Những nữ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tài năng

Ngày 26/6/2015, đã đánh dấu mốc son quan trọng của hệ thống Tòa án nhân dân khi lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC. Thật hãnh diện cho phái nữ khi trong 15 thẩm phán TANDTC có bốn nữ Thẩm phán xinh đẹp. Cả bốn chị đều là Tiến sỹ và là những chuyên gia về các lĩnh vực pháp luật, chính trị trong nước và quốc tế. Đó là các chị: Nguyễn Thuý Hiền, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đào Thị Xuân Lan và Lương Ngọc Trâm.

Có những cụm từ về số bốn rất đẹp gắn với phái nữ, đó là “Tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh”, “ Tứ đại mỹ nhân”, “Tứ nữ bất bần”… Có một sự trùng hợp là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hiện nay cũng có bốn nữ Thẩm phán, các chị đều có một quá trình phấn đấu bền bỉ trong học tập và công tác để có vị trí xứng đáng như hiện nay, các chị đều là những người phụ nữ đẹp và thành đạt. Người dẫn đầu trong các nữ Thẩm phán là Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền. Chị cũng là người tiếp nối xuất sắc của những nữ Phó Chánh án TANDTC trước đó.

Nữ Phó Chánh án của Tòa án nhân dân tối cao

Trong lịch sử phát triển của mình, Tòa án nhân dân đã từng có ba nữ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có nhiều đóng góp lớn cho hệ thống Tòa án nhân dân. Đó là bà Lê Thị Phương Hằng, Phó Chánh án TANDTC từ năm 1979 đến năm 1988; bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Phó Chánh án TANDTC từ năm 1979 đến năm 1991;  bà Dương Thị Thanh Mai, Phó Chánh án TANDTC từ năm 1987 đến năm 2002.

 

Chị Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC và đại diện một số đơn vị của TANDTC đến chúc Tết nguyên Phó Chánh án TANDTC Dương Thị Thanh Mai, năm 2018

Tiếp sau các thế hệ tiền bối, hiện nay có Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền. Chị sinh ngày 20 tháng 6 năm 1960; học Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin, Đức. Tính đến năm 2015, chị có 31 năm công tác tại Bộ Tư pháp Việt Nam. Trong đó có gần 7 năm (từ ngày 12/9/2008 đến ngày 29/7/2015) chị giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền tập huấn Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án

Tháng 8 năm 2015 chị được Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Hiện tại chị là Phó Chánh án nữ và cũng là thành viên nữ duy nhất của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao. Là Tiến sỹ Luật học, chuyên gia trong lĩnh vực dân sự và có kinh nghiệm phụ trách công tác truyền thông nên chị được Chánh án TANDTC phân công phụ trách lĩnh vực án dân sự; quan hệ quốc tế và thông tin truyền thông của hệ thống Tòa án nhân dân.

Chị trực tiếp phụ trách các đơn vị: Vụ Giám đốc kiểm tra II, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Vụ Hợp tác quốc tế. Đồng thời chị là Trưởng ban Ban quản lý và sử dụng Quỹ tình nghĩa Tòa án nhân dân, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, chị còn theo dõi, đôn đốc hoạt động của Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Chị tâm sự: Phụ nữ Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống rất đẹp trong giai đoạn chiến tranh là: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, chúng ta lại mang vẻ đẹp đặc trưng của phụ nữ Á Đông, nên dù mỗi thời có những tiêu chí riêng nhưng thời nào phụ nữ chúng ta cũng đều có ý thức phấn đấu theo khuôn vàng thước ngọc “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Trong thời đại hiện nay những khuôn thước đó có thể hiểu là vừa giỏi, vừa đẹp, lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe, cử chỉ thanh lịch và có phẩm hạnh, đạo đức tốt.

 Phụ nữ ngày nay có được sự thuận lợi hơn các bà, các chị ngày xưa vì phụ nữ được bình đẳng hơn, được sống vì mình và có điều kiện để vì bản thân nhiều hơn, được thừa nhận nhiều hơn trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy nhiên chúng ta cũng lại có những khó khăn, trở ngại hơn vì chúng ta không chỉ đóng vai trò là người xây tổ ấm, giữ lửa cho gia đình mà còn có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước… Do đó, việc cân bằng, hài hòa giữa cuộc sống gia đình và công việc là điều cần thiết nhất đối với phụ nữ trong thời đại ngày nay. Nhân dịp ngày quốc tế phụ nữ, chúc chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ trong các Tòa án nhân dân nói riêng luôn khỏe mạnh, xinh đẹp, hạnh phúc và thành công.

