Một số vấn đề về xem xét hủy phán quyết trọng tài

Quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) chỉ là một trong những căn cứ hủy phán quyết trọng tài được quy định tại Điều 68, nhưng đây là một căn cứ mà việc hiểu, giải thích như thế nào cho đúng với tinh thần, ý đồ của nhà làm luật là khó khăn nhất. Điều này được phản ánh rất rõ trong việc áp dụng khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thời gian qua và cũng gây nhiều băn khoăn, trăn trở trong giới trọng tài, các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề này.

Vì vậy, việc tiếp cận ở các góc độ khác nhau cả về mặt lý luận, quy định của pháp luật, các quy định quốc tế có liên quan như Công ước NewYork, Luật mẫu Uncitral, bình luận án… là rất cần thiết để có cách nhìn toàn diện, đầy đủ và chính xác nhất nhằm áp dụng quy định này trong thực tế giải quyết tranh chấp, trong xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài một cách đúng đắn là rất cần thiết, vừa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, lợi ích của bên thứ ba (lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước và xã hội…) vừa làm cho Luật TTTM ngày càng đi vào cuộc sống, hoạt động trọng tài Việt Nam không ngừng phát triển, thương nhân có nhiều niềm tin, sự lựa chọn các phương thức giải quyết khi có tranh chấp là mong muốn không chỉ của giới doanh nhân, của các Trọng tài viên, mà còn của mỗi chúng ta vì sự phát triển giàu mạnh của đất nước. Với suy nghĩ như vậy, tác giả sẽ phân tích làm rõ nên hiểu, giải thích quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM như thế nào là hợp lý nhất, phù hợp với ý định của nhà làm luật.

1- Sự khác biệt cần phải lưu ý khi áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM

Điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM quy định: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Có thể hiểu, đây là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.

Trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp Tòa án căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 68 để hủy phán quyết trọng tài. Rất nhiều nguyên tắc cơ bản hoặc nguyên tắc không cơ bản được Tòa án viện dẫn trong quyết định khi hủy phán quyết trọng tài đều là các nguyên tắc có nội dung hướng dẫn cách xử sự của các bên đương sự trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng, chứ không phải là các nguyên tắc hướng dẫn cách xử sự của cơ quan tài phán. Mặt khác, hầu hết quyết định của Tòa án khi áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM đều xem xét, giải quyết lại nội dung vụ tranh chấp đã được trọng tài xét xử. Đây rõ ràng là sự vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật TTTM. Khoản 4 Điều 71 quy định: “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết”.

Nghiên cứu khoản 2 Điều 68 sẽ thấy rõ, đối với các trường hợp thuộc điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 68 thì người có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải xuất trình chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, nếu không chứng minh được sẽ không được Tòa án chấp nhận. Đây là điểm khác biệt giữa tố tụng dân sự với Luật TTTM. Vì sao có sự khác biệt đó?

Một là, Tòa án khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài không xét lại nội dung vụ tranh chấp. Tòa án chỉ xem xét dưới góc độ tố tụng (thẩm quyền, thủ tục tố tụng, thành phần Hội đồng trọng tài…). Nếu đương sự cho rằng, phán quyết trọng tài vi phạm một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 68 thì phải chứng minh được sự vi phạm đó, không chứng minh được rõ ràng có sự vi phạm thì không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Hai là, việc tranh chấp là quan hệ riêng tư, lợi ích của các đương sự, của thương nhân, đó là quan hệ tư, việc của cá nhân các bên trong quan hệ tranh chấp, chứ không phải là việc “công”, lợi ích “công”. Do đó, các bên phải chứng minh, phải tự bảo vệ lợi ích của mình, nhà nước (cụ thể là Tòa án) không làm thay.

