Quy định của pháp luật đối với hành vi buộc cô giáo quỳ gối

Cô giáo bị buộc quỳ gối ngay tại trường trong 40 phút do phụ huynh học sinh trừng phạt, ép buộc là câu chuyện gây bức xúc cho xã hội và đặt ra câu hỏi về quy định xử lý của pháp luật hình sự đối với hành vi làm nhục người khác.

Ngày 28/2, dư luận cả nước xôn xao về vụ việc cô giáo N là giáo viên Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An phải quỳ gối 40 phút tại trường với nguyên nhân trước đó cô giáo N đã phạt học sinh do vi phạm nội quy. Hành vi quỳ gối của cô giáo N là hình ảnh không đẹp trong môi trường giáo dục và còn đau lòng hơn nữa sự việc này diễn ra trước mắt và có sự chứng kiến của phụ huynh, học sinh và cả ban giám hiệu nhà trường, mà không gặp bất cứ một sự can ngăn nào. Hình ảnh quỳ gối này là biểu hiện cho sự suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội và là hình ảnh xấu đối với nền giáo dục nước nhà.

Trong tâm thức của mỗi người nhà trường chính là môi trường để giáo dục con người nhân cách và người giáo viên chính là người gieo mầm nhân cách vào trong lòng thể hệ trẻ ngày nay, tạo nên thế hệ trẻ vừa có tài vừa có đức, thế nhưng chính những người ươm mầm này lại đang hàng ngày đối diện với những áp lực, những thói hư, tật xấu và cả những sự vô tâm, dửng dưng của một bộ phận khác trong xã hội và liệu những người giáo viên còn tâm trí để ươm mầm hay không, khi họ không được bảo vệ, chở che bởi xã hội.

Xét về góc độ pháp lý, nếu có hành vi ép cô giáo quỳ gối 40 phút có thể phạm tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS năm 2015. Điều 155 về Tội làm nhục người khác quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Hành vi làm nhục người khác được thể hiện qua các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới các hình thức sau đây:

+ Thể hiện bằng lời nói: Như sỉ nhục, xóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác.

+Thể hiện bằng việc làm: Như có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu rếu.

Đặc trưng của hành vi nêu trên thường là diễn ra trực tiếp, công khai và trước nhiều người.

Lưu ý:

– Người bị hại phải là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự nhưng thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng là một vấn đề khá phức tạp. Bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục nhưng có người lại thấy bình thường. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình… Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

Người phạm tội quy định tại khoản 1 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố.

Trong vụ việc cô giáo quỳ gối nêu trên nếu chứng minh được hành vi của phụ huynh trong việc xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì việc xử lý tội làm nhục người khác là có cơ sở.

Pháp luật bảo vệ con người, nếu vụ án được xét xử thì bản án của Tòa án đưa ra là sự nhắc nhở nghiêm khắc rằng mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản người khác đều bị trừng trị./.

TRẦN VĂN HÙNG