Một số vướng mắc khi áp dụng Luật phá sản năm 2014 và đề xuất, kiến nghị

Luật Phá sản (PS) năm 2014 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 19/6/2014 trên cơ sở kế thừa những điểm tích cực, tiến bộ của Luật PS năm 2004, đồng thời có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về phá sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định Luật PS năm 2014 cũng cho thấy, một số quy định còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa bao quát toàn diện những phát sinh trong thực tiễn… cần được hướng dẫn thi hành một cách cụ thể để việc áp dụng pháp luật về phá sản được thống nhất, hiệu quả. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu vào phân tích một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Luật PS năm 2014.
  1. Sự ra đời của Luật PS góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn; thúc đẩy sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, thu hút đầu tư và tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư.
  2. Luật (PS) cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các chủ nợ cũng như lợi ích hợp pháp cho cả doanh nghiệp mắc nợ. Đồng thời, pháp luật phá sản còn là công cụ răn đe, buộc các doanh nghiệp phải luôn tự hoàn thiện mình để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, khi áp dụng Luật vào thực tiễn mới bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được hoàn thiện.

  1. 1. Về việc từ chối tham gia giải quyết phá sản của Quản tài viên 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật PS năm 2014 thì: “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”.

Để hành nghề Quản tài viên thì các cá nhân phải đáp ứng các điều kiện cụ thể quy định tại Điều 12 Luật PS năm 2014[1]

Khoản 1 Điều 45 Luật PS năm 2014 quy định: 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Như vậy, căn cứ vào nội dung điều luật nói trên, thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ phá sản đó phải có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này lại phát sinh vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: Sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Thẩm phán giải quyết vụ phá sản đó đã ra văn bản chỉ định một Quản tài viên và văn bản này được tống đạt ngay đến Quản tài viên được chỉ định đó. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Quản tài viên được chỉ định lại có văn bản từ chối tham gia vụ phá sản đó vì cho rằng, vụ phá sản này quá phức tạp hoặc do Quản tài viên không có điều kiện tham gia… Vấn đề này xảy ra trong thực tiễn làm cho các Thẩm phán lúng túng trong xử lý tình huống, đồng thời, việc trì hoãn này sẽ khiến cho một số trường hợp giải quyết phá sản trở lên rắc rối hơn vì DN, HTX bị yêu cầu tuyên bố phá sản sẽ nhân cơ hội đó để tẩu tán tài sản…. Tuy nhiên, Luật PS năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PS có liên quan không có quy định nào bắt buộc các Quản tài viên phải tham gia vụ phá sản khi được chỉ định, nên họ hoàn toàn có quyền từ chối trong trường hợp này. Tại Điều 46 Luật PS năm 2014[2] chỉ quy định về việc thay đổi Quản tài viên. Đây là trường hợp sau khi đã tham gia vụ phá sản mà Quản tài viên vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật PS năm 2014 hoặc có căn cứ chứng minh Quản tài viên không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc trong trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên không thực hiện được nhiệm vụ. Trong các trường hợp này, Thẩm phán được giao giải quyết việc phá sản sẽ quyết định thay đổi Quản tài viên.

Tác giả cho rằng, trong trường hợp nêu trên, để giúp cho việc giải quyết vụ phá sản được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao, thì các Thẩm phán giải quyết vụ phá sản cần căn cứ vào danh sách các Quản tài viên do Sở Tư pháp của các địa phương cung cấp, trên cơ sở các căn cứ chỉ định Quản tài viên nêu tại khoản 2 Điều 45 Luật PS năm 2014 để lựa chọn ra một Quản tài viên có đầy đủ các yếu tố phù hợp tham gia vụ phá sản đó. Đồng thời, cần có sự trao đổi, thống nhất với Quản tài viên đó trước khi ra quyết định chỉ định Quản tài viên để không xảy ra các tình huống phát sinh như nêu ở trên.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp kể cả đã thực hiện các bước như tác giả phân tích ở trên, Quản tài viên đã nhận lời tham gia vụ phá sản. Nhưng khi có quyết định chỉ định thì Quản tài viên lại có ý kiến từ chối tham gia, bởi không có quy định nào của pháp luật cấm điều này. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. 