Ba là, các bên trong quan hệ tranh chấp thường là các thương nhân, là đối tượng vừa có điều kiện kinh tế, sự hiểu biết hơn người dân bình thường, có đủ điều kiện để tự mình hoặc nhờ Luật sư giúp đương sự tự bảo vệ lợi ích tư của mình, chính các bên trong quan hệ tranh chấp hiểu rõ sự việc hơn ai hết, biết phải làm gì để tự bảo vệ lợi ích của mình, nên Luật TTTM không quy định trọng tài hay Tòa án có nghĩa vụ điều tra, thu thập chứng cứ, không có nghĩa vụ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên trong quan hệ tranh chấp thay đương sự.

Bốn là,  chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, gia nhập sân chơi chung thì ngoài những điểm đặc thù, về cơ bản Luật TTTM phải phù hợp với sân chơi chung đó, không thể có lựa chọn khác. Luật TTTM của các nước, Công ước, luật mẫu… đều quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về đương sự, Luật TTTM của chúng ta cũng đã quy định như vậy.

Do đó, đương sự muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi viện dẫn một trong các căn cứ hủy phán quyết trọng tài được quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2 Điều 68 thì các đương sự phải chứng minh trước Tòa án, phán quyết trọng tài vi phạm một hay nhiều các căn cứ đó.

Đối với yêu cầu hủy “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” thì Luật TTTM quy định rất rõ: “…Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh, thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài”. (điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM).

Không phải do tùy hứng hay ngẫu nhiên mà chỉ có điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM mới quy định khi áp dụng căn cứ này Tòa án phải chủ động xác minh, thu thập chứng cứ.

 Nếu cho rằng đương sự trong vụ tranh chấp muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong trường hợp này gặp khó khăn khi chứng minh phán quyết trọng tài vi phạm, nên mới quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 như vậy thì không chỉ vô lý mà còn tạo ra sự xung đột, mâu thuẫn với các quy định khác của Luật TTTM, không thể giải thích các quy định của Luật TTTM một cách nhất quán. Điều đó chứng tỏ “đối tượng” chính mà quy định này hướng đến để bảo vệ là những giá trị chung có tính cơ bản, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, sự công bằng, nó có thể là lợi ích công, trật tự công, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhà nước, đạo đức xã hội… hoặc lợi ích của công dân, chủ thể khác không liên quan tới quan hệ tranh chấp, nhưng phán quyết trọng tài đã xâm phạm lợi ích của họ. Đó có thể được coi là sự vi phạm công lý hiển nhiên không ai có thể chấp nhận được. Do đó, Tòa án phải chủ động thu thập chứng cứ chứng minh và bảo vệ các đối tượng, các lợi ích đó. Điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại đã ghi rõ:

“…Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba…”

Để giúp cho các Thẩm phán hiểu đúng trong trường hợp nào mới áp dụng cho các đương sự trong việc để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68, Hội đồng Thẩm phán đã đưa ra hai ví dụ nhằm gợi ý cho các Thẩm phán như sau: “Ví dụ 1: Các bên đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội nhưng Hội đồng trọng tài không ghi nhận sự thỏa thuận đó của các bên trong phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mại và Điều 4 của Bộ luật dân sự… Tòa án xem xét, quyết định việc hủy phán quyết trọng tài này vì trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được Luật Thương mại và Bộ luật dân sự… quy định.

Ví dụ 2: Một bên tranh chấp cung cấp chứng cứ chứng minh phán quyết trọng tài được lập có sự cưỡng ép, lừa dối, đe dọa hoặc hối lộ. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc “trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư” quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại”.

 Thuật ngữ “người thứ ba” trong hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP không phải là “người” có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án như quy định tại khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), (BLTTDS 2015 là khoản 04 Điều 68).

Người thứ ba được hiểu theo hướng là các tổ chức quốc tế hoặc các nhóm tổ chức xã hội đại diện cho các lợi ích công cộng mà các tổ chức này là một bên khởi kiện; ví dụ: Phán quyết trọng tài có tác động liên quan đến sức khỏe cộng đồng hay phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, lợi ích của người tiêu dùng. “Người thứ ba” cũng có thể được hiểu là một quốc gia khác có quyền và lợi ích bị ảnh hưởng bởi phán quyết của trọng tài, đặc biệt trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư được xử bằng trọng tài vụ việc….

