Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV: Dành nhiều thời gian xây dựng pháp luật

Sáng nay 21/5/2018, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Kỳ họp thứ 5. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 15/6/2018. Trong đó, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật là 12 ngày, chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Quốc hội phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng Quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có, bảo đảm nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu, chủ động vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2016-2020.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp – Ảnh QH

 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2018 là năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Xem xét thông qua 8 dự án Luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày  để xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án Luật khác. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Các vị khách mời tham dự phiên khai mạc Ảnh QH

 

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi);  Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Quốc hội sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác là 3,5 ngày. Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Dành 3 ngày để chất vấn

 Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong đó, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của UBTVQH nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.

Dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp). Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Về các đại biểu Quốc hội, sự kiện đáng chú ý là ngày 14/5, chỉ trước ngày khai mạc kỳ họp này một tuần, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai được UBTVQH cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Như vậy, Quốc hội giảm 7 đại biểu vì các lý do khác nhau. Trước đó, tháng 4/2018 ông Ngô Đức Mạnh được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu để làm Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga. Tháng 5/2017 ông Võ Kim Cự được cho thôi làm nhiệm vụ vì “đã bị thi hành kỷ luật và đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ”. Hai đại biểu qua đời năm 2016 là ông Ngô Văn Minh và Hoà thượng Thích Chơn Thiện. Hai vị trúng cử nhưng không được xác nhận tư cách đại biểu là Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

 

CAO THANH LOAN