Giải quyết tranh chấp tại WTO và kinh nghiệm giải quyết các vụ án dân sự tại Việt Nam

Thông qua việc nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO, đặc biệt là quá trình xem xét vụ việc của Ban hội thẩm, bài viết sẽ làm rõ nội dung quá trình làm việc của Ban hội thẩm từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho quá trình giải quyết các vụ án dân sự tại Việt Nam nhằm mục đích tạo sự công khai minh bạch trong hoạt động xét xử của Tòa án; Nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết vụ án đối với Thẩm phán; Giúp các đương sự, Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự có nhiều cơ hội bày tỏ quan điểm của mình đối với vụ việc trong quá trình xét xử của Tòa án.
  1. 1.Đặt vấn đề

Cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO (Dispute Settlement Mechanism – DSM) được coi là thành công lớn của Tổ chức thương mại thế giới – WTO. Với mục tiêu kịp thời giải quyết các tranh chấp phát sinh, tạo ra sự an toàn và có thể dự báo trước của hệ thống thương mại đa biên, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong các hiệp định có liên quan. Tính đến tháng 6/2017, cơ quan giải quyết tranh chấp tại WTO (The Dispute Settlement Body – DSB) đã tiếp nhận và giải quyết 525 vụ việc trong khoảng thời gian 21 năm (từ năm 1994 đến năm 2017)[1]. Tất cả phán quyết của DSB đều được công nhận là án lệ và được cộng đồng quốc tế công nhận, các phán quyết này được soạn thảo bởi Ban hội thẩm (Panel – cấp sơ thẩm) và Cơ quan phúc thẩm (Appellate Body – cấp phúc thẩm) theo quy định của Quy tắc thủ tục giải quyết tranh chấp tại WTO (Dispute Settlement Understanding – DSU). Chính vì vậy việc nghiên cứu quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp tại WTO có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình hội nhập hiện nay, không chỉ giúp chúng ta hiểu biết hơn về hệ thống thương mại đa phương mà còn giúp chúng ta có thêm những kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các tranh chấp tại WTO. Từ đó có thể học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ của luật quốc tế trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Việt Nam. Với mục đích dần nâng cao chất lượng các bản án, nâng cao trình độ và trách nhiệm đối với những người tiến hành tố tụng đặc biệt là vai trò của Thẩm phán trong việc quá trình giải quyết vụ án, tạo cơ hội cho Luật sư, các đương sự được thể hiện quan điểm của mình nhiều hơn, tạo tiền đề cho việc công khai các bản án theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020… bài viết sẽ đi vào nghiên cứu giai đoạn xem xét, làm việc của Ban hội thẩm (Panel) tại WTO từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự sơ thẩm.

Khi phát sinh tranh chấp tại WTO, đầu tiên các bên sẽ tiến hành tham vấn để đưa ra giải pháp chung thống nhất nhằm giải quyết vụ việc (Consultation – giai đoạn hòa giải), thông thường trong mỗi vụ việc đều có sự tham gia của bên thứ ba (là những thành viên có lợi ích đáng kể và mong muốn tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp, nếu họ thấy có quyền lợi đáng kể trong vụ việc và cần được Ban hội thẩm xem xét). Chỉ khi tham vấn không thành công, một Panel bao gồm từ 3 – 5 thành viên sẽ được thành lập và có nhiệm vụ xem xét một vấn đề cụ thể đang tranh chấp trên cơ sở các quy định WTO được quốc gia nguyên đơn viện dẫn.

Hoạt động xuất nhập khẩu dễ phát sinh tranh chấp

  1. 2.Quá trình làm việc của Ban hội thẩm

Sau khi hoàn tất việc thành lập Panel để xem xét vụ khiếu nại, việc đầu tiên Panel cần phải làm là ấn định thời gian biểu cho hoạt động tố tụng của mình (Điều 12.3 DSU). Thủ tục của Panel thường bao gồm các nội dung được nêu tại Điều 12 và Phụ lục 3 của DSU, trong đó có sự linh hoạt nhất định để đảm bảo chất lượng báo cáo mà không làm chậm quá trình tố tụng. Việc ấn định thời gian biểu giúp cho các bên nắm rõ được các nội dung và thời hạn cần phải làm trong mỗi vụ tranh chấp, giúp họ chủ động hơn trong việc đưa ra những bằng chứng, căn cứ, lập luận trong các văn bản đệ trình của mình.