Cách hiểu này cũng phù hợp với giải thích chính sách công quốc tế của mọi quốc gia theo Khuyến nghị của Hiệp hội pháp luật quốc tế (the International Law Association -ILA) năm 2002 là:

(i) Các nguyên tắc cơ bản về công bằng và đạo đức, mà quốc gia đó muốn bảo vệ, kể cả khi quốc gia đó không trực tiếp liên quan

(ii) Các quy tắc được thiết lập để phục vụ cho lợi ích kinh tế, xã hội hay chính trị của quốc gia, mà được biết với tên gọi các quy tắc về chính sách công

(iii) Nhiệm vụ quốc gia để tôn trọng các nghĩa vụ đối với quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế.

“Người thứ ba” cũng có thể là thể nhân, tổ chức không liên quan gì đến quan hệ tranh chấp, nhưng phán quyết trọng tài đã xâm phạm lợi ích của họ, phán quyết vi phạm công lý hiển nhiên.

Từ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán có thể thấy trong trường hợp nội dung của phán quyết trọng tài chỉ phân xử trong phạm vi lợi ích của hai bên đương sự trong quan hệ tranh chấp và phán quyết đó không xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác thì không được sử dụng các nguyên tắc điều chỉnh hành vi, xử sự của các bên trong quan hệ hợp đồng để xem xét, giải quyết lại nội dung quan hệ tranh chấp.

Cần phải thống nhất rằng, luật đã quy định rõ, Tòa án không được xem xét lại nội dung vụ tranh chấp. Đây là một nguyên tắc không được vi phạm khi áp dụng pháp luật trọng tài, luật tố tụng dân sự khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Do đó, dù Hội đồng xét đơn có nhận thấy Hội đồng trọng tài đã diễn giải sai sự kiện, sai tình tiết, sai nội dung tranh chấp hoặc áp dụng sai pháp luật nội dung… nhưng không phải do gian lận, không phải do không vô tư, khách quan thì, đó cũng không phải là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài và càng không phải là cơ sở để áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.

 Trong thời gian qua, một số Hội đồng xét đơn cho rằng, phán quyết trọng tài sai là áp dụng các nguyên tắc cơ bản theo kiểu suy diễn là phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, hoặc không vô tư, khách quan, nhưng không có chứng cứ rõ ràng, cụ thể mà vẫn hủy phán quyết trọng tài là sai lầm nghiêm trọng, một kiểu “lạm dụng” luật pháp.

Từ các phân tích trên có thể sơ bộ rút ra một số vấn đề khi áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM như sau:

­- Một là, điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM quy định: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Do đó, không được áp dụng các nguyên tắc không cơ bản, các điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại.v.v… ví dụ như nguyên tắc bồi thường thiệt hại (Điều 605) Bộ luật Dân sự năm 2005, các điều luật quy định về cách tính bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại để làm cơ sở pháp lý cho việc hủy phán quyết trọng tài.

Hai là, Tòa án không xét lại, giải quyết lại nội dung quan hệ pháp luật có tranh chấp; không đánh giá quyền, nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng đã được trọng tài giải quyết đúng hay sai. Dù phán quyết trọng tài có thể giải quyết chưa đúng quyền, nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng, trong quan hệ tranh chấp thì Tòa án cũng không được viện dẫn các nguyên tắc cơ bản theo cách tiếp cận suy diễn như nhiều trường hợp Hội đồng xét đơn đã sử dụng, làm cơ sở cho việc áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để hủy phán quyết trọng tài. Vì làm như vậy là Tòa án đã giải quyết lại nội dung quan hệ tranh chấp và trái với quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật TTTM.

Ba là, không phải trong mọi trường hợp, khi có vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM là hủy toàn bộ phán quyết trọng tài.

Tòa án chỉ hủy toàn bộ phán quyết trọng tài khi toàn bộ phán quyết vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM. Nếu phán quyết có nhiều phần, nhưng chỉ có một phần của phán quyết vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 68, còn các phần khác của phán quyết không vi phạm, trong khi phần phán quyết có vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 68 độc lập với các phần khác của quyết định thì không được hủy toàn bộ phán quyết mà chỉ hủy phần phán quyết vi phạm đó khi Tòa án đã căn cứ vào khoản 7 Điều 71 Luật TTTM, tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót trong tố tụng, nhằm loại bỏ căn cứ hủy phán quyết, nhưng Hội đồng trọng tài không thực hiện được.

Bốn là,  Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Luật TTTM không quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sở dĩ như vậy là do Hội đồng trọng tài chỉ giải quyết quan hệ tranh chấp được quy định tại Điều 2 Luật TTTM, khi giữa các bên có thỏa thuận trọng tài. Nếu không có thỏa thuận trọng tài, thì trọng tài không có thẩm quyền giải quyết về quyền và nghĩa vụ của “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” đến quan hệ tranh chấp. Phần quyền và lợi ích của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quan hệ tranh chấp nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng vụ án khác theo tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong một số trường hợp cụ thể, có thể người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải là một bên tham gia ký kết thỏa thuận trọng tài, nhưng vẫn có thể bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài. Khi đó, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài vẫn được xác lập dựa trên việc giải thích ý chí các bên. Cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Một bên nộp đơn khởi kiện ra trọng tài và các bên còn lại (mặc dù có phản đối về phần nội dung quan hệ pháp luật tranh chấp) nhưng không thể hiện có phản đối việc khởi kiện ra trọng tài, thậm chí vẫn tham gia tố tụng trọng tài. Như vậy, trường hợp này có thể xem như các bên đã xác lập một thỏa thuận trọng tài mới sau khi tranh chấp phát sinh. Thỏa thuận này cũng có thể xem như đã lập thành văn bản là đơn khởi kiện của nguyên đơn, hoặc quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài mà không có phản đối của các bên. (Trường hợp này đã quy định tại Điều 16 khoản 2 điểm đ Luật TTTM) như sau: “Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”).

Trường hợp thứ hai: Mặc dù không phải bên trực tiếp ký vào hợp đồng, nhưng vẫn có thể bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài, ví dụ: Đại lý thương mại, công ty kế thừa theo pháp luật (legal succession), bên thứ ba thụ hưởng, bên bảo lãnh v.v…

Chỉ trong trường hợp đã có cơ sở vững chắc để cho rằng Hội đồng trọng tài phân xử cả phần quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có thỏa thuận trọng tài thì phần này của phán quyết vi phạm điểm a khoản 2 Điều 68 Luật TTTM; (tức không có thỏa thuận trọng tài mà Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết đối với họ). Tòa án căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 68 Luật TTTM để hủy phần vi phạm này, chứ không căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 68 để hủy phần vi phạm thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.

2.Khi nào được áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM

 Tòa án được áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 để hủy phán quyết trọng tài trong những trường hợp nào? Có khi nào Tòa án được xem xét nội dung quan hệ tranh chấp để hủy phán quyết trọng tài? Đây là câu hỏi rất khó, nhưng tác giả sẽ đi sâu vào từng khía cạnh, ở các góc độ để giải mã, làm rõ vấn đề này như sau:

 Trường hợp thứ nhất: Phán quyết trọng tài đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản, có tính phổ quát được quy định trong luật nội dung, luật tố tụng, luật trọng tài dẫn đến phán quyết trọng tài không bảo đảm sự công bằng, hợp lý. Đây là trường hợp Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã đề cập, các bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp; thỏa thuận đó không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, nhưng Hội đồng trọng tài không chấp nhận. Hội đồng trọng tài đã vi phạm một nguyên tắc quan trọng của tố tụng trọng tài. Chỉ trong trường hợp này mới coi là phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, định đoạt. Đây là nguyên tắc tồn tại trong rất nhiều luật nội dung và luật hình thức, một nguyên tắc phổ quát.