        2.  Về quy định mở tài khoản ngân hàng của Tòa án 

Điều 16 Luật PS năm 2014 quy định về Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, trong đó, tại điểm i khoản 1 có ghi nhận nghĩa vụ của Quản tài viên như sau: “Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng”. Điều này có nghĩa là, trong giai đoạn mở thủ tục phá sản tại Tòa án, sau khi có quyết định chỉ định Quản tài viên của Thẩm phán có thẩm quyền thì Quản tài viên được chỉ định đó phải gửi các khoản tiền thu được trong quá trình thực hiện việc quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của DN, HTX mất khả năng thanh toán vào một tài khoản ngân hàng do Tòa án nhân dân có thẩm quyền mở. Với nội dung quy định này đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành ở các địa phương khác nhau. Cụ thể, có Tòa án tiến hành chỉ mở một tài khoản ngân hàng do Chánh án Tòa án nhân dân cấp đó làm chủ tài khoản và tất cả số tiền thu được từ các vụ phá sản khác nhau đều nộp chung vào đó. Cũng có Tòa án lại mở từng tài khoản ngân hàng riêng cho mỗi vụ phá sản và chủ tài khoản ngân hàng đó vẫn là Chánh án, hoặc có nơi thì mở từng tài khoản ngân hàng khác nhau cho mỗi vụ phá sản và chủ tài khoản đó chính là Thẩm phán được phân công giải quyết từng vụ phá sản cụ thể đó. Sở dĩ có sự khác nhau đó là do luật không có quy định cụ thể, rõ ràng và hiện nay cũng chưa có văn bản cụ thể nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về vấn đề này.

Với sự phát triển lớn mạnh của nền kinh tế thị trường sẽ làm cho số lượng các DN, HTX mới được hình thành ngày càng nhiều. Những DN, HTX đáp ứng được các đòi hỏi, yêu cầu của thị trường thì tồn tại, phát triển, còn những DN, HTX không đáp ứng được sẽ bị đào thải, loại bỏ ra khỏi đường ray kinh tế đó. Vì vậy, số lượng các vụ yêu câu giải quyết phá sản sẽ ngày càng nhiều. Do đó,  việc áp dụng quy định nêu trên tại Tòa án nên theo hướng mỗi một vụ phá sản mở một tài khoản ngân hàng riêng và chủ tài khoản ngân hàng đó sẽ là Thẩm phán được giao giải quyết vụ phá sản đó. Việc mở tài khoản ngân hàng riêng sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và  dễ dàng trong vấn đề quản lý tài chính, đặc biệt đối với những vụ phá sản doanh nghiệp lớn thì số tiền thu về khi giải quyết phá sản là rất lớn, nếu gộp chung số tiền thu được của các vụ phá sản vào một tài khoản thì sẽ rất khó quản lý. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, năng lực về tài chính kế toán của các Thẩm phán là khác nhau và thường không chuyên sâu, bên cạnh đó, ở mỗi Tòa án hiện nay thì thường chỉ có một hoặc một số cán bộ làm công tác kế toán, phụ trách chung công tác tài chính kế toán của cả cơ quan, nên việc bao quát và kiểm soát thêm các tài khoản này là rất khó khăn nếu như nhập chung tất cả vào một tài khoản. Với việc mở tài khoản ngân hàng và tài khoản đó do chính Thẩm phán được giao giải quyết vụ phá sản đó làm chủ tài khoản sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực thi. Bởi lẽ, nếu giao cho đồng chí Chánh án làm chủ tài khoản thì trong trường hợp cần chi một khoản tiền nào đó cho Quản tài viên theo quy định thì lại phải chờ đồng chí Chánh án đó ký thì mới thực hiện được, điều này làm giảm tính hiệu quả, kịp thời trong việc giải quyết thủ tục phá sản./.

 

[1] Điều 12. Điều kiện hành nghề Quản tài viên

  1. Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:
  2. a) Luật sư;
  3. b) Kiểm toán viên;
  4. c) Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.
  5. Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:
  6. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  7. b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
  8. c) Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
  9. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên và việc quản lý nhà nước đối với Quản tài viên.

[2] Điều 46. Thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

  1. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thể bị Thẩm phán quyết định thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
  2. a) Vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật này;
  3. b) Có căn cứ chứng minh Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;
  4. c) Trường hợp bất khả kháng mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được nhiệm vụ.
  5. Quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải bằng văn bản, trong đó phải ghi rõ việc xử lý tạm ứng chi phí của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi và gửi ngay cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản.
  6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, người tham gia thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền làm đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét lại quyết định.
  7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xem xét lại quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Chánh án Tòa án nhân dân xem xét, ban hành một trong các quyết định sau:
  8. a) Không chấp nhận đề nghị xem xét lại quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
  9. b) Hủy bỏ quyết định thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
  10. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân quy định tại khoản 4 Điều này là quyết định cuối cùng.
  11. Trường hợp thay đổi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải trả lại toàn bộ tiền tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trường hợp thay đổi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán chi phí tương ứng với phần công việc đã thực hiện.
  12. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thay đổi, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi phải thực hiện bàn giao toàn bộ công việc đã thực hiện cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mới.
  13. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị thay đổi trong trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này hoặc không thực hiện bàn giao theo quy định tại khoản 7 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

PHẠM NGA