Quy định về tội tham ô và tội nhận hối lộ trong BLHS 2015

Khác với BLHS 1999, BLHS 2015 đã điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ, khái niệm tội phạm về chức vụ được quy định tại Điều 352 BLHS năm 2015 như sau: 1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. 2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Chủ thể của tội phạm về chức vụ trong BLHS 2015 không chỉ là những chức danh được nhà nước bổ nhiệm và thực hiện công vụ mà có thể do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương và thực hiện nhiệm vụ được bầu, bổ nhiệm, hợp đồng đó.

(Hai bị cáo bị kết án về tội nhận hối lộ (năm 2015 tại Thanh Hóa) – Ảnh minh họa)

1.Tội tham ô tài sản

Chủ thể của tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015 đã được cụ thể hóa tại khoản 6 Điều 353 về tội tham ô tài sản như sau: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”;

 Trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay việc mở rộng chủ thể tội tham ô là rất cần thiết được dư luận xã hội hết sức quan tâm, đồng tình. Đồng thời việc mở rộng chủ thể này phù hợp với Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng (Luật số 10/10/VBHN-VPQH ngày 12/12/2012).

 Chủ thể của tội tham ô chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

– Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức  – Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

– Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hành vi phạm tội phải là hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là tài sản mà người phạm tội được giao quản lý. Người phạm tội lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể khác nhau nhưng đều sử dụng chức vụ quyền hạn như điều kiện, phương tiện để thực hiện hành vi tham ô tài sản, biến tài sản được giao quản lý thành tài sản của riêng mình. 

 – Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi chiếm đoạt này là giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 – Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội:

 Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (Khoản 2) hoặc  phạt tù từ 15 năm đến 20 năm (Khoản 3) hoặc phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Khoản 4).

 Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 2.Tội nhận hối lộ

Cấu thành cơ bản của tội này tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015 đã thêm mở rộng đối tượng hối lộ và phạm vi xử lý: Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.

Việc quy định thêm bất kỳ lợi ích nào vào cấu thành cơ bản đã được giải nghĩa tại điểm a (lợi ích vật chất), điểm b (lợi ích phi vật chất). Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, bên cạnh việc dùng tiền hay các lợi ích vật chất khác để hối lộ người có chức vụ quyền hạn, thì lợi ích phi vật chất cũng có thể được các đối tượng sử dụng để hối lộ nhằm đạt được mục đích của mình. Do đó, BLHS năm 2015 đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào các cấu thành định tội đối với tội nhận hối lộ. Ngoài ra, lợi ích phi vật chất cũng được bổ sung trong một số tội khác như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Quy định mới cũng mở rộng phạm vi xử lý đối với cả trường hợp dù không nhận cho bản thân người đó mà nhận hối lộ cho người khác, tổ chức khác.

Về chủ thể tội nhận hối lộ cũng đã được mở rộng tại khoản 6 Điều 354 BLHS 2015 như sau: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”

Vậy Lợi ích phi vật chất trong tội nhận hối lộ được hiểu như thế nào? Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, khái niệm về Hối lộ phi vật chất như sau: “Hối lộ phi vật chất được chia thành ba loại:

-Hối lộ tình dục: là điển hình của hối lộ phi vật chất; người đưa hối lộ thông qua phục vụ tình dục để mong đạt được lợi ích;

-Hối lộ thông tin: là người đưa hối lộ cung cấp thông tin cho người nhận hối lộ để mưu cầu lợi ích; người nhận hối lộ cũng nhận được lợi ích từ thông tin được cung cấp. Thông tin này chủ yếu là về thăng chức, thuyên chuyển, bí mật thương mại, thông tin mật về kết án, v.v…;

-Hối lộ thành tích: là hình thức hối lộ giữa cấp trên và cấp dưới trong cùng hệ thống, cùng ngành; người đưa hối lộ cố ý chuyển thành tích công việc cho cấp trên hưởng. Cũng có trường hợp cấp trên muốn được thăng chức cao hơn nên cố ý chiếm thành tích của nhân viên. Khi được thăng chức cao hơn, cấp trên sẽ điều động cấp dưới trở thành vị trí cao hơn và có lợi hơn”.

 Tuy nhiên, khái niệm trên cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo. Để có thể triển khai, áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử, cần có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Th.sỹ Nguyễn Thu Thủy, Trưởng phòng Giám sát Thẩm phán  Ban Thanh tra TANDTC