Việc một số Hội đồng xét đơn của một vài Tòa án đã xem xét hợp đồng, nếu thấy Hội đồng trọng tài xử không đúng thỏa thuận trong hợp đồng, thì cho rằng Hội đồng trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, định đoạt; phán quyết trọng tài đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để hủy phán quyết là không đúng. Làm như vậy là Hội đồng xét đơn đã xét xử lại nội dung quan hệ tranh chấp, vi phạm khoản 4 Điều 71 Luật TTTM.

Trường hợp thứ hai: Thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng hoặc quá trình thực hiện hợp đồng xâm phạm lợi ích của người thứ ba (có thể là cá nhân hoặc tổ chức…), hoặc trong biên bản hòa giải thành hai bên đã thỏa thuận có nội dung xâm phạm lợi ích người thứ ba và người này không có liên quan gì đến quan hệ tranh chấp của hai bên, nhưng phán quyết trọng tài đã quyết định công nhận thỏa thuận đó, dẫn đến xâm phạm lợi ích của người thứ ba.

Người thứ ba được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các chủ thể khác như đã phân tích ở trên. Song, trong phạm vi của điểm này, việc đề cập người thứ ba chỉ nhằm mục đích phân biệt và làm rõ hơn người thứ ba không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như trong tố tụng dân sự, hành chính, trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế.

Người thứ ba là người không liên quan đến quan hệ tranh chấp, không “làm ăn” với hai bên nhưng phán quyết trọng tài xâm phạm lợi ích của họ, phán quyết trọng tài đã vi phạm công lý hiển nhiên; một phán quyết hết sức vô lý, không thể hiểu và chấp nhận được. Trường hợp này sau khi xác minh, thu thập chứng cứ, có đủ căn cứ thì Tòa án được áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 để hủy phán quyết trọng tài.

Trường hợp thứ ba: Phán quyết trọng tài có thể giải quyết đúng hoặc không đúng nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ hợp đồng nhưng quan hệ hợp đồng đó chứa đựng nội dung xâm phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục. Ví dụ trong một hợp đồng kinh tế, hai bên ký kết có nội dung bên vi phạm hợp đồng phải giao vợ mình cho bên kia trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc phải biểu diễn khỏa thân… (thỏa thuận này có thể được người vợ đồng ý) hoặc nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật, đó là quyền và nghĩa vụ của hai bên hàm chứa sự xâm phạm trật tự công, lợi ích công, lợi ích xã hội. Ví dụ, hai bên thỏa thuận bên không thực hiện đúng hợp đồng phải giao cho bên kia một quả thận của mình dưới dạng hiến tạng; hoặc hợp đồng mua bán ma túy, buôn lậu hay bản chất của giao dịch, hợp đồng là để rửa tiền; hợp đồng dịch vụ nhưng bản chất đó là hợp đồng “chạy án”, hoặc hợp đồng nhằm thâu tóm, độc quyền, lũng đoạn thị trường, lũng đoạn nền kinh tế.v.v…; nhưng Hội đồng trọng tài đã căn cứ vào các nội dung hợp đồng để ra phán quyết công nhận các giao kết, các hợp đồng đó là hợp pháp và giải quyết quyền, nghĩa vụ của hai bên theo hợp đồng. Phán quyết này vi phạm nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp, vi phạm điều cấm của pháp luật, vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là: “Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”.v.v…

Trường hợp thứ tư: Thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng xâm phạm đến độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hoặc thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng nếu được công nhận sẽ ủng hộ về tài chính cho các tổ chức chống lại dân tộc, chống lại nhà nước Việt Nam, hoặc ủng hộ các cá nhân, tổ chức khủng bố nhưng phán quyết trọng tài vẫn công nhận hợp đồng đó. Ví dụ: Liên hiệp quốc đã có lệnh cấm buôn bán với tổ chức khủng bố đó, nhưng hai bên vẫn ký kết các hợp đồng thương mại, hợp đồng buôn bán vũ khí.v.v… Hội đồng trọng tài khi xét xử đã công nhận tính hợp pháp của các hợp đồng đó, buộc các bên phải thực hiện hợp đồng.v.v… thì các phán quyết trọng tài đó được coi là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Dù trường hợp thứ tư vừa nêu trên có thể xuất hiện trong phán quyết của Trọng tài nước ngoài, còn đối với trọng tài Việt Nam, nó chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, thực tiễn khó có thể xảy ra đối với phán quyết trọng tài Việt Nam, giải quyết theo luật trọng tài Việt Nam nhưng cũng là một khả năng cần đề cập.

