Bàn về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc
Ngày 25/10/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo lần thứ 8 Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong các vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và hiện còn có rất nhiều ý kiến khác nhau đó là xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc được quy định tại Điều 52 của Dự thảo lần thứ 8 Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (sau đây gọi là Dự thảo Luật)
Điều 52 Dự thảo Luật quy định:
“Điều 52. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc
Phương án 1:
1. Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.
2. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.
3. Tòa án nhân dân xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Không chấp nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
b) Thu hồi tài sản, thu nhập cho Nhà nước trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án nhân dân.
Phương án 2:
1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho Cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Người phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, giải quyết vụ án hình sự mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có”.
Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành mới chỉ quy định xử lý người kê khai tài sản không trung thực mà thực chất là xử lý hành vi kê khai tài sản không trung thực và quy định này đã được sửa đổi hoàn thiện hơn theo hướng cụ thể tại Điều 51 Dự thảo Luật; Điều 52 Dự thảo Luật về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc quy định hoàn toàn mới so với Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.
Có thể thấy, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc quy định tại Điều 52 Dự thảo Luật là một vấn đề nóng hiện nay, là vấn đề rất khó lựa chọn phương án xử lý. Bởi lẽ, tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là loại tài sản, thu nhập mà cả hai bên đều chưa chứng minh được (cơ quan có trách nhiệm chưa chứng minh được đó là tài sản tham nhũng; người có tài sản cũng không giải trình được hợp lý nguồn gốc tài sản).
Đồng thời, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, cần phải có biện pháp xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc một cách kiên quyết, bởi chủ thể có nghĩa vụ kê khai là chủ thể đặc biệt (người có chức, có quyền).
Theo quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật… và “Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của luật” .
Như vậy, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định theo phương án 1 của Dự thảo Luật là phù hợp với quy định của Hiến pháp và tương thích với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án. Nếu phương án này được lựa chọn thì đây là bước đột phá trong công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 4 của phương án 1 Điều 52 Dự thảo Luật “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án nhân dân” lại chưa hợp lý, thiếu sự tương thích với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tại khoản 9 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: “Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của luật”. Vì vậy, để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và để Luật sớm được thực hiện, thiết nghĩ cần quy định ngay trong Luật Phòng, chống tham nhũng thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc cũng như việc thi hành quyết định của Tòa án nhân dân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận