Hãy quan tâm hơn đến trẻ em

Trên các trang báo, thông tin về xâm hại trẻ hiện nay khá dày đặc. Nhưng tít báo như: “Bé gái 14 tuổi mang thai, nghi phạm là hàng xóm”, “Hai gã hàng xóm nhiều lần hiếp dâm bé gái bị động kinh”, “Bé gái 8 tuổi thoát chết sau khi bị sàm sỡ, ném xuống sông”, “Nghi án ba bé gái bị gã “yêu râu xanh” giở trò đồi bại”, “Bi kịch gia đình bé gái bị ông lão 69 tuổi hại đời”… vừa cho thấy thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em rất phức tạp và nghiêm trọng, vừa cảnh báo nguy cơ chai lỳ cảm xúc dẫn đến coi đó là hiện tượng bình thường.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, hơn 800 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên toàn quốc. Điều đáng báo động là chỉ có 10 vụ được xét xử. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.

Tổng cục Cảnh sát  – Bộ Công an đã công bố, trong 5 năm 2012-2016, cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 8.900 đối tượng, xâm hại 8.146 em. Điều đáng lo ngại là xu hướng gia tăng loại tội phạm này và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ.  Những con số trên đây đương nhiên chỉ phản ánh một phần của thực trạng nhức nhối này, do nhiều vụ tự giải quyết hoặc nạn nhân và gia đình không dám lên tiếng.

Do  đặc thù của loại tội phạm này thường không bắt được quả tang, nên việc đấu tranh, xử  lý gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra sự việc chỉ có thủ phạm và nạn nhân, khi người lớn phát hiện thì vụ việc đã qua nên thu thập chứng cứ rất khó. Nhiều trường hợp chứng cứ đã bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, nạn nhân là trẻ em, bị chấn thương tâm lý, nên khai không thống nhất, thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người lớn dẫn đến khó khăn cho công tác điều tra, xét xử.

Một khó khăn khác là nhận thức pháp luật về hành vi dâm ô trẻ em có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức bảo vệ, chăm sóc trẻ em… nên đưa được thủ phạm ra xử lý là một hành trình gian nan. Và chính vì khó khăn trong xử lý như vậy nên pháp luật không đủ sức răn đe, khiến cho tội phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn như các con số thống kê đã phản ánh.

“Việt Nam có 15 tổ chức bảo vệ trẻ em, nhưng khi chúng tôi gửi văn bản thì không được nhiều tổ chức hỗ trợ. Tôi không vui vì tại sao các tổ chức không vào cuộc ngay từ đầu vụ xâm hại trẻ ở Vũng Tàu mà phải đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước mới được chung tay?” – đây là ý kiến của một luật sư khi bàn về vụ dâm ô với trẻ em ở Vũng Tàu đang gây sự chú ý của dư luận.

Do đó, để ngăn chặn tội phạm này cần sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà trường và cộng đồng. Một vài cơ quan đơn lẻ không thể bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại có hiệu quả.

Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao trách nhiệm và các biện pháp nghiệp của lực lượng Công an, điều quan trọng là nhà trường, xã hội và gia đình phải quan tâm sâu sát hơn nữa đến trẻ em, tạo cho trẻ em có môi trường học tập, vui chơi an toàn.

Thực tế các vụ xâm hại trẻ em cho thấy nơi xảy ra các vụ xâm hại, trớ trêu thay lại là những nơi thân quen với trẻ như gia đình, trường học, bể bơi,  sân chơi chung… Và đối tượng xâm hại các em đa số do các đối tượng thân quen như thành viên trong gia đình, anh em họ hàng, giáo viên, bạn bè, hàng xóm gây ra.

Vì vậy, nhà trường phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục giới tính cho trẻ và có những biện pháp phòng ngừa chung tại không gian nhà trường.

Cha mẹ cũng phải có kỹ năng ngăn ngừa xâm hại cho con cái và hướng dẫn trẻ có kỹ năng phòng tránh bị xâm hại. Một bác sĩ nhi khoa từng đưa ra những kỹ năng như:  Không nên cho con qua nhà bạn ngủ; Hãy sử dụng từ ngữ khoa học và rõ ràng cho các bộ phận cơ thể; Phân biệt “tốt” và “xấu” khi có ai đó chạm vào người con; Người lạ mới nguy hiểm  là một sự sai lầm; Hãy kiểm soát những gì trẻ đang tìm kiếm trên điện thoại thông minh và máy tính bảng; Quan trọng nhất, tin tưởng vào trực giác của mình…

Hơn nữa, phải từ bỏ sự kỳ thị đối với nạn nhân; gia đình, nhà trường phải hỗ trợ tâm lý, động viên, an ủi, khích lệ nạn nhân để trẻ không rơi vào khủng hoảng tâm lý, có thể sớm trở lại việc học tập, sinh hoạt bình thường. Đã có những nạn nhân tự tử sau khi bị xâm hại cho thấy lỗi của người lớn đã thiếu quan tâm, đồng cảm, sẻ chia với  trẻ.

Cuối cùng, không có cách nào khác là phải xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại trẻ em, mỗi bản án của Tòa án sẽ là một thông điệp mạnh, có tác động tích cực để bảo vệ trẻ em. Trong 800 vụ xâm hại trẻ em mà chỉ có 10 vụ được đưa ra xét xử cho thấy phải thay đổi hành trình từ điều tra, đến truy tố, xét xử loại tội phạm này.

Ths LƯỜNG THỊ HỒNG QUYÊN (CĐ DLHN)