Trường hợp thứ năm: Là phán quyết trọng tài nếu được thi hành sẽ gây tổn thương mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với nước khác, không tôn trọng các nghĩa vụ, cam kết quốc tế.v.v…

Như vậy, các trường hợp từ thứ hai đến thứ năm trong điểm này là những trường hợp mà Tòa án không chỉ xem xét về mặt tố tụng, mà còn có thể được xem xét về nội dung quan hệ tranh chấp, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ nếu thấy nội dung của phán quyết xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể đó thì có quyền áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM hủy một phần hoặc toàn bộ phán quyết trọng tài.

Trong các trường hợp nói trên cũng không áp dụng quy định tại Điều 13 Luật TTTM về mất quyền phản đối đối với phần phán quyết xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác, xâm phạm trật tự công, đạo đức xã hội….

3.Áp dụng các căn cứ hủy phán quyết trọng tài phải gắn với việc áp dụng quy định tại Điều 13, khoản 4 Điều 63, khoản 7 Điều 71 Luật TTTM

Khi áp dụng các căn cứ hủy phán quyết trọng tài được quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM thì phải hiểu sâu sắc rằng, tố tụng trọng tài có rất nhiều điểm khác biệt với tố tụng dân sự tại Tòa án. Nếu không nắm vững tính đặc thù đó rất dễ xét xử lại vụ tranh chấp, hoặc Hội đồng trọng tài có vi phạm Luật TTTM, vi phạm thỏa thuận trọng tài… nhưng thuộc trường hợp vi phạm đó không còn là căn cứ để hủy, không được hủy phán quyết. Ví dụ như việc đã mất quyền phản đối được quy định tại Điều 13 Luật TTTM.

Trong tố tụng dân sự, Thẩm phán hay Hội đồng xét xử vi phạm thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, dù đương sự có phản đối hay không có phản đối, khi vi phạm đó là nghiêm trọng thì phán quyết đó sẽ bị hủy. Nhưng đối với tố tụng trọng tài, nếu trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài có vi phạm quy định của Luật TTTM hoặc thỏa thuận trọng tài một hoặc các bên đều biết, đều phát hiện vi phạm đó, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.

Như vậy, dù quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài có vi phạm Luật TTTM, vi phạm thỏa thuận trọng tài, nhưng một trong các bên phát hiện vi phạm mà không phản đối trong thời hạn được quyền phản đối những vi phạm đó, phải được coi là các bên đã chấp nhận trên thực tế về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về các hoạt động, cách làm đó của trọng tài. Một khi được coi là các bên đã chấp nhận hoạt động đó của trọng tài thì không còn được coi hoạt động đó là vi phạm. Nói khác đi, hoạt động đó của trọng tài được coi là hợp pháp, có giá trị pháp lý. Sở dĩ trong tố tụng, trong hoạt động trọng tài điều đó được thừa nhận khi đương sự không thực hiện quyền phản đối là vì tố tụng trọng tài hết sức mềm dẻo, linh hoạt.

Trong nhiều trường hợp, tố tụng trọng tài là do đương sự lựa chọn, hoặc do các bên thỏa thuận. Mối quan hệ giữa Hội đồng trọng tài và các bên trong tranh chấp (quyền và nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài và các bên, trong một vụ việc cụ thể có thể là mối quan hệ hợp đồng. Do đó, các bên có thể tự do thỏa thuận bằng văn bản (thỏa thuận trọng tài, quy tắc trọng tài hay thỏa thuận riêng của các bên…) hoặc bằng hành vi cụ thể (biết nhưng im lặng và không phản đối) đối với tất cả các quyền và nghĩa vụ đó trong giới hạn pháp luật áp dụng cho phép. (Alan Redfern, Law and practice of International Commercial Arbitration, Sweet &Maxwell, 2004, p. 239-240; Fouchard, Gaillard, Goldman on International Commetical Arbitration, Kluwer Lă International 1999, p. 604).

