Thuế không nên đánh vào người nghèo

Hiếm có dự luật nào mới chỉ là đề xuất mà đã kiến dư luận xã hội quan tâm đặc biệt như Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Người dân sốt sắng quan tâm bởi vì gia đình bình thường nào cũng phải có căn nhà, dù to dù nhỏ để sinh sống, thực hiện cái quyền có nhà ở quy định trong luật và cũng là lẽ tự nhiên, muôn đời, như “con chim có tổ”, “con cáo có hang”. Đánh thuế vào cái nhà, thu thuế nhà hàng năm, khiến tất cả đều lo lắng, bức xúc. Hơn nữa, với mức tính thuế từ 700 triệu đồng trở lên thì đại đa số người dân thành phố phải chịu khoản thuế này; ở nông thôn chắc cũng phải trên 50% người dân chịu thuế. Chỉ có những căn nhà cấp 4, thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo mới dưới 700 triệu đồng.

Nhìn qua thị trường nhà đất ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, những căn nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, các cặp vợ chồng trẻ… cũng trên 700 triệu đồng. Để có căn hộ này họ phải tích cóp và đóng đủ thứ thuế, có khi phải vay nợ trả lãi hàng tháng, nên thu thêm thuế là chồng thêm cho họ khó khăn. Với đề xuất mức thuế 0,4% thì căn nhà trị giá 2 tỷ, thuế sẽ là 5,2 triệu/ năm, căn nhà 3 tỷ sẽ là 9,2 triệu/năm… Quả là con số không nhỏ, so với đời sống bình dân hiện nay.

Không biết cơ quan đề xuất đã tiến hành các nghiên cứu xã hội học để biết một hộ gia đình hai vợ chồng công nhân hoặc viên chức nhà nước, có hai con thì một tháng họ phải chi bao nhiêu tiền để duy trì cuộc sống, và khoản thuế nhà tác động đến họ thế nào, hay chưa? Chắc chắn không ai vui vẻ ủng hộ sắc thuế mới.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thu thêm thuế tài sản, ở đây là nhà ở, thì thuế chồng thuế. Để có nhà người dân đã phải nộp thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân khi  chuyển nhượng; thuế VAT cho vật liệu khi xây dựng nhà… Bên cạnh đó là các khoản lệ phí trước bạ, công chứng, đo vẽ, cấp mới giấy chứng nhận…

Vì vậy, nếu một trong những mục tiêu của dự luật thuế này là ngăn chặn đầu cơ nhà đất thì phải đánh thuế từ ngôi nhà thứ hai, sau khi tính toán cho thấy căn nhà thứ hai là dư thừa so với nhu cầu sử dụng thực tế, phù hợp với mặt bằng địa phương. Còn ngôi nhà thứ nhất, do nhiều nguồn mà mỗi hộ gia đình có được, chỉ có giá trị sử dụng, không phải là hàng hóa thì không nên thu thuế. Nếu họ mua bán nhà thì giao dịch đó mới phải chịu các mức thuế theo quy định khi sang tên, chuyển nhượng.

Với tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện sắc thuế này, mỗi năm thu ngân sách tăng thêm từ 22.700 tỉ đồng đến 31.000 tỉ đồng. Mục đích chính của thuế tài sản là tái cơ cấu nguồn thu NSNN, nói nôm na là bù đắp cho nguồn thu đang thiếu hụt, đó là mục đích chính đáng nhưng người dân khó “thông cảm” với Nhà nước khi các các vụ tham nhũng, lãng phí đang diễn ra rất nghiêm trọng. Điển hình như một vụ AVG, Thanh tra Chính phủ kết luận đã thiệt hại đến 7.006 tỉ đồng. Tình hình tham nhũng, lãng phí như thế, những đồng tiền thuế đầy mồ hôi, công sức của người dân bị xúc phạm.

Bộ Tài chính cũng đưa ra thông tin đại đa số các nước dùng sắc thuế này, nhưng chưa có đầy đủ thông tin về cách thu, về mặt bằng thu nhập và nhất là sự công khai, minh bạch, hiệu quả trong thu thuế và sử dụng NSNN của các nước như thế nào? Nhiều nước trẻ em đi học không phải đóng học phí, người lao động được hỗ trợ về nhà ở…

Ở Hà Lan, hơn 40% người dân thuê nhà ở, đây là quốc gia có số lượng nhà ở xã hội cao. Họ ưu tiên dành cho những người sinh ra và có gia đình hay làm việc tại khu vực nhất định. Chính phủ Singapore cũng cung cấp các căn hộ thuộc “Đề án cho thuê công cộng” với nhiều trợ cấp cho các hộ gia đình ở quốc gia này. Hay ở Hàn Quốc, những người muốn mua nhà và lần đầu tiên mua nhà có thể vay vốn từ Chương trình kế hoạch mua nhà lần đầu với mức vay lên đến 70% tổng giá trị căn nhà với lãi suất thấp, khoảng 6 – 6,5%/năm. Riêng với đối tượng có mức thu nhập thấp nhất sẽ được vay 70% giá trị căn nhà và hưởng lãi suất 3%/năm… Việt Nam chưa có những chính sách hiệu quả như vậy để giúp người dân có nhà ở, nhất là đối tượng thu nhập thấp.

Vì thế, mong rằng Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến của người dân, ý kiến của chuyên gia… để có những đề xuất phù hợp. Thuế không nên đánh vào người nghèo, thuế phải góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo còn rất gian nan ở nước ta…

THÁI VŨ