Những điểm mới trong phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm

Ngày 8/1, TAND TP Hà Nội, mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) dự kiến kéo dài 13 ngày. Đây là phiên tòa có nhiều điểm mới.

1.Phòng xử án mới và thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Phiên tòa này là phiên tòa đầu tiên TAND tp Hà Nội áp dụng Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC, ngày 28/7/2017 của TANDTC quy định về phòng xử án. Trong đó vành móng ngựa đã được thay thế bằng bục xét xử. Vị trí ngồi của đại diện Viện kiểm sát đối diện, ngang hàng với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị hại, đương sự.

Quy định mới về chỗ ngồi của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa như vậy cho thấy vai trò của người bào chữa được đề cao và nguyên tắc suy đoạn vô tội được chú trọng ngang với nguyên tắc suy đoán có tội, lời gỡ tội được thể hiện ngang bằng với lời buộc tội.

Đây cũng là phiên tòa áp dụng BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều điểm mới so với BLTTHS 2003, mà xuyên suốt là đề cao quyền con người và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và quyền của người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử công bằng, BLTTHS năm 2015 quy định: Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.( Điều 26)

Ngoài cơ quan tố tụng có quyền thu thập chứng cứ, BLTTHS 2015 còn bổ sung người bị buộc tội và người bào chữa có quyền thu thập, cung cấp chứng cứ (Điều 58, 59, 60, 61, 73); Quy định người bị buộc tội, người bào chữa có quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc giải quyết yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa như: yêu cầu cung cấp, bổ sung chứng cứ; yêu cầu triệu tập người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa (Điều 279); Bổ sung quy định khi phát hiện quá trình khởi tố, điều tra, truy tố không bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thì Tòa án không mở phiên tòa, trả hồ sơ để Viện kiểm sát khắc phục vi phạm (Điều 280); Quy định chặt chẽ sự có mặt của bị cáo, người bào chữa tại phiên tòa (Điều 290, 291); Đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi theo hướng việc xét hỏi trước tiên phải thuộc về chủ tòa phiên tòa, sau đó chủ tọa quyết định ai hỏi trước, ai hỏi sau mà không tuân theo trình tự xét hỏi như Bộ luật 2003 (Điều 307); bị cáo có quyền trực tiếp đặt câu hỏi với các bị cáo khác nếu được Chủ tọa đồng ý thay vì chỉ có quyền đề nghị Chủ tọa hỏi (Điều 309).

Vì vậy, phiên tòa Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy  ra tại PVN và PVC có nhiều điểm đổi mới.  Tuần đầu tiên, sau thủ tục khai mạc, công bố cáo trạng là phần xét hỏi. Những vấn đề chính của vụ án được HĐXX thẩm vấn là việc chỉ định thầu trái luật của các lãnh đạo PVN với PVC trong thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, hợp đồng sai quy định số 33 giữa hai chủ đầu tư PVN và Công ty Điện lực dầu khí (PVPower) với tổng thầu PVC, sai phạm trong cấp tạm ứng tiền làm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích và vụ tham ô 13 tỷ diễn ra tại PVC… 

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Theo đại diện Viện kiểm sát, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu. Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng. PVC sau đó sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ, gây thiệt hại 119 tỷ.

Những nội dung này đã được HĐXX xét hỏi kỹ đối với từng bị cáo.

Triệu tập Điều tra viên và tranh luận dân chủ

Điều 296 quy định về sự có mặt của Điều tra viên và những người khác, là điều luật mới. Điều luật quy định: Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

Vì vậy, theo đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, HĐXX đã triệu tập các điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) tới tòa, để làm rõ vì sao trong Kết luận điều tra và  ở trang 25 bản cáo trạng có đoạn kết luận: “Quá trình điều tra bị can khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội. Sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc”. Các điều tra viên đã có mặt tại phiên tòa để trả lời câu hỏi của luật sư. Đại diện điều tra viên nói: “Những lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với sự thật của vụ án. Chúng tôi kết luận bị can Trịnh Xuân Thanh là quanh co chối tội”.

Theo tinh thần của Điều 296 BLTTHS, việc triệu tập điều tra viên đến phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, khi phiên tòa được xét xử công khai, tinh thần tranh tụng được đề cao thì bất kỳ một tình tiết, tài liệu, nội dung nào của vụ án cũng cần được làm rõ. Khi bị cáo có sự phản cung, hoặc luật sư bào chữa cho bị cáo phản đối kết luận của cơ quan điều tra là không có căn cứ thì điều tra viên cần phải giải thích, bảo vệ cho kết luận của mình. Trường hợp điều tra viên không có mặt theo triệu tập của HĐXX hoặc có mặt nhưng không giải thích được, hoặc giải thích nhưng vẫn không thể làm rõ, không thể khẳng định được vấn đề trong bản kết luận thì HĐXX có quyền ghi nhận như là một tài liệu vụ án để xem xét sau đó đưa ra phán quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh sai sót gây bất lợi cho bị cáo.

Chiều ngày 11/1, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Điều 319 BLTTHS năm 2015 quy định, sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

Các luật sư tại phiên tòa

Tại phiên tòa này, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát đã bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt với 6 bị cáo. Trong đó, Viện kiểm sát ghi nhận bị cáo Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC), Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC) đã “tích cực hợp tác”, bị cáo Nguyễn Lý Hải (cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) có thành tích xuất sắc, Lương Văn Hòa (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch), Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán – kiểm toán PVN), Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC) có thêm nhiều tình tiết mới, bên cạnh việc tích cực hợp tác điều tra.

Công tố viên đã nói: “Đề nghị HĐXX giảm một phần hình phạt cho các bị cáo trên…, không yêu cầu bị cáo Quý, Mậu, Tiến, Đạt phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng từ hành vi cố ý làm trái”, công tố viên nói và cho hay các vấn đề khác vẫn giữ nguyên quan điểm của bản luận tội.

Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) trình bày: Trong vụ án này, bị cáo Quý là người có tư chất hiền lành, chủ yếu làm công tác đoàn thể làm lâu năm ở PVN. Trong cơ cấu tổ chức, bị cáo Quý đã hơn 30 năm cống hiến trong ngành dầu khí. Những con người như bị cáo Quý không cố tình rơi vào vòng lao lý này. Ông Sơn mong HĐXX cho ông Quý được hưởng mức án nhẹ, để không bị cách ly khỏi xã hội. “Một con người tư cách như thế mà bị án nặng thì rất đau lòng”,  bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói.

Cả bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh đều cho rằng, bị cáo Lê Đình Mậu chỉ làm theo ủy quyền và xin HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo Mậu. “Anh Lê Đình Mậu là cấp phó của bị cáo, anh ấy làm theo ủy quyền của bị cáo. Thực chất là người xuất kho nên bị cáo mong HĐXX xem xét giảm trách nhiệm cho anh Mậu”, bị cáo Quỳnh nói.

Bị cáo Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC) khi đến lượt trình bày đã bật khóc, và cũng đề nghị toà xem xét trách nhiệm cho bị cáo Quý vì ông này không biết về tài chính kế toán.

Theo quy định của BLTTHS năm 2015, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra… Chủ toạ phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.  Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án. Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.

Với tinh thần này, chắc chắn phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ tiếp tục được tranh luận, dự kiến trong 10 ngày, một cách khách quan, đầy đủ, để làm sáng tỏ vụ án và HĐXX có những phán quyết phù hợp.

HĐXX vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm – Ảnh: TTXVN

MINH KHÔI