Ngày Báo chí, nghĩ về Mạng xã hội

Vì đề cao vai trò, vị thế của báo chí nên đôi khi người ta nói báo chí là "quyền lực thứ tư", chỉ sau ba nhánh quyền lực nhà nước là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Dù chỉ là một cách nói nhưng cũng phản ánh phần nào sức mạnh của báo chí đối với xã hội… Nhưng hiện nay người ta đã nói tới "quyền lực thứ năm", đó chính là mạng xã hội.

58 triệu người Việt Nam đang dùng Facebook

 Thống kê của Hootsuite và We Are Social cho thấy lượng người dùng Internet trên toàn thế giới liên tục tăng, đến tháng 3/2018, lượng người dùng Internet trên toàn thế giới đạt 4,08 tỷ.

Lượng người sử dụng điện thoại thậm chí còn đông đảo hơn, với tổng cộng 5 tỷ người dùng, chiếm 2/3 dân số thế giới. Ngày càng có nhiều người sử dụng điện thoại đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu sử dụng mạng xã hội. Trong đó, Facebook vẫn đang dẫn đầu với 3,3 tỷ người dùng, chiếm 43% dân số thế giới…  Việt Nam là nước có lượng người dùng Facebook ở vị trí thứ 7, với 58 triệu người dùng. TPHCM cũng nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng.

Người ta  còn thống kê rằng người Việt Nam dành mỗi ngày ít nhất 2,5 tiếng để truy cập mạng xã hội, cao hơn nhiều so với thời gian dành cho truyền hình và là một trong 10 nước có người dùng trên YouTube nhiều nhất.

Vì sao Facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung thu hút người ta ghê gớm như thế?

Chúng ta biết rằng, thuật ngữ Internets ra đời năm 1974, đến 1991 người ta phát minh ra World Wide Web (WWW) tạo ra cuộc cách mạng thực sự vì mọi người dễ dàng trao đổi, truy cập thông tin, mở ra một kỷ nguyên truyền thông mới. Mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên sử dụng Internet cùng sở thích, cùng mối quan tâm với nhiều mục đích khác nhau trên toàn cầu, vượt ra ngoài giới hạn địa lý và thời gian. Cư dân mạng thoải mái liên kết, giao lưu, trao đổi với nhau bằng chat, email, blog… dù có thể họ ở xa nhau nửa vòng địa cầu. Trên thế giới có vô số dịch vụ mạng xã hội như Facebook, My Space ở Mỹ; Bebo ở Anh, Mixin ở Nhật Bản, Cy World ở Hàn Quốc, ở Việt Nam là Zing Me, Yu Me… Trên phạm vi toàn cầu, Facebook mới ra đời từ năm 2004 đến nay đã phổ cập với tốc độ vũ bão và như đã nêu, Việt Nam đón nhận và sử dụng mạng xã hội này một cách nồng nhiệt. Trước đó, cư dân mạng Việt Nam đã làm quen với Yahoo Messenger, Gmail, đặc biệt là Yahoo 360, rồi Multiply và Opera, những mạng xã hội tạo điều kiện cho người dùng xây dựng được trang cá nhân, viết blog, thể hiện quan điểm, chia sẻ với cộng đồng quan điểm, sở thích của mình.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, người ta biết đến khái niệm báo chí công dân ở nước ta. Chỉ với một điện thoại thông minh không cần đắt tiền có kết nối internet, mỗi người sử dụng có thể trở thành một phóng viên hiểu theo nghĩa có thể sản xuất tin, bài, hình ảnh, video, thậm chí truyền hình trực tiếp để chia sẻ rộng rãi với cộng đồng. Thực tế những năm qua, có những clip của một người bình thường chứng kiện sự kiện do vô tình hay chủ động, sau đó đưa lên mạng đã thu hút hàng vạn lượt người xem và được các trang khác share lại với tốc độ chóng mặt.

Khánh thành cây cầu vào trường Sam Lang – Ảnh PLĐS

 

Ví dụ, clip của cô giáo Tòng Thị Minh ghi lại cảnh cô và trò qua suối Nậm Pồ bằng túi nilon mùa mưa lũ ở bản Sam Lang, Điện Biên khiến báo chí vào cuộc và cuối cùng một cây cầu vững chãi đã được xây dựng; những clip phản ánh cô bảo mẫu hành hạ trẻ được đăng tải khiến vụ việc được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm;  gần đây là clip giáo viên tiếng Anh xử sự vô văn hóa với học viên đã khiến Trung tâm tiếng Anh đó được kiểm tra và đóng cửa do không có giấy phép…

Những vụ phức tạp hơn như vụ cưỡng chế thu hồi đất bức xúc cách đây mấy năm, một số nhà báo, luật sư đã về tận nơi, tiếp cận hồ sơ tài liệu và nhân chứng để cung cấp cho dư luận qua mạng xã hội thấy những sai phạm của chính quyền địa phương, tạo ra hiệu ứng xã hội lớn. Sau đó các báo cũng vào cuộc. Nhờ những thông tin kịp thời và xác đáng, những ý kiến bình luận thấu tình đạt lý đó mà cơ quan chức năng đã xử lý thỏa đáng vụ việc này.

