Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo pháp luật Australia

Liên bang Australia là quốc gia theo hệ thống pháp luật Án lệ (Common Law) có truyền thống về việc công nhận thỏa thuận của vợ chồng liên quan đến các vấn đề về tài sản. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Đạo luật Gia đình Australia năm 1975 (the Family Law Act 1975) .

        Khát quát chung về tổ chức bộ máy Nhà nước liên bang Australia và pháp luật Australia

      Liên bang Australia là một nhà nước theo thể chế quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh cũng là Nữ hoàng của Australia, một vai trò riêng biệt và tách rời khỏi địa vị là Elizabeth II của Vương quốc Anh và được chấp nhận rộng rãi là nguyên thủ quốc gia, mặc dù không được quy định trong hiến pháp và pháp luật của Australia. Nữ hoàng được đại diện trên danh nghĩa bởi Toàn quyền, nhưng trên thực tế Toàn quyền thực hiện vai trò hiến định hầu như độc lập với Nữ hoàng. Theo Hiến pháp Australia vai trò của Nữ hoàng hầu như hoàn toàn trên nghi thức. Mặc dù hiến pháp về mặt lý thuyết trao quyền hành pháp rộng rãi cho Toàn quyền, các quyền lực này ít khi được dùng trực tiếp, và theo truyền thống, chỉ được sử dụng khi được nội các cố vấn. Nội các gồm các bộ trưởng cao cấp của chính quyền và được Toàn quyền chỉ định dựa trên cố vấn của Thủ tướng.

      Australia là nhà nước liên bang, với 6 bang (New South Wales, Queensland, South Australia, Western Australia, Victoria và Tasmania) và hai vùng lãnh thổ là (Northern Australia và Canberra). Australia trước đây là thuộc địa của Anh, sau đó đến ngày 01/01/1901, 6 thuộc địa của thống nhất trở thành Nhà nước Liên Bang Australia (hay còn gọi là Khối thịnh vượng chung Australia). Trong đó chính quyền liên bang và chính quyền bang hoặc vùng lãnh thổ có chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền phân chia khác nhau. Mỗi chính quyền có một Hiến pháp riêng, có nghị viện riêng, chính phủ riêng và tòa án riêng. Quyền lực nhà nước của chính quyền liên bang cũng như chính quyền bang và các vùng lãnh thổ đều tuân thủ nguyên tắc phân chia quyền lực, trong đó Nghị viện thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Tòa án thực hiện quyền tư pháp.[1]

      Australia là quốc gia theo hệ thống pháp luật Án lệ (Common Law) với vai trò rất lớn của Thẩm phán trong việc ban hành pháp luật dưới hình thức án lệ. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật Australia không chỉ coi án lệ là nguồn luật duy nhất mà đất nước này còn có các văn bản luật thành văn được thông qua bởi Nghị viện, và áp dụng một số các tập quán của người thổ dân bản địa Australia.

        Do là Nhà nước liên bang nên trong hoạt động xây dựng pháp luật một trong các vấn đề lớn được đặt ra đó là việc phân định thẩm quyền lập pháp. những lĩnh vực nào, nội dung nào do Nghị viện liên bang thực hiện và những lĩnh vực nào do Nghị viện các bang thực hiện. Hiến pháp liên bang Australia có quy định quyền lập pháp của liên bang bao gồm các lĩnh vực: thuế, quốc phòng, hoạt động đối ngoại, thương mại giữa các tiểu bang và thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài, tài chính, hôn nhân và gia đình, di trú, phá sản. Các tiểu bang có quyền lập pháp trong phạm vi tiểu bang của mình về nhiều lĩnh vực trong đó đáng chú ý là quyền lập pháp trong lĩnh vực luật hình sự và hôn nhân và gia đình.[2]

          Hệ thống pháp luật Australia điều chỉnh các vấn đề về hôn nhân và gia đình

        Như đã nêu ở trên, Australia có chính phủ liên bang và 8 chính phủ của các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Do đó, các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình sẽ được điều chỉnh bởi cả luật của liên bang và luật của các tiểu bang. Theo Hiến pháp của Australia, các vấn đề về hôn nhân, ly hôn và các vấn đề có liên quan đến ly hôn sẽ do luật liên bang quy định.[3] Hiện nay, luật của liên bang điều chỉnh tất cả các tranh chấp liên quan đến việc trông nom và cấp dưỡng cho trẻ e, cho dù bố mẹ chúng đã từng kết hôn hôn hay không. Các vấn đề khác về tài sản khác như tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, thành viên gia đình với bên thứ ba sẽ do tòa án các bang quyết định theo luật của bang. Luật của các tiểu bang cũng điều chỉnh các quan hệ khác như nuôi con nuôi, phòng, chống bạo lực gia đình[4]

        Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng theo luật liên bang Australia

       Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trong hôn nhân được luật liên bang Australia từng bước công nhận theo các mức độ khác nhau. Trước những năm 1960, tòa án Australia áp dụng nguyên tắc của pháp luật án lệ để giải quyết các vụ việc ly hôn và các vấn đề pháp lý liên quan đến ly hôn như cấp dưỡng, nuôi dưỡng con. Đạo luật về Hôn nhân năm 1959 đã cho phép tòa án công nhận các thỏa thuận phân chia tài sản và các lợi ích khác của vợ chồng khi ly hôn. Khi được tòa án công nhận, các bên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đó, nếu có tranh chấp sẽ khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo các quy định về hợp đồng nói chung.

