Về Chương 1 – Những quy định chung của Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả nêu quan điểm cá nhân nhận xét về một số điểm mới của Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi (phạm vi Chương 1 của Dự thảo) với mong muốn, hy vọng Luật này thực sự là công cụ pháp lý sắc bén của nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Đối với bất kì quốc gia nào, tham nhũng đều là hiểm họa đối với đất nước, với nhân dân.Ở Việt Nam, tham nhũng là vấn đề nhức nhối gây quan ngại đối với toàn thể xã hội: “tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.”[1]

Theo tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International – TI), xếp hạng về mức độ tham nhũng ở Việt Nam trong những năm gần đây luôn ở mức đáng lo ngại. Cụ thể như sau[2]:

NĂM 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016
XẾP HẠNG 120/180 116/178 112/182 123/176 116/176 119/175 112/168 113/176

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng trầm trọng ở nước ta thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng ở nước ta còn chưa thực sự hoàn thiện. Do vậy, để hạn chế có hiệu quả nạn tham nhũng ở Việt Nam, thì một trong các biện pháp quan trọng hàng đầu là hệ thống pháp luật phải hoàn thiện và thực sự là công cụ pháp lý hữu hiệu ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả nạn tham nhũng ở Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả nêu quan điểm cá nhân nhận xét về một số điểm mới của Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi (phạm vi Chương 1 của Dự thảo)[3] với mong muốn, hy vọng Luật này thực sự là công cụ pháp lý sắc bén của nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thứ nhất, về số lượng điều luật và trình tự các điều luật của Chương 1của Dự thảo.

Chương 1 của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi có 11 điều (từ Điều 1 đến Điều 11), so với Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành (sau đây gọi tắt là Luật hiện hành) thì Dự thảo bổ sung thêm 1 điều luật[4], đó là Điều 10 – Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Việc Dự thảo bổ sung quy định này là hoàn toàn cần thiết, vì doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cũng là một thực thể của xã hội – những chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước và thực tế cho thấy, khả năng tham nhũng vẫn có thể xảy ra trong các đơn vị này, do vậy, các chủ thể này cũng phải có trách nhiệm tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đất nước nói chung cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong đơn vị mình nói riêng. Vì lẽ đó, các chủ thể này phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của tổ chức mình. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy  định này đã tạo cơ sở, nền tảng để nhà làm luật bổ sung quy  định cụ thể có liên quan như quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội không sử dụng ngân sách nhà nước trong phòng, chống tham nhũng (Điều 107); Kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức xã hội (Điều 108).

Tiếp đó, chương 1 của Dự thảo quy định 11 điều luật theo trình tự về các vấn đề như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Điều 2. Hành vi tham nhũng

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Điều 4. Nguyên tắc xử lý tham nhũng

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng

Điều 7. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và của cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan

Điều 8. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan báo chí

Điều 10. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề

Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm

Nếu xem xét trình tự nói trên của chương 1 Dự thảo, có thể thấy, nhà làm luật đã có nội dung sửa đổi nhất định so với luật hiện hành. Cụ thể:

Dự thảo đã đưa hành vi tham nhũng (Điều 2) lên trên điều luật giải thích từ ngữ (Điều 3). Xét về kỹ thuật lập pháp thì nội dung sửa đổi này là thiếu chuẩn xác vì bao giờ cũng vậy, về kỹ thuật lập pháp, việc giải thích từ ngữ bao giờ cũng phải đưa lên trước để tạo điều kiện cho người đọc trước hết hiểu về thuật ngữ, từ đó mới có cơ sở hiểu các điều luật phía dưới có đề cập đến thuật ngữ đã được giải thích. Có thể thấy, Điều 2 đưa ra một số thuật ngữ như: nhũng nhiễu, vụ lợi nhưng những thuật ngữ này lại được giải thích tại Điều 3. Xét về trình tự điều luật thì quy định như trên của Dự thảo là chưa chuẩn xác. Nếu xem xét về Luật hiện hành thì sẽ thấy là Luật hiện hành quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 2 và các hành vi tham nhũng được quy  định tại Điều 3. Như vậy, Luật hiện hành đã để điều luật giải thích từ ngữ ở trước điều luật về các hành vi tham nhũng, trình tự như vậy là chuẩn xác về kĩ thuật lập pháp. Do vậy, tác giả kiến nghị điều luật quy định về giải thích từ ngữ phải đưa lên trước điều luật quy định về hành vi tham nhũng, đồng thời, điều luật về giải thích từ ngữphải xếp ngay sau điều luật quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) thì mới hợp lí, khoa học.

Thứ hai,về Điều 2 của Dự thảo- Hành vi tham nhũng

Đối với 7 hành vi tham nhũng đầu tiên, Dự thảo có sự sửa đổi. Cụ thể khi mô tả 7 hành vi này, Dự thảo có gắn kết với các điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 2015.[5] Lí do của sự sửa đổi này là “có chỉnh lý, làm rõ cho đồng bộ với quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm tham nhũng. Theo đó, hành vi tham nhũng bao gồm 07 nhóm hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự trong các điều từ 353 đến 359 và 05 hành vi theo quy định của Luật hiện hành.”[6]Tác giả không đồng tình với nội dung sửa đổi này và cho rằng, quy định như trên của Dự thảo là chưa khoa học và thiếu nhất quán bởi vì:

+ Không chỉ 7 hành vi trên được quy định là tội phạm trong Bộ luật Hình sự (BLHS) mà một số hành vi trong số các hành vi tham nhũng còn lại của Điều 2 Dự thảo tuy cũng được quy định là tội phạm trong BLHS, nhưng lại không được liệt kê điều luật tương ứng của BLHS. Ví dụ: hành vi “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương” (Điều  364, 365 BLHS năm 2015); Hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 BLHS năm 2015).Như vậy, có hành vi thì được trích dẫn điều luật tương ứng của BLHS, có hành vi thì lại không trích dẫn điều luật tương ứng của BLHS. Quy  định như vậy là thiếu nhất quán giữa các hành vi tham nhũng được liệt kê ngay trong cùng một điều luật của Dự thảo.

+ Việc Dự thảo quy định: “Hành vi tham nhũng bao gồm các hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015: tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); giả mạo công tác (Điều 359)”là chưathực sự khoa học và có thể dẫn đến hiểu lầm. Bởi vì, nhà làm luật dẫn chiếu 7 hành vi tham nhũng trong BLHS năm 2015 với điều luật cụ thể tương ứng dễ dẫn đến hiểu nhầm là Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về 7 tội danh tham nhũng với điều luật cụ thể tương ứng. Mặc dù Dự thảo dùng cụm từ “hành vi”, tuy nhiên, cần lưu ý là, BLHS quy  định về tội phạm và hình phạt và các chế định khác có liên quan đến tội phạm và hình phạt. Dự thảo Luật chúng ta đang tranh luận ở đây là về “phòng, chống tham nhũng” mà tham nhũng quy  định ở văn bản này có thể là vi phạm hoặc tội phạm. Chỉ những hành vi tham nhũng có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới được quy định là tội phạm tham nhũng và người thực hiện tội phạm tham nhũng thì mới bị áp dụng BLHS với tội danh cụ thể tương ứng. Nếu liệt kê 7 hành vi tham nhũng nói trên mà lại diễn đạt gắn với tội danh và điều luật tương ứng trong BLHS thì dễ dẫn đến hiểu lầm là Dự thảo đã liệt kê 7 tội phạm về tham nhũng trong khi “tham nhũng”trong Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành cũng như Dự thảo đều được hiểu có thể là vi phạm hoặc tội phạm.

Hơn nữa, nếu theo đúng lô gic khoa học thì 7 tội danh tham nhũng được quy định trong BLHS phải phù hợp và thuộc phạm vi các dạng hành vi tham nhũng được mô tả trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng có thể là vi phạm hoặc tội phạm với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau, do vậy, không phải bất kì hành vi tham nhũng nào cũng được tội phạm hóa. Trên cơ sở chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, cũng như yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, chỉ những hành vi tham nhũng có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới được tội phạm hóa. Vì lẽ đó, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành tuy quy định nhiều dạng hành vi tham nhũng (ở 12 khoản) nhưng trong số các hành vi đó chỉ có 7 hành vi được tội phạm hóa trong BLHS. Do vậy,mô tả về các hành vi tham nhũng như Luật hiện hành vẫn là đúng. Có thể thấy, quy định như trên của Dự thảo dễ dẫn đến hiểu lầm là Dự thảo đã liệt kê về 7 tội phạm tham nhũng (vì có gắn với điều luật tương ứng của BLHS). Yêu cầu về kĩ thuật lập pháp là các quy  định phải đơn giản, nhưng rõ ràng, không để xảy ra tình trạng hiểu theo nhiều nghĩa. Quy định như Dự thảo khi liệt kê về các dạng hành vi tham nhũng rất rối và trúc trắc, khó theo dõi và lại có thể gây hiểu lầm. Bên cạnh bất cập trên, Dự thảo tự tạo cho mình bất cập khác nữa là, nếu sau này BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung và có tên gọi khác, thứ tự các điều luật có sự thay đổi thì buộc Luật Phòng, chống tham nhũng lại phải đổi theo BLHS trong khi “quy  trình” để sửa đổi một văn bản dưới dạng “Luật” không hề đơn giản và không thể tùy tiện. Quy định như vậy của Dự thảo rõ ràng là đẩy Luật phòng, chống tham nhũng vào “thế bị động” và phải ‘chạy theo” BLHS. Cách lí giải củabản Thuyết minh nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)[7]là Dự thảo “có chỉnh lý, làm rõ cho đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng”đã thể hiện nhà làm luật của Dự thảo đi theo quy trình ngược và chưa theo lô gic khoa học. Từ phân tích trên, tác giả cho rằng, không nên đưa điều luật tương ứng của BLHS đối với 7 hành vi tham nhũng nói trên vào Dự thảo vì nó có những bất cập kể trên. Mặt khác, nếu nghiên cứu Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, chúng ta sẽ thấy cách diễn đạt của Luật hiện hành về các dạng hành vi tham nhũng rất đơn giản, dễ hiểu mà vẫn chính xác. Với nội dung sửa đổi trên của Dự thảo làm cho diễn đạt về các hành vi tham nhũng trở nên rắc rối, thiếu nhất quán và đặc biệt thiếu chuẩn xác về khoa học.

Việc Dự thảo quy định: “Hành vi tham nhũng bao gồm các hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015: …tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); giả mạo công tác (Điều 359)vẫn còn có sai sót khác nữa. Cần lưu ý là, Điều 359 của BLHS năm 2015 quy định về tội danh giả mạo trong công tácchứ không phải là giả mạo công tác, Dự thảo đã mắc lỗi kĩ thuật khi không nêu chính xác tội danh của BLHS năm 2015 (thiếu từ “trong”) và làm sai nghĩa của hành vi này vì hành vi “giả mạo công tác” thì khác với hành vi “giả mạo trong công tác”. Mặt khác, nếu chỉ nêu giả mạo trong công tác là hành vi tham nhũng thì cũng chưa chính xác, vì có trường hợp giả mạo trong công tác nhưng không kèm theo dấu hiệu vì vụ lợi, do đó, hành vi này không thể là hành vi tham nhũng. Nếu xem xét Luật hiện hành thì chúng ta sẽ thấy, Luật hiện hành quy định hành vi này là “Giả mạo trong công tác vì vụ lợi”, quy định như Luật hiện hành là chính xác và rõ nghĩa.

Điều 2 của Dự thảo vẫn còn một số sai sót khác. Cụ thể, tên của Điều luật này là hành vi tham nhũng nhưng tại khoản 3 của Điều này không quy  định về hành vi tham nhũng mà lại giải thích thế nào là người có chức vụ, quyền hạn. Như vậy, tên điều luật không bao hàm nội dung được mô tả trong điều luật.Tác giả cho rằng, nên tách khoản 3 ra khỏi Điều 2 và đưa nội dung của khoản 3 (giải thích về người có chức vụ, quyền hạn) vào điều luật quy  định về giải thích từ ngữ thì sẽ hợp lí hơn. Một sai sót khác là quy định tại khoản1 của Điều 2 Dự thảo đã giải thích thế nào là tham nhũng. Xét về lô gic khoa học thì việc giải thích từ ngữ phải đưa vào tập trung trong một điều luật quy định về giải thích từ ngữ mà không nên để rải rác ở các điều luật khác nhau. Do vậy, khoản 1 Điều 2 của Dự thảo (mô tả tham nhũng là gì) nên đưa vào Điều luật giải thích từ ngữ và đây sẽ là thuật ngữ đầu tiên được giải thích ở điều luật này. Mặt khác, từ sự phân tích ở trên, cần sửa đổi về trật tự điều luật theo hướng đưa điều luật quy định về các hành vi tham nhũng ở vị trí sau liền kềvới điều luật quy định về giải thích từ ngữ, điều này sẽ thể hiện được tính lô gic, hợp lý về trình tự các điều luật được quy  định. Bên cạnh đó, nếu chuyển khoản 1, khoản 3 sang điều luật khác (điều luật về giải thích từ ngữ) thì tên của điều luật này là “Hành vi tham nhũng” không còn phù hợp nữa bởi vì nếu nội dung của điều luật là liệt kê các dạng hành vi tham nhũng thì tên của điều luật này cần diễn đạt lại là “Các hành vi tham nhũng” thì sẽ chuẩn xác hơn.

