Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực để phòng chống tham nhũng

Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý là vấn đề nóng, được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận nhằm tìm ra một phương án hợp lý nhất.

Hai phương án của Dự thảo

Điều 59 của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi về Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý (mới) đưa ra hai phương án:

Phương án 1:

  1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
  2. Người phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
  3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
  4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Phương án 2:

  1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản này.

  1. Người bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
  2. Việc phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Nhiều ý kiến tranh luận

Đây là một nội dung thu hút sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) phát biểu tranh luận không đồng ý cả hai phương án Ban soạn thảo đưa ra  “bởi lẽ Ban soạn thảo xây dựng 2 phương án trên theo hướng là cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, và nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45%, theo tôi là không hợp lý. Lúc này, nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ”.

Điều 32 của Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sản xuất” thì chúng ta phải hiểu rằng tài sản phải là hợp pháp thì pháp luật mới được bảo vệ, còn không thì phải tịch thu, trong phòng, chống tham nhũng thì phải như thế. “Nếu Ban soạn thảo dùng nguyên tắc suy đoán, đưa ra 2 phương án về theo phương án là suy đoán vô tội thì theo tôi nghĩ lại càng không đúng, bởi lẽ nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ quy định cho chủ thể là con người chứ không quy định là khách thể, là tài sản” – ông Phạm Hồng Phong nói.

Đại biểu Phạm Hồng Phong – Ảnh QH

 

Bày tỏ quan điểm đồng tình phương án 1, Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nêu ra hai lý do:

Một, thực tế có thể xảy ra trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng. Trường hợp này, người kê khai tài sản đã giải trình nguồn gốc tài sản hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan kiểm soát tài sản cũng có lý do không chấp nhận vì tài sản thiếu giấy tờ chứng minh. Khi đó, chấp nhận hay không lại có phần thuộc về chủ quan của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng cũng không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp. Nếu quy định xử phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm như phương án 2 đối với loại tài sản được hình thành như đã nêu trên thì sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội và có xử phạt nếu đó không phải là tài sản phạm tội mà có.

Hai, trong trường hợp người phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản theo 8 trường hợp đã quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 221 của Bộ luật Dân sự 2015 và cơ quan kiểm soát tài sản chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì áp dụng khoản 3, phương án 1 Điều 59, đồng thời quy định chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 của Bộ luật Dân sư. Như vậy, phương án hoàn toàn không để lọt tội phạm, để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với các luật liên quan, đại biểu đề nghị Luật Phòng chống tham nhũng quy định thêm trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản của người kê khai tài sản khi bản thân họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hình thành tài sản có giá trị lớn và có dấu hiệu phạm tội mà có.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận với đại biểu Mùa A Vảng và một số đại biểu khác băn khoăn về chứng minh các tài sản không do tham nhũng mà có mà bị nghi oan là tài sản tham nhũng. Đại biểu nói: Như chúng ta biết, hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân, hiện nay được biết quản lý rất khoa học, chính xác. Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm bổ sung vào Điều 38 dự thảo luật. Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi, không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe. “Chính vì vậy, tôi rất mong muốn chúng ta có thêm một điều khoản quy định rõ ràng các vị trí có nguy cơ tham nhũng thì chúng ta cần phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát được biết” – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Nhất trí với Phương án 1, nhưng đại biểu Phạm Huyền Ngọc ( Ninh Thuận), cho rằng đây là vấn đề mới đặt ra việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị cân nhắc nghiên cứu kỹ về quy định này. Ví dụ, như trong quy định của dự thảo luật sẽ thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế nhưng không đưa ra mức thu là bao nhiêu. Trong khi phương án 2 lại đưa ra quy định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt bằng 45% giá trị của phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm là dựa vào cơ sở nào. Ngay cả Điều 123 bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không rõ ràng về mức thu.

Cơ quan chuyên trách

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) thấy rằng dữ liệu để so sánh hai phương án là không đồng nhất. Phạm vi các chủ thể có thẩm quyền kiểm soát và đối tượng của hoạt động kiểm soát được đề cập trong từng phương án khác nhau rõ rệt dẫn đến việc rất khó khăn để đánh giá về từng phương án hay nói cách khác là không có cơ sở để so sánh và đưa ra quan điểm lựa chọn.

Trong phương án 1, về cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập không xuất hiện giả thiết về các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị xã hội như nêu tại khoản 4, khoản 5 của phương án 2.

Về đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản thu nhập không đề cập đến  người đại diện phần vốn nhà nước nêu tại khoản 1, khoản 2 và đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu tại khoản 6 như ở phương án 2. Nếu giải thích theo hướng quy vào thẩm quyền quản lý của thanh tra Chính phủ tại khoản 1 của phương án 1 càng không phù hợp với phạm vi thẩm quyền của thanh tra Chính phủ theo quy định tại Điều 15 của Luật Thanh tra. Thanh tra Chính phủ không thể bao phủ hoạt động lên cả các cơ quan tư pháp, kiểm toán và các cơ quan của Quốc hội. Ngược lại, trong phương án 2, tuy nêu khá đầy đủ, rành mạch các nhóm chủ thể và tương đối phù hợp với cơ cấu, tổ chức, hệ thống chính trị hiện nay. Đồng thời sử dụng biện pháp loại trừ để khu biệt từng nhóm đối tượng, chịu sự kiểm soát của từng cơ quan nhưng việc quy định tại khoản 7 về cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 lại khiến tính minh bạch của các điều khoản trước đó rơi vào bế tắc. Vì không định hình nổi đây là cơ quan, tổ chức nào.

Đại biểu đề xuất có ba khả năng để xem xét: Một, phương án tích hợp thẩm quyền tập trung vào hệ thống cơ quan thanh tra. Hai, phương án phân quyền cho nhiều cơ quan tương tự như phương án 2 theo đề xuất của Chính phủ. Một phương án khác có thể xem xét là hình thành một cơ quan độc lập chuyên trách về vấn đề này.

Phương án này thỏa mãn được các yêu cầu về bảo đảm cho sự độc lập cần thiết, giảm thiểu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức nhất là những người có trách nhiệm tác động vào hoạt động này, từ đó hứa hẹn nhiều hơn về tính khách quan, minh bạch. Tuy nhiên, nhược điểm nổi bật của phương án này là phải cho ra đời một cơ quan mới đầu tư về biên chế, cơ sở vật chất kinh phí về cơ bản là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) trao đổi về lo ngại của đại biểu Xuân, cho rằng hiện nay ở nước ta đang có 3 cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp cục, đó là  ở Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,  Bộ Công an. Nếu chúng ta quyết tâm thành lập một cơ quan mới như đại biểu Xuân đề nghị hoàn toàn có thể lấy người 3 cơ quan đó vừa có chuyên môn, kinh nghiệm mà không tăng biên chế. Ở Rumani, Quốc hội thành lập 2 cơ quan, một cơ quan về kiểm soát tài sản của công chức, một cơ quan chống tham nhũng hoạt động rất hiệu quả. “Quốc hội nên thành lập một cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – đại biểu Nguyễn Văn Pha đề nghị.

 

THÁI VŨ