Thời hạn 7 ngày sau hòa giải thành

Điều 212 BLTTDS năm 2015 quy định: “Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải… ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự”. Có ý kiến cho rằng nên bỏ thời hạn 7 ngày sau hòa giải thành như điều luật quy định.

Hòa giải trong tố tụng dân sự là một yêu cầu bắt buộc đối với Tòa án. Điều 10 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Điều luật này kế thừa nguyên vẹn quy định tương ứng trong BLTTDS 2004.

Với tư cách là một giai đoạn của tố tụng dân sự, hòa giải được Tòa án tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Khoản 1 Điều 205 BLTTDS 2015 quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải… trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được”.

Thực tế hòa giải tại các Tòa án cho thấy, có nhiều vụ hòa giải rất khó khăn do mâu thuẫn trầm trọng, do xung đột lợi ích lớn, do liên quan đến nhiều người, do nhiều người tác động… Do đó, khi Thẩm phán phân tích, thuyết phục được các bên thỏa thuận, cùng ký biên bản hòa giải thành là một thành công, mang lại lợi ích tốt đẹp cho tất cả các bên, tránh được việc xét xử, thi hành dân sự tốn kém và mâu thuẫn kéo dài. Tuy nhiên, có nhiều vụ trong thời hạn 7 ngày, đương sự thay đổi ý kiến, kết quả hòa giải thành không còn giá trị, vụ án lại phải đưa ra xét xử.

Do đó, có nhiều ý kiến đề nghị xem lại Điều 212 BLTTDS năm 2015 quy định: “Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải… ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự”. Ngược lại, có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định này để bảo đảm tôn trọng tính tự định đoạt của đương sự.

Ngược dòng lịch sử tố tụng dân sự Việt Nam thì thấy quy định tại Điều 212 BLTTDS năm 2015  trên đây đã kế thừa Điều 187 BLTTDS 2004. Xa xưa hơn thì từ Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng đã quy định tại Điều 10: “Biên bản hòa giải là một công chính chứng thư, có thể đem chấp hành ngay”.

Tuy nhiên, Thông tư số 01/NVPL ngày 2/2/1967 của TANDTC về hiệu lực của biên bản hòa giải thành quy định khi một bên đương sự khiếu nại về nội dung biên bản hòa giải thành  thì việc hòa giải coi như không thành, Tòa án sẽ đưa vụ tranh chấp ra xét xử sơ thẩm. Đến Thông tư số 25/TATC ngày 30/11/1974 thì TANDTC xác định biên bản hòa giải thành  chỉ có tác dụng xác nhận sự việc chứ không có giá trị thi hành ngay.

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 quy định tại Điều 44 rằng đương sự có quyền thay đổi ý kiến về thỏa thuận trong 15 ngày, kể từ ngày ký biên bản hòa giải thành. Đến BLTTDS năm 2004 và năm 2015, nhằm bảo đảm hiệu quả tố tụng và rút ngắn thời gian chờ đợi cho các đương sự nên thời hạn 15 ngày được rút xuống còn 7 ngày.

Đến nay, khi công tác hòa giải được chú trọng thì chia thành hai luồng ý kiến.

Ý kiến thứ nhất, nên giữ nguyên thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành để đương sự có thời gian suy nghĩ chín chắn, cân nhắc thận trọng hơn về thỏa thuận của mình, tạo cơ hội cho họ sửa chữa, khắc phục những sai lầm nếu có trong thỏa thuận hòa giải. Sau thời hạn 7 ngày đó, kết quả hòa giải thành sẽ bảo đảm sự thỏa mãn của cả hai bên, dẫn đến hiệu quả tốt hơn.

Ý kiến thứ hai, biên bản hòa giải thành được ký kết sau một thời gian được Thẩm phán phân tích, thuyết phục dựa trên quy định của pháp luật và thực tế vụ việc, các bên đương sự đã có sự cân nhắc kỹ càng nên cần quy định là có hiệu lực thi hành ngay. Thực tiễn cho thấy có nhiều trường hợp sau khi hòa giải thành, trong thời gian 7 ngày đương sự lại bị tác động của những người xung quanh, nhiều ý kiến không thiện chí… dẫn đến đương sự  thay đổi ý kiến.  Nhìn sang pháp luật Nhật Bản thì thấy họ quy định không cho thay đổi thỏa thuận đã ký. Tương tự trong vụ án kinh tế, trọng tài viên hòa giải, khi các bên đã ký vào biên bản hòa giải thì sẽ có hiệu lực ngay, bởi anh đã nhận thức được vấn đề thỏa thuận thì anh phải chấp hành.

Mong nhận được ý kiến trao đổi của quý vị độc giả.

Hòa giải thành có ý nghĩa pháp lý, xã hội lớn – Anh MH

Ths.CAO THỊ THANH LOAN ( Trường CĐ Du lịch Hà Nội)