Ông Phan phạm tội gì?
Ông Phan là giám đốc Công ty Phan Trần. Do cần tiền làm ăn nên tháng 1/ 2014 ông vay của bà Kim 300 triệu đồng, lãi suất 1,5%/tháng (có viết giấy vay). Đến ngày 12/9/2014, cần phát triển thêm mặt hàng nên ông thế chấp nhà (nhà ông có giá thực tế khoảng 1 tỷ, ngân hàng định giá 800 triệu) để vay của ngân hàng 300 triệu đồng trong thời hạn 1 năm, ngân hàng X đã giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông. Việc làm ăn không mấy thuận lợi nên ông nghĩ đến việc có thể phải bán nhà. Do đó sẵn bản viết tay giấy tờ mua bán nhà đất giữa ông và chủ cũ từ năm 2010, ông đã làm thêm 1 kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 bản vẽ xác định mốc giới nhà đất của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh V cấp.
Tháng 1/2015, đến hạn thanh toán tiền cho bà Kim mà không có tiền trả nên ông Phan đưa ra ý bán nhà với bà Kim để trừ nợ, bà Kim đồng ý mua nhà đất của ông Phan. Hai bên đồng ý mua bán ngôi nhà với giá 800 triệu đồng, ông Phan đưa bộ giấy tờ nhà mới làm thêm cho bà Kim, bà Kim đã trừ nợ và trả đủ tiền nhà cho ông Phan, hẹn sau 3 tháng ông Phan đã mới phải bàn giao nhà cho bà Kim. Đến tháng 4/ 2015, ngân hàng biết ông Phan bán nhà cho bà Kim nên đã tố cáo ông Phan. Ông Phan bị khởi tố về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa ngày 15/6/2017 ông Phan khai: Ông bán nhà cũng chỉ với mục đích trả nợ của ngân hàng và trừ nợ bà Kim, do chưa đến kỳ hạn thanh toán tiền gốc cho ngân hàng nên ông chưa trả hết nhưng tiền lãi ông vẫn trả đủ, ông bị oan, đề nghị Tòa xem xét. Tuy nhiên Tòa án huyện B vẫn xử ông Phan tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với lập luận rằng: Nhà đất đã thế chấp là thuộc tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng giữa ông Phan và ngân hàng, việc ông Phan bán nhà mà không thông báo cho ngân hàng biết và khi đã bán nhà, mặc dù có khả năng trả nợ ngân hàng nhưng cố tình không trả là đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”
Sau phiên Tòa có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm 1 đồng ý với lập luận và quyết định của Tòa về tội danh và hình phạt đối với ông Phan
Quan điểm 2 cho rằng: nhà đất là tài sản dùng để đảm bảo khoản tiền vay của ông Phan và ngân hàng có quyền phát mại trong trường hợp ông Phan không trả được khoản vay khi đến hạn. Ông Phan chỉ có quyền bán nhà khi có thỏa thuận với ngân hàng và với mục đích trả nợ cho ngân hàng.Tuy nhiên ông Phan bằng thủ đoạn gian dối, đã làm thêm giấy tờ nhà đất để lừa bà Kim, mặt khác ông Phan lén lút bán nhà đang thuộc quyền quản lý của ngân hàng nên phải truy tố, xét xử ông Phan tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới đúng.
Quan điểm 3 cho rằng: ông Phan không phạm tội, vì trị giá căn nhà nhiều hơn hai khoản nợ, ông Phan không làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mà chỉ là giấy tờ xác định ông có quyền sở hữu nhà đất như giấy tờ mua bán viết tay nhà đất, giấy tờ xác định mốc giới, những giấy tờ này chủ yếu để nhằm mục đích bán được nhà trừ nợ. Việc chưa trả nợ ngân hàng vì chưa đến hạn, ông không bỏ trốn, không chây ì do đó không thể kết tội ông Phan.
Vụ án được đưa ra xét xử trước ngày thời điểm Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành BLHS năm 2015 có hiệu lực nên không thể coi việc ông Phan chưa trả nợ ngân hàng là mặc dù có điều kiện khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả quy định của điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS kết án ông Phan.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý vị và các bạn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
hà đức
00:24 27/12.2024Trả lời