Do đó, biết vi phạm mà không phản đối trong thời hạn thì được coi là các bên đã lựa chọn, đã đồng ý về thành phần, về tố tụng, về thẩm quyền… trọng tài. Nó khác hẳn với tố tụng dân sự là tố tụng luật định.

Về xử lý sai sót của phán quyết, giữa tố tụng dân sự và tố tụng trọng tài cũng rất khác nhau.

Trong tố tụng dân sự, nếu Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã công bố, đã phát hành phán quyết, dù Thẩm phán, Hội đồng xét xử tự phát hiện ra sai sót hoặc thông qua khiếu nại, kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử không tự mình sửa chữa sai sót đó, trừ trường hợp sai sót về lỗi chính tả, tính nhầm. Tùy theo phán quyết đó đã có hiệu lực pháp luật hay chưa có hiệu lực pháp luật, việc sửa chữa sai sót đó sẽ do Tòa án ở cấp cao hơn thực hiện theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.

Trong tố tụng trọng tài, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không có trình tự xét xử phúc thẩm và không có trình tự giám đốc thẩm. Nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Luật TTTM thì: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết, một bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi trong phán quyết và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Nếu Hội đồng trọng tài cho rằng yêu cầu này là chính đáng thì ra phán quyết bổ sung trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”. Thậm chí, khi đương sự đã có đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài, Tòa án đã thụ lý đơn, nhưng theo quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật TTTM thì: “Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài. Hội đồng trọng tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng. Trường hợp Hội đồng trọng tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”.

Có thể thấy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt Luật TTTM là ý chí của các bên có vai trò rất lớn trong hoạt động của trọng tài; các bên đương sự là người kiến tạo nên thẩm quyền trọng tài (Điều 5), các bên có quyền quyết định chọn địa điểm giải quyết tranh chấp (Điều 11); đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài luật áp dụng cũng do các bên lựa chọn (Điều 14), thành phần Hội đồng trọng tài (Điều 39), hình thức trọng tài (khoản 5 Điều 43), thành phần phiên họp, trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp đối với trọng tài vụ việc cũng do các bên thỏa thuận (Điều 55).v.v… Điều này cho thấy trong tố tụng  trọng tài, ý chí của các bên tranh chấp có vai trò chi phối, vai trò quyết định rất lớn. Do đó, khi một trong các bên phát hiện vi phạm của trọng tài mà không phản đối, được coi là các bên đã lựa chọn hoạt động đó. Mặt khác, mất quyền phản đối còn có ý nghĩa ngăn chặn sự lợi dụng kéo dài vụ kiện, đồng thời còn đảm bảo nguyên tắc thiện chí trong giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong trường hợp một bên đã biết có vi phạm nhưng không phản đối, chỉ đến khi bị thua kiện tại trọng tài, không muốn bị ràng buộc bởi phán quyết trọng tài mới đưa ra căn cứ đó tại Tòa án.

Vì vậy, điều rất đáng lưu ý đối với các Thẩm phán, các Tòa án là trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.

Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM thì, bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của bên yêu cầu.

Tuy nhiên, mất quyền phản đối chỉ áp dụng cho các bên đương sự trong vụ kiện chứ không thể áp dụng cho những trường hợp phán quyết trọng tài xâm phạm lợi ích của nhà nước, của dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích công, trật tự công… Do đó, khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để khẳng định phán quyết trọng tài đã xâm phạm lợi ích công, trật tự công, lợi ích của nhà nước và đạo đức xã hội… thì Tòa án có quyền quyết định hủy phán quyết trọng tài ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối.

 

TƯỞNG DUY LƯỢNG