Một sai sót nữa của Điều 2 Dự thảo thể hiện thông qua việc mô tả dạng hành vi tham nhũng tại khoản 2 điểm a: “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương”. Dự thảo quy định hành vi trên là tham nhũng là chưa chuẩn xác, vì hành vi này chỉ là hành vi tham nhũng khi kèm theo động cơ vụ lợi. Với dạng hành vi tham nhũng mô tả như khoản 2 điểm a nói trên cho thấy không phù hợp, thậm chí là trái với khái niệm tham nhũng mà nhà làm luật đã đưa ra, theo đó, tham nhũng được hiểu là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.”(Điều 2 của Dự thảo).Hành vi mô tả ở khoản 2 điểm a nói trên không có dấu hiệu vụ lợi thì không phải là tham nhũng. Cũng có ý kiến cho rằng“để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương” cũng có thể coi là biểu hiện của động cơ vụ lợi. Tác giả không đồng tình với ý kiến này vì “để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương”phải hiểu là mục đích, còn “ vụ lợi” là động cơ, không thể đồng nhất động cơ với mục đích được. Hơn nữa, “để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương” có thể mang lại lợi ích cho người đưa hối lộ, nhưng cũng có thể không mang lại lợi ích gì cho họ (ví dụ: họ bị cấp trên ép buộc đưa hối lộ tuy là để giải quyết công việc của cơ quan, nhưng thực chất là chỉ mang lại lợi ích cho những người lãnh đạo cơ quan). Như vậy, so sánh quy định này với quy định tương ứng của Luật hiện hành thì quy định của Luật hiện hành chuẩn xác hơn vì Luật hiện hành quy định: “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phươngvì vụ lợi”. Quy định như Luật hiện hành có nói rõ hành vi trên phải kèm theo động cơ vụ lợi mới là hành vi tham nhũng và phù hợp với khái niệm tham nhũng. Do vậy, đối với hành vi tham nhũng ở dạng này, tác giả cho rằng, nên giữ nguyên như Luật hiện hành.

Tương tự, điểm đ khoản 2 của Điều 2 Dự thảo cũng có sai sót[8] khi mô tả hành vi tham nhũng dạng thứ nhất – Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật thì lại có dấu hiệu vì vụ lợi, nhưng hành vi tham nhũng dạng thứ hai – cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án lại không có dấu hiệu này. Chúng ta thấy rất rõ là, hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì không thể là hành vi tham nhũng được nếu thiếu dấu hiệu “vì vụ lợi”. Hơn nữa, Dự thảo quy định về dạng hành vi tham nhũng này mà thiếu dấu hiệu “vì vụ lợi” thì có thể “chồng chéo” với hành vi mới được bổ sung tại Điều 11K4[9]Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng (vì nếu quy định như vậy thì hành vi này vừa được quy định ở khoản 1Điều 11 sau đó lại được nhắc lại ở khoản 4 Điều 11). Quy định như trên của Dự thảo không chỉ trái với khái niệm về tham nhũng, mà còn thiếu nhất quán khi mô tả về các hành vi tham nhũng ngay trong cùng một điểm của Điều luật (điểm đ K2) và có sự chồng chéo với điều luật khác (Điều 11).Hơn nữa, dấu chấm phẩy (;) ở giữa hai hành vi quy định ở điểm đ khoản 2 của Điều 2 nói trên là chưa chuẩn xác, có thể dẫn đến hiểu lầm là hành vi thứ hai không cần chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong khi các hành vi này đều phải do chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Theo tác giả, hai dạng hành vi tham nhũng này nên được kết nối với nhau bằng liên từ “hoặc” thì mới chính xác về nghĩa và phù hợp với khái niệm tham nhũng. Do vậy, đối với hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhà làm luật cần bổ sung dấu hiệu “vì vụ lợi” thì mới chuẩn xác và phù hợp với khái niệm tham nhũng, đồng thời, cũng để phân biệt với hành vi bị cấm quy định ở Điều 11 khoản 4; bên cạnh đó, cần bỏ dấu chấm phẩy (;) ở giữa hai hành vi quy định ở điểm đ khoản 2 của Điều 2 và thay bằng liên từ “hoặc”.