STT Nội dung làm việc Trong khoảng thời gian
1 Tiếp nhận bản đệ trình của các bên:

1.     Nguyên đơn

2.     Bị đơn

 

3-6 tuần

2-3 tuần

2 Cuộc họp chính đầu tiên với các bên; và bên thứ ba 1-2 tuần
3 Tiếp nhận đệ trình bằng văn bản của các bên 2-3 tuần
4 Cuộc họp chính thứ hai với các bên 1-2 tuần
5 Phát hành phần mô tả tổng quan của báo cáo cho các bên 2-4 tuần
6 Tiếp nhận ý kiến của các bên trên phần mô tả của báo cáo 2 tuần
7 Phát hành báo cáo tạm thời, bao gồm cả các kết quả và kết luận cho các bên 2-4 tuần
8 Hạn chót cho bên yêu cầu xem xét lại các phần của báo cáo 1 tuần
9 Thời gian xem xét ban hội thẩm, bao gồm cả khả năng thêm có cuộc họp với các bên 2 tuần
10 Phát hành báo cáo cuối cùng cho các bên tranh chấp 2 tuần
11 Lưu chuyển báo cáo cuối cùng tới các thành viên 3 tuần

Thời gian biểu làm việc của Ban hội thẩm (thời gian này có thể điều chỉnh một cách hợp lý tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng vụ việc theo Phụ lục 3 của DSU) (Nguồn: https://www.wto.org)

Các bên có thể thỏa thuận, hoặc đệ trình về việc tổ chức các cuộc họp. Nếu các bên không thỏa thuận được hoặc không đệ trình Panel sẽ quyết định lịch làm việc và thông báo cho các bên. Cơ chế giải quyết các tranh chấp trong WTO rất chú trọng tới thời gian, thời hạn giải quyết vụ việc với mục tiêu kịp thời giải quyết các tranh chấp. Theo quy định, Panel phải ban hành báo cáo trong khoảng thời gian 06 tháng kể từ khi được thành lập, trong trường hợp khẩn cấp (cả những trường hợp liên quan đến hàng hóa dễ hỏng) phải cố gắng đưa ra bản báo cáo trong vòng 03 tháng kể từ khi được thành lập (Điều 12.7 DSU). Trong trường hợp, không thể đưa ra bản báo cáo trong vòng 06 tháng (hoặc 03 tháng trong trường hợp khẩn cấp) thì phải thông báo tới DSB bằng văn bản, nêu rõ lý do trì hoãn và thời gian dự kiến đưa ra báo cáo. Thời gian thành lập Panel cho tới khi báo cáo cuối cùng được chuyển tới các thành viên không được vượt quá 09 tháng (Điều 12.9 DSU).

Văn bản đệ trình và các phiên họp điều trần

Mỗi bên tranh chấp sẽ phải nộp lưu chiểu các văn bản đệ trình của mình cho Ban Thư ký của WTO để chuyển ngay cho Panel, các bên khác và các bên tranh chấp. Bên nguyên đơn là bên đầu tiên nộp bản đệ trình, sau đó bên bị đơn sẽ trả lời trong văn bản đệ trình đầu tiên của mình (Điều 12.6 DSU) bên thứ ba cũng sẽ nhận được bản đệ trình của các bên và nộp bản đệ trình của mình sau đó. Panel sẽ dành cho các bên một khoảng thời gian thích hợp để chuẩn bị văn bản đệ trình của mình. Để đảm bảo cho việc nhanh chóng chuyển văn bản tới các bên có liên quan, Ban thư ký của WTO đã xây dựng các hộp thư điện tử và gửi chúng tới cho phái đoàn của các thành viên tại Geneva để thuận tiện, nhanh chóng cho việc gửi, trao đổi các văn bản điện tử. Văn bản đệ trình thường đưa ra những căn cứ pháp lý, lập luận và viện dẫn cả những án lệ để làm sáng tỏ sự thật. Bên khiếu nại thường đưa ra những lập luận, bằng chứng chứng minh sự vi phạm. Bị đơn thường đưa ra những lập luận bác bỏ những cáo buộc của bên nguyên đơn. Còn đối với bên thứ ba họ thường nêu ra nhận xét về căn cứ pháp lý và đối số thực tế được nêu ra tại văn bản đệ trình của các bên.

Sau khi nhận được và xem xét các văn bản đệ trình của các bên, Panel sẽ triệu tập một phiên họp điều trần đầu tiên về nội dung của vụ việc. Phiên họp này được tổ chức tại trụ sở của WTO ở Geneva, nó tương tự như những cuộc tranh luận của các bên tại tòa án, các bên tham gia trình bày quan điểm của mình bằng lời nói, chủ yếu là trên cơ sở những quan điểm đã chuẩn bị từ trước bằng văn. Sau khi đã nghe nguyên đơn và bị đơn trình bày quan điểm, Ban hội thẩm sẽ dành cho bên thứ ba cơ hội trình bày quan điểm của mình. Sau khi trình bày, các bên (và các bên thứ ba) sẽ phải trả lời các câu hỏi của Panel và từ các bên khác để làm rõ tất cả các vấn đề pháp lý và đối số thực tế (giống với phần tranh tụng tại phiên tòa). Các câu hỏi thường được đưa ra dưới dạng văn bản, Panel cũng có thể đưa ra câu hỏi và yêu cầu họ giải thích ngay trong cuộc họp nếu các bên sẵn sàng trả lời. Sau khi kết thúc phiên họp đầu tiên, các bên được yêu cầu gửi câu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi của Panel cũng như của các bên khác, kể cả khi các câu hỏi đó đã được thảo luận bằng miệng ngay tại phiên họp.

Cuộc họp thứ hai được diễn ra, sau khi các bên đã gửi văn bản trả lời (hay đệ trình văn bản lần thứ hai). Cũng giống nhưng phiên họp đầu tiên, các bên lại một lần nữa đưa ra những lập luận của mình về nội dung của vụ việc, đồng thời cũng trả lời thêm các câu hỏi khác từ Panel và các bên ngay tại cuộc họp và sau đó bằng văn bản. Đôi khi Panel cũng có thể yêu cầu tiến hành một phiên họp thứ ba (hoặc hơn nữa) nếu thấy cần thiết. Văn bản đệ trình và các phiên họp giúp cho các bên thể hiện quan điểm của mình, đưa ra những căn cứ, lập luận chứng minh yêu cầu của mình là đúng hoặc phản bác lại lập luận của bên kia.

Nghị án và soạn thảo báo cáo của Ban hội thẩm

Sau khi các cuộc họp điều trần được diễn ra, Panel sẽ đi vào giai đoạn thảo luận nội bộ (nghị án), để xem xét đánh giá các vấn đề pháp lý, thực tế có liên quan phù hợp với quy định của WTO, nghị án phải được giữ bí mật. Các bản báo cáo này được soạn thảo không có sự hiện diện của các bên tranh chấp mà chỉ theo nội dung của những thông tin đã được cung cấp và các ý kiến đã được đưa ra trước đó. Các ý kiến cá nhân của hội thẩm viên được trình bày trong bản báo cáo của ban hội thẩm không được ghi tên người phát biểu ý kiến đó (Điều 14; Đoạn 3 phụ lục 3 DSU). Điều này nhằm đảm bảo việc nghị án của Panel là độc lập, vô tư không chịu sự chi phối từ bất cứ một bên nào hay một cơ quan nào. DSU cũng nghiêm cấm việc liên lạc riêng lẻ giữa các bên với Panel, cơ quan phúc thẩm về vấn đề đang được xem xét, ngoại trừ sự có mặt của các bên hoặc các bên khác (Điều 18.1 DSU).

