Biện pháp bảo đảm nghĩa vụ ký quỹ trong Bộ luật Dân sự

Trong quan hệ ký quỹ, tổ chức tín dụng đóng vai trò như một bên trung gian nắm giữ tài sản bảo đảm và thực hiện thanh toán, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền theo các điều kiện đã được các bên thỏa thuận. Trong phạm vi của bài viết, tác giả sẽ phân tích các khía cạnh pháp lý của biện pháp bảo đảm bằng ký quỹ trong BLDS Việt Nam.

Trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bên nhận bảo đảm có thể tự mình hoặc thông qua một bên thứ ba khác để quản lý, kiểm soát tài sản bảo đảm. Một khi tài sản được bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ, bên nhận bảo đảm sẽ có được các quyền ưu tiên như quyền truy đòi tài sản bảo đảm hay quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm[1]. Song đó, bên nhận bảo đảm cũng phải đồng thời chịu những rủi ro với tài sản bảo đảm trong quá trình nắm giữ như hư hại, mất mát. Để tránh những rủi ro này, các bên có thể lựa chọn việc giao tài sản bảo đảm cho người thứ ba có điều kiện nắm giữ tài sản thông qua việc xác lập biện pháp bảo đảm ký quỹ [2].

1.Khái niệm và đặc điểm của ký quỹ

1.1. Về khái niệm của ký quỹ

Biện pháp bảo đảm ký quỹ xuất hiện lần đầu trong BLDS năm 1995 dưới định danh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cùng với ký cược và phạt vi phạm [3]. Về khái niệm, ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ (Điều 330 BLDS năm 2015). Như vậy, có thể hiểu ký quỹ là một mối quan hệ trong đó có sự tham gia của ba bên, bao gồm bên ký quỹ (bên có nghĩa vụ), bên nhận ký quỹ (bên có quyền) và tổ chức tín dụng đóng vai trò là bên giữ tài sản ký quỹ; trong đó, bên ký quỹ phải tiến hành chuyển giao tài sản vào tài khoản được mở và phong tỏa tại tổ chức tín dụng nhằm mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận ký quỹ là bên có quyền được tổ chức tín dụng thanh toán, bồi thường thiệt hại do người ký quỹ gây ra. Tổ chức tín dụng sẽ đóng vai trò là bên trung gian nắm giữ tài sản bảo đảm và thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền một khi các điều kiện dự kiến phát sinh theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật[4].

Thông thường trong quan hệ ký quỹ, bên có quyền sẽ được xác định cụ thể. Tuy nhiên, việc ký quỹ có thể được thực hiện giữa bên ký quỹ và tổ chức tín dụng kể cả khi chưa xác định được bên có quyền tại thời điểm xác lập ký quỹ. Ví dụ theo Luật Du lịch năm 2017, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không cần phải có vốn pháp định nhưng phải ký quỹ để bảo đảm trách nhiệm với khách du lịch. Đồng thời, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch: Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối” (khoản 1 Điều 16)[5]. Bên cạnh là một biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận của các bên, ký quỹ có thể được xác lập như một biện pháp bảo đảm bắt buộc được chỉ định theo quy định của pháp luật. Ví dụ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tổ chức, cá nhân có hoạt động dưới đây phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường: khai thác khoáng sản; chôn lấp chất thải; và nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Việc ký quỹ bảo vệ môi trường được thực hiện bằng tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật (khoản 2, 3 Điều 137).

1.2. Đặc điểm của ký quỹ

So với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác, biện pháp ký quỹ có các đặc điểm như sau.

Thứ nhất, là biện pháp bảo đảm mang tính chất đối vật. Theo đó, quyền của bên nhận ký quỹ được gắn với tài sản ký quỹ đang được tổ chức tín dụng nắm giữ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, tổ chức tín dụng sẽ dùng tài sản ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền. Việc thực hiện thanh toán, bồi thường thiệt hại của tổ chức tín dụng cho bên có quyền chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản ký quỹ đã được phong tỏa, sau khi trừ đi các chi phí dịch vụ.