Từ phân tích trên, tác giả kiến nghị, đưa điều luật này về vị trí sau điều luật về giải thích thuật ngữ, đồng thời, vẫn giữ nguyên tên của điều luật này giống như Luật hiện hành là Các hành vi tham nhũng và nội dung của điều luật này cần được sửa như sau:

Điều 3. Các hành vi tham nhũng

Các hành vi tham nhũng bao gồm:

  • Tham ô tài sản
  • Nhận hối lộ
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ vì vụ lợi

5) Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ vì vụ lợi

6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

7) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi

8) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

9) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi.

10) Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

11)  Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

12) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi hoặc cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành ánvì vụ lợi.

Thứ ba, về Điều 3 của Dự thảo – Giải thích thuật ngữ

Đối với điều luật này, nội dung sửa đổi của Dự thảo tập trung vào việc diễn đạt rõ hơn một số thuật ngữ.[10] Cụ thể:

…“2. Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

  1. Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người được giao nhiệm vụ, công vụ.
  2. Vụ lợi là việc cá nhân, tổ chức đạt được hoặc có thể đạt được lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần thông qua việc thực hiện hành vi tham nhũng.
  3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.”

So với quy định tương ứng của Luật hiện hành, những nội dung sửa đổi trên thể hiện sự tiến bộ hơn về cách diễn đạt cũng như đảm bảo có sự kết nối  và thống nhất với những điều luật ở vị trí trước điều luật này (đã được sửa đổi tại Dự thảo). Ví dụ so với quy định tương ứng của Luật hiện hành, Dự thảo làm rõ hơn chủ thể vụ lợi là cá nhân, tổ chức hoặc làm rõ hơn đối tượng bị nhũng nhiễu có thể là cá nhân, tổ chức. Nhìn chung, tác giả đồng tình với nội dung sửa đổi này.

Thứ tư, về Điều 4 của Dự thảo  – Nguyên tắc xử lý tham nhũng

Dự thảo đã có một số sửa đổi (về diễn đạt) nhằm làm rõ hơn nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều luật. Những sửa đổi này là cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, Dự thảo đã bổ sung khoản 4. Cụ thể:

  1. Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện và tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền thì được xem xét trả lại một phần hoặc toàn bộ của hối lộ; trường hợp bị ép buộc thì được trả lại toàn bộ của hối lộ và được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm.

Việc nhà làm luật đưa khoản 4 vào điều luật này nội dung là chưa hợp lý, vì hành vi đưa hối lộ không thuộc phạm vi các hành vi tham nhũng (Dự thảo không đề cập chủ thể ở khoản 4 nói trên là người có chức vụ, quyền hạn với động cơ vụ lợi) trong khi đó, tên của điều luật này là Nguyên tắc xử lý tham nhũng. Do vậy, nếu nhà làm luật vẫn muốn đưa khoản 4 nói trên vào điều luật này thì tên của Điều 4 cần được sửa đổi cho phù hợp và bao trùm nội dung được quy định tại điều luật này. Do vậy, tác giả kiến nghị nên bỏ cụm từ “tham nhũng” ở tên của Điều 4 và tên của điều này nên sửa lại là Nguyên tắc xử lý. Nếu sửa đổi như vậy thì tên điều luật vẫn bao hàm nội dung các vấn đề được quy định tại điều luật và vẫn có tính khoa học. Đồng thời, khoản 4 nói trên cần xếp ở vị trí là khoản cuối cùng của Điều 4 (nghĩa là sẽ ở vị trí khoản 6 của Điều 4 của Dự thảo), không nên xếp ở vị trí khoản 4 như Dự thảo, vì hành vi đưa hối lộ nói trên là hành vi liên quan đến tham nhũng, nhưng không phải là hành vi tham nhũng. Do vậy, nếu điều luật này có tên gọi là Nguyên tắc xử lý thì sau khi quy định xong các vấn đề về xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng thì mới đến phần quy định về xử lý người có hành vi liên quan đến tham nhũng (hành vi đưa hối lộ), quy định như vậy mới thực sự lô gic, hợp lý.

