Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc

Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng trong lao động sản xuất. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ATVSLĐ đòi hỏi doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm thực hiện các biện pháp về khoa học kỹ thuật, tổ chức, hành chính để loại trừ các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên môi trường lao động an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hạn chế ốm đau và giảm sút sức khỏe cũng như những thiệt hại khác đối với người lao động. Đồng thời, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động là trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh toàn diện.

1. Quy định pháp luật trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ

Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 21 Công ước của ILO, với 12 Công ước liên quan trực tiếp đến công tác ATVSLĐ[1]. Các Công ước quy định các nước thành viên phải chủ động các bước để tiến đến môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua chính sách, hệ thống và chương trình quốc gia về ATVSLĐ phù hợp. Vì vậy, các cam kết quốc tế về ATVSLĐ đã được nội luật hóa trong Luật ATVSLĐ (Luật ATVSLĐ) và các văn bản hướng dẫn.

Thứ nhất, về trách nhiệm của người sử dụng lao động để tạo ra môi trường lao động an toàn lành mạnh: theo quy định tại Điều 4.2 của Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường lao động: “Mục đích của Chính sách quốc gia là  phòng ngừa tai nạn lao động và những tổn hại cho sức khỏe phát sinh do công việc, có liên quan tới công việc hoặc trong khi tiến hành công việc, bằng cách giảm thiểu đến mức thấp nhất, trong điều kiện thực tế cho phép, những nguyên nhân rủi ro vốn có tại môi trường làm việc”. Ở Việt Nam, nội dung của quy định này được thể hiện cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Luật ATVSLĐ như sau: “Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động”. Cụ thể, ngay từ khi thiết kế nhà xưởng, lựa chọn công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu phải loại trừ các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Hàng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, đánh giá những nguy cơ rủi ro, tai nạn lao động, bệnh tật. Đối với các yếu tố có hại phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất 1 năm 1 lần[2]. Dựa trên những nguy cơ rủi ro đó, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, xử lý sự cố kỹ thuật và phải hướng dẫn người lao động tự đánh giá các rủi ro. Khi người lao động thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, họ được quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý và chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để đảm bảo ATVSLĐ. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm việc hoặc quay trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động. Điểm khác biệt trong quy định này giữa Công ước 155 và Luật ATVSLĐ là Điều 13 Công ước 155 quy định người lao động có quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc khi “chứng minh mối nguy hiểm” sắp xảy ra, thì điểm đ khoản 1 Điều 6 Luật ATVSLĐ quy định cụm từ “thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động”.

Trong trường hợp vẫn còn tồn tại các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phải ngăn chặn, hạn chế tiếp xúc các yếu tố này thông qua việc xây dựng lưu trình làm việc, thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, trang bị và cung cấp các thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc có tiếp xúc với một trong những yếu tố nguy hiểm, độc hại. Toàn bộ chi phí mua các phương tiện bảo hộ lao động do người sử dụng lao động chi trả[3].

Đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ[4] cần phải được quản lý chặt chẽ. Việc sử dụng hay thải bỏ các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt ATVSLĐ, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan quản lý cấp tỉnh tại nơi sử dụng. Quy định này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tình hình sử dụng các loại máy này có phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật, có được phép sử dụng hay không. Ngoài ra, tất cả các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động để kịp thời phát hiện những bộ phận hư hỏng nặng, có khả năng dễ vỡ, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hại đến tính mạng bất kể lúc nào. Trong quá trình sử dụng, phải che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy, thiết bị, bố trí đề phòng sự cố, có bảng chỉ dẫn về ATVSLĐ đặt ở vị trí mà mọi người dễ thấy, dễ đọc ở nơi làm việc, nơi đặt máy móc, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại trong doanh nghiệp giúp người lao động biết được phương thức vận hành, thao tác máy móc, để từ đó tránh được nguy cơ tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại sẽ được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013, người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:

a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;

b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.”

Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt là, nếu người lao động làm các công việc không thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm thì vẫn có khả năng được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật thì người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (10.000 đồng) đối với người lao động (điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH đây là quy định tùy nghi mà không phải quy định bắt buộc đối với người sử dụng lao động). Với cách quy định như trên có thể hiểu theo 2 cách:

  • Cách thứ nhất: Người lao động không làm công việc thuộc danh mục công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm thì người sử dụng lao động xem xét quyết định có thể thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc không thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật. Nếu người sử dụng lao động không thực hiện bồi dưỡng trong trường hợp này thì cũng không trái với quy định của pháp luật.
  • Cách thứ hai: Người lao động không làm công việc thuộc danh mục công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật.

Theo 2 cách hiểu như trên thì cách hiểu nào mới đúng theo quy định của pháp luật? Trước đây, Thông tư này trong quá trình dự thảo đã sử dụng từ “khuyến khích”[5], tức thể hiện theo cách hiểu thứ 1 nhưng khi được ban hành lại sử dụng cụm từ “xem xét, quyết định”.

Hiện nay, chính các cơ quan nhà nước vẫn chưa có sự thống nhất rằng nên hiểu theo cách nào: Cục An toàn Lao động (trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hiểu theo cách hiểu thứ 1 trong khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh lại hiểu theo cách hiểu thứ 2 (và khẳng định có thể xử phạt nếu doanh nghiệp không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật).

Thứ hai là, công tác huấn luyện ATVSLĐ: Có thể nói, huấn luyện ATVSLĐ là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro, chi phí và đảm bảo an toàn cho sản xuất, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Điều 19d của Công ước 155 quy định người lao động và đại diện của họ phải được đào tạo thỏa đáng về ATVSLĐ. Cụ thể hóa nội dung này trong pháp luật Việt Nam thì Điều 14 Luật ATVSLĐ yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức huấn luyện cho người lao động theo một trong các hình thức sau đây[6]:

  • Tự tổ chức huấn luyện nếu bảo đảm điều kiện về người huấn luyện.
  • Thuê tổ chức huấn luyện.

Đối tượng tham gia huấn luyện bao gồm cả người sử dụng lao động và người lao động, được chia thành 6 nhóm: Người quản lý phụ trách ATVSLĐ (nhóm 1); người làm công tác ATVSLĐ (nhóm 2); người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (nhóm 3); toàn bộ người lao động (nhóm 4); người làm công tác y tế (nhóm 5); an toàn, vệ sinh viên (nhóm 6). Tùy theo tính chất công việc, vai trò, vị trí làm việc mà mỗi nhóm có những nội dung và thời gian huấn luyện khác nhau.

Thứ ba là, chăm sóc sức khỏe người lao động. Đối với mỗi doanh nghiệp, sức khỏe của người lao động chính là “nguồn vốn” lớn, không những có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến chất lượng công việc mà còn ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp. Người lao động có sức khỏe tốt mới có thể tạo ra những sản phẩm tốt và xây dựng nên một doanh nghiệp phát triển vững chắc, ổn định. Cũng nhờ vậy mà tạo nên sợi dây vô hình gắn kết và giữ chân người lao động ở lại cống hiến cho công ty, nâng cao năng suất lao động đồng thời giảm được các chi phí y tế trong điều trị cũng như giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Điều 5.2 Công ước 187 về khung chính sách thúc đẩy an toàn – vệ sinh lao động năm 2006 quy định các quốc gia thành viên phải đẩy mạnh, tăng cường an toàn và sức khỏe cho người lao động. Thể chế hóa quy định này, Luật ATVSLĐ có quy định một số nội dung cụ thể mà căn cứ vào đó doanh nghiệp phải thực hiện. Theo đó, người sử dụng lao động phải dựa vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại nghề, công việc và kết quả khám sức khỏe để sắp xếp công việc phù hợp cho người lao động. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một năm một lần cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả.

