Tài sản và sở hữu tài sản trong Luật tục M’nông – Thực trạng tại Đăk Nông hiện nay

Luật tục M’nông là một trong luật tục của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Dân tộc M’nông sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tuy nhiên luật tục M’nông vẫn được các đồng bào M’nông ở cả hai tỉnh sử dụng trong cuộc sống. Do đó, việc am hiểu luật tục, truyền thống và biến đổi có ý nghĩa quan trọng trong hòa giải, trong giải quyết các vụ tranh chấp hôn nhân, tài sản ở địa phương.

Tài sản do nữ giới quản lý

Luật tục là hiện tượng xuất hiện từ xa xưa, đã tồn tại lâu đời và có những tác động mạnh mẽ tới đời sống các cộng đồng người. Trên thế giới luật tục được gọi bằng những thuật ngữ khác nhau, như: folklaw (luật dân gian), native law (luật bản địa) … Các thuật ngữ trên đều chỉ một loại luật tục phân biệt với luật nhà nước (State law). Trong đó thuật ngữ Customary law – luật tục được sử dụng phổ biến hơn cả.

Luật tục M’nông là một trong luật tục của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Dân tộc M’nông sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tuy nhiên luật tục M’nông vẫn được các đồng bào M’nông ở cả hai tỉnh sử dụng trong cuộc sống. Sau quá trình sưu tập lâu dài, hiện nay luật tục M’nông bao gồm 8 chương với 15 điều.

Trong xã hội M’nông, tài sản được phân thành hai loại chủ yếu là tài sản chung của cộng đồng và tài sản của các dòng tộc, gia đình.

Tài sản của cộng đồng là khoảnh đất, như cây cối, sông suối, bụi rậm, bến nước, các khu rừng, các loại động vật,… chưa thuộc quyền quản lý của một dòng họ hay gia đình cụ thể nào. Tài sản chung của bon (buôn làng) được giao cho thủ lĩnh (Kruanh bon) của bon trông coi, chăm sóc và quản lý. Tài sản chung của cộng đồng hay nói cách khác là phạm vi đất đai của mỗi buôn thường được định ranh giới bằng các gốc cây, một tảng đá, một con suối hay một khu rừng.

Tài sản của các dòng tộc, gia đình là toàn bộ các thực thể vật chất như đất đai canh tác, nhà cửa, đồ dùng gia dụng, gia súc, gia cầm,… và các chức danh xã hội, tôn giáo,…

Xã hội truyền thống của người M’nông còn bảo lưu những dấu ấn khá sâu đậm của chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân. Do đó, về nguyên tắc tất cả các loại tài sản của gia đình, dòng họ, cộng đồng đều thuộc về nữ giới quản lý. “Theo luật tục M’nông , trong gia đình người chồng không có quyền có tài sản nên không có quyền để thừa kế và cũng không có quyền hưởng thừa kế, và mọi của cải trong gia đình chỉ được thừa kế theo dòng họ nữ”[1]:

“Con gái giữ nhà ông bà

Con gái giữ nhà bên vợ”[2]

Do vậy, khi người chồng chết thì  không phát sinh việc thừa kế (mọi tài sản vẫn thuộc về vợ và con cái), mà khi vợ chết thì quan hệ thừa kế mới phát sinh. Tuy nhiên, việc thừa kế chỉ thực hiện theo dòng họ nữ (vợ), nên khi vợ chết thì mọi của cải và con cái đều thuộc phía vợ (dì, bà ngoại) quản lý, còn người chồng thì phải trở về sinh sống với mẹ đẻ mình mà không được mang theo con cái hoặc tài sản… Trường hợp người chồng tiếp tục “nối dây” thì cùng người vợ mới tiếp tục quản lý con cái và tài sản đó[3].