Thứ năm, về Điều 5 của Dự thảo – Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn

Dự thảo đã có một số sửa đổi, bổ sungnhất định(bổ sung một số từ ngữ, cụm từ) nhằm làm rõ hơn nội dung quy định tại điểm b,c,d khoản1, điểm a,b,c khoản 2, điểm d khoản 3. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung thêm về trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn tại điểm c của khoản 3. Cụ thể:

  1. c) Phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng và báo cáo với người có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình công tác hoặc trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ;

Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung khoản 4 nhằm đảm bảo cho phù hợp với việc mở rộng phạm vi chủ thể tham gia phòng chống tham nhũng. Cụ thể K4 của Dự thảo quy định:

4. Ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.”

Nhìn chung, những nội dung sửa đổi, bổ sung nói trên là cần thiết và tác giả đồng tình về cơ bản với những sửa đổi này. Tuy nhiên, vẫn còn có một số lỗi kĩ thuật tại điều luật này. Cụ thể:

+ Điểm b,c khoản 1 của Điều 5 Dự thảo quy định:

  1. b) Tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, báo cáo, phản ánhvà tố giác, tố cáo về hành vi tham nhũng;
  2. c) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, thông tin, phản ánh về hành vi tham nhũng;

Việc nhà làm luật xếp ‘phản ánh” có vị trí tương đương như “thông tin, báo cáo, tố giác, tố cáo” là chưa chuẩn xác về ngữ pháp tiếng Việt, vì “thông tin, báo cáo, tố giác, tố cáo” ở trên về bản chất là những “thông tin, báo cáo, tố giác, tố cáo” phản ánh về tham nhũng. Tương tự, điểm c khoản1 Điều 5 diễn đạt cũng chưa thực sự rõ. Do vậy, diễn đạt như điểm b,c của khoản 1 của Điều 5 Dự thảo là chưa thực sự rõ. Tác giả cho rằng, điểm b,c của khoản 1 của điều luật này nên sửa lại như sau:

  1. b) Tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, báo cáo, tố giác, tố cáo phản ánh về hành vi tham nhũng;
  2. c) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng

+ Tại điểm c của khoản 2 của Điều 5, Dự thảo quy định:

“c) Áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”.

Việc nhà làm luật bổ sung cụm từ “Áp dụng các biện pháp cần thiết”vào điểm c nói trên là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ, vì nếu là biện pháp cần thiết nhưng trái luật thì có được coi là hợp pháp hay không? Do vậy, để việc áp dụng được đúng và tránh gây hiểu nhầm, Dự thảo nên sửa điểm c khoản 2 của Điều 5 Dự thảo như sau:

 Áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật để phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Thứ sáu, về Điều 6 của Dự thảo – Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng

Điều 6 của Dự thảo đã có một số sửa đổi nhất định cho phù hợp với một số điều luật đã sửa đổi (như Điều 1, 2, 5 của Dự thảo). Cụ thể:

Công dân có quyền phát hiện, thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi có dấu hiệu tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiệnxử lý tham nhũng.

Tác giả cho rằng, nội dung sửa đổi của Điều 6 vẫn còn có lỗi về diễn đạt. Điều 6 của Dự thảo nên được sửa như sau:

Công dân có quyền phát hiện,tố cáo, cung cấp thông tin phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiệnxử lý đối tượng có hành vi tham nhũng.