Ngoài ra, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, việc điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho không phải là một quy định pháp luật bắt buộc mà chỉ là quy định mang tính khuyến khích. Do đó, còn tùy thuộc vào chính sách của công ty mà việc điều dưỡng phục hồi sức khỏe chỉ mang tính tuyên truyền.

Thứ tư là, thiết lập hệ thống quản lý về ATVSLĐ: Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo cho các chính sách ATVSLĐ được triển khai trên thực tế, người sử dụng lao động phải bố trí hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác ATVSLĐ tại cơ sở.

Theo đó, căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và điều kiện lao động, yêu cầu đối với doanh nghiệp về bộ phận ATVSLĐ được thể hiện như sau:

Quy mô doanh nghiệp Yêu cầu Yêu cầu đối với cán bộ an toàn
Dưới 300 người lao động Ít nhất 01 người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ bán chuyên trách – Đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc

– Cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật, ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở hoặc

– Trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật, có 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

300 đến dưới 1000 người lao động Ít nhất  01 người làm công tác ATVSLĐ chuyên trách – Trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở hoặc

– Trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật, ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở hoặc

– Trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Trên 1000 người lao động Ít nhất 02 người làm công tác ATVSLĐ chuyên trách

Bộ phận ATVSLĐ có trách nhiệm tham mưu và giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ. Đây là một bộ phận quan trọng nên yêu cầu tiêu chuẩn của người này phải được đào tạo từ chuyên ngành kỹ thuật và phải có kinh nghiệm làm việc trong bộ phận ATVSLĐ là một quy định hợp lý. Bởi những yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại là những yếu tố liên quan nhiều đến máy móc, thiết bị, vật lý, hóa học. Một điều cần lưu ý trong quy định về quy mô doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP theo 3 trường hợp là dưới 300 lao động, từ 300 đến dưới 1000 người lao động và trên 1000 người lao động. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp có 1000 người lao động thì phải có ít nhất 1 hay 2 người làm công tác ATVSLĐ. Đây có thể là lỗi kỹ thuật trong quá trình lập pháp.

Trường hợp người sử dụng lao động không bố trí được người hoặc không thành lập được bộ phận ATVSLĐ thì phải thuê các tổ chức có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện các nhiệm vụ ATVSLĐ theo quy định.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật Việt Nam ngày càng tương thích với quy định của ILO về vấn đề nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.

2. Thực trạng thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 về việc tổ chức tháng hành động ATVSLĐ; Công văn số  4401/BLĐTBXH-ATLĐ ngày 03/11/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017, ngày 27/3/2017, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1472/BYT-MT về việc tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017 có chủ đề là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 5 năm 2017 trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về sự ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hưởng ứng phong trào, nhiều doanh nghiệp thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, đơn cử như Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đợt huấn luyện ATVSLĐ và nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho hơn 500 công nhân lao động trong toàn công ty.[7]

Mặc dù công tác ATVSLĐ được các doanh nghiệp chú trọng nhưng trên thực tế tình trạng tai nạn lao động vẫn đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng[8]. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong 06 tháng đầu năm 2017 trong khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 311 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người, nhưng đến ngày 25 tháng 07 năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới nhận được 62 biên bản điều tra (66 người chết). Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 6 tháng đầu năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 4.388 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 4.461 người bị nạn trong đó:

– Số vụ TNLĐ chết người: 406 vụ

– Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 56 vụ

– Số người chết: 418 người

– Số người bị thương nặng: 843 người

– Nạn nhân là lao động nữ: 1.350 người

 Bảng 1: So sánh tình hình TNLĐ 06 tháng đầu năm 2017 và 06 tháng đầu năm 2016 khu vực có quan hệ lao động

