Bàn về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh trong vụ án lao động

Vụ án lao động là một lĩnh vực đặc thù của án dân sự nói chung nên tất cả các hoạt động tố tụng tiến hành trong vụ án lao động đều phải tuân thủ theo quy định của BLTTDS 2015.

Đặt vấn đề

Để giải quyết vụ án lao động được khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ trong vụ án lao động là hoạt động trọng tâm trong các hoạt động tố tụng của Tòa án, đặc biệt là của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Đó là quá trình Thẩm phán thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTDS 2015 nhằm thu thập, tập hợp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án, và phân tích, đánh giá chứng cứ (đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ) để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ nếu bảo đảm tính đúng đắn, toàn diện, đầy đủ sẽ góp phần quyết định trong việc giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án lao động.

1. Đặc thù về chứng cứ trong vụ án lao động

Căn cứ Điều 93 BLTTDS 2015, có thể hiểu chứng cứ trong vụ án lao động là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS 2015 quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Theo Điều 94 BLTTDS 2015, nguồn của chứng cứ được xác định gồm: tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực; các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Nguồn của chứng cứ được xem là chứng cứ khi các tài liệu, văn bản,… này thỏa mãn các điều kiện để được xác định là chứng cứ theo quy định tại Điều 93, Điều 95 BLTTDS 2015. Tài liệu đó phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTDS 2015 quy định và được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không.

Trong quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động có địa vị pháp lý khác nhau. Với vai trò là người quản lý, điều hành, tổ chức, giám sát quá trình lao động, thực hiện công việc, là chủ thể đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu suất công việc của người lao động nên các tài liệu, chứng cứ trong vụ án lao động chủ yếu là do người sử dụng lao động lưu giữ. Vì vậy, người lao động thường gặp khó khăn và hạn chế hơn trong việc giao nộp, cung cấp chứng cứ cho Tòa án nên Thẩm phán giải quyết tranh chấp lao động cần nắm vững nguyên tắc chứng minh trong mỗi quan hệ tranh chấp đặc thù. Chẳng hạn như trong vụ án về tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, người lao động chỉ cần chứng minh có tồn tại quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, còn nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp, có căn cứ của quyết định sa thải là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Trong vụ án tranh chấp về tiền lương, người lao động chỉ cần chứng minh họ có làm việc dưới sự điều hành, giám sát, quản lý của người sử dụng lao động, còn việc trả lương đủ và đúng theo thảo thuận giữa các bên hay không là nghĩa vụ chứng minh của người sử dụng lao động. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về chủ thể nào và nội dung cần chứng minh là gì sẽ quyết định phạm vi những tài liệu Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần phải yêu cầu đương sự giao nộp, cung cấp.

Nguồn chứng cứ trong vụ án lao động thường là các tài liệu, văn bản do người sử dụng lao động cung cấp, bản tường trình, lời khai của các đương sự. Do hiểu biết pháp lý của người người lao động còn hạn chế nên người lao động thường viết bản tự khai với những thông tin không đúng trọng tâm yêu cầu khởi kiện đã đưa ra, hoặc nội dung trình bày sau mâu thuẫn với nội dung đã trình bày trước đó. Trong trường hợp này, Thẩm phán cần căn cứ Điều 98, Điều 99, Điều 100 BLTTDS 2015 tiến hành lấy lời khai đương sự, lấy lời khai của người làm chứng, tiến hành đối chất để loại bỏ mâu thuẫn, xác định rõ yêu cầu, lời trình bày của đương sự một cách chính xác, thống nhất về các tình tiết, sự kiện.

Những vụ án tranh chấp về lao động thường phức tạp, với nhiều nội dung khác nhau nên yêu cầu thu thập chứng cứ đối với từng quan hệ pháp luật cũng khác nhau. Điều này yêu cầu Thẩm phán phải xác định đúng quan hệ tranh chấp mới xác định cụ thể phạm vi, nội dung cần làm sáng tỏ và thu thập chứng cứ chứng minh một cách đầy đủ nhất. Ví dụ trong vụ án tranh chấp xử lý kỷ luật sa thải, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc xử lý kỷ luật sa thải, trình tự, thủ tục xem xét kỷ luật sa thải, thẩm quyền ký quyết định kỷ luật sa thải, thời hiệu xử lý kỷ luật. Sau khi xác định những vấn đề cần chứng minh, làm rõ thì Thẩm phán sẽ định hình danh mục những chứng cứ cần thu thập như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, văn bản, quy chế nội bộ… để xác định người có thẩm quyền ký trên quyết định xử lý kỷ luật sa thải, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, biên bản ghi nhận hành vi vi phạm của người lao động, bản tự kiểm điểm của người lao động, bản tường trình của người lao động, người sử dụng lao động, biên bản xử lý kỷ luật… Trên cơ sở đó mới có thể xem xét, đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của quyết định xử lý kỷ luật sa thải.

2. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự và hệ quả pháp lý 

Hoạt động chứng minh trong tố tụng dân sự (TTDS) bao gồm hoạt động tư duy và hoạt động tố tụng của những người tiến hành tố tụng, đương sự và người tham gia tố tụng khác, đại diện hợp pháp của họ. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu, sự phản đối của mình là có căn cứ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự. Cụ thể, Điều 6 BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Về nguyên tắc, trước Tòa án, các đương sự có yêu cầu và đương sự phản đối yêu cầu đều phải xuất trình, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ, đưa ra lập luận, luận điểm, luận cứ để chứng minh cho yêu cầu hoặc sự phản đối của mình là có căn cứ, đúng đắn, hợp tình, hợp lý (Điều 91 BLTTDS năm 2015).

Đương sự trong vụ án lao động có nghĩa vụ chứng minh nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh hoặc cung cấp chứng cứ nhưng không đầy đủ thì phải chịu hậu quả pháp lý của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Cụ thể, về mặt nguyên tắc, nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và phải cung cấp chứng cứ chứng minh, giao nộp chứng cứ cho Tòa án trừ trường hợp nguyên đơn là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án. Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.

Bị đơn có quyền phản đối toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng phải có nghĩa vụ chứng minh việc phản đối của mình là có căn cứ và phải thu thập, cung cấp chứng cứ, giao nộp chứng cứ cho Tòa án.

Đương sự có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ (trừ trường hợp những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định của Điều 92 BLTTDS 2015)  thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc và đương sự phải chịu hậu quả pháp lý của việc không chứng minh hoặc chứng minh không đầy đủ.

Các đương sự có vị trí tố tụng như nhau trong vụ án lao động có quyền và nghĩa vụ tố tụng như nhau trong thủ tục giải quyết vụ án lao động tại Tòa án. Trường hợp các đương sự có vị trí tố tụng khác nhau (chẳng hạn như vị trí nguyên đơn và bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), các đương sự vẫn có cơ hội và khả năng bình đẳng như nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.

Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, trong một số vụ án lao động đặc thù thì người đưa ra yêu cầu không phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Đó là trường hợp người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động hoặc trường hợp người lao động khởi kiện nhưng không cung cấp được chứng cứ vì lý do toàn bộ tài liệu, chứng cứ đó do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ. Quy định này là điểm tiến bộ, tích cực của BLTTDS 2015, không hề làm mất đi sự bình đẳng về nghĩa vụ chứng minh của đương sự có yêu cầu hay đương sự phản đối yêu cầu mà tạo điều kiện để bên đương sự yếu thế hơn trong quan hệ lao động có cơ hội được tiếp cận gần hơn với công lý. Về mặt nguyên tắc, đương sự có yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu đưa ra là có căn cứ, hợp lý. Tuy nhiên, đối với bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động (người lao động trong một số trường hợp đặc thù đã nêu) thì nếu bắt buộc họ thực hiện nghĩa vụ chứng minh như những đương sự có yêu cầu khác thì lại là sự bất bình đẳng khi họ khó có khả năng có được tài liệu, chứng cứ từ phía người sử dụng lao động để cung cấp, giao nộp cho Tòa án nhằm thực hiện nghĩa vụ chứng minh của họ.

Vì vậy, quy định về nghĩa vụ chứng minh của người sử dụng lao động trong một số trường hợp nhất định, đặc thù tại khoản 1 Điều 91 BLTTDS 2015 là điểm mới, điểm tiến bộ, bảo vệ quyền lợi của người lao động - bên được cho là yếu thế hơn trong quan hệ lao động so với quy định tại BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Nếu như theo quy định của Điều 79 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì người khởi kiện là người lao động vẫn phải có nghĩa vụ chứng minh trong khi để thực hiện được nghĩa vụ này là điều khó khăn với người lao động. Trong quá trình xác lập quan hệ lao động, hầu hết các chứng cứ liên quan đến quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động đều do người sử dụng lao động bảo quản, lưu giữ, thậm chí là không xác lập hợp đồng dưới hình thức văn bản. Vì vậy, khi giải quyết các vụ án tranh chấp lao động khởi kiện bởi người lao động theo như quy định của Điều 91 BLTTDS 2015 sẽ bảo vệ được quyền lợi của người lao động, thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Trong những trường hợp đặc thù này, Tòa án cũng sẽ căn cứ vào những chứng cứ thu thập được để giải quyết vụ án. Lời trình bày của nguyên đơn - người lao động là một trong những nguồn của chứng cứ. Nếu người sử dụng lao động (có nghĩa vụ chứng minh) kiên quyết không cung cấp tài liệu, chứng cứ để phản đối yêu cầu khởi kiện của người lao động thì Tòa án căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ án, trong đó có lời trình bày của người lao động trong quá trình giải quyết vụ án lao động[1].

Như vậy, điểm mới và tiến bộ trong quy định tại Điều 91 BLTTDS 2015 khi áp dụng vào thực tiễn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên sự bình đẳng thực sự giữa các bên đương sự trong vụ án lao động, giữa bên yếu thế hơn là người lao động và bên có ưu thế hơn trong quan hệ lao động là người sử dụng lao động.

3. Trách nhiệm của Tòa án trong quá trình đương sự thực hiện nghĩa vụ chứng minh 

Điều 6 BLTTDS 2015 quy định Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do BLTTDS 2015 quy định. Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ khi đương sự đã dùng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể tự thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu Tòa án thu thập. Các biện pháp thu thập chứng cứ khác do Tòa án tiến hành theo quy định của BLTTDS 2015 như các trường hợp thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng; Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự; Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau…

Về nguyên tắc chung, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lao động có nghĩa vụ xác định đúng quan hệ tranh chấp, từ đó xác định, định hướng phạm vi những chứng cứ nào cần thiết, liên quan đến việc giải quyết vụ án lao động để yêu cầu các bên đương sự cung cấp, giao nộp chứng cứ. Khi đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án đúng đắn. Đương sự yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; tài liệu, chứng cứ cần thu thập; lý do mình không tự thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập.

Để Tòa án chấp thuận đơn yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ, đương sự phải chứng minh họ đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng không thể tự thu thập được tài liệu, chứng cứ này. Chỉ khi họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể tự thu thập thì mới có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện việc thu thập chứng cứ. Trước đây, khoản 5 Mục I Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể là: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết quy định tại Điều 7 của BLTTDS về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Khi biết chứng cứ đang do cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý, thì căn cứ vào quy định tại Điều này, đương sự có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp được chứng cứ cho đương sự, thì phải thông báo bằng văn bản có ghi rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ cho đương sự biết để họ chứng minh với Tòa án là họ đã thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ”.

Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Tòa án không thực hiện thay nghĩa vụ chứng minh của đương sự mà Tòa án chỉ vào cuộc khi đương sự có yêu cầu (chứng minh đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết và không thể tự thu thập được tài liệu, chứng cứ) và khi “xét thấy cần thiết” theo quy định của BLTTDS 2015. “Xét thấy cần thiết” ở đây có thể hiểu là những chứng cứ đương sự cung cấp, giao nộp còn mâu thuẫn, chưa đủ căn cứ để giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án.

Điều 24 BLTTDS 2015 quy định về nội dung của nguyên tắc tranh tụng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của ngành luật TTDS ghi nhận việc đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của BLTTDS 2015. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Như vậy, khi nguyên tắc tranh tụng trong TTDS ngày càng được đề cao sẽ góp phần đặt Tòa án vào đúng vị trí, thực hiện đúng chức năng xét xử, đó là xem xét, đánh giá chứng cứ, và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết giải quyết vụ án dân sự. Đương sự phải có trách nhiệm, chủ động với chính yêu cầu, sự phản đối, quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ, không đợi chờ Tòa án thực hiện thay nghĩa vụ chứng minh giúp họ.

Hiện nay, Điều 15 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đang quy định theo hướng Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự. Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật. Quy định tại Điều 15 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về việc thu thập tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ của các bên đương sự trong vụ án là phù hợp, thống nhất với quy định về tranh tụng, quy định về cung cấp chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh của BLTTDS 2015, bảo đảm sự thống nhất trong quy định của hệ thống pháp luật và sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.

4. Vướng mắc trong thực tiễn và một số kiến nghị

Thứ nhất, về việc Tòa án thu thập chứng cứ trong vụ án lao động nói riêng và vụ án dân sự nói chung phải đáp ứng điều kiện nào để được xem là đầy đủ hiện tại BLTTDS 2015 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể nên còn tùy thuộc vào quan điểm, nhận định của Hội đồng xét xử. Đặc biệt, khi Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng chứng cứ trong vụ án lao động đã đầy đủ nhưng hội đồng xét xử phúc thẩm lại cho rằng chứng cứ chưa đầy đủ sẽ dẫn đến hậu quả Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm[2].

Nhóm tác giả đồng thuận với quan điểm cho rằng BLTTDS cần có quy định về các cấp độ chứng minh trong TTDS. Cấp độ chứng minh giống như thước đo, tiêu chí đánh giá để so sánh giữa hoạt động chứng minh được các bên tham gia tố tụng thực hiện tại Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay cấp độ chứng minh không được quy định chi tiết, rõ ràng trong các văn bản pháp luật, bởi pháp luật chỉ quy định Hội đồng xét xử dựa vào việc nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra phán quyết. Việc đánh giá chứng cứ và hoạt động chứng minh của các bên đương sự dựa vào quan điểm, nhận định của Hội đồng xét xử[3]. Nhóm tác giả cho rằng nếu như có một quy chuẩn mang tính tương đối, định lượng để đánh giá về cấp độ hoàn thành nghĩa vụ chứng minh của các bên đương sự thì hội đồng xét xử cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định và cũng là căn cứ để Hội đồng xét xử cấp trên nhận định, đánh giá việc đưa ra phán quyết của Hội đồng xét xử cấp dưới[4].

Thứ hai, do kiến thức và hiểu biết về pháp lý của người lao động còn có phần hạn chế nên dẫn đến việc họ không biết cần phải giao nộp những tài liệu, chứng cứ nào cần thiết, yêu cầu về tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ, cách thức thực hiện nghĩa vụ chứng minh, cách thức tranh tụng tại phiên tòa. Thực trạng này đòi hỏi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lao động phải sâu sát với hồ sơ vụ án để trong trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được đương sự giao nộp nhưng chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Đồng thời, thủ tục giải thích quy định của pháp luật tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong phiên họp công khai chứng cứ rất có ý nghĩa đối với những đối tượng này[5].

Thứ ba, đối với vấn đề đương sự phải chứng minh việc họ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể tự thu thập được tài liệu chứng cứ để thực hiện quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ trên thực tiễn còn nhiều khó khăn khi không phải lúc nào các cơ quan, cá nhân, tổ chức từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự cũng thể hiện dưới hình thức văn bản (chủ yếu là hành vi, lời nói). Điều này dẫn đến hệ lụy đương sự trong vụ án lao động không thể có chứng cứ chứng minh với Tòa án rằng họ đã dùng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng để thu thập nhưng không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ từ các cơ quan, cá nhân, tổ chức này. Với quy định tại Điều 15 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội (người lao động là bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động) thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật sẽ dẫn chiếu đến quy định nhóm tác giả đang đề cập. Nhóm tác giả cho rằng, để hiện thực hóa quy định tại Điều 15 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Thẩm phán có thể linh hoạt vận dụng căn cứ “khi xét thấy cần thiết” để ban hành quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ khi những tài liệu, chứng cứ này có giá trị quan trọng trong việc xác định sự thực khách quan của vụ án, giúp loại bỏ những tình tiết, sự kiện, sự việc còn mâu thuẫn nhằm giải quyết vụ án đúng đắn, khách quan.

 

 


[1] Xem thêm khoản 4 Điều 91 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

[2] Xem thêm Điều 310 BLTTDS 2015 về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

[3] Nguyễn Vinh Hưng, Cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự, https://kiemsat.vn/cap-do-chung-minh-trong-to-tung-dan-su-viet-nam-64798.html, truy cập ngày 05/3/2024.

[4] Hai cấp độ chứng minh như tác giả bài viết “cấp độ chứng minh trong tố tụng dân sự” đề xuất: Cấp độ thứ nhất, có khả năng xử thắng cho bên chiếm ưu thế hơn về chứng cứ và cấp độ thứ hai, chứng cứ đã rõ ràng và có khả năng thuyết phục cao.

[5] Xem thêm Điều 210 BLTTDS 2015

ThS. DƯƠNG THỊ CHIẾN (Công ty Luật TNHH Pros Legal, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) ThS. CAO THỊ THỚI (Thẩm phán TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An)

TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)  xét xử vụ tranh chấp tiền lương và bảo hiểm xã hội đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina- Ảnh: Vĩnh Quyên