Là những người có mặt trực tiếp, thậm chí là người trong cuộc nên những thông tin được đưa trên mạng xã hội có sức thuyết phục cao, nhiều thông tin, hình ảnh độc đáo, đặc biệt, mà các nhà báo không dễ gì có được. Mỗi cư dân cộng đồng mạng lại hoàn toàn chủ động quyết định việc công bố, chia sẻ thông tin và thể hiện quan điểm cá nhân, khác hẳn với thông tin báo chí là sản phẩm của tập thể, phải qua nhiều khâu từ người viết, người biên tập, người duyệt đăng mới được công bố, mang nặng tính quan phương và đương nhiên là khó có thể nhanh bằng mạng xã hội.

Do đó, nhiều nhà báo hoặc người đã từng làm báo có những trang Facebook bám sát thời sự, bám sát muôn mặt của cuộc sống, với kỹ năng chuyên nghiệp, thu hút lượng bạn đọc thậm chí vượt xa nhiều tờ báo online chính thống.

Mạng xã hội đã là một phương tiện liên kết các tình nguyện viên chung tay làm từ thiện cho trẻ em nghèo, cho vùng đồng bào gặp thiên tai… ở các trường Đại học, các nhóm dân cư, ở nhiều qui mô khác nhau.

Một điều  đặc biệt khác là với tính năng Like, Comment và Share, Facebook đã tạo ra sự tương tác rất lớn trong cộng đồng, trong mạng lưới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các ý kiến bình luận cá nhân được chia sẻ không giới hạn và đa chiều nên Facebook cung cấp cho người tham gia những thông tin phong phú, với nhiều góc nhìn khác nhau, có thể từ ý kiến của người dân bình thường đến các chuyên gia. Vì thế, lắng nghe mạng xã hội là một thuật ngữ đã trở nên quen thuộc. Đó là dùng công cụ và phần mềm để theo dõi các nội dung tương tác trên mạng xã hội được các cơ quan chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp và báo chí sử dụng nhằm nắm bắt những vấn đề mà người dân, bạn đọc, khách hàng quan tâm, bình luận.

Báo chí còn bị mạng xã hội cạnh tranh khi đưa tin ban đầu trong các sự kiện nóng, buộc báo chí phải nhanh nhạy hơn rất nhiều.

Báo chí công dân như thế nên báo chí chính thống không thể không “nể trọng” cả về sức hấp dẫn, độ nhanh nhạy và đa dạng của thông tin cũng như lượng người đọc.

Mạng xã hội buộc báo chí phải thay đổi

Trước hết là các báo, thậm chí các tạp chí chuyên ngành cũng phải có phiên bản online và phải xây dựng cộng đồng của mình trên Twitter, Facebook, Instagram để quảng bá, liên kết, tương tác với bạn đọc. Vậy là báo chí chính thống cũng tham gia mạng xã hội, phải tham gia mạng xã hội nếu không muốn đứng ngoài lề.

Qua thông tin mạng xã hội, trong rừng thông tin “thượng vàng hạ cám” đó, các phóng viên báo chí với con mắt tinh tường của mình dễ dàng tìm được đề tài mới, dễ dàng liên kết để hỏi ý kiến, thậm chí phỏng vấn qua mạng xã hội để nhanh chóng có bài đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Với mục bình luận của bạn đọc qua mỗi bài báo, tòa soạn có thể dễ dàng nhận biết được tác động của bài viết qua số lượt truy cập và ý kiến bình luận, để dừng hay tiếp tục theo đuổi đề tài và nên triển khai theo hướng nào để thu hút bạn đọc.

Mạng xã hội cũng tác động trở lại, là cộng tác viên mẫn cán của báo chí khi những bài báo hay, thu hút được quan tâm của công chúng sẽ được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với tốc độ phổ biến mạnh và đương nhiên thu hút lượng Like và các ý kiến bình luận khổng lồ. Báo chí không thể không biết ơn mạng xã hội. Một ví dụ khá tiêu biểu là trang tin 24h.com.vn. Trang tin này có đến gần 8,2 triệu likes trên mạng xã hội Facebook, và số lượng xấp xỉ như thế theo dõi hàng ngày, điều đó có nghĩa là bất cứ bài báo nào được đưa lên fanpage của trang tin này thì đều có thể được tiếp cận bởi  8 triệu người đọc. Chỉ cần một phần trong số đó share đường link trong network của mình thì bài báo lại tiếp cận với một lượng bạn đọc mới. Lượng truy cập cao đồng nghĩa với doanh thu quảng cáo cũng cao hơn cho các tờ báo.

