Xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Xóa án tích là một chế định quan trọng, cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện nguyên tắc nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa và tôn trọng quyền con người. Với chế định này, Nhà nước ta đã ghi nhận sự nỗ lực cải tạo của người phạm tội nhằm xóa bỏ đi quá khứ đã từng bị kết án của họ, từ đó giúp xóa bỏ thành kiến của xã hội đối với người phạm tội, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Kế thừa và hoàn thiện Bộ luật Hình sự (BLHS) năm1999, BLHS năm 2015 tiếp tục sửa đổi, bổ sung chế định về án tích và đương nhiên xóa án tích cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định về đương nhiên xóa án tích theo BLHS 2015, chúng tôi thấy có một số vướng mắc, nhiều nội dung của quy định đương nhiên xóa án tích còn có những nhận thức khác nhau gây khó khăn cho việc áp dụng.

1.Về quy định đương nhiên xóa án tích 

Điều 70 về Đương nhiên được xóa án tích có quy định

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. 

Người bị kết án đương nhiên được xóaán tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm,tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. 

Người bị kết án đương nhiên được xóaán tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này. 

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

Theo quy định tại Điều 70 nêu trên hiện đang có hai quan điểm về thời hạn để tính đương nhiên xóa án tích.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thời hạn để được coi là đương nhiên xóa án tích được tính từ khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo như quy định tại khoản 1 của Điều 70, còn việc họ chấp hành hình phạt bổ sung hoặc các quyết định khác của bản án không ảnh hưởng đến thời hạn để họ được đương nhiên xóa án tích.

Quan điểm thứ hai  cho rằng: Dù chấp hành xong hình phạt chính (hoặc từ khi hết thời gian thử thách của án treo) thì người phạm tội vẫn phải chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian quy định. Thời gian được xóa án tích sẽ bắt đầu được tính từ khi họ chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, vấn đề có lợi chỉ là thời hạn mà họ không thực hiện hành vi phạm tội mới được rút ngắn hơn.

Những người đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 70 là bất cứ người bị kết án nào không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn như quy định tại khoản 2 Điều 70 thì được coi là đương nhiên xóa án.

Theo tôi, cách hiểu như vậy là không đúng nội hàm của Điều luật. Tại khoản 1 của Điều 70 ngoài việc quy định như trên còn có quy định dẫn chiếu là “…và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Còn khoản 2 và 3 có quy định:

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây… Người bị kết án đương nhiên được xóaán tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Do vậy, theo tôi cách tính thời hạn để được coi là đương nhiên xóa án tích phải áp dụng như quan điểm thứ hai mới phù hợp và đúng quy định của pháp luật, tức là chỉ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính và chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án thì mới được áp dụng thời hạn theo quy định để tính đương nhiên xóa án tích. Còn việc hình phạt chính đã tuyên chỉ là căn cứ áp dụng thời hạn để xóa án tích chứ không phải là tính thời hạn để đương nhiên xóa án tích là từ khi chấp hành xong hình phạt chính đã tuyên Ví dụ: Nếu hình phạt chính đã tuyên là ba năm thì thời hạn áp dụng để đương nhiên xóa án tích là 02 năm. Do vậy, không thể áp dụng theo quan điểm thứ nhất được.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, chúng tôi thấy, quy định về cách tính thời hạn đương nhiên xóa án tích như quy định tại Điều 64 BLHS 1999 và Điều 70 BLHS  2015 cũng chưa thỏa đáng,  chưa thực sự bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nên chúng ta phải hướng tới những quy định nhân đạo hơn với người phạm tội. Thực tế,  có những người đến khi chết vẫn chưa được xóa án tích bởi quy định người được xóa án tích phải chấp hành xong tất cả các quyết định của bản án, kể cả hình phạt bổ sung, cũng như bồi thường thiệt hại.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, có những trường hợp phải bồi thường rất lớn, bản thân họ có đi tù về cũng chưa chắc đã làm đủ ăn thì sao có thể bồi thường được và như vậy không biết bao giờ họ mới được tính thời hạn để xóa án tích. Tương tự như vậy, những trường hợp phải cấp dưỡng nuôi con hoặc bố, mẹ già của người bị hại, nếu không thỏa thuận được thì phải cấp dưỡng theo hàng tháng, như vậy có những trường hợp cấp dưỡng tới 18 năm, có trường hợp cấp dưỡng tới lúc chết thậm chí có trường hợp người phải cấp dưỡng lại chết trước người được cấp dưỡng.

Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi lại quy định về thời hạn để tính đương nhiên được xóa án tích theo hướng quy định “ Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong các quyết định hình sự của bản án”.  Trong các vụ án hình sự, thì các quyết định hình sự của bản án, chính là hình phạt chính bao gồm các hình phạt chính được quy định tại Điều 32 BLHS 2015. Sửa đổi như vậy, sẽ  tạo điều kiện để người đã từng bị kết án làm lại lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, có ích cho xã hội…

2.Về cách tính thời hạn để xóa án tích 

Qua nghiên cứu những vấn đề liên quan đến xóa án tích theo quy định của BLHS 2015 thì thấy, tại khoản 2 Điều 69 và Điều 107 quy định rõ năm trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích, gồm: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; người được miễn hình phạt.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 73 quy định về cách tính thời hạn để xóa án tích thì chúng tôi lại thấy có nhiều điều chưa hợp lý. Cụ thể Điều 73 quy định:

1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. 

Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành. 

Người bị kết án trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội thuộc trường hợp đương nhiên được xóaán tích, có tội thuộc trường hợp xóaán tích theo quyết định của Tòa án thì căn cứ vào thời hạn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người đó. 

Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lạicũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

Quy định trên có những vấn đề chưa hợp lý như sau:

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2 của Điều 73 thì một người nào đó đã bị kết án chưa được xóa án tích và lại thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại, có phải bắt đầu được tính kể từ khi họ chấp hành xong hình phạt chính chứ không cần phải chấp hành xong tất cả các quyết định khác của bản án? Nếu vậy thì có mâu thuẫn với quy định tại Điều 70, 71 không?

Khoản 2 Điều 71 còn quy định thêm cụm từ “hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới”. Chúng tôi thấy quy định này không hợp lý bởi lẽ: Người bị kết án, chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị đưa ra xét xử, thì lần phạm tội này đối với họ đã bị coi là tái phạm. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2013, hướng dẫn việc xem xét cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo có hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 là “Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nới cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật…”. Nếu hiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 71 thì phải chăng được phép cho hưởng án treo cả trong trường hợp tái phạm?

Thứ hai: Quy định tại khoản 2 Điều 107 về xóa án tích có sự mâu thuẫn với Điều 70 và gây bất lợi cho người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Tại khoản 2 Điều 107 có quy định 2. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới”.

Theo chúng tôi, quy định trên là mâu thuẫn với quy định đương nhiên được xóa án tích tại Điều 70 và gây bất lợi cho người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bởi lẽ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 quy định về tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi thì “1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi… nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định” và theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006 của Hội đồng Thẩm phán  Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/5/2006 thì “B. Trường hợp người chưa thanh niên phạm tội là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là ¾ mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội.

Ví dụ: Một người 17 tuổi phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” bị xét xử theo khoản 2 Điều 134 thuộc trường hợp rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ năm đến mười hai năm. Nếu người bị kết án là người thành niên thì bị xử 06 năm tù, nhưng người bị kết án mới 17 tuổi nên mức hình phạt của họ bằng ba phần tư là bốn năm sáu tháng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích của họ sẽ là 2 năm, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 107 thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích của họ lại là ba năm. Đây chính là sự mâu thuẫn giữa quy định tại khoản 2 Điều 107 với khoản 1 Điều 70 của BLHS 2015 và gây bất lợi cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp tính thời hạn để được đương nhiên xóa án tính.

Trên đây là một số ý kiến về quy định đương nhiên được xóa án tích trong BLHS 2015, rất mong TANDTC có hướng dẫn kịp thời để việc áp dụng được thống nhất, đồng thời, cũng có ý kiến với Quốc hội để sửa đổi kịp thời những quy định còn mâu thuẫn trong BLHS 2015.

 

 

TS. PHẠM MINH TUYÊN (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)