Nữ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, với hệ thống Tòa án bốn cấp, Tòa án nhân dân tối cao với chức năng nhiệm vụ mới nên số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới mười ba người và không quá mười bảy người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Hiện nay Tòa án nhân dân tối cao có 15 Thẩm phán, ngoài chị Nguyễn Thúy Hiền, có ba Thẩm phán nữ là chị Nguyễn Thị Hoàng Anh, chị  Đào Thị Xuân Lan và chị Lương Ngọc Trâm.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh sinh ngày 23 tháng 5 năm 1960; học Đại học Luật và Tiến sĩ Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin, Đức. Chị bắt đầu làm việc tại Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao từ năm 1991, đến tháng 7/2009, chị giữ chức vụ Vụ trưởng. Từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2015, chị là nữ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức. Là Tiến sĩ Luật tại Đức nên chị rất am hiểu pháp luật các nước trên thế giới nói chung, luật pháp Đức nói riêng và rất thông thạo tiếng Đức. Chị đã trở thành Đại sứ đầu tiên trong lịch sử được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh và Thủ tướng Đức A.Merkel

Xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật là nhiệm vụ quan trọng của TANDTC đã được ghi nhận trong Hiến pháp, vì thế rất cần các chuyên gia đầu ngành về pháp luật, đặc biệt trong thời kì hội nhập quốc tế sâu, rộng càng cần có các chuyên gia đầu ngành về pháp luật và công pháp quốc tế như chị để tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, các vụ tranh chấp quốc tế.

Chị Đào Thị Xuân Lan  sinh ngày 8/9/1961, có học vị Tiến sĩ Luật. Trước thời điểm bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC chị là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ĐBQH khóa 13.

ĐBQH Đào Xuân Lan phát biểu tại nghị trường

Có thể nói chị là người có duyên với Tòa án vì ông thân sinh chị là cụ Đào Xuân Miễn cũng là một trong các Thẩm phán kỳ cựu của Tòa án nhân dân tối cao, chị đã từng công tác tại Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian từ tháng 7 năm 1994 đến tháng 8 năm 2011. Trong đó có 9 năm (từ tháng 9 năm 2002 đến tháng 8 năm 2011 chị là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và lần lượt  giữ các chức vụ Phó Chánh tòa Hành chính, Chánh tòa Hành chính Tòa án nhân dân tối cao. Bằng sự phê chuẩn của Quốc hội và Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước, chị lại quay về với Tòa án nhân dân tối cao và thực hiện những công việc chị vốn yêu thích gắn bó. 

Chị Lương Ngọc Trâm sinh ngày 10/8/1966. Chị là người được bổ nhiệm tại chỗ và đã trải qua một quá trình phấn đấu qua nhiều đơn vị khác nhau trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Thẩm phán Lương Ngọc Trâm (trái) tặng quà trong một chuyến từ thiện của cơ quan

Năm 2002 chị được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2008, chị được bổ nhiệm Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ thời điểm đó, chị đã công tác trong nhiều lĩnh vực của Tòa án nhân dân với các chức vụ như Phó Chánh tòa Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao tại cơ quan thường trực phía Nam; Phó Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao và Chánh tòa Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, chị đã được vinh dự được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2017-2022. Dù công việc rất bận rộn, chị vẫn dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập, năm 2017, chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Luật học.

Đóng góp tích cực

Bốn nữ Thẩm phán TANDTC, mỗi người một vẻ đều là những chuyên gia về các lĩnh vực pháp luật và có nhiều đóng góp tích cực cho Tòa án nhân dân tối cao nói riêng và hệ thống Tòa án nhân dân nói chung.

Hội đồng Thẩm phán trong giai đoạn này đã thực hiện thành công rất nhiều nhiệm vụ quan trọng của TANDTC theo Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Tòa án năm 2014  tạo những bước ngoặt lớn của Tòa án nhân dân. Công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật được lãnh đạo TANDTC xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.TANDTC đã chủ trì và tham gia xây dựng nhiều Dự án luật quan trọng có liên quan tới hoạt động của Tòa án và đã được Quốc hội thông qua; Đã triển khai thi hành các BLTTDS, BLDS, BLTTHS, BLHS, Ban hành rất nhiều Nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, có những Nghị quyết tạo bước ngoặt lớn trong lịch sử tố tụng như phòng xử mẫu, đã thay vành móng ngựa bằng bục khai báo…

 Hội đồng Thẩm phán đã lựa chọn những quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử;

Tổ chức thành công Hội nghị Chánh án bốn cấp; Công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án; Tập huấn các Bộ luật mới được ban hành; Thành lập các đoàn kiểm tra về công tác xét xử các loại án ở các Tòa án trong cả nước

Trong các hoạt động quan trọng của Tòa án đều có sự đóng góp tích cực của các chị, đưa đến sự thành công của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng như hệ thống Tòa án nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền công tác thông tin truyền thông của hệ thống Tòa án nhân dân phát triển mạnh mẽ. Tòa án Thành lập chương trình Truyền hình TAND, Thành lập Ban Chỉ đạo công tác Thông tin- tuyên truyền TAND nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hoạt động của các cấp ủy đảng trong hệ thống TAND. Thành lập Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử…

Trong lịch sử Tòa án nhân dân đã ghi nhận công lao, sự đóng góp của các lãnh đạo nữ, các nữ Thẩm phán của TAND nói chung, TANDTC nói riêng qua các thời kỳ. Hy vọng rằng sự tiếp nối xuất sắc, sự phấn đấu bền bỉ cũng như những thành công của các chị sẽ tiếp thêm động lực cho các chị em phấn đấu và sẽ ngày càng có nhiều hơn những người phụ nữ thành đạt.

HẢI HÀ