Báo chí phổ biến pháp luật dưới lăng kính người đọc

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và chính thức được luật hóa từ năm 2012. Nhờ có thế mạnh cập nhật nhanh, kịp thời và phổ cập rộng, thời gian qua báo chí cách mạng Việt Nam đã nhập cuộc và làm rất tốt chủ trương lớn này, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Nhân Ngày BCCM VN, một số nhà quản lý, giảng viên, sinh viên, các Luật sư, Luật gia và cả người dân…đã gửi những nhận xét, góp ý với mong muốn các cơ quan báo chí làm tốt hơn nữa công tác TTPBGDPL trong thời gian tới.

Báo chí, kênh tuyên truyền PBGDPL mang lại hiệu quả cao

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Báo chí đóng vai trò quan trọng, là phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến gần với nhân dân”

 Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

So với các hình thức PBGDPL khác thì PBGDPL trên báo chí có lợi thế đông đảo bạn đọc, khán thính giả trong nước và ngoài nước quan tâm. Báo chí đóng vai trò quan trọng, là phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến gần với nhân dân. Chính vì vậy, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp và các ngành liên quan tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí để thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Tổ chức họp báo và phát hành thông cáo báo chí định kỳ theo hàng tháng, hàng quý; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2017, Báo Bình Định đã tăng cường tiếp tục thực hiện chuyên trang Pháp luật (02 trang/tuần) với nhiều tin, bài (hơn 400 tin, bài/năm) liên quan đến hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng các chuyên mục trên sóng phát thanh và truyền hình, như: Pháp luật và đời sống 1 tháng/lần từ năm 2015; An ninh Bình Định 01 tuần/lần vào thứ 2 (hơn 20 năm)…

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Thạc sĩ Luật, Đại học Luật Huế: “Các tác phẩm báo chí đã tác động mạnh mẽ đến các nhà làm luật trong việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật”

Báo chí thời gian qua đã làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Báo chí dường như là “món ăn tinh thần của người dân” trong xã hội công nghệ 4.0. Tất cả những đường lối, chủ trương của Đảng, những văn bản pháp luật được ban hành hay những tiêu cực của xã hội đều được báo chí thông tin kịp thời, chính xác, nhanh chóng. Có thể nói báo chí đã tham gia một cách đa dạng, hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, phản ánh thực tiễn xã hội dưới mọi góc độ với cái nhìn đa chiều và chân thực nhất. Mặt khác, báo chí đã phát huy được sự phối hợp giữa các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thể hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Các bài viết, các tác phẩm của các nhà báo, các nhà khoa học, các chuyên gia có tính phản biện về các lĩnh vực đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực pháp luật được đăng tải trên các tạp chí đã tác động mãnh mẽ đến các nhà làm luật trong việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trên mặt trận tuyên truyền PBGDPL, báo chí đã thực hiện hữu hiệu vai trò trung tâm, cầu nối đưa pháp luật đến với mọi người trong xã hội.

Bà Trần Mỹ Duyên – Sinh viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh: “Người dân rất “nghiện” chuyên mục tư vấn pháp luật

Các phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu và nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Qua quan sát, tôi nhận thấy người dân thành phố Hồ Chí Minh rất “nghiện” và đánh giá cao các chuyên mục mà các cơ quan báo chí đã dày công xây dựng và duy trì, như: Lắng nghe và Trao đổi, Chuyện nhỏ mà không nhỏ của HTV; Gõ cửa luật sư, Câu chuyện truyền thanh của VOV TP.HCM; chuyên mục À Ra Thế, Luật sư của bạn trên báo Pháp Luật TP.HCM… Đặc biệt là chuyên mục Chuyện không của riêng ai do HTV7 thực hiện được phát sóng vào lúc 21 giờ thứ 5 hàng tuần đã thu hút một lượng khán giả đáng kể. Hấp dẫn vì tác giả viết kịch bản đặt ra những tình huống (như xung đột gia đình, lối xóm, chuyện vô tình phạm tội, chuyện thả súc vật rông ngoài đường ảnh hưởng đến giao thông… ) không xa lạ với bất cứ ai vì ít nhất họ cũng đã từng chứng kiến một lần trong đời. Những tình huống ấy được chuyển tải trôi chảy bằng các tiểu phẩm, xen kẽ là cuộc trò chuyện giữa MC và một chuyên viên tư vấn pháp luật. Với tình huống đặt ra, họ sẽ giải đáp ai đúng, ai sai, ai có tội, áp dụng điều khoản gì trong luật để xử lý cho đạt lý thấu tình. Theo tôi đó là một thành công lớn, vì vậy để tránh khô khan đơn điệu trong công tác tuyên truyền PBGDPL, tôi mong muốn các cơ quan báo chí hãy xây dựng nhiều chuyên mục như thế…