Tài sản ký quỹ được giới hạn bao gồm khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá. Tài sản ký quỹ được chuyển giao cho tổ chức tín dụng nắm giữ nhằm mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, phổ biến nhất là nghĩa vụ thanh toán và bồi thường thiệt hại. Chính đặc điểm này nên tài sản ký quỹ phổ biến trên thực tế là tiền[6]. Trước khi phát sinh cơ sở thanh toán, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền, tài sản ký quỹ vẫn thuộc về bên ký quỹ và bên ký quỹ là chủ của tài khoản mở tại tổ chức tín dụng. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận, tổ chức tín dụng và bên có nghĩa vụ không được sử dụng tài sản ký quỹ trong thời hạn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Cần phân biệt giữa biện pháp bảo đảm ký quỹ với biện pháp bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Điểm tương đồng giữa hai biện pháp này đều là có sự tham gia và thanh toán của tổ chức tín dụng cho bên có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Tuy nhiên, về bản chất, bão lãnh ngân hàng là biện pháp bảo đảm mang tính chất đối nhân. Tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên có nghĩa vụ khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; bên có nghĩa vụ sau đó phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận[7]. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng sẽ dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ. Trong khi với ký quỹ, tài sản bảo đảm vẫn là tài sản của bên có nghĩa vụ và ngân hàng chỉ đóng vai trò là bên trung gian giữ tài sản ký quỹ và thực hiện việc thanh toán, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền theo thỏa thuận.

Thứ hai, có sự tham gia của tổ chức tín dụng. Trong biện pháp ký quỹ, việc tham gia của bên thứ ba đóng vai trò là bên trung gian giúp cho sự bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các bên càng được bảo đảm hơn. Đây cũng chính là tính chất đặc trưng của biện pháp bảo đảm ký quỹ so với các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác. Dẫu vậy, hai biện pháp đặt cọc và ký quỹ vẫn bị nhầm lẫn thường xuyên trên thực tế, thậm chí có trường hợp cơ quan xét xử cũng không hoài nghi ngờ về bản chất của biện pháp bảo đảm được xác lập giữa các bên. Lấy một ví dụ, theo Bản án số 05/2018/KDTM-ST ngày 12/0/2018 của TAND quận O, thành phố C, Hội đồng xét xử đã kết luận rằng: yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên cần buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền ký quỹ 2 tỷ đồng”. Hay trong một bản án khác, Hội đồng xét xử đã nhận định: Tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn xác nhận còn nợ nguyên đơn tiền ký quỹ 5.670.000.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 05-4-2022 là 878.089.313 đồng như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Do đó, cấp sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm hoàn trả cho nguyên đơn tiền ký quỹ và tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ nói trên là có cơ sở”[8].

Tuy nhiên, trong trường hợp đầu tiên, phải hiểu việc Công ty H chuyển giao tiền cho Công ty M để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chính là biện pháp đặt cọc, chứ không thể là ký quỹ theo như tên gọi của các bên, cũng như nhận định của Hội đồng xét xử[9]. Tương tự ở vụ việc thứ hai, việc nguyên đơn chuyển tiền cho bị đơn với tên gọi là tiền ký quỹ, sau đó tòa án yêu cầu bị đơn có trách nhiệm hoàn trả nguyên đơn tiền ký quỹ và lãi chậm thực hiện nghĩa vụ - bản chất đây là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác (có thể là đặt cọc), chứ không thể là ký quỹ theo BLDS.

 Việc phân biệt ký quỹ và thế chấp tài sản không phải là điều dễ dàng trong nhiều trường hợp. Bởi do, trong quan hệ thế chấp, các bên có thể thỏa thuận việc giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp[10]. Nếu tổ chức tín dụng được các bên chỉ định làm bên thứ ba giữ tài sản thế chấp. Trường hợp này, hai biện pháp thế chấp tài sản và ký quỹ hầu như rất khó phân biệt.

Trong lĩnh vực ngân hàng, có trường hợp tổ chức tín dụng cũng vừa là người có nghĩa vụ được bảo đảm, đồng thời cũng là tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ ký quỹ. Trong trường hợp này, biện pháp ký quỹ có thể chỉ có sự tham gia của hai bên là bên ký quỹ (bên có nghĩa vụ) và tổ chức tín dụng (cũng đồng thời là bên có quyền, bên nhận ký quỹ)[11]. Ví dụ, trong nghiệp vụ phát hành bảo lãnh của ngân hàng, ngân hàng thường yêu cầu khách hàng (bên có nghĩa vụ) ký quỹ với một tỷ lệ phần trăm (%) nhất định trên giá trị thư bảo lãnh do ngân hàng phát hành để bảo đảm khả năng thu hồi khi phát sinh sự kiện ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết. Trường hợp khách hàng (bên có nghĩa vụ) vi phạm dẫn đến truy đòi bảo lãnh, nếu hồ sơ truy đòi đã hợp lệ thì bắt buộc ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ, ngay tức thì nếu khách hàng có ký quỹ một khoản tiền thì ngân hàng sẽ tự động trích tiền trên tài khoản đang ký quỹ và tiền của ngân hàng (nếu giá trị ký quỹ không đủ giá trị thư bảo lãnh) để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp này, biện pháp ký quỹ chỉ có 02 bên duy nhất là ngân hàng vừa là bên quản lý tiền vừa là bên có quyền và được trích tiền từ tài khoản theo thỏa thuận trước với khách hàng[12].