       Việc ban hành Đạo luật Gia đình năm 1975 thay thế cho Đạo luật về Hôn nhân năm 1959 đánh dấu bước phát triển thứ hai của việc công nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Theo đó, Đạo luật Gia đình Australia năm 1975 đã dành hẳn một phần riêng, phần VIIIA để quy định về thỏa thuận về tài sản. Phần này bao gồm 20 điều, từ Điều 90A đến điều 90Q.

       Theo Đạo luật năm 1975, có hai loại thỏa thuận về tài sản trong thời kỳ hôn nhân được pháp luật công nhận quy định tại Điều 86 và 87. Loại thứ nhất tuân thủ các quy định của Điều 86 của Đạo luật là thỏa thuận về tài sản được đăng ký tại tòa án nhưng không làm mất quyền khởi kiện của các bên khi có tranh chấp xảy ra để yêu cầu tòa án áp dụng chế độ tài sản pháp định đối với vợ chồng. Loại thỏa thuận thứ hai được quy định tại Điều 87 của Đạo luật. Theo đó, các bên có thể thỏa thuận các vấn đề liên quan đến tài sản trong hôn nhân và sau khi ly hôn. Tuy nhiên, khác với loại thứ nhất, sau khi thỏa thuận này được tòa án công nhận, các bên sẽ phải thực hiện thỏa thuận mà không thể yêu cầu tòa án giải quyết theo chế độ tài sản pháp định. Tranh chấp trong việc thực hiện thỏa thuận sẽ được giải quyết theo pháp luật về hợp đồng nói chung.

        Việc sửa đổi Đạo luật Gia đình, có hiệu lực từ ngày 27/12/2000, đã đánh dấu một sự phát triển mới trong việc công nhận thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Theo đó, Phần VIIIA đã được bổ sung vào Đạo luật, quy định cụ thể về thỏa thuận về tài sản (Financial agreements). Kể từ thời điểm Đạo luật sửa đổi có hiệu lực, các bên có thể giao kết thỏa thuận mang tính bắt buộc trước hôn nhân, trong thời kỳ hôn nhân (bao gồm cả ly thân) và sau khi ly hôn.[5] Việc công nhận thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn được coi là một điểm quan trọng nhất, thể hiện ý chí của nhà nước trong việc tôn trọng quyền tự do của cá nhân liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản.

        Ngoài ra, Đạo luật sửa đổi năm 2008, có hiệu lực từ tháng 11/2008 đã sửa đổi một số nội dung liên quan đến thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Đáng lưu ý là người thứ ba có thể tham gia như một bên của hợp đồng. Hơn nữa, thỏa thuận về tài sản có áp dụng cả đối với hôn nhân đồng giới.[6]

        Các điều kiện để thỏa thuận về tài sản của vợ chồng có hiệu lực bắt buộc:

        Theo quy định tại Điều 90G của Đạo luật Gia đình Australia năm 1975, thỏa thuận về tài sản sẽ có hiệu lực bắt buộc nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây:

(1) Được ký kết bởi tất cả các bên;

(2) Trước khi ký kết thỏa thuận, các bên đã được tư vấn pháp lý một cách độc lập, liên quan đến hiệu lực của thỏa thuận, các mặt lợi và bất lợi khi ký kết thỏa thuận;

(3) Trước hoặc sau khi ký kết thỏa thuận, các bên được cung cấp chứng nhận của người trợ giúp khẳng định đã trợ giúp cho khách hàng của mình về các nội dung đã nói ở trên. Một bản sao cũng được gửi đồng thời cho bên còn lại (hoặc người trợ giúp) của thỏa thuận;

(4) Thỏa thuận không bị tòa án tuyên vô hiệu.

Nếu thỏa mãn 4 điều kiện nói trên, các bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thỏa thuận, nếu một bên chết, người người đại diện theo pháp luật của người đó sẽ tiếp tục thực hiện các vấn đề liên quan đến tài sản theo thỏa thuận (Điều 90H).

        Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng bị chấm dứt:

Theo quy định tại Điều 90J của Đạo luật Gia đình Australia năm 1975, thỏa thuận về tài sản sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

(1) Khi vợ chồng ký kết một thỏa thuận mới thì thỏa thuận về tài sản trước đây sẽ chấm dứt hiệu lực (quy định tại các Điều 90B(4), 90C(4) or 90D(4) của Đạo luật;

(2) Hai bên thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận về tài sản.

Ngoài ra, Đạo luật còn có quy định cụ thể về hiệu lực của thỏa thuận về tài sản khi một bên chết (Điều 90H) và các căn cứ để tòa án tuyên bố thỏa thuận về tài sản của vợ chồng là vô hiệu (Điều 90K)./.

 

[1] Xem thêm: Hoàng Công Dũng, Giới thiệu về tổ chức bộ máy Nhà nước liên bang Australia và khái quát về quy trình xây dựng pháp luật, đăng tại Website của Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp tại địa chỉ: <http://khpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao- doi.aspx?ItemID=18>.

[2] Xem thêm: Báo cáo số 66/BC-ĐCT ngày 28/12/2015 của Tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề chuyên môn tại Hội nghị Chánh án các nước Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 16, Hội nghị tư pháp gia đình quốc tế luật liên bang và thông luật và kết quả làm việc với Tòa án liên bang Australia.

[3] Điều 51(xxi) và 51(xxii) Hiến pháp Australia.

[4] Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành ở tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia.

[5] Điều 90B và 90C Đạo luật Gia đình Australia.

[6] Xem Chương “Thỏa thuận hôn nhân và quyền cá nhân tại Australia” của Owen Jessep, trong sách của tác giả Jens M Scherpe, “Thỏa thuận hôn nhân và quyền cá nhân tại Australia – nhìn từ phương pháp so sánh”, NXB Hart (Oxford) 2012, trang 31.

ThS. Tạ Đình Tuyên