Hội nghị trực tuyến về đổi mới hòa giải, đối thoại trong tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Ngày 21-5, TANDTC tổ chức hội nghị trực tuyến đến 777 điểm cầu TAND các cấp trong cả nước về chuyên đề đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng Ban chỉ đạo “Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND” chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đã nhấn mạnh công tác hòa giải đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc tại Tòa án, là phương thức hiệu quả đảm bảo tính quyết định, tự định đoạt của các đương sự. Việc hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp và các khiếu kiện mà không phải mở phiên tòa để xét xử, qua đó giúp tiết kiệm được thời gian chi phí, công sức của đương sự và của Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án, hạn chế việc kháng cáo kháng nghị, nâng cao tỉ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án nhất là trong bối cảnh các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự gia tăng và phức tạp.

 Thẩm phán Gordon Low  hướng dẫn kỹ năng hòa giải – Ảnh Quang Huy

Thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã xây dựng thí điểm kế hoạch về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án hai cấp thành phố Hải Phòng. Từ cuối tháng 3/2018 đến nay, việc thí điểm kế hoạch về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

TAND thành phố Hải Phòng đã thành lập 10 trung tâm hòa giải đối thoại đặt tại Tòa án thành phố và  các quận huyện; đã bổ nhiệm 58 đối thoại viên, hòa giải viên là những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đã nghỉ hưu có năng lực trình độ chuyên môn về hòa giải. Ngoài ra các hòa giải viên, đối thoại viên có thể là các luật sư, hội thẩm nhân dân, những người am hiểu pháp luật.

Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án ghi vào sổ nhận đơn và chuyển đơn khởi kiện cho các trung tâm hòa giải đối thoại nêu trên để tiến hành hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn, trừ  những trường hợp không hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật.

TANDTC đã mời Thẩm phán Gordon Low của Hoa Kỳ sang hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Từ ngày 5/3/2018 đến nay, Thẩm phán Gordon Low đã tiến hành các buổi tập huấn cho cán bộ, Thẩm tra viên của TANDTC, các Thẩm phán, hòa giải viên tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại.

Tại hội nghị trực tuyến, Thẩm phán Gordon Low đã khái quát lại việc áp dụng pháp luật của các quốc gia trong giải quyết những tranh chấp dân sự, hành chính; hướng dẫn cho các cán bộ Tòa án xây dựng kỹ năng đàm phán, thương lượng, hòa giải như  phải dự kiến trước những trở ngại; phải kiên nhẫn, tháo vát và biết sử dụng các kỹ thuật có tính sáng tạo nhằm xây dựng sự đồng thuận; giúp các bên nhận thấy rằng thỏa thuận là lựa chọn tốt nhất.

Thẩm phán Gordon Low đã cùng với cán bộ Tòa án tại các điểm cầu trực tuyến nghiên cứu, xử lý các tình huống giả định để giúp cho các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên thấy rõ mô hình, kỹ năng hòa giải, đối thoại.

Trước đó, ngày 17/5/2018, TANDTC tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND.

Ban chỉ đạo Đề án được thành lập theo Quyết định số 634/TANDTC-TCCB ngày 14/5/2018, do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng ban. Các thành viên gồm Thẩm phán TANDTC, Chánh án TAND Tp Hải Phòng; lãnh đạo Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế, các Vụ giám đốc kiểm tra, Học viện Tòa án; đại diện VKSNDTC, Bộ Tư pháp…

Hội nghị đã bàn về Dự thảo Đề cương Đề án, nêu những nội dung cơ bản như thực tiễn, khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh – thương mại, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính; kinh nghiệm hòa giải tại Tòa án của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản… Dự thảo cũng đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, quan điểm chỉ đạo; việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thẩm quyền, thời điểm, chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại; thù lao của Hòa giải viên, Đối thoại viên; việc công nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Về mặt lập pháp, phải xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sửa đổi, bổ sung một số quy định về hòa giải của BLTTDS; về đối thoại của LTTHC…

Các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản đồng tình với dự thảo Đề cương Đề án, và nhận định rằng đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án là vấn đề mới, khó, khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, Đề án cần được kết cấu cụ thể hơn, nêu rõ hơn về cơ sở khoa học, chính trị pháp lý, cơ sở thực tiễn, nguồn kinh phí, công tác tổ chức cán bộ, mô hình thực hiện…

Theo kế hoạch, tháng 9/2018, TANDTC sẽ trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Đề án này.

 

BẢO THƯ