Thứ ba, một dạng đặc biệt của cầm cố tài sản. Về bản chất, biện pháp ký quỹ có những nét tương tự như biện pháp cầm cố tài sản. Theo đó, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 309 BLDS năm 2015). Tuy nhiên, thay vì bên cầm cố phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố nắm giữ thì trường hợp này các bên thỏa thuận một bên thứ ba trung gian đứng ra nắm giữ tài sản bảo đảm nhằm làm tăng độ an toàn cho giao dịch[13]. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, bên có quyền có thể yêu cầu bên đang nắm giữ tài sản bảo đảm giao cho mình để xử lý theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Ký quỹ cũng tương tự, bên có nghĩa vụ sẽ gửi tài sản bảo đảm vào tài khoản tại tổ chức tín dụng được phong tỏa để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó, có cơ sở để nhận định rằng, ký quỹ mang bản chất là một dạng đặc biệt của biện pháp cầm cố tài sản mà theo đó, các bên thỏa thuận giao tài sản bảo đảm cho bên thứ ba nắm giữ là tổ chức tín dụng.

2. Hiệu lực của hợp đồng ký quỹ

2.1. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ký quỹ

BLDS năm 2015 cũng như trước đó không có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ký quỹ. Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính Phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị định số 21) đã có quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm như sau: Nếu hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực. Nếu hợp đồng bảo đảm không được công chứng, chứng thực thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết (Điều 22).

Như vậy, xét theo quy định này, hợp đồng ký quỹ sẽ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm các bên thỏa thuận, trường hợp nếu không có thỏa thuận thì sẽ là thời điểm hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, quy định chung về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm dường như chưa tương thích với bản chất của biện pháp bảo đảm ký quỹ. Bởi lẽ, ký quỹ là quan hệ mà theo đó, bên có nghĩa vụ phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp này, quyền của bên có quyền sẽ gắn với số tài sản mà bên ký quỹ gửi vào tài khoản và phong tỏa tại tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng cũng không đóng vai trò là bên bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ, đây cũng là đặc điểm phân biệt với bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

Từ lý giải trên, dù luật không làm rõ nhưng chúng ta có cơ sở để cho rằng hợp đồng ký quỹ chỉ được xác lập kể từ thời điểm tài sản bảo đảm được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng, cùng với hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán số tài sản ký quỹ cho bên có quyền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[14].

2.2. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba

Tương tự như hiệu lực của hợp đồng, về hiệu lực đối kháng của người thứ ba của biện pháp ký quỹ cũng không được BLDS làm rõ. Theo nguyên tắc chung tại Điều 297 BLDS năm 2015, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, trường hợp này, tài sản bảo đảm đang được gửi tại tổ chức tín dụng đóng vai trò là bên trung gian trong việc nắm giữ tài sản bảo đảm. Việc xác định thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng nếu áp dụng theo Điều 297 thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) dù không nói rõ về hiệu lực đối kháng với người thứ ba, nhưng nói về thứ tự ưu tiên thanh toán đối với các biện pháp bảo đảm khác được quy định như sau: Trong trường hợp hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ đã được đăng ký theo quy định của pháp luật thì bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên nhận ký quỹ được ưu tiên thanh toán trước bên nhận bảo lãnh (khoản 2 Điều 47a). Như vậy, có thể hiểu biện pháp ký quỹ cần phải được đăng ký để làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Hiện nay, tại Nghị định số 21 có quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp ký quỹ dường như có cách tiếp cận có phần phù hợp hơn. Theo đó, hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ (khoản 5 Điều 23). Quy định này là hợp lý, bởi vì tại thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ, thời điểm này tương đương với thời điểm bên bảo đảm có thể “chiếm giữ” tài sản bảo đảm. Hay nói cách khác hơn, bên nhận bảo đảm đã có thể quản lý, kiểm soát đối với tài sản bảo đảm.

