Xét xử và dư luận

Các vụ án, nhất là vụ án hình sự luôn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Tòa án cũng sử dụng nhiều giải pháp như xét xử lưu động, báo chí phản ánh… để người dân quan tâm đến vụ án nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Do đó, công tác xét xử của Tòa án và dư luận nhân dân có mối quan hệ với nhau, và dường như không chỉ một chiều. Diễn biến vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương (Hòa Bình) và vụ Nguyễn Khắc Thủy (Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện nay cho thấy rõ điều đó.

Bác sĩ Hoàng Công Lương, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, bị Viện Kiểm sát truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì lý do sáng 29/5/2017, sau khi được điều dưỡng thông báo đã xong việc sửa chữa súc rửa đường ống nước chạy thận nhân tạo, bác sĩ này đã cho y lệnh lọc máu mà chủ quan không cho kiểm tra lại đường ống nước chạy thận, không báo cáo trưởng khoa, gây nên sự cố nghiêm trọng. Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình thụ lý và đưa vụ án ra xét xử trong bối cảnh dư luận cả nước quan tâm một cách đặc biệt.

Đã có trên 15.400 chữ ký được tập hợp trong bản danh sách “chữ ký đồng thuận ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương”, phần rất lớn trong số này là của các đồng nghiệp y khoa trong cả nước gửi đến Tòa án.

Tổng hội Y học Việt Nam hai lần có văn bản gửi Viện kiểm sát, Tòa án và Công an tỉnh Hoà Bình đề nghị xem xét việc truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Tổng Hội cho rằng bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước dùng để lọc máu sau bảo trì hệ thống. Bởi vì điều dưỡng khởi động hệ thống lọc nước, quan sát đồng hồ thấy báo chỉ số an toàn nên bác sĩ Lương mới ra y lệnh cho lọc máu điều trị cho bệnh nhân.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kiến nghị của bác sĩ Hoàng Công Lương, đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định, đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

Trái ngược với vụ Hoàng Công Lương, Tòa án Bà Rịa – Vũng Tàu đang là điểm nóng của dư luận sau khi xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em, lĩnh án 18 tháng tù treo. Dư luận cho rằng mức án quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, trước đó, bản án sơ thẩm xử phạt 3 năm tù. Viện kiểm sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã gửi văn bản khẩn kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm với bản án phúc thẩm này.

Chưa xét xử dư luận đã quan tâm, vừa xét xử xong dư luận cũng phản ứng trái chiều như thế đặt ra một áp lực lớn cho Toà án, cho Thẩm phán.

Một mục tiêu mà Tòa án luôn hướng tới là các bản án, quyết định của Tòa án được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, do đó dư luận không đồng tình ủng hộ là mục tiêu đó không đạt được, nghĩa là tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật thấp, chưa kể cá biệt những vụ án oan sai nghiêm trọng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào pháp luật.

Lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến chuyên gia, luật sư, nhà báo… để có cái nhìn đa chiều về vụ án mà hồ sơ có khi không phản ánh hết, để giải quyết được đúng đắn, toàn diện hơn là rất cần thiết. Do đó, nhiều Tòa án đã thu thập tất cả những bài báo phản ánh, nhất là phản ánh trái chiều về vụ án mà Tòa án đã xét xử hoặc chuẩn bị xét xử để tiếp thu, xử lý kịp thời nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải cho Thẩm phán, cho Tòa án là không phải lúc nào dư luận đa số cũng là chân lý. Việc xét xử các vụ án, tuyệt đối không thể theo số đông, dẫn đến “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”. James Fenimore Cooper – một nhà văn nổi tiếng của Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 19, nói rằng “Một thói xấu ám ảnh của nền dân chủ là lấy dư luận thay thế cho luật pháp. Đây là hình thức thường gặp mà quần chúng thể hiện sự bạo ngược của mình”.

Khó như thế nên hệ thống Tòa án mới không ngừng đặt ra yêu cầu và có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng Thẩm phán cả về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức tác phong. Thẩm phán có đủ năng lực và sự trong sạch, sẽ đưa ra bản án, quyết định khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, không phụ thuộc vào áp lực của dư luận. Bản án đúng đắn, thấu tình đạt lý, trong lúc áp lực dư luận càng lớn thì hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật càng cao.

Nhưng làm thế nào để có phán quyết “thấu tình đạt lý”? Thật ra, các yêu cầu cụ thể đã được ghi nhận khá đầy đủ trong luật, đòi hỏi Thẩm phán khi xét xử các vụ án hình sự phải phân tích đầy đủ những chứng cứ xác định bị cáo có tội hay không có tội, và nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điều nào của Bộ luật hình sự và của văn bản quy phạm pháp luật khác được áp dụng. Xác định như vậy để xét xử đúng người, đúng tội. Bên cạnh đó là phải xem xét hết các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo. Trong đó, phải xem xét thấu đáo mục đích, động cơ, hoàn cảnh phạm tội và xem xét hết các yếu tố nhân thân, hoàn cảnh gia đình của bị cáo để phán quyết, lượng hình vừa thể hiện tính trừng phạt vừa thể hiện tính giáo dục, vừa nghiêm minh vừa nhân đạo.

Phán quyết như vậy nhất định dư luận sẽ đồng tình, ủng hộ. Không thể nói một bản án chặt chẽ, đúng pháp luật và nhân văn lại không thuyết phục được dư luận.

Vì thế, sau những dư luận ồn ào, có thể đúng, có thể sai, suy cho cùng vẫn là vấn đề bản lĩnh, năng lực, đạo đức của người Thẩm phán và cơ chế để Thẩm phán khi xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

 

 

LÂM UYÊN