Đoàn kiểm tra không được nhận tiền, tài sản, giao lưu với đối tượng kiểm tra

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Quy định số 01/QĐ-UNKTTU về tổ chức và hoạt động đoàn kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện các nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp trên giao. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký, thay thế Quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 01-QĐ/UBKTTW, ngày 19/5/2016.

Quyền hạn, trách nhiệm

Căn cứ kết quả nắm tình hình hoặc nhiệm vụ do Thường trực Ủy ban giao, Vụ trưởng vụ địa bàn, lĩnh vực báo cáo đề xuất với thành viên Ủy ban trực tiếp phụ trách địa bàn, lĩnh vực và các thành viên Ủy ban phụ trách vụ về kế hoạch, dự kiến đoàn kiểm tra, giám sát; số lượng đoàn từ 3 đến 5 người; trường hợp đặc biệt xin ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban.

Sau khi xây dựng lịch trình kiểm tra, giám sát và đề cương gợi ý nội dung, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, chậm nhất sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định kiểm tra, giám sát, đoàn phải làm việc với đối tượng kiểm tra, giám sát để triển khai quyết định, kế hoạch kiểm tra, giám sát và thống nhất lịch làm việc.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tham mưu cho Thường trực Ủy ban và Ủy ban xây dựng, ban hành các văn bản phục vụ việc kiểm tra, giám sát; thông báo kết luận kiểm tra, thông báo kết quả giám sát; quyết định kỷ luật (nếu có); báo cáo đề nghị cấp trên (nếu có) và các văn bản khác trình Thường trực Ủy ban ban hành. Lập và nộp hồ sơ lưu trữ (chậm nhất sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày đoàn triển khai thông báo kết luận kiểm tra hoặc thông báo kết quả giám sát của Ủy ban đến đối tượng kiểm tra, giám sát).

Về quyền hạn, đoàn kiểm tra có quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra, giám sát; các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan chấp hành nghiêm quyết định, kế hoạch kiểm tra, giám sát; chuẩn bị báo cáo, cung cấp tài liệu về các nội dung khác có liên quan. Khi cần thiết, đoàn được yêu cầu đối tượng kiểm tra, giám sát giữ nguyên hiện trạng hồ sơ, tài liệu để phục vụ cho việc thẩm tra, xác minh.

Trách nhiệm, quyền hạn của thành viên và thư ký đoàn kiểm tra, giám sát là phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ theo sự phân công, điều hành của trưởng đoàn.

Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát. Trực tiếp thẩm tra, xác minh và xây dựng báo cáo thẩm tra xác minh về các nội dung theo sự phân công của trưởng đoàn; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo đó. Tham gia xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát; dự thảo thông báo kết luận kiểm tra hoặc thông báo kết quả giám sát; quyết định kỷ luật (nếu có). Quản lý và giữ bí mật hồ sơ, tài liệu trong quá trình kiểm tra, giám sát; bàn giao cho trưởng đoàn khi kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát để lập và nộp hồ sơ lưu trữ.

Quy định cũng nêu rõ: Khi phát hiện bản thân hoặc thành viên trong đoàn có quan hệ họ hàng với đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc có hành vi, việc làm trái quy định của Đảng, Nhà nước và Ủy ban thì phải chủ động báo cáo trưởng đoàn và Phó Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn.

Những điều cấm đối với đoàn kiểm tra, giám sát

Những việc đoàn kiểm tra, giám sát không được làm  gồm: Thực hiện không đúng, không đầy đủ chỉ đạo của Ủy ban, Thường trực Ủy ban và Phó Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn; Đưa ra những yêu cầu với đối tượng kiểm tra, giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan trái với quy định của Đảng, Nhà nước và Ủy ban.

Đặc biệt là không được nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất; tổ chức, tham gia giao lưu với đối tượng kiểm tra, giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan dưới mọi hình thức; gây khó khăn hoặc có thái độ thiếu tôn trọng, công tâm, khách quan với đối tượng kiểm tra, giám sát.

Không được sử dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân tại nơi đang kiểm tra, giám sát phục vụ nhu cầu cá nhân; hứa hẹn với đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện yêu cầu, đề nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan đến đối tượng kiểm tra, giám sát trái quy định của Đảng, Nhà nước.

Không được cản trở, can thiệp, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm tra, giám sát; tiết lộ hoặc cung cấp thông tin, tài liệu và nội dung kiểm tra, giám sát khi chưa có kết luận chính thức hoặc đã có kết luận chính thức nhưng chưa được phép công bố; Tiết lộ nội dung, kết quả làm việc với đối tượng kiểm tra, giám sát, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cuộc kiểm tra, giám sát hoặc kết quả thẩm tra, xác minh cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.

Không được bao che cho tổ chức hoặc cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm, có dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm; áp đặt đối tượng kiểm tra, giám sát trả lời, trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình.

Không được làm mất, hư hỏng, làm biến dạng hoặc tiêu hủy hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát; làm sai lệch kết quả kiểm tra, giám sát; sử dụng trái quy định hoặc biển thủ hồ sơ, tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc kiểm tra, giám sát.

Không được tự ý tiếp xúc với đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan khi không được giao nhiệm vụ; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh để trục lợi dưới mọi hình thức; Phát ngôn, nhận định, đánh giá khi chưa được sự đồng ý của trưởng đoàn hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn; Sử dụng phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát vào việc riêng.

KIM DUNG