Điều luật tục đã dạy rất rõ về việc chia thừa kế như sau:

“ Chiêng phải chia nhau đánh

Rlung phải chia nhau nấu rượu

Voi phải chia nhau dùng

Tài sản ông bà hưởng hết cả làng

Hưởng đến cả con, cả cháu”[4]

Việc quản lý và phân chia di sản được thực hiện cụ thể như sau: Nếu nhà có nhiều anh, chị, em còn sống chung với nhau, thì toàn bộ tài sản đó do người con gái lớn nhất quản lý, và khi trong chị, em gái có người lấy chồng ra ở riêng thì mới phân chia cho họ một phần, các anh, em trai đều không được chia phần trong tài sản đó. Nếu không có con gái thì các con trai về ở với bà ngoại hoặc các dì và toàn bộ tài sản do mẹ để lại đều thuộc về bà ngoại hoặc các dì,…

Như vậy, theo luật tục M’nông thì việc thừa kế di sản là không bình đẳng giữa con trai với con gái, giữa chồng với vợ và giữa gia đình chồng với gia đình vợ. Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật, làm tổn hại quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.

Tuy tất cả các loại tài sản của gia đình đều thuộc quyền quản lý của các chị em gái, nhưng họ không được dùng số tài sản này để phục vào mục đích riêng như bán để lấy tiền, cho hay biếu,… Nếu kẻ nào tự tiện sử dụng hay đem bán thì phải chịu lỗi trước dòng họ:

“Nếu đem bán hoặc đổi chác

… Ai làm người đó chịu

Ai bán người đó đền”

Với nguyên tắc trên, ta thấy rằng luật tục M’nông đề cao lợi ích nhóm hay cụ thể hơn là lợi ích của dòng họ, gia đình đặt lên trên.

Tuy nhiên về căn cứ xác lập quyền sở hữu cũng như các việc chiếm hữu bất hợp pháp ngay tình và không ngay tình thì luật tục đã có những quy định khá chặt chẽ, chi tiết và tương tự như Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015. Một trong những nguyên tắc đặc trưng của luật dân sự là nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận và nguyên tắc thiện chí, trung thực tại Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2105, điều này cũng được luật tục M’nông răn dạy con cháu vì người M’nông vốn thật thà, chất phác, đùm bọc lẫn nhau, tinh thần đoàn kết rất cao. Vì thế trong luật tục M’nông có rất nhiều điều luật răn dạy con cháu về việc cưỡng đoạt tài sản của người khác là một tội lỗi;  ăn cắp là một tội bị cộng đồng lên án. Luật tục có những điều luật về từng trường hợp ăn cắp, xử lý cả với những kẻ giấu giếm, tiêu thụ đồ ăn cắp.

Cộng đồng M’nông mang dấu ấn mẫu hệ sâu đậm

Tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa luật dân sự và luật tục về nguyên tắc chịu trách nhiệm. Các chủ thể đều độc lập về tài sản, bình đẳng về địa vị và chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình trước bên có nghĩa vụ cần được thực hiện hoặc quyền lợi người vi phạm. Nhưng trong Bộ luật dân sự Việt Nam thì việc đền bù thiệt hại chỉ đúng bằng thiệt hại thực tế xảy ra. Còn trong luật tục thì việc đền bù không tương xứng giá trị thiệt hại thực tế. Cụ thể trong luật tục Êđê là nguyên tắc một đền ba, còn trong luật tục M’nông thì thông thường là áp dụng nguyên tắc một đền hai:

Đối với việc ăn cắp lợn gà:

“Người nào bắt trộm lợn gà để ăn

Mất một con lợn bắt đền hai con

Mất một con gà bắt đền hai con”

(Điều Tội ăn cắp lợn gà)[5]

Trong luật tục ranh giới giữa luật tục dân sự và hình sự không phân biệt rõ. Vì vậy nhiều hành vi được coi là tội phạm nhưng người vi phạm chủ yếu phải chịu trách nhiệm trước người bị thiệt hại chứ ít khi phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Đa số người dân sống và xử sự theo phong tục tập quán truyền thống.

Biến đổi về xác lập quyền sở hữu

Với các nguyên tắc về xác lập quyền sở hữu tài sản và thừa kế nêu trên được người dân tuân thủ rất nghiêm ngặt trong xã hội truyền thống của người M’nông. Tuy nhiên ngày nay xã hội người M’nông đã có sự giao thoa với các dân tộc khác về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực hôn nhân, giáo dục và pháp luật của Nhà nước cũng đã thẩm thấu trong đời sống nhân dân. Vì vậy việc xác lập quyền sở hữu và tài sản thừa kế đã có những biến đổi nhất định.