Thứ bảy, về Điều 7 của Dự thảo – Trách nhiệm phối hợp của cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và của cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan, Điều 8 của Dự thảo – Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp

Tại Điều 7 của Dự thảo, nhà làm luật đã bổ sung một số cụm từ như “phòng ngừa”, “ngăn chặn”… nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể này thông qua các hoạt động được xác định một cách rõ ràng, cụ thể. Điều 8 của Dự thảo, nhà làm luật đã bổ sung tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp bên cạnh các chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó, nhà làm luật cũng đã làm rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể này thông qua việc mô tả rõ ràng các hoạt động cụ thể. Nhìn chung, những sửa đổi này là cần thiết và hợp lý.

Thứ tám, về Điều 10 của Dự thảo – Trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề

Dự thảo đã bổ sung 1 điều luật quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Cụ thể: Điều 10 của Dự thảo quy định:

  1. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, kịp thời thông báo về hành vi có dấu hiệu tham nhũng và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh, kết luận và xử lý tham nhũng.
  2. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên xây dựng và thực hiện liêm chính trong kinh doanh, văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng.

Nội dung bổ sung này là nhằm mở rộng phạm vi chủ thể tham gia phòng chống tham nhũng, cũng như nâng cao trách nhiệm của các chủ thể này trong phòng chống tham nhũng không chỉ trong đơn vị, tổ chức của mình mà còn phải tích cực tham gia công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung. Hơn nữa, quy định này cũng là phù hợp với những nội dung sửa đổi có liên quan đã được đề cập trong một số điều luật ở trên.

Thứ chín, về Điều 11 của Dự thảo –Các hành vi bị nghiêm cấm[11]

Với một số lí do đã trình bày ở trênvà cũng để phù hợp với kiến nghị đã đề xuất, tác giả cho rằng, diễn đạt của Điều 11 của Dự thảo đôi chỗ còn chưa thực sự chuẩn xác. Do vậy, để diễn đạt tại điều luật này được rõ và chuẩn xác hơn, tác giả đề nghị Điều 11 nên được sửa như sau:

Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Các hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 3 của Luật này.
  2. Đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng.
  3. Lợi dụng việc tố cáo, cung cấp thông tin phản ánh về tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
  4. Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý đốitượng tham nhũng.

 

 

[1] Xem Tờ trình về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Thanh tra Chính phủ, tr 1 tại nguồnhttp://thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/LayYKienNhanDanVeDuThaoQPPL/View_Detail.aspx?ItemID=72

[2]http://www.transparency.org/news/feature/corruption_perceptions_index_2016#table

[3] Bài viết của tác giả không đi vào phân tích tất cả các điểm mới của Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi mà tác giả tập trung phân tích chỉ ra những điểm mới của Dự thảo (phạm vi chương 1)có sai sót, bất cập.

[4]Chương 1 của Luậtphòng, chống tham nhũng hiện hành chỉ có 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10).

[5] Dự thảo quy  định về các hành vi tham nhũng như sau:

“…2. Hành vi tham nhũng bao gồm các hành vi được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015: tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); giả mạo công tác (Điều 359) và các hành vi sau đây:

  1. a) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương.
  2. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản.
  3. c) Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
  4. d) Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

  1. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:
  2. a) Cán bộ, công chức, viên chức;
  3. b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
  4. c) Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; người đại diện theo ủy quyền phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
  5. d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó;

đ) Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.”

 

[6]Xem Thuyết minh nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Thanh tra Chính phủ, tr 1 tại nguồn http://thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/LayYKienNhanDanVeDuThaoQPPL/View_Detail.aspx?ItemID=72

 

[7]Xem Thuyết minh nội dung cơ bản của Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Thanh tra Chính phủ, tr 1 tại nguồn http://thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/LayYKienNhanDanVeDuThaoQPPL/View_Detail.aspx?ItemID=72

 

[8]Điểm đ K2 Điều 2 quy  định:

“… đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

[9]Điều 11 K4 của Dự thảo quy  định:

Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm (sửa đổi, bổ sung)

1. Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật này.

  1. Đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng.
  2. Lợi dụng việc thông tin, phản ánh, tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
  3. Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

 

[10] Những dòng in nghiêng, đậm, trong ngoặc kép là nội dung mới của Dự thảo – Giải thích của tác giả

[11]Điều 11 của Dự thảo.Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật này.

  1. Đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng.
  2. Lợi dụng việc thông tin, phản ánh, tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
  3. Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

 

PGS.TS DƯƠNG TUYẾT MIÊN (Học viện Tòa án)