3. Nội dung của ký quỹ

3.1. Về quyền và nghĩa vụ của bên ký quỹ

Tài sản ký quỹ về nguyên tắc vẫn thuộc về quyền sở hữu của bên bảo đảm (bên ký quỹ). Do vậy, chỉ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên có quyền mới có thể yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện việc thanh toán theo các điều kiện đã thỏa thuận trước đó. Quyền sở hữu của tài sản ký quỹ trong trường hợp này mới được chuyển giao cho bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định hướng dẫn liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản ký quỹ như các biện pháp bảo đảm khác như đặt cọc hay ký cược[15]. Do đó, đối với ký quỹ, nghĩa vụ của bên ký quỹ cũng cần áp dụng tương tự như đặt cọc hay ký cược.

Số phận của các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản ký quỹ trong thời hạn bảo đảm BLDS cũng không đề cập. Về nguyên tắc, hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản ký quỹ sẽ do thỏa thuận của các bên. Thậm chí trường hợp không có thỏa thuận, chúng ta có thể dễ suy ra được các tài sản này sẽ thuộc về bên ký quỹ (đây cũng là cách tiếp cận của cầm cố, thế chấp hay cầm giữ tài sản). Dễ hiểu, bởi vì việc ký quỹ bản chất đây là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ. Tài sản ký quỹ vẫn thuộc về quyền sở hữu của bên ký quỹ, chính vì vậy, trừ khi bên nghĩa vụ vi phạm, tài sản ký quỹ về nguyên tắc vẫn sẽ là tài sản của bên ký quỹ.

3.2. Xử lý tài sản ký quỹ

Trường hợp nếu nghĩa vụ được bên ký quỹ thực hiện thì tài sản ký quỹ sẽ được trả lại cho bên ký quỹ, sau khi trừ các chi phí dịch vụ ký quỹ[16]. Chi phí dịch vụ ký quỹ của tổ chức tín dụng sẽ được tính dựa trên quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng ký quỹ. Các chi phí này có thể là chi phí giữ gìn và bảo quản tài sản ký quỹ, chi phí mở tài khoản ký quỹ, chi phí xác nhận bên có quyền,... Ngược lại, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng có quyền ưu tiên nhận thanh toán chi phí dịch vụ trước các chủ nợ của bên ký quỹ, bao gồm cả chủ nợ có bảo đảm. Vì vậy mà có quan điểm cho rằng, có mối quan hệ cầm cố đương nhiên giữa người ký quỹ và tổ chức tín dụng nơi ký quỹ, mối quan hệ này cho phép tổ chức tín dụng hàng xác lập quyền ưu tiên được thanh toán bằng tài sản ký quỹ so với những người khác có quyền yêu cầu đối với người ký quỹ [17].

Hiện nay, các quy định hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm đối với ký quỹ dường như được mặc định là tiền. Chính vì vậy mà các quy định trong Nghị định số 21 dường như đã quên điều chỉnh việc xử lý tài sản ký quỹ là các loại tài sản khác[18]. Trường hợp này, việc xử lý tài sản khác như thế nào sẽ gặp nhiều khó khăn nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể, đồng thời các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm đối với cầm cố, thế chấp tài sản có được áp dụng đối với tài sản ký quỹ hay không thì luật cũng chưa có sự điều chỉnh[19]

Trường hợp, nếu giá trị tài sản ký quỹ lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì tổ chức tín dụng nơi ký quỹ sẽ hoàn trả tài sản ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ của tổ chức tín dụng và số tiền đã thanh toán theo yêu cầu của bên có quyền khi chấm dứt ký quỹ [20].

Trường hợp nếu giá trị tài sản ký quỹ nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm: Như đã phân tích, bản chất của ký quỹ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dựa trên tài sản. Việc thực hiện thanh toán, bồi thường thiệt hại của tổ chức tín dụng cho bên có quyền chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản ký quỹ đã được phong tỏa, sau khi trừ đi các chi phí dịch vụ[21]. Do đó, trường hợp tài sản ký quỹ nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, dù BLDS không đề cập cụ thể nhưng ta có thể suy ra được bên có quyền sẽ tiếp tục yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán và trường hợp này, phần nghĩa vụ vượt quá tài sản ký quỹ sẽ trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.


 

 

ThS. LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

[1] Điều 297 BLDS năm 2015.

[2] Nguyễn Văn Cừ và các tác giả khác (2015), Bình luận Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Công an Nhân dân, 2015, tr.527.

[3] Trong BLDS năm 1995, biện pháp bảo đảm ký quỹ được quy định tại Điều 365, ký cược được quy định tại Điều 364 và phạt vi phạm được quy định từ Điều 377 đến Điều 379. Trước đây, tại Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự số 52 của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 07/5/1991 về hợp đồng dân sự, ký quỹ vẫn chưa được xem là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

[4] Lê Vũ Nam (Chủ biên), Giáo trình Pháp luật về bảo