Thứ nhất, các loại tài sản và quyền sở hữu tài sản cũng có sự thay đổi. Trước đây gia đình truyền thống của người M’nông là gia đình theo chế độ mẫu hệ, tất cả các thành viên trong gia đình phải làm chung, ăn chung và tài sản làm ra là tài sản chung. Tuy nhiên hiện nay các gia đình lớn đã chuyển thành các gia đình nhỏ một vợ một chồng, sống trong những ngôi nhà riêng, có đất canh tác riêng và một số tài sản cá nhân. Sự thay đổi này đã làm cho tài sản chung của dòng họ như trước đây bị phân tán. Quyền của người phụ nữ là chủ gia đình đã suy giảm. Song đối với các gia đình nhỏ do có sự độc lập về kinh tế, đồng bào dân tộc M’nông đã học hỏi cách trồng cà phê, tiêu, bơ hay các cây công nghiệp của người Kinh, do đó tài sản được tăng nhanh. Nhờ đó vai trò của người chồng/người bố được thiết lập vì những lao động nặng phần lớn do người đàn ông thực hiện. Ở nhiều hộ gia đinh quyền của vợ chồng của được cải thiện, họ có thể bán hay cho bất cứ ai trong số tài sản do họ làm ra mà không phải xin phép mẹ hay chị gái cả.

Thứ hai, mặc dù đã có sự độc lập về quyền tài sản do mình làm ra, song số tài sản của các hộ gia đình cá thể có thể được chuyển thành tài sản của dòng họ dưới sự quản lý của người chị cả khi gia đình cá thể đó có người chồng hoặc vợ chết.

Luật tục truyền thống quy định rằng, khi một người đàn ông có vợ chết, ông ta sẽ được nối nòi, tức là dòng họ bên vợ sẽ cho em gái của người quá cố (nếu không có em gái thì là cháu gái) lấy chồng của người chết để nối nòi. Nếu bên dòng họ không tìm được người thay thế hoặc người đàn ông không chấp nhận nối dây thì người đàn ông không phải quay về nhà bố mẹ đẻ của mình với hai bàn tay trắng (không được mang theo tài sản và không được nuôi con cái. Ngược lại, nếu người chồng mất mà gia đình chồng không  muốn mất của cũng phải đưa người (anh trai hay em trai chưa có vợ của người chồng) sang nhà người vợ của người đã mất để thực hiện tục nối dây. Như vậy, với tục nối dây, nếu có sự tự nguyện của cả hai bên nam nữ thì không phát sinh vấn đề vi phạm pháp luật và ở khía cạnh khác, nó khiến của cải luôn tập trung trong một gia đình, dòng họ, con cái luôn được quan tâm, …

Ngược lại, nếu không có sự tự nguyện của một trong hai bên, thì rõ ràng vi phạm nguyên tắc của Luật hôn nhân gia đình, của cải do người chồng làm ra không được hưởng đã xâm phạm quyền và lợi ích của người chồng theo quy định của pháp luật. Hơn nữa trước đây do các tài sản không có giá trị cao thường là khoảng đất hoang, con trâu, cái cày, lưỡi hái,.. nhưng ngày nay đồng bào dân tộc M’nông cũng như các dân tộc thiểu số khác làm kinh tế rất hiệu quả, họ trồng cà phê, tiêu làm cho giá đất tăng lên, nhận thức pháp luật của người dân cũng nâng cao, do đó việc phân chia tài sản theo luật tục đã gặp phải sự phản ứng của người chồng và gia đình bên chồng. Nhiều gia đình vì việc phân chia di sản theo luật tục đã dẫn đến làm chia rẽ tình cảm giữa bố với con cái, giữa gia đình nhà vợ với gia đinh nhà chồng.

Nhưng bên cạnh đó trong thực tế hiện nay do sự thẩm thấu của pháp luật hiện hành đã có một số gia đình người M’nông thay đổi trong tư duy, nhận thức. Có nhiều gia đình khi con trai đi lấy vợ, bố mẹ đã nhường cho một số tài sản nhất định, kể cả đất canh tác và dựng nhà. Điều này đảm bảo ít nhiều quyền lợi của các thành viên phù hợp với quy định của Nhà nước.