Báo cáo của Ban hội thẩm bao gồm:

Phần mô tả: bao gồm lời giới thiệu, các khía cạnh, căn cứ pháp lý, bằng chứng thực tế, lập luận của các bên đưa ra trong quá trình thảo luận. Cùng với phần xem xét, đánh giá, lập luận của Panel về các vấn đề có liên quan, đây được coi như là căn cứ để đưa ra kết luận và khuyến nghị đối với các bên liên quan. Trong giai đoạn rà soát giữa kỳ (Điều 15 DSU) Panel sẽ đưa ra một bản dự thảo báo cáo bao gồm cả phần mô tả tổng quan vụ việc để lấy ý kiến các bên. Các bên phải đưa ra ý kiến về phần dự thảo trong vòng hai tuần sau đó, đây là thời gian các bên xác nhận lại các tình tiết của vụ việc, các chứng cứ, các lập luận của các bên đưa ra đã chính xác chưa.

Phần kết luận: bao gồm phần xem xét, đánh giá, lập luận của Panel về các vấn đề có liên quan, thường rất cụ thể và chi tiết bao gồm ý kiến về các tình tiết, về khả năng áp dụng các điều khoản liên quan, những lập luận đi cùng kết luận và khuyến nghị được đưa ra dựa trên những quy định của WTO.

Báo cáo giữa kỳ (báo cáo tạm thời): Bao gồm các phần đã đề cập ở trên và chỉ được gửi cho các bên có liên quan, trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần sau khi các bên đưa ra nhận xét, phản hồi về phần mô tả. Trong giai đoạn này, báo cáo gần như đã được hoàn thiện bao gồm các phần mô tả tổng quan vụ việc đã sửa đổi (nếu có sai sót), nhận xét đánh giá, kết luận, khuyến nghị và đề xuất việc thực hiện khuyến nghị. Các bên một lần nữa được đưa ra nhận xét hoặc cũng có thể yêu cầu một cuộc họp để thảo luận về những vấn đề của bản báo cáo. Nội dung kết quả của bản báo cáo tạm thời thường được giữ nguyên cho tới khi báo cáo được ban hành, thông qua, trong đó có bao gồm cả phần nhận xét, thảo luận của các bên trong giai đoạn rà soát giữa kỳ, nhưng rất hiếm khi Panel thay đổi quyết định của mình. Giai đoạn này giúp cho cơ quan xét xử xác định đúng bản chất của vụ việc từ đó đưa ra những phán quyết đúng đắn phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời đề cao vai trò của các bên trong việc cung cấp chứng cứ và nêu ra các căn cứ cho yêu cầu của mình.

Lưu hành báo cáo cuối cùng: Sau khi báo cáo cuối cùng sẽ được gửi tới các bên tranh chấp trong vòng 2 tuần kể từ khi Panel có kết luận ở giai đoạn rà soát giữa kỳ. Thông thường mỗi báo cáo của Panel có nội dung rất lớn, để thuận lợi trong việc nghiên cứu xem xét lại của cơ quan phúc thẩm và trích dẫn án lệ thì trong báo cáo phải thể hiện phần mục lục và các đoạn văn được đánh số riêng biệt theo thứ tự từng phần của báo cáo. Nếu không có kháng cáo, quy trình giải quyết tranh chấp ngay lập tức sẽ chuyển sang giai đoạn thực hiện sau khi DSB thông qua báo cáo của Ban hội thẩm. Còn nếu có kháng cáo thì vụ kiện sẽ được xem xét lại ở cấp Phúc thẩm.

Có thể thấy rằng quá trình làm việc của Panel thể hiện sự công khai, minh bạch về thủ tục. Các bên được thể hiện quan điểm của mình đối với trong mỗi tình tiết vụ việc, nội dung của bản báo cáo trong giai đoạn rà soát giữa kỳ, không những vậy nó còn giúp cho Panel xem xét các tình tiết của vụ việc một cách khách quan và toàn diện. Đây là một trong những lý do để mỗi phán quyết của DSB đều trở thành án lệ và được cộng đồng quốc tế công nhận.