TT Chỉ tiêu thống kê 06 tháng đầu năm 2016 06 tháng đầu năm 2017 Tăng/giảm
1 Số vụ 3.674 3.660 -14(-0,38%)
2 Số nạn nhân 3.777 3.716 -61(-1,6%)
3 Số vụ có người chết 323 311 -12(-3,7%)
4 Số người chết 356 322 -34(-9,55%)
5 Số người bị thương nặng 854 709 -145(-16,97%)
6 Số lao động nữ 1.176 1.078 -98(-8,3%)
7 Số vụ có 2 người bị nạn trở lên 54 41 -13(-24,07%)

Theo đó, loại hình công ty cổ phần chiếm số vụ  tai nạn và số người chết nhiều nhất (40,3% và 43,9%); lĩnh vực xây dựng có nhiều vụ tai nạn và số người chết nhất (25,8% và 24,2%). Đơn cử như đêm ngày 23/3 tại công trường xây dựng của Dự án Sunshine Garden (nằm giáp ranh giữa 2 quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty CP Sao Ánh Dương làm chủ đầu tư đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong[9].

Nhu cầu xây nhà ở và các công trình xây dựng rất cao nên thu hút nhiều người lao động phổ thông từ các tỉnh lẻ tập trung về đây với mục đích tìm được việc làm, kiếm sống để trang trải cuộc sống gia đình. Hiện nay hầu hết các công trình nhỏ lẻ hay các công trình dân sinh, việc bảo hộ cho công nhân dường như chưa được bảo đảm. Đó là nguy cơ tiềm ẩn của những vụ tai nạn lao động gây thương vong về người vẫn đang xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây.

Thống kê tại một số tỉnh trong giai đoạn 2013 – 2016 cho thấy, Hải Dương đã phạt 80 trường hợp với số tiền hơn 3 tỷ đồng; Đồng Nai phạt 213 trường hợp với số tiền hơn 6 tỷ đồng; ở TP HCM phạt 329 trường hợp với số tiền gần 6 tỉ đồng[10].

Theo phân tích từ 62 biên bản điều tra tai nạn lao động chết người, các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người từ phía người sử dụng lao động chiếm 33,8%[11], cụ thể:

  • Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,9% tổng số vụ;
  • Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 12,9% tổng số vụ;
  • Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 4,8% tổng số vụ;
  • Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 1,6% tổng số vụ;
  • Do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1,6%.

Hiện nay, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ chủ yếu được áp dụng theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP. Theo báo cáo của 23 tỉnh, thành trong cả nước, các cấp có thẩm quyền đã ra 1.334 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động tại các tỉnh, thành phố (trong đó có ATVSLĐ) với số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm về pháp luật về ATVSLĐ chủ yếu là: Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; Không định kỳ kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Không bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Không thực hiện cử người làm công tác ATVSLĐ; Hàng năm không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ theo quy định; Không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hoặc khám không đủ số lượt, số người đối với lao động thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Không tiến hành đo lường các yếu tố có hại tại nơi làm việc…

  1. Kiến nghị

Luật ATVSLĐ được ban hành ngày 25/06/2015 và có hiệu lực ngày 01/07/2016, trong khi đó Nghị định 88/2015/NĐ-CP được ban hành ngày 07/10/2015 và có hiệu lực ngày 25/11/2016 để bố sung các hành vi vi phạm về lao động, ATVSLĐ. Như vậy, Nghị định 88/2015/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực sau Luật ATVSLĐ. Tuy nhiên, có những quy định được quy định trong Luật ATVSLĐ nhưng lại không quy định chế tài xử phạt trong nghị định 88/2015/NĐ-CP. Do đó, một điều cần thiết và quan trọng là phải rà soát Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn để bổ sung, sửa đổi các hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP cho thống nhất với Luật ATVSLĐ:

Một là: Luật ATVSLĐ yêu cầu hằng năm người sử dụng lao động phải lập kế hoạch ATVSLĐ. Đây là một hoạt động rất quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Bởi thông qua hoạt động này, người sử dụng lao động nhận diện, phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro và tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại để từ đó lập các phương án xử lý xử cố kỹ thuật trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay không có chế tài xử phạt khi doanh nghiệp không lập kế hoạch ATVSLĐ.

Hai là: Theo quy định quản lý sức khỏe người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATVSLĐ, chỉ xử phạt cho hành vi “người sử dụng lao động không lập hồ sơ riêng biệt cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp”. Vì vậy, cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính khi người sử dụng lao động không lập hồ sơ sức khỏe của người lao động cho phù hợp với quy định về quản lý sức khỏe người lao động. Bởi, việc lập hồ sơ cho những người làm công việc không phải là công việc nặng nhọc, độc hại để làm cơ sở cho người lao động có những bệnh tật có liên quan tới quá trình lao động hay không.

Ba là: Cần phải quy định “người lao động không thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm” thì vẫn được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật. Bởi lẽ, khi người sử dụng đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động vẫn không thể loại trừ, khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, độc hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật. Việc bồi dưỡng bằng hiện vật nhằm để thải độc do các yếu tố nguy hiểm, độc hại gây ra, tăng sức đề kháng, cũng như ngăn ngừa bệnh tật, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Kết luận

Công tác ATVSLĐ là một yếu tố nằm trong chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhằm thu hút người lao động. Bên cạnh các vấn đề về tiền lương, thời giờ làm việc thì việc được cung cấp môi trường làm việc an toàn, lành mạnh là một yếu tố mà người lao động quan tâm khi ứng tuyển vào một doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu người lao động tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không những suy giảm sức khỏe lao động mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân. Do đó, khi doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo đảm ATVSLĐ sẽ giúp người sử dụng lao động giảm thiểu chi phí trợ cấp, bồi thường bảo vệ sức khỏe, cuốc sống và hạnh phúc gia đình cho người lao động, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp.

[1] Báo cáo của Cục an toàn lao động, “Một số điểm mới của Luật An toàn, vệ sinh lao động”.

[2] Điều 18 Luật ATVSLĐ 2015 và được hướng dẫn tại chương II Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

[3] Điều 138 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 23 Luật ATVSLĐ 2015.

[4]  Điều 28 Luật ATVSLĐ 2015: Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người”.

[5] “Góp ý Thông tư Hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại”, (xem tại: http://antoanlaodong.gov.vn/catld/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=1101), (Truy cập ngày: 27/10/2017).

[6] Điều 29 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

[7] “Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho công nhân”, (xem tại: http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=26559), (truy cập ngày 30/10/2017).

[8] Đoàn Việt Dũng, “Thông báo tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm 2017”, (xem tại: http://antoanlaodong.gov.vn/catld/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=2034), (truy cập ngày 17/10/2017).

[9] Phong Vân, “24% vụ tai nạn lao động thuộc ngành xây dựng”, (xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/tai-nan-lao-dong-24-vu-tai-nan-lao-dong-thuoc-nganh-xay-dung-375451.html), (Truy cập ngày: 13/10/2017).

[10] “Khó xử lý vi phạm an toàn vệ sinh lao động”, (xem tại: http://m.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/kho-xu-ly-vi-pham-an-toan-ve-sinh-lao-dong-359753), (Truy cập ngày 17/10/2017).

[11] Đoàn Việt Dũng, “Thông báo tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm 2017”, (xem tại: http://antoanlaodong.gov.vn/catld/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=2034), (Truy cập ngày 17/10/2017).

                                                                    Nguyễn Tấn Hoàng Hải

                                                                Th.S Gv Khoa Luật Dân sự, Tr. ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh

                                                                Nguyễn Thị Thu Hân

                                                                 Học viên lớp cao học luật Kinh tế khóa 24

Nguyễn Tấn Hoàng Hải -Th.S Gv Khoa Luật Dân sự,Tr. ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Thu Hân - Học viên lớp cao học luật Kinh tế khóa 24