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Luật FDVN – Chi nhánh Huế: “Báo chí, nhà báo đã tích cực đồng hành với người dân yếu thế trên con đường tìm lại công lý”

 Ông Lê Hồng Sơn
Ông Lê Hồng Sơn

Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, báo chí và nhà báo có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác PBTTGDPL. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, tỷ lệ người dân tiếp cận các thông tin thông qua kênh báo chí trở nên phổ biến hơn hết. Do đó, chúng ta có thể thấy rõ những kết quả tích cực từ công tác PBTTGDPL thông qua báo chí. Bên cạnh đó, thời gian qua báo chí còn là kênh phổ biến để người dân tiếp cận, tìm hiểu các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, báo chí còn là kênh thông tin để người dân, các nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn có những bình luận, góp ý nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật. Đã phổ biến hiện tượng khi gặp những vấn đề về pháp lý, ngoài việc tìm đến luật sư, người dân còn tìm đến báo chí, các nhà báo để được hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành trên con đường tìm lại công lý. Có thể nói, hơn bao giờ hết, xã hội đã và đang ghi nhận những đóng góp của báo chí và các nhà báo trong công tác PBTTGDPL. Thời gian qua, nhiều vụ việc được báo chí đưa tin góp phần tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, khuyến khích người dân tuân thủ pháp luật, tránh những hành vi vi phạm. Nhiều vụ án oan, nhiều vấn đề pháp lý gây bức xúc trong dư luận được báo chí phản ánh trung thực, kịp thời và khách quan.

Ông Lâm Hiệp Phước (418. Quang Trung, TP. Quảng Ngãi): “Tôi rất thích chuyên mục Pháp luật & bạn đọc trên Tạp chí Pháp lý”

Theo tôi, báo chí đã góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân vào công lý, pháp luật. Tôi rất thích chuyên mục Pháp luật và bạn đọc trên Tạp chí Pháp lý là vì lý do này. Khác với các tờ báo chuyên ngành về pháp luật, các bài viết đăng tải trên chuyên mục này của TC Pháp lý, thường được tác giả phân tích, bình luận dưới góc độ pháp lý rất chặt chẽ và sâu sắc làm cho người đọc cảm thấy rất tin tưởng. Vụ tranh chấp QSDĐ của tộc họ Lâm chúng tôi mặc dù cho đến thời điểm này vẫn chưa kết thúc nhưng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc của Tạp chí Pháp lý. Nếu không nhờ PV Pháp lý phát hiện và chỉ ra kịp thời sự sai sót của các cấp có thẩm quyền ở huyện Sơn Tịnh trong việc cấp GCNQSD thửa đất số 409 cho ông Nguyễn Ngọc Dương (đã vận dụng Thông tư 302/TT-ĐKTK của Tổng cục Quản lý ruộng đất hết hiệu lực 4 tháng), thì việc khiếu nại tranh chấp QSDĐ của tộc họ Lâm chúng tôi sẽ còn gian nan hơn nhiều. Sau khi Tạp chí Pháp lý đăng bài “Sơn Tịnh – Quảng Ngãi: Nghi vấn khuất tất trong việc cấp GCNQSD 8.000m2 đất thổ cư ?”, ngày 19/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Văn bản số 4555/UBND-TCD phản hồi về kết quả giải quyết vụ việc có liên quan đến bài viết, thừa nhận thông tin đăng tải trên Pháp lý là chính xác và thừa nhận trình tự thủ tục cấp GCNQSD đất có nhiều sai sót. Cùng với Tạp chí Pháp lý, một số PV của các tờ báo sau đó cũng nhập cuộc (như báo Tài nguyên và Môi trường, báo Kinh doanh và Pháp luật… ) nhưng chủ yếu là vẫn dựa vào các căn cứ pháp lý mà PV của Tạp chí Pháp lý đã phát hiện và phân tích trước đó.

Cần phải làm gì để công tác tuyên truyền PBGDPL trên kênh báo chí có hiệu quả hơn trong thời gian tới ?

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng: “Báo chí nên phối hợp với các Văn phòng luật sư xây dựng các tổ tư vấn pháp luật trực tuyến hoặc định kỳ về các làng, xã”

Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình trong công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới, theo tôi trên mỗi trang báo nên có một mục cố định là giới thiệu các văn bản pháp luật mới được ban hành và các văn bản hướng dẫn (nếu có) để người đọc dễ tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó các tờ báo nên phối hợp với các Văn phòng luật sư xây dựng các tổ tư vấn trực tuyến hoặc định kỳ về các làng, xã để tiến hành PBGDPL. Góp phần giúp người dân giải quyết các vướng mắc về mặt pháp luật, tạo niềm tin của người dân vào cơ quan báo chí, giúp mọi người thấy rằng báo chí là kênh giám sát, phản biện các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhanh nhất, hiệu quả nhất. Những nhà báo thực hiện chức năng, nhiệm vụ PBGDPL ngoài tiêu chí như phải có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ làm báo, có đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm còn phải có thêm tiêu chí phải am hiểu kiến thức pháp luật. Bởi đặc thù của PBGDPL là người tuyên truyền phải hiểu rõ về lĩnh vực pháp luật và phải có kỹ năng tuyên truyền để mọi thông tin mà báo chí cung cấp, người dân đều hiểu và tiếp cận đúng với tinh thần của chế định pháp luật đó.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh: “Báo chí cần tăng cường phản ánh, biểu dương những tổ chức, cá nhân dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”

Tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong công tác PBGDPL, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần năng động, chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, cơ quan tư pháp và các đơn vị liên quan để kịp thời đưa pháp luật đến gần với nhân dân hơn. Cần tăng cường thời lượng, chuyên mục tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phản ánh những nhân tố mới trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật, nhất là các tổ chức, cá nhân dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, những hành vi vi phạm pháp luật. Về phía chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo cơ quan tư pháp và các đơn vị liên quan trong việc phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời tiếp nhận thông tin, giải quyết, xử lý nội dung thông tin báo chí phản ánh, cũng như phản hồi đối với các nội dung phản ánh thiếu khách quan, không chính xác.

Ông Lê Công Tâm – Hội viên Hội Luật gia tỉnh Bình Định: “Tuyên truyền về pháp luật, Nhà báo cần phải có kiến thức về pháp luật”

 Ông Lê Công Tâm
Ông Lê Công Tâm

PBGDPL là truyền đạt thông tin pháp luật và giải thích pháp luật cho người khác, chính vì thế PV viết bài về pháp luật cần phải hiểu biết và nắm chắc về pháp luật để biết chọn lọc thông tin tuyên truyền phù hợp. Đối với các tờ báo thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật thì yêu cầu này càng cao hơn. Tuyên truyền PBGDPL trước hết phải đảm bảo đúng pháp luật, thể hiện ở chỗ, tin bài phải sử dụng đúng thuật ngữ pháp lý; các căn cứ pháp lý đưa ra phải phù hợp, chính xác; việc phân tích lý lẽ, đánh giá, nhìn nhận vấn đề phải trên cơ sở pháp luật, phù hợp với quy định của pháp luật. Tôi lấy ví dụ năm 2017, dư luận từng phản ứng trái chiều về việc hàng loạt xe ô tô bị dừng đăng kiểm vì chưa nộp phạt hành vi vi phạm giao thông thông qua giám sát hình ảnh của CSGT, còn gọi là “phạt nguội”. Trong những tình huống như thế này, muốn định hướng dư luận thuyết phục thì nhà báo phải phân tích và dẫn ra được những văn bản pháp luật mà CSGT vận dụng không phù hợp với thực tế. Cụ thể là Luật XLVPHC năm 2012 và các nghị định hướng dẫn thi hành quy định về các hình thức xử phạt, biện pháp ngăn chặn và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với vi phạm hành chính, nhưng trong đó không có quy định nào về việc dừng kiểm định an toàn kỹ thuật đối với phương tiện VPHC trong lĩnh vực giao thông. Luật Giao thông đường bộ và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng không có quy định về việc này. Việc xử phạt VPHC và việc kiểm định kỹ thuật là hai vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện. Chúng ta đã có quy định rõ ràng về đăng ký xe, nếu chủ xe bán cho người khác thì phải báo cho cơ quan chức năng để xác định đúng chủ sở hữu. Nếu họ không báo thì phải chịu trách nhiệm. Đây là việc của công an chứ không phải là cơ quan đăng kiểm. Do đó có thể nói việc dừng kiểm định kỹ thuật phương tiện do chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một quy định tùy tiện và chắp vá. Quy định này có thể phần nào đảm bảo thi hành việc xử phạt hành chính nhưng không chính đáng và không có căn cứ pháp luật…

Ông Lê Hồng Sơn: “Báo chí cần xây dựng một kế hoạch dài hơi về công tác PBGDPL”

Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò trong công tác PBGDPL, báo chí, mỗi một nhà báo bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ cần không ngừng củng cố kiến thức về pháp luật, cập nhập các quy định, chính sách mới để giữ vững sự sắc sảo trong các bài viết của mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng một kế hoạch dài hơi về công tác PBGDPL, xây dựng thêm các chuyên mục về tư vấn, hỏi đáp pháp luật, tạo sân chơi và khuyến khích người dân tham gia tìm hiểu các quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các luật sư, chuyên gia pháp lý để có các hoạt động tư vấn pháp luật, phổ biến pháp luật về những vấn đề thiết thực, gần gũi với đời sống hằng ngày.

Theo Phaply.vn

MINH TRUNG (thực hiện

MINH TRUNG (thực hiện