Tuổi kết hôn, tuổi của con được đưa ra nguyện vọng… trong Luật HNGĐ năm 2014

Nhà nước ta trải qua 4 lần ban hành Luật Hôn nhân và gia đình ( LHN-GĐ), đó là LHN-GĐ năm 1959, năm 1986, năm 2000 và năm 2014. LHN-GĐ năm 2014 đã có những thay đổi về tuổi kết hôn, tuổi đưa ra nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn…

Tuổi kết hôn 

Tuổi kết hôn được quy định trong các LHN-GĐ là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và là điều kiện để xác định hôn nhân hợp pháp. Nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên nam nữ chưa đạt đến độ tuổi theo quy định của LHN-GĐ thì được xác định là vi phạm về độ tuổi kết hôn hay còn được gọi là tảo hôn.

Khác với quy định về độ tuổi kết hôn trong các LHN-GĐ trước, LHN-GĐ năm 2014  quy định về điều kiện kết hôn tại điểm a khoản 1 Điều 8 là : “nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Như vậy, chỉ bằng quy định cụ thể là: “đủ” đã nâng độ tuổi kết hôn của nam và nữ lên cao hơn so với các quy định về độ tuổi kết hôn trước đó. Vì theo các quy định trước đây thì chỉ cần bước sang tuổi 18  đối với nữ và bước sang tuổi 20 đối với nam là đã có thể  đăng ký kết hôn, ví dụ quy định tại khoản 1 Điều 9 LHN-GĐ năm 2000: “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”.

Việc nâng độ tuổi kết hôn của LHN – GĐ năm 2014 nhằm đồng bộ, thống nhất với các quy định với BLTTDS và BLDS. Vì theo BLDS năm 2005 cũng như BLDS năm 2015 người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có người giám hộ và phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý…

Theo khoản 3 Điều 57 BLTTDS 2004 cũng như khoản 3 Điều 69 BLTTDS năm 2015, thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do đó, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch dân sự, thậm chí ngày cả yêu cầu ly hôn khi chưa đủ 18 tuổi thì cũng phải có người đại diện.

Quy định về nâng độ tuổi kết hôn đồng thời đã làm thay đổi việc xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp. LHN-GĐ năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, do đó xác định quan hệ hôn nhân gia đình hợp pháp cần phải xác định theo mốc thời gian cụ thể:

Nếu từ trước ngày 01/01/2015, nam chưa bước sang tuổi 20, nữ chưa bước sang tuổi 18; từ ngày 01/01/2015 nam chưa đủ 20, nữ chưa đủ 18 tuổi mà kết hôn thì việc kết hôn giữa họ là trái quy định pháp luật.

Tại điểm d1, Mục D, Phần 2 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn về việc xử lý đối với những trường hợp yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật trước ngày 01/01/2015 như sau: nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của LHN-GĐ đã có hướng dẫn về việc xử lý việc kết hôn trái pháp luật, trong đó có những hướng dẫn cụ thể về cách tính tuổi kết hôn như thế nào để xác định là đủ 18 ( đối với nữ) và đủ 20 (đối với nam). Những trường hợp vi phạm về độ tuổi thì có thể căn cứ khoản 2 Điều 11 LHN và GĐ năm 2014 và hướng dẫn tại Thông tư này để xử lý. Khoản 2 Điều 11 quy định:

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này”.

Giảm độ tuổi tham khảo nguyện vọng của con về người sẽ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sau khi ly hôn

 Luật HN và GĐ năm 2014 có sự sửa đổi về việc tham khảo nguyện vọng của con sau ly hôn. Theo đó, thay bằng quy định tại khoản 2 Điều 92 LHN-GĐ năm 2000: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con” khoản 2 Điều 81 LHN-GĐ năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con;  nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Khi giải quyết vụ án ly hôn, Tòa xem xét cả ba vấn đề: Quan hệ hôn nhân, con chung, tài sản chung. Có thể khẳng định rằng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên sau ly hôn là vấn đề quan trọng nhất khi xem xét việc ly hôn. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của vợ, chồng về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án phải quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Một trong những quyền của con được LHN-GĐ thừa nhận đó là quyền đưa ra ý kiến đối với Tòa án để Tòa tham khảo khi quyết định về việc giao con chung cho ai trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. LHN-GĐ năm 2014 giảm độ tuổi tham khảo ý kiến của các con cũng đồng nghĩa với việc pháp luật đã tăng quyền lợi cho các con trong lựa chọn người sẽ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mình.

Ví dụ khi Tòa thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình, vợ chồng có hai con, 10 tuổi và 7 tuổi và trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được về vấn đề ai sẽ nuôi con, nếu thời điểm trước 01/01/2015 chỉ một con được đưa ra nguyện vọng muốn ở với bố hoặc mẹ thì kể từ 01/01/2015, cả hai con đều được đưa ra ý kiến của mình khi Tòa giải quyết vụ án.

Kiến nghị

Luật HN và GĐ cũng như trong các Nghị quyết hướng dẫn không quy định  cách thức, thời điểm, địa điểm lấy ý kiến của con nên cách thức lấy ý kiến của con mỗi địa phương, mỗi Thẩm phán thực hiện là khác nhau. Vấn đề đặt ra là cách lấy nguyện vọng của các con như thế nào và hỏi con ở đâu để tránh cho trẻ khỏi bị tổn thương nhất và đưa ra ý kiến một cách khách quan, không bị tác động, chi phối của bố, mẹ hoặc ông bà… là điều mà các Thẩm phán thường trăn trở và gặp khó khăn trong thực tiễn giải quyết. Để áp dụng thống nhất, chúng tôi kiến nghị HĐTP TANDTC nên có hướng dẫn theo hướng trong trường hợp cần thiết, tòa có thể lấy nguyện vọng của trẻ tại các địa điểm đưa lại cảm giác thoải mái và thân thiện với trẻ như tại gia đình, trường học… có sự chứng kiến của người thân, của nhà trường… mà không nhất thiết phải đến Tòa hoặc trong một không khí căng thẳng, để con ít bị tổn thương nhất.

 

HẢI HÀ