  1. 3.Kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết vụ án dân sự: Cũng giống như WTO chúng ta cần sớm triển khai và áp dụng trên toàn quốc áp dụng giao dịch điện tử trong tố tụng dân sự để gửi, nhận đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử theo quy định của Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo quy định Điều 7 Nghị Quyết số 04/2016/NQ-HĐPT thì “người khởi kiện, người tham gia tố tụng thực hiện việc gửi thông điệp dữ liệu điện tử cho Tòa án phải sử dụng chữ ký điện tử…” tuy nhiên, chữ ký điện tử hiện nay chưa được phổ cập rộng rãi trong các giao dịch của đời sống xã hội việc triển khai giao dịch điện tử thời điểm hiện tại sẽ không đạt được hiệu quả cao vì vậy cần phải áp dụng quy định về chữ ký điện tử một cách linh hoạt, có lộ trình thực hiện và áp dụng song song với hình thức gửi văn bản thông thường qua đường bưu điện. Việc áp dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tố tụng có ý nghĩa quan trọng đối với Tòa án trong việc kịp thời thông báo tới các bên các văn bản tố tụng, thuận tiện trong việc trao đổi tài liệu giữa các bên với nhau và với Tòa án. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ thông tin đòi hỏi những người tham gia tố tụng phải thành thạo kỹ năng về tin học, điều này có thể gây khó khăn cho các đương sự là người cao tuổi, nơi vùng sâu vùng xa, khi kỹ năng và trình độ tin học chưa được phổ cập. Chính vì vậy, Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự cần phải là người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết vụ án.

Lưu quản lý hồ sơ bằng văn bản song song với việc quản lý hồ sơ bằng giữ liệu điện tử. Thực tế cho thấy việc sao chụp hồ sơ đối với các đương sự sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí. Vì vậy việc quản lý hồ sơ bằng giữ liệu điện tử vừa thuận tiện trong việc nghiên cứu hồ sơ của Thẩm phán, đương sự, Luật sư… vừa tiết kiệm chi phí. Nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc hoàn thiện hồ sơ trong từng giai đoạn tố tụng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:

– Sau khi thụ lý giải quyết vụ án, việc đầu tiên Thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết vụ việc cần phải lên kế hoạch và ấn định, công khai quá trình làm việc của cơ quan xét xử trong đó ghi rõ khoảng thời gian, địa điểm tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) như: thời gian thu thập, cung cấp tài liệu chứng cứ của các bên; quá trình hòa giải, chuẩn bị xét xử và lịch xét xử vụ án. Quá trình làm việc này có thể thay đổi tùy theo diến biến và tính phức tạp của từng vụ việc nhưng vẫn phải đảm bảo quy định về trình tự thủ tục và thời hạn. Việc ấn định thời gian biểu giúp cho các bên nắm rõ được nội dung làm việc và thời hạn trong mỗi vụ việc, giúp họ chủ động hơn trong việc đưa ra những bằng chứng, căn cứ, lập luận trong các yêu cầu của mình đồng thời thể hiện sự công khai minh bạch trong hoạt động xét xử của Tòa án cũng như kinh nghiệm của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Theo Điều 476 BLTTDS cũng đã quy định về việc Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa cho đương sự ở nước ngoài (đây là quy định mới trong BLTTDS) một trong những yêu cầu về hội nhập quốc tế trong quá trình phát triển của khoa học luật dân sự Việt Nam.

– Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, việc quan trọng nhất của Thẩm phán là phải xác minh thu thập chứng cứ, làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án. Thẩm phán chỉ tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự và đề cao việc tự đưa ra tài liệu chứng cứ và các căn cứ pháp lý của các đương sự để chứng minh cho yêu cầu của mình. Vì vậy việc tạo điều kiện, khuyến khích, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ, lời khai và thể hiện quan điểm của đương sự trong mỗi tình tiết của vụ án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án, giúp hội đồng xét xử đưa ra quyết định đúng đắn phù hợp với quy định của pháp luật và lẽ công bằng.

– Hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với các tranh chấp dân sự (trừ những vụ án không được hòa giải theo Điều 206 BLTTDS). Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và để phiên hòa giải diễn ra có hiệu quả thì trước khi tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 208 BLTTDS) Thẩm phán phải hoàn tất việc soạn thảo chi tiết nội dung vụ án bao gồm các tình tiết khách quan, tài liệu, chứng cứ, quan điểm của các bên trong mỗi tình tiết của vụ việc để chuyển và lấy ý kiến xác nhận của các bên về nội dung vụ án. Tòa án có thể đưa ra những câu hỏi cho các bên hoặc các bên có thể tự đưa ra câu hỏi cho bên kia để làm sáng tỏ một vấn đề trong vụ án (Khoản 19 Điều 70 BLTTDS). Đây là giai đoạn quan trọng giúp cho các bên nắm được nội dung và bản chất của vụ việc làm tiền đề cho quá trình hòa giải diễn ra sau đó. Tại phiên hòa giải một lần nữa các bên sẽ trình bày ý kiến quan điểm của mình về nội dung vụ việc, các bên có thể hỏi nhau và đưa ra các hướng giải quyết.

– Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ chuyển sang giai đoạn xét xử vụ án. Trước khi đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán cần phải hoàn thành việc dự thảo bản án với các nội dung chính như: Nội dung vụ án bao gồm các tình tiết có liên quan giống với nội dung vụ án đã được soạn thảo trước đó cùng với ý kiến quan điểm của các bên trong quá trình hòa giải; Nhận định của Tòa án đối với những tình tiết cụ thể, phân tích các tình tiết theo quy định của pháp luật, xem xét yêu cầu của đương sự và đưa ra hướng giải quyết tình tiết đó. Bản dự thảo của bản án sẽ được gửi cho các bên có liên quan để lấy ý kiến (bao gồm cả Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tham dự phiên tòa). Giai đoạn này giống với giai đoạn rà soát giữa kỳ trong giải quyết tranh chấp tại WTO, đòi hỏi thẩm phán phải hoàn tất việc phân tích nhận định các tình tiết và hướng giải quyết vụ án. Các bên sẽ đưa ra ý kiến phản hồi về nội dung bản dự thảo, việc lấy ý kiến các bên vừa thể hiện sự công khai minh bạch trong quá trình xét xử, vừa giúp cho Thẩm phán có thể sửa chữa những sai sót trong bản án, những nhận định thiếu tính khách quan trong mỗi tình tiết vụ việc trước khi tuyên án và công bố công khai bản án. Giai đoạn này rất quan trọng đối với các đương sự đặc biệt nó thể hiện vai trò của Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự khi đưa ra những lập luận, những căn cứ chứng minh cho yêu cầu và việc thể hiện quan điểm của mình đối với phần nhận định của Tòa án liên quan tới các tình tiết của vụ việc.

Giai đoạn xét xử: Sau khi các bên thể hiện ý kiến của mình đối với dự thảo bản án, Tòa án sẽ tiến hành xét xử vụ án. Về cơ bản, nội dung bản án đã được hoàn thiện sau khi sửa đổi bổ sung nếu có sai sót, đồng thời cũng thể hiện ý kiến của các bên đối với từng nội dung của bản án. Ngoài ra cần phải soạn thảo bản án một cách khoa học, thể hiện rõ nội dung, tình tiết trong vụ việc tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, trích dẫn bản án của tổ chức cá nhân và quá trình xem xét lại ở cấp phúc thẩm. Một lần nữa Thẩm phán cần phải hoàn tất việc phân tích pháp lý của mình đối với từng tình tiết cụ thể nếu các bên có ý kiến. Việc này thể hiện kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án.

  1. 4.Kết luận

Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay việc học hỏi kinh nghiệm, áp dụng những quy định tiến bộ của pháp luật một số quốc gia hoặc các cơ quan tài phán quốc tế là điều cần thiết, nhất là trong quá trình cải cách tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Bằng việc làm rõ quy định liên quan tới quá trình xem xét của Ban hội thẩm trong cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO, bài viết đã đưa ra một số kinh nghiệm áp dụng trong quá trình xem xét giải quyết các vụ án dân sự sơ thẩm tại Việt Nam. Để làm được điều này đòi hỏi đội ngũ Thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng giải thích và áp dụng pháp luật. Đối với những người tham gia tố tụng, đặc biệt là đội ngũ Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự cần phải chủ động trong việc liên hệ với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc, đưa ra những tài liệu chứng cứ, lập luận của mình đối với từng tình tiết của vụ việc, nhận xét đánh giá về quá trình làm việc và quá trình phân tích pháp lý đối với từng tình tiết trong bản án. Đây có thể coi là một trong những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng bản án, tăng cường sự công khai minh bạch trong hoạt động xét xử của Tòa án.

[1] https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_status_e.htm

NCS CHU QUANG DUY - Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh