Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu – Cần góp ý để hoàn thiện

Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo lần 2 Luật Phòng chống tác hại của bia, rượu để lấy ý kiến rộng rãi, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến năm 2018 và thông qua vào năm 2019. Luật gồm 6 chương và 22 điều.

1.Tên và phạm vi điều chỉnh của Luật

Luật dự kiến quy định toàn diện về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác (trong Luật này gọi chung là rượu, bia) bao gồm: các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Việc lựa chọn tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này xuất phát từ các lý do rượu, bia là các sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng và có nguy cơ gây ra các vấn đề xã hội khác. Các hậu quả của rượu, bia có thể xuất hiện ngay sau khi sử dụng rượu, bia (dù chưa lạm dụng) như: sau khi uống rượu, bia tham gia giao thông, vận hành máy móc có thể gây tai nạn[1]; sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc gây mất tập trung, mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng, năng xuất lao động; sử dụng rượu bia ảnh hưởng đến khả năng điều khiển hành vi nên dễ gây bạo lực, tội phạm[2]; phụ nữ mang thai, trẻ em, người mắc bệnh lý uống rượu, bia sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ;… Sử dụng rượu, bia không đúng cách, thường xuyên còn có nguy cơ lạm dụng rượu[3], bia gây nên các vấn đề nghiêm trọng với sức khoẻ như bệnh tật, tử vong[4] và các vấn đề kinh tế – xã hội khác[5]. Do đó, tác hại của rượu, bia phải được nhận diện một cách đầy đủ bao gồm cả tác hại của việc sử dụng rượu, bia và tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Việc phòng, chống cũng phải bảo đảm tính toàn diện bao gồm phòng chống tác hại cấp tính của sử dụng rượu, bia; phòng, chống lạm dụng rượu, bia và phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia chứ không chỉ phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Do vậy, tên Luật là phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ nhất mục tiêu, quan điểm và phạm vi điều chỉnh của Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không thể coi rượu bia là tác hại như tên gọi của dự án luật, bởi nếu uống điều độ bia rượu còn có lợi cho sức khoẻ. Có những người cao tuổi 80-90 tuổi hàng ngày vẫn uống một lượng bia, rượu vang nên sức khỏe tốt. Chúng ta chỉ nên phê phán việc lạm dụng, uống quá nhiều, cái gì lạm dụng cũng không tốt, ăn cơm nhiều cũng sinh bệnh. Nếu cần ban hành thì nên đổi tên thành dự án Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn cho phù hợp với thực tế.

Do vậy tên gọi dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là không hợp lý. Hiện nay, có khoảng 85 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến rượu bia, vậy có cần thiết ban hành thêm luật này nữa không?

Cơ quan soạn thảo cho rằng, Tổ chức y tế thế giới và nhiều chuyên gia đã cảnh báo không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu, bia. Hiện nay, trên thế giới cũng chưa có một khái niệm chuẩn về “lạm dụng rượu, bia” do có những sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia và tùy thuộc vào cơ thể sinh học của từng cá nhân, chủng tộc. Đồng thời, trong thực tế chưa cần lạm dụng thì việc sử dụng rượu, bia đã gây ra nhiều tác hại, nếu đến khi lạm dụng mới phòng, chống tác hại của lạm dụng thì đã quá muộn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, khó khắc phục hơn, không bảo đảm tính dự phòng. Điều này cũng dễ dẫn đến cách hiểu sai về mục tiêu, quan điểm của Nhà nước ta là chỉ đến khi lạm dụng rượu, bia rồi mới phòng, chống tác hại của nó.

Hơn nữa, mục tiêu của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác hại của rượu, bia bằng việc kiểm soát để từng bước giảm cung và giảm cầu đối với rượu, bia. Vì vậy, Luật này tiếp cận dưới góc độ y tế công cộng, không tiếp cận dưới góc độ thương mại. Tất cả các biện pháp giảm cầu và kiểm soát nguồn cung của rượu, bia đều nhằm mục tiêu giảm tác hại của rượu, bia. Chỉ có các biện pháp kiểm soát kinh doanh có liên quan chặt chẽ đến giảm cầu, giảm cung và giảm tác hại của rượu, bia mới được quy định trong Luật này (hạn chế quảng bá, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia, hạn chế sử dụng rượu, bia).

Ban soạn thảo cho rằng,  rượu và bia đều có chứa cồn nên đều có nguy cơ tác hại đối với sức khỏe. Do đó, Luật sẽ điều chỉnh toàn diện đối với các loại đồ uống có cồn, bao gồm cả rượu, bia và các đồ uống có cồn khác nhưng vẫn lấy tên chung là rượu, bia để bảo đảm ngắn gọn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tuyên truyền của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tính cảnh báo đối với nguy cơ, tác hại chủ yếu là từ rượu, bia, phù hợp với điều kiện nhận thức chung của nhân dân hiện nay về tác hại của rượu, bia để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, tính khả thi cao hơn.

2.Những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau

Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong Dự thảo là Điều 7. Các trường hợp không được uống rượu, bia quy định bốn trường hợp: 1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc. 2. Uống rượu, bia tại địa điểm không được bán rượu, bia theo quy định tại Điều 12 Luật này. 3. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông theo quy định tại Điều 15 Luật này. 4. Người dưới 18 tuổi.

Theo ban soạn thảo, đây là các nhóm đối tượng mà việc sử dụng rượu, bia không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác và cộng đồng, chất lượng lao động và nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước và chất lượng giống nòi. Đặc biệt, trong bối cảnh tại Việt Nam việc sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng gia tăng:  Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013[6] có 43.8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22.5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần. Đáng chú ý, tỷ lệ đã từng sử dụng rượu, bia ở vị thành niên, thanh niên và nữ giới Việt Nam đang tăng nhanh và hiện ở mức rất cao. Bên cạnh đó, rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới độ tuổi 15-49[7], [8].

Nội dung gây nhiều ý kiến khác nhau là Điều 8 về các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia. Dự thảo quy định: 1. Nghiêm cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí; 2. Nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên; quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.

Phương án 1: Hoạt động tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: a) Không được tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; b) Không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; c) Không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ.

Phương án 2: Quy định này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương quy định cụ thể về các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo quy định tại điều này trong lĩnh vực được phân công quản lý.

Có ý kiến cho rằng không nên đề xuất cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao… vì ở Việt Nam nhiều sự kiện thể thao hoặc các lĩnh vực khác dựa vào các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp rượu bia để tồn tại. Ngoài ra, việc cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ cho các sự kiện thường dành cho người trưởng thành này lại càng làm hạn chế hơn các sự kiện âm nhạc, thể thao quy mô lớn vốn đã không nhiều ở Việt Nam. Trong khi hầu hết các sự kiện này hầu như được tổ chức tốt và người tham gia cũng cư xử đúng mực. Còn việc cấm cả bia rượu ở đám cưới, lễ hội như dự thảo đưa ra thì giả sử luật được ban hành, ai sẽ là người thực hiện và giám sát việc này?

Điều 13 của Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia, nêu rõ, không được bán rượu, bia tại các địa điểm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em; Nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Trạm dừng nghỉ trên đường quốc lộ, tỉnh lộ. Bia rượu không được bán bằng máy bán tự động và bia rượu không được bán cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say rượu, bia.

Về thời gian bán rượu, bia, Dự thảo đưa ra 3 phương án. Phương án 1, chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 2, chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22h giờ trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 3, thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đã có ý kiến cho rằng, việc hạn chế thời gian bán rượu bia sẽ tạo ra hiệu ứng phụ, khiến người uống bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn. Vì thế, cần xem lại tính khả thi, tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thì bị thiệt, cơ sở nhỏ, lẻ không những trốn thuế, không thực hiện bất cứ hoạt động gì lại có lợi.

Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp. Tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp này lên tới 910 triệu USD và khiến 441 triệu USD ngân sách nhà nước bị thất thoát. Nếu thực hiện việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong Dự thảo đưa ra thì chỉ khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn.

Theo Ban soạn thảo, giải pháp kiểm soát hạn chế quảng cáo là một trong 3 giải pháp chính sách hiệu quả nhất được các nước áp dụng theo khuyến cáo của WHO nhằm giảm tỷ lệ tiêu thụ rượu, bia. Giải pháp này sẽ được thực hiện đồng thời với các giải pháp khác của Luật về thông tin, giáo dục, truyền thông; quy định trường hợp không được uống rượu, bia; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư trong phòng, chống tác hại của rượu, bia và các giải pháp khác trong Luật.

Có ý kiến cho rằng, quy định về cấm quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi và thực hiện các tài trợ như dự thảo đưa ra là không phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo hiện nay. Nếu đặt vấn đề đảm bảo sức khỏe, an toàn của con người, có thể có cách tiếp cận hoàn toàn khác, tức là kiểm soát tác hại của đồ uống có cồn, chứ không phải quản lý theo kiểu cấm đoán. Việc dự thảo cấm doanh nghiệp bia tài trợ, quảng cáo, khuyến mãi… nếu thành hiện thực sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ cho ngành bia rượu mà còn các lĩnh vực khác như quảng cáo và các hoạt động liên quan. Không nên đi theo hướng cấm tất cả, nên quản lý bằng cách đưa ra các điều kiện phù hợp theo từng đối tượng và khu vực áp dụng hoặc nội dung quảng cáo; tránh khả năng các doanh nghiệp sẽ đưa ra những cách cạnh tranh không lành mạnh khác thay thế cho quảng cáo, khuyến mãi…

Đối với biện pháp kiểm soát rượu, bia bảo đảm an toàn giao thông, dự thảo quy định việc giới hạn chặt chẽ nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông, cụ thể: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng đường bộ; tàu bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, dự thảo có 02 phương án: Phương án 1: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu vượt quá 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/l lít khí thở khi tham gia giao thông.

Phương án 2: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, có lẽ phương án 1 khả thi hơn phương án 2.

Dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn trước khi trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

 

 

 

[1] Theo số liệu thống kê mới nhất, trung bình mỗi năm Việt Nam có 12.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu, bia. Thông tin từ Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong 5 ngày nghỉ tết Bính Thân 2016 có hơn 600 ca tai nạn giao thông nhập viện, trong đó hơn 50% có liên quan đến sử dụng rượu, bia.

[2] Số lượng người nhập viện do đánh nhau có liên quan đến uống rượu, bia trong 9 ngày Tết Ất Mùi 2015 là 6.868, trong 8 ngày Tết Bính Thân 2016 là 5.100 (Bộ Y tế).

[3] Năm 2015 Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia và gần 70 triệu lít rượu, 3/4 số người uống rượu, bia đang sử dụng ở mức có hại.

[4] Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của hơn 60 loại bệnh, tật, đứng hàng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới (lạm dụng rượu, bia là một trong các tác nhân gây ung thư như ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú).

[5] Khoảng 60% các vụ bạo lực gia đình[5], gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội là do sử dụng rượu, bia[5]; 15% số giường ở bệnh viện tâm thần là dành cho người nghiện rượu. Phí tổn do lạm dụng rượu, bia gây ra thường chiếm từ 1,3% đến 8% GDP của mỗi quốc gia. Nếu phí tổn liên quan đến lạm dụng rượu, bia của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới, khoảng 2% GDP vào năm 2011 thì thiệt hại kinh tế ước tính đã lên đến 46.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần lợi ích thu được cho ngân sách nhà nước từ sản xuất rượu, bia.

[6] Điều tra sức khỏe học sinh trong trường học năm 2013, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.

[7] Institute of Health Metrics and Evaluation (2013). Global burden of diseases study.http://vizhub.healthdata.org/gbd-compare/

[8]03 nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông là chạy quá tốc độ, lấn làn và sử dụng rượu, bia tham gia giao thông, Cục CSGT – Bộ Công an, 2014.

ThS. LÊ THỊ THANH HUYỀN ( CĐ DLHN)