Bia, rượu và... xe

Từ lâu, giới lái xe ô tô chuyên nghiệp có câu: “Mở cửa xe như mở cửa tù”, cho thấy hầu hết mọi người đều nhận thức được mức độ nguy hiểm khi điều khiển xe ô tô, nhưng do thói quen, do “văn hóa bia rượu”, “văn hóa giao thông” lâu nay mà nhiều người vẫn vi phạm quy định về an toàn giao thông. Đã đến lúc phải thay đổi, không thể chậm trễ hơn nữa.

Một anh bạn hôm rồi đi nhậu buổi trưa, nhậu sương sương rồi mới lên ô tô chạy đi làm việc. Xe bị chặn lại kiểm tra, Cảnh sát Giao thông lập biên bản về lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn với mức phạt 35 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng, do vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đây là mức phạt gần như “kịch khung” theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Sau sự cố này, sinh hoạt thường nhật của anh bạn bị đảo lộn và có nhiều khó khăn xuất hiện, không chỉ lo khoản tiền phạt khá lớn mà vấn đề đặt ra là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 năm thì hàng ngày đón con ở trường học khá xa nhà như thế nào; có  giữ xe lại hay phải bán xe? Đúng là “sai một ly, đi một dặm”.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, sự cố này có thể coi là một may mắn, nếu không bị kiểm tra, xử phạt hành chính, với tình trạng đó, nếu tiếp tục chạy xe trên đường thì nguy cơ gây tai nạn giao thông là rất lớn. Đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông gây thương vong cho người đi đường do lái xe say xỉn, hậu quả pháp lý người lái xe gánh chịu không chỉ là bồi thường tổn thất cho nạn nhân, mà còn là những bản án hình sự nặng nề.

Chia sẻ với đồng nghiệp, nhưng chúng tôi thấy đây là một tín hiệu vui về  quyết tâm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, một vấn đề nan giải nhiều năm qua chưa được khắc phục.

Nghị định 100 không chỉ xử phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe ô tô, xe máy mà cả đối với người đi xe đạp với mức phạt khá cao. Nếu Nghị định được thực thi nghiêm chỉnh, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai như những ngày vừa qua thì chắc chắn văn hóa giao thông ở nước ta sẽ có chuyển biến tích cực, trả lại sự bình yên, an toàn cho mọi người tham gia giao thông.

Có ba vấn đề được đặt ra, trước hết là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là về Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phải được thực hiện tốt hơn nữa, dễ thấy, dễ hiểu, dễ nhớ hơn nữa, nhằm tác động để mỗi người dân nâng cao ý thức khi uống bia, rượu và tham gia giao thông.

Vấn đề thứ hai là thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Nếu không ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, bảo kê, nhận hối lộ… của những Cảnh sát giao thông tha hóa thì mọi quy định đều bị bóp méo, dẫn đến người dân nhờn luật, coi thường pháp luật.

Thực tế việc kiểm tra nồng độ cồn những tháng qua cho thấy lực lượng Công an đang quyết tâm làm trong sạch bộ máy. Vụ án sáu Cảnh sát giao thông thành phố Chí Linh, Hải Dương vừa bị khởi tố, bắt giam do sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn không phải do Bộ Công an cung cấp, cho thấy tinh thần quyết liệt đó.

Vấn đề thứ ba là xây dựng pháp luật. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định xử phạt người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, nhưng đa số các quốc gia đều quy định ngưỡng tối thiểu, vượt qua ngưỡng đó mới xử phạt, không áp dụng quy định chỉ cần có nồng độ cồn đã xử phạt như Việt Nam. Do đó, để bảo đảm công bằng, các nhà làm luật nên tham khảo quy định của quốc tế để điều chỉnh cho phù hợp.

Ở khía cạnh khác, nhiều quốc gia xử lý người vi phạm nồng độ cồn bằng biện pháp hình sự, đây cũng là điều cần tham khảo. Ví dụ ở Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/L khí thở (tương đương 1 cốc bia), người điều khiển xe sẽ bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo” và đối mặt với án tù lên tới 3 năm và 500.000 yên tiền phạt (khoảng 104 triệu đồng). Nếu nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù giam và 1 triệu yên (tương đương 200 triệu đồng). Đáng chú ý hơn cả là hành khách ngồi cùng trên xe khi đó cũng sẽ bị xử phạt tiền hoặc thậm chí là ngồi tù.

Ở Hàn Quốc, những người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe có thể bị phạt tù tới 3 năm cùng 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng) dù chỉ uống khoảng 3 ly rượu – tương đương với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/L khí thở.

Ở Anh, ngoài bị phạt tiền và đối mặt với án tù, những người từng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn gặp nhiều rắc rối và rất khó để được nhập cảnh vào các quốc gia khác ở châu Âu hay Mỹ. Còn ở Australia, người lái xe khi say rượu (với nồng độ cồn vượt quá 0,05%) có thể sẽ bị phạt tù và bị nêu tên trên báo.

Nghị định 100 quy định mức phạt cao nhất đối với trường hợp vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, nhưng thực tế có nhiều người vi phạm uống gấp 3-4 lần ngưỡng đó. Vì thế xử lý bằng hình sự là vấn đề cần được đặt ra.

Điều 260 BLHS về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có tình tiết “có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác” và khoản 4 của điều luật quy định về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp "có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời", nhưng trong thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự khi chưa gây ra hậu quả. Vì vậy, để điều luật đi vào thực tế đời sống, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông thì các cơ quan có thẩm quyền nên có văn bản hướng dẫn, thống nhất nhận thức để có thể áp dụng dễ dàng.

 

Nữ CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông - Ảnh: Cục CSGT

 

BẢO THƯ