Thứ ba, việc xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản chung cũng đã có những biến đổi nhất định. Đối với người M’nông tài sản chung của cộng đồng bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất canh tác nằm trong địa phận của buôn, thuộc về tất cả các thành viên trong buôn, do người thủ lĩnh quản lý chung. Sau này trong mỗi buôn đó có sự phân chia đất rừng hay đất canh tác cho các dòng họ hay gia đình theo nguyên tắc người có công khai phá hoặc sử dụng đầu tiên. Tuy nhiên thực chất các tài sản này đều thuộc sở hữu chung của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng lấn chiếm đất rừng và đất canh tác trái phép, Nhà nước đã ban hành chính sách giao đất giao rừng đến từng hộ gia đình theo từng nhân khẩu để xác lập lại quyền sở hữu và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ địa phương. Các mảnh nương của một gia đình nào đó có thể sẽ được chia cho các gia đình khác để có đủ số đất theo quy định. Trong khi số đất đó theo luật tục đáng lẽ là do họ khai hoang và được xác lập quyền sở hữu. Điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn giữa pháp luật với luật tụ kéo theo sự tranh chấp giữa người được chia đất theo pháp luật và người được sử dụng đất theo luật tục. Thực tế đã có nhiều tranh chấp kéo dài nhiều năm, đòi hỏi Nhà nước và các già làng, trưởng bản phải tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu về chính sách đất đai của Nhà nước, để đảm bảo công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.

Thứ tư, là việc bồi thường thiệt hại. Theo quy định của luật dân sự việc bồi thường dựa trên giá trị thiệt hại thực tế. Tuy nhiên theo luật tục M’nông đã nêu ở trên thường dựa trên nguyên tắc mất một đền hai:

“Mất một con lợn bắt đền hai con

Mất một con gà bắt đền hai con”

(Điều Tội ăn cắp lợn gà)[6]

Nhưng trong thực tế ngày nay, việc bồi thường thiệt hại không theo một chuẩn mực nào, có rất nhiều trường hợp việc bồi thường thiệt hại là tương ứng với giá trị bị thiệt hại, nhưng khi phân xử, người xử kiện còn xem xét đến tính chất và mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại mà có thể giảm bớt hoặc tăng thêm mức độ bồi thường, thậm chí phải bồi thường hơn gấp nhiều lần mức thiệt hại, nhiều khi còn phạt vạ bên có lỗi, bắt họ phải giết gà, heo, trâu… cúng thần linh và đãi cả làng. Trách nhiệm bồi thường không chỉ của người gây ra lỗi mà còn là của cả gia đình phái gánh chịu. Nếu họ và gia đình không trả hết thì con cháu của họ sau này tiếp tục phải trả cho đến hết. Những yếu tố này cũng tạo ra tiền đề cho việc thực hiện không nghiêm túc các quyết định của pháp luật.

Từ những thực tế đó cho thấy, luật tục cũng đã và đang tồn tại cùng với thời gian, nó có sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc M’nông tại tỉnh Đắk nông nói riêng. Do đó đòi hỏi các nhà quản lý khi áp dụng pháp luật cũng không thể bỏ qua sự ảnh hưởng đó, để đảm bảo pháp luật vẫn được thực thi mà các phong tục, tập quán của đồng bào cũng được lưu giữ, vừa có thể dung hòa pháp luật với luật tục một cách hiệu quả nhất.

Lễ cúng cổng làng của người M’nông – Ảnh: Lê San

[1] Bùi Hồng Quý – Những ảnh hưởng của luật tục trong thực hiện pháp luật của đồng bào dân tộc M’nông ở Tây Nguyên.Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5/2013 Tr21.

[2] Ngô Đức Thịnh – Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội năm 2003 tr197.

[3] Bùi Hồng Quý – Những ảnh hưởng của luật tục trong thực hiện pháp luật của đồng bào dân tộc M’nông ở Tây Nguyên.Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5/2013 tr21.

[4] Phan Đăng Nhật (chủ biên) – Luật tục các dân tộc thiểu số Việt Nam (Quyển 3). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội năm 2014 tr202.

[5] Ngô Đức Thịnh – Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội năm 2003 tr200.

[6] Ngô Đức Thịnh – Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội năm 2003 tr200.

 

 

ThS. NGUYỄN THỊ OANH (Giảng viên Khoa Luật, Đại học Đà Lạt)