;

(2) Vụ án ly hôn, tranh chấp con nuôi, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ chồng thống nhất đoàn tụ cũng được xác định là trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện (theo hướng dẫn tại mục 4 Phần II Giải đáp số 01/2018/TANDTC-GĐ ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao)

(4) Vụ án ly hôn, tranh chấp con nuôi, chia tài sản khi ly hôn sau khi được Thẩm phán tiến hành hòa giải mà các đương sự không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung và được Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại các điều 212, 213 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

(5) Việc dân sự yêu cầu thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ và được Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Vụ án hành chính đối thoại thành

Vụ án hành chính được xác định là đối thoại thành gồm:

(1) Vụ án, qua đối thoại mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện; Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính 2015;

(2) Vụ án sau khi đối thoại, người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện rút đơn như đã cam kết tại phiên họp đối thoại; Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 3 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính 2015;

Với phong trào thi đua: “Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hòa giải vụ án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” được phát động theo Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 03/10/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, gắn kết quả của phong trào thi đua này với việc bình xét các danh hiệu thi đua; đổi mới, hoàn thiện chỉ tiêu thi đua khen thưởng theo hướng coi trọng công tác hòa giải (01 vụ án hòa giải thành được tính bằng 02 vụ án xét xử), Công văn số 55/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao sẽ tạo nên sự thống nhất trong việc xác định, tính vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành trong hệ thống Tòa án nhân dân; đồng thời, tạo động lực để Thẩm phán trong toàn hệ thống Tòa án nỗ lực, kiên trì trong công tác hòa giải, đối thoại.

NGỌC TRÂM