Tuy nhiên, cái gì cũng có ít ra là hai mặt của nó, với sự chia sẻ, nhân bản dữ dội như thế thì những nhầm lẫn, sai sót… của bài báo rất dễ được phát hiện và nhiều trường hợp bị chỉ trích, cư dân mạng gọi là “ném đá” không thương tiếc. Cộng đồng mạng theo dõi, phản biện, chỉ trích, thậm chí sử dụng quyền tẩy chay của mình đối với báo chí – “quyền lực thứ tư” nên mạng xã hội được coi như “quyền lực thứ năm”.

Đơn cử một chuyện nhỏ cách đây vài năm,  biên tập viên một Đài truyền hình buột miệng “chúc quốc tang thật nhiều niềm vui”. Đoạn hình đó được khán giả ghi lại và đưa lên trang chia sẻ video You Tube, thu hút được tới gần nửa triệu lượt người xem. Lãnh đạo đài sau đó đã phải chính thức đưa ra lời xin lỗi. Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử phát thanh – truyền hình Việt Nam. Điều đó cho thấy báo chí không thể hoạt động theo kiểu cũ, trước khi có Internet là thông tin một chiều, chỉ có từ toà soạn đến bạn đọc mà ít có hoạt động tương tác. Báo chí ngày nay buộc phải thay đổi, thiết thực hơn, chân thực hơn và bắt buộc từng bước phải là diễn đàn thật sự để công chúng ngoài tiếp nhận thông tin còn phản biện, tranh luận hay phản hồi, cung cấp thêm thông tin cho cơ quan báo chí để tác phẩm báo chí phản ánh được khách quan, trung thực.

Từ những chuyện nhỏ, đến những chuyện quốc gia đại sự, qua mạng xã hội như thế mỗi người dân đều có cơ hội thể hiện quyền tự do ngôn luận được Hiến định của mình, mỗi người dân có trong tay một công cụ để biến khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành hiện thực trong công cuộc đẩy mạnh dân chủ ở Việt Nam hiện nay theo mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mạng xã hội hay báo chí công dân nhanh nhạy, đa dạng, phong phú nhưng có hạn chế về độ tin cậy, do hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hơn nữa, đó là do sản phẩm cá nhân, mang quan điểm chủ quan, người đọc ít có điều kiện kiểm chứng, nên trong nhiều trường hợp gây ra tình trạng bán tín bán nghi. Bên cạnh đó, vì mục đích nào đó mà người ta tung tin giả (fake news), bịa đặt, cắt ghép, tạo ra những hiểu lầm, tranh cãi, chia rẽ phức tạp; rồi lập Facebook giả danh những người nổi tiếng để tăng sức thu hút là những hiện tượng không hiếm hiện nay. Đây là vấn nạn mang tính toàn cầu, nhiều chính trị gia trên thế giới bị tin giả gây hiểu lầm rất tệ hại.

Do tính chính xác, khách quan không cao của mạng xã hội như vậy nên khi đó bạn đọc tìm đến báo chí chính thống để kiểm chứng thông tin, xác định sự thật. Như vậy là mạng xã hội tạo cơ hội cho báo chí chính thống “ghi bàn”.

Nhưng cơ hội dường như luôn kèm theo thách thức, đó là báo chí phải có chất lượng cao, phải chính xác, trung thực và khách quan, kịp thời đưa ra những thông tin bổ ích mà bạn đọc chờ đợi, tìm kiếm. Càng nhiều thông tin trên mạng xã hội bao nhiêu thì người ta càng cần kiểm tra, đối chiếu với thông tin báo chí chính thống bấy nhiêu. Để tạo được chỗ đứng với bạn đọc, báo chí buộc phải không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu bằng những tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn và bổ ích, có tầm bao quát rộng, cũng như khi cần có thể mổ xẻ sâu sắc vấn đề – đó là những thế mạnh mà mạng xã hội không có.

Xem ra báo chí và mạng xã hội hoàn toàn có thể cộng sinh trên nền tảng phát triển ngày càng cao của internet, cả hai gắn bó không thể tách rời nhưng cũng mặc nhiên cạnh tranh không ngừng. Cạnh tranh lành mạnh luôn mang lại lớn ích cho mỗi bên, cho bạn đọc và cao nhất là tiến bộ xã hội.

 

 

 

LƯU THÁI BẢO