Tòa án không tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự

Thực tế có một số Tòa án địa phương trong một số trường hợp cụ thể, không thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng theo quy định. Nhưng việc không tống đạt này xét về bản chất không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được tống đạt văn bản tố tụng.

Quy định của pháp luật

Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của BLDS và pháp luật có liên quan là nghĩa vụ của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án. (Điều 170 BLTTDS). Theo đó, Tòa án phải có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tổ tụng như: thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự; Bản án, quyết định của Tòa án và các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định. (Điều 171 BLTTDS). Như vậy, trong mọi trường hợp, Tòa án cần phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với từng người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, nghĩa là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Theo đó, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng hiện nay. Thông qua đó, Cơ quan tiến hành tố tụng báo cho cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định biết những thông tin cần thiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ để họ biết và thực hiện. Đồng thời, bảo vệc quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra, việc việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng góp phần đảm bảo các hoạt động tố tụng được đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ.

Thực tiễn đa dạng

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số Tòa án địa phương trong một số trường hợp cụ thể không thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng theo quy định. Nhưng việc không tống đạt này xét về bản chất không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được tống đạt văn bản tố tụng. Cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: Tòa án chưa tống đạt thông báo thụ lý vụ án nên không tống đạt quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Trong một vụ án “ly hôn” do một bên vợ hoặc chồng nộp đơn, Tòa án mới thụ lý vụ án, chưa kịp tống đạt thông báo thụ lý vụ án cho bên bị đơn nhưng sau đó người khởi kiện rút đơn khởi kiện để hai vợ chồng đoàn tụ với nhau. Và Tòa án đã  ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp nêu trên tại một số Tòa án địa phương không thực hiện việc tống đạt thông báo thụ lý vụ án, không tống đạt quyết định đình chỉ vụ án cho bị đơn.

Trường hợp thứ hai: Tòa án tống đạt quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thông qua bị đơn.

Trong một vụ án “ly hôn” khi hòa giải thì bị đơn không đồng ý ly hôn, nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu ly hôn, nhưng sau đó vài ngày người khởi kiện rút đơn khởi kiện để hai vợ chồng đoàn tụ với nhau. Tòa án đã  ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp nêu trên tại một số Tòa án địa phương đã thực hiện việc tống đạt quyết định đình chỉ qua vợ hoặc chồng của bị đơn (hay nói cách khác là nguyên đơn) để họ giao lại cho bị đơn.

Tòa án không tống đạt đúng hay sai?

Từ hai trường hợp trên, có quan điểm cho rằng Tòa án đã vi phạm pháp luật bởi vì việc tống đạt các văn bản tố tụng là nghĩa vụ của Tòa án, bắt buộc Tòa án phải thực hiện nhưng Tòa án không thực hiện là vi phạm. Trái ngược với quan điểm nêu trên thì những nơi Tòa án thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng văn bản tố tụng theo như hai trường hợp nêu trên lại cho rằng: Không nhất thiết phải áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc để bắt buộc Tòa án phải tống đạt đầy đủ các văn bản tố tụng như pháp luật đã quy định. Bởi vì trong trường hợp thứ nhất, mặc dù vụ án đã được thụ lý nhưng Tòa án vẫn chưa giao thông báo thụ lý vụ án, chưa làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của bị đơn nhưng nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện để nhằm mục đích đoàn tụ thì không cần thiết phải tống đạt thông báo thụ lý vụ án, quyết định định đình chỉ giải quyết vụ án cho bị đơn.

Còn trong trường hợp thứ hai, xét về mặt lý trí thì bị đơn không đồng ý ly hôn, nguyên đơn rút đơn khởi kiện để đoàn tụ nghĩa là ý trí giữa nguyên đơn và bị đơn cùng có điểm tương đồng là mong muốn được đoàn tụ để chăm lo cho cuộc sống gia đình, không còn ý định ly hôn nữa nên “tính tranh chấp ở đây” không còn tồn tại. Nhưng do khi rút đơn khởi kiện chỉ một mình nguyên đơn đến Tòa án, bị đơn không có đến Tòa án; nhằm tiết kiệm công sức tống đạt quyết định đình chỉ giải quyết vụ án cho bị đơn nên Tòa án đã linh hoạt tống đạt cho nguyên đơn (người thân của bị đơn) nhận thay là phù hợp vì khi rút đơn khởi kiện thì mặt dù tư cách tố tụng của hai bên là khác nhau nhưng quyền lợi của hai bên không xung đột nhau. Mặt khác, nếu thực hiện việc tống đạt theo quy định của pháp luật thì có thể dẫn đến tốn kém cho ngân sách nhà nước (thuê thừa phát lại) nên thiết nghĩ việc làm của Tòa án trong hai trường hợp nêu trên là đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.

Tuy nhiên, để áp dụng pháp luật một cách thống nhất thiết nghĩ Tòa án nhân dân Tối cao cần hướng dẫn rõ thủ tục tống đạt như các trường hợp đã nêu ở trên.

 

 

 

HUỲNH MINH KHÁNH (TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)