Bàn về di chúc bị vi phạm điều kiện về hình thức và di chúc được lập với hình thức chứng thư điện tử

Bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật về trường hợp áp dụng quy định tại Điều 129 của BLDS năm 2015 cho di chúc bị vi phạm điều kiện về hình thức và trường hợp hình thức của di chúc được thể hiện bằng chứng thư điện tử hoặc chứng thư điện tử và có ít nhất chữ ký điện tử của hai người làm chứng.

Có thể áp dụng quy định tại Điều 129 của BLDS năm 2015 trong trường hợp di chúc bị vi phạm điều kiện về hình thức hay không?

Theo quy định tại Điều 116 của BLDS năm 2015, thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Và tại Điều 624 của BLDS năm 2015 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Quy định trên cho thấy, di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc[1]. Sự đặc biệt này được thể hiện ở chỗ, đây là hành vi pháp lý đơn phương của người muốn để lại tài sản của họ sau khi họ chết đi và di chúc chỉ có hiệu lực khi người để lại di sản thừa kế chết. Chính điều vì này đã làm cho di chúc có sự khác biệt so với các hành vi pháp lý đơn phương khác (đề nghị giao kết hợp đồng, hứa thưởng, thi có giải) ở chỗ, đó là khi một người thực hiện hành vi pháp lý đơn phương sẽ làm phát sinh hậu quả pháp lý lúc họ vẫn còn sống. Có lẽ từ điểm khác biệt cơ bản này đã làm cho di chúc trở thành một giao dịch dân sự đặc biệt và dường như việc áp dụng những quy định trong giao dịch dân sự cho di chúc không phù hợp và không đảm bảo tính chất của một quan hệ thừa kế theo di chúc. Do đó, bên cạnh những quy định về giao dịch dân sự tại Chương VIII, thì BLDS đã dành Chương XXII về thừa kế theo di chúc với những quy định rất cụ thể để điều chỉnh cho di chúc.

BLDS năm 2015 đã quy định về hình thức của giao dịch dân sự theo hướng linh hoạt hơn, tránh cứng nhắc trong hướng xử lý liên quan đến vi phạm quy định bắt buộc về hình thức của giao dịch. Việc tuyên bố một cách máy móc giao dịch vô hiệu chỉ vì không đảm bảo hình thức luật định có thể gây mất ổn định trong giao dịch dân sự, không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan. Theo đó, Điều 129 của BLDS năm 2015 quy định: “1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; 2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”. Ở góc nhìn thực tiễn, các quy định mang tính ngoại lệ nêu trên được xây dựng chủ yếu nhằm điều chỉnh quan hệ hợp đồng, bởi vậy trong điều luật mới có các cụm từ một bên hoặc các bên[2].

Xét về điều kiện hình thức, thì hình thức di chúc không trái quy định của luật[3]. Điều kiện này được hiểu là hình thức di chúc phải thuộc một trong các hình thức được chấp nhận. Khác với hợp đồng dân sự, hình thức hợp đồng được quy định cụ thể phải theo hình thức nào hoặc nếu không quy định về hình thức thì các bên có thể chọn hình thức mà mình muốn, còn đối với di chúc thì luật cho phép có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, “hình thức vẫn không phải là tất cả, bởi lẽ có những di chúc mặc dù được lập sai với quy định của pháp luật nhưng vẫn thể hiện đúng với ý chí của người để lại di sản thừa kế”[4]. Vấn đề đặt ra là có nên thừa nhận di chúc đó hay không? Và nếu thừa nhận di chúc được lập thì cần căn cứ vào quy định nào để giải quyết vấn đề này?

Có quan điểm cho rằng, “khi di chúc được lập không tuân thủ hình thức, thủ tục do pháp luật quy định thì đương nhiên vô hiệu mà không phải qua thủ tục khắc phục, cải sửa hình thức giống như các giao dịch dân sự thông thường khác được quy định tại Điều 129 của BLDS năm 2015”[5]. Quan điểm khác lại cho rằng, “di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, do đó di chúc phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng”[6]. Như đã phân tích nêu trên, di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc. Thế nhưng, có áp dụng những quy định về hiệu lực của giao dịch dân sự mà cụ thể là hình thức được quy định ở phần giao dịch dân sự cho trường hợp của di chúc hay không thì đây vẫn còn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Tác giả cho rằng, hình thức của di chúc là phương thức nhằm biểu hiện ý chí của người lập di chúc về nội dung của di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc và là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Do đó, nếu một khi đã chứng minh được di chúc thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản thừa kế, thì chúng ta cần phải quay lại áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật. Nguyên tắc chung ở đây, đó là trong trường hợp quy định của BLDS năm 2015 trong phần di chúc không quy định, thì sẽ áp dụng quy định trong phần giao dịch dân sự. Cho nên, có thể áp dụng quy định tại Điều 129 của BLDS năm 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức trong trường hợp di chúc bị vi phạm điều kiện về hình thức. Việc áp dụng quy định này, một mặt vừa bảo vệ được ý chí của người để lại di sản thừa kế, mặt khác vừa bảo đảm được quyền lợi của người thừa kế theo di chúc. Chính vì vậy, tác giả cho rằng việc áp dụng quy định tại Điều 129 của BLDS năm 2015 cho di chúc là phù hợp và không có sự mâu thuẫn hay ảnh hưởng đến đặc trưng của di chúc so với các quy định khác.

Di chúc có thể được lập bằng hình thức chứng thư điện tử hoặc chứng thư điện tử và có chữ ký điện tử của ít nhất 02 người làm chứng hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 119 của BLDS năm 2015, thì: “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như đã phân tích nêu trên, di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc. Theo đó, tại Điều 628 của BLDS năm 2015 quy định di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng và di chúc bằng văn bản có chứng thực. Tuy nhiên, tại Điều 1 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định về phạm vi áp dụng, thì: “Các quy định của Luật này không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác, văn bản thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”. Như vậy, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn chưa thừa nhận việc di chúc được lập dưới hình thức chứng thư điện tử, còn BLDS năm 2015 vẫn chưa có quy định đề cập đến hình thức di chúc bằng chứng thư điện tử tại Chương XXII về thừa kế theo di chúc. Trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), các chủ thể có xu hướng sử dụng nhiều chứng thư điện tử và các chủ thể đều có đăng ký chữ ký điện tử. Do đó, tác giả cho rằng trong thời gian tới pháp luật cần xem xét hướng đến trường hợp một di chúc được lập dưới hình thức chứng thư điện tử hay không và di chúc được lập dưới hình thức chứng thư điện tử đồng thời có chữ ký điện tử của ít nhất 02 người làm chứng.

 

Tư vấn pháp lý cho người dân - Ảnh: Phương Loan/ PLO

 

 

 

 

 

 

[1] Trường Đại học luật Hà Nội - Đinh Văn Thanh và Nguyễn Minh Tuấn chủ biên (2017), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 311; Khoa luật - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Nguyễn Ngọc Điện chủ biên (2014), Giáo trình Luật dân sự, tập 1, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 258.

[2] Trường Đại học mở Thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Ngọc Điện (2019), Giáo trình Luật dân sự, tập 2 (tái bản lần thứ 1, có chỉnh sửa bổ sung), Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 94.

[3] Điểm b khoản 1 Điều 630 của BLDS năm 2015.

[4] Đỗ Văn Đại (2016), Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án (tái bản lần thứ 4), tập 1, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội.

[5] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh - Lê Minh Hùng chủ biên (2019), Giáo trình pháp luật về tài sản, quyền sở hữu và thừa kế (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 437 - 438.

[6] Trường Đại học luật Hà Nội - Đinh Văn Thanh và Nguyễn Minh Tuấn chủ biên (2017), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 311.

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (TAND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG ( Vụ Pháp chế Quản lý khoa học TANDTC)