VỀ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG BLHS VIỆT NAM

Liên quan đến sự tồn tại của hình phạt tử hình trong hình luật các quốc gia trên thế giới và  Việt Nam hiện nay đã dấy lên nhiều tranh luận bởi sự tác động đa chiều của nó: đạo đức, tôn giáo, pháp luật, nhân quyền, công lý… Xung quanh hình phạt tử hình là hai câu chuyện giữ hay bỏ và không thể nói những quan điểm nào là cảm tính bởi đằng sau nó là những triết thuyết rất cơ bản.

Nhiều quan điểm về án tử hình

Nhiều người cho rằng: Bản chất của người là sai lầm. Và Thẩm phán cũng là người nên về lý thuyết có thể sai lầm. Có những sai lầm có thể sửa chữa, làm lại, đền bù, nhưng có những sai lầm không thể khắc phục ví dụ tử hình oan. Khắc phục sai lầm này chỉ có cách là bỏ hình phạt tử hình. Tôn giáo cũng không đứng ngoài cuộc tranh luận này khi quan điểm rằng chỉ có Đấng tối cao mới sinh ra con người và chỉ có Người mới có quyền tước đi tính mạng của chúng sinh. Nhà nước không vượt lên cái quyền tối cao và thiêng liêng đó.

Nhưng những người có nhiệm vụ sử dụng quyền lực nhà nước để bảo vệ xã hội cũng có lập luận sắc bén rút ra từ nghiên cứu tâm lý tội phạm. Thông thường trước khi đi giết người, kẻ sát nhân thường cân nhắc hai khả năng. Khả năng bị phát hiện và khả năng bị xử lý- giết người sẽ phải gánh chịu hậu thế nào? Nếu hình phạt tử hình còn tồn tại thì chưa cần thực hiện, nó đã có tác dụng ngăn ngừa tội phạm trong ý nghĩ…

Tuy nhiên, khi được hỏi khi giết người anh có biết sẽ bị tử hình không, rất nhiều tử tù bảo họ biết rõ điều đó. Điều này cũng xảy ra đối với các tội phạm kinh tế, tham nhũng khi mà trình độ hiểu biết pháp luật của họ rất cao. Vì vậy, mục đích răn đe của hình phạt tử hình không có tác dụng.

Bên cạnh đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hình phạt tử hình trong việc phòng ngừa chung đối với xã hội. Kẻ ác phải bị trừng trị, đó mới là công lý: Ác giả ác báo….

Tổng kết các quan điểm trên có thể sơ bộ rút kết luận giữ hay bỏ hình phạt tử hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là sự phức tạp và nghiêm trọng của tình hình tội phạm, là quan niệm về án tử trong tập quán, tôn giáo và cao hơn cả là quan niệm về công lý của dân chúng từng xứ sở.

Liên quan đến hình phạt tử hình còn có quan điểm dựa trên trường phái về tính tuyệt đối và tương đối của quyền con người. Có những nước cho rằng quyền con người có những quyền tuyệt đối (không bị tước bỏ bới bất cứ lý do gì) ví dụ quyền sống thì họ không có hình phạt tử hình.

Có những nước cho rằng quyền con người chỉ có tính tương đối, nó có thể bị hạn chế, tước bỏ bởi lý do an ninh quóc gia, an toàn công cộng… thì quyền con người (trong đó có quyền sống) bị tước bỏ và hạn chế theo luật.

Việt Nam thuộc các nước theo quan điểm thứ hai. Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Các nhà lập pháp hình sự Việt Nam đã có sự lựa chọn là không bỏ nhưng cũng không giữ nguyên mà thu hẹp phạm vi các tội phải chịu hình phạt tử hình. Rất nhiều tội phạm trong luật hình sự 1985 đã không xuất hiện hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự hiện hành.  Xu hướng nhân đạo và văn minh đã rõ hình hài bằng động thái lập pháp này.

Nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm kinh tế

BLHS 2015 có hiệu lực với xu hướng nhân đạo hóa chiếm ưu thế nên số lượng tội danh có hình phạt tử hình giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, việc thu hẹp phạm vi tội danh có hình phạt tử hình vẫn tiếp tục đặt ra.

Nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành, TP HCM vừa thoát án tử hình, được tuyên chung thân

Cần nghiên cứu một cách có hệ thống lịch sử hình phạt tử hình trong đời sống xã hội, đánh giá cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý, tôn giáo, quan niệm về công lý của xã hội trong không gian, thời gian nhất định… ở nơi mà hình phạt tử hình đã và đang tồn tại hay đã bị bãi bỏ, xem lại mục đích của hình phạt tử hình. Đặc biệt nghiên cứu về hình phạt tử hình ở Việt Nam cần dựa trên những luận điểm thuyết phục bởi những điều tra, nghiên cứu dưới giác độ đa ngành, liên ngành chứ không đơn thuần là tiếp cận từ góc độ luật hình sự. Đó là những thống kê nghiêm túc, chính xác về xã hội học, nhân học… để từ đó thấy được lý do tồn tại hay không tồn tại của hình phạt tử hình trong đời sống xã hội Việt Nam trong thời gian tới, để đi đến khẳng định hiệu quả của hình phạt tử hình (mục đích) trong phòng ngừa tội phạm trong bối cảnh tử hình vẫn tồn tại nhưng tội phạm không giảm, thậm chí gia tăng

Xu hướng tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình cần được tiến hành bằng việc lựa chọn các tội danh. Theo thống kê chưa đầy đủ thì số lượng các quốc gia áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội có tính chất kinh tế là rất hiếm hoi. Việt Nam chúng ta là một trong những nước đó.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm rằng, các tội phạm có tính chất kinh tế xâm phạm và gây thiệt hại đến  kinh tế thì nếu khắc phục được hậu quả kinh tế thì không nên tử hình bởi lẽ, mục đích của hình luật là khôi phục lại các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm. Hơn nữa các tội phạm kinh tế thường thực hiện bởi những người có trình độ cao, cho nên không thể tử hình để nâng cao nhận thức pháp luật của họ được mà nên dùng biện pháp cách ly và biện pháp kinh tế.

TS Đinh Thế Hưng - Trưởng phòng Tư pháp hình sự Viện Nhà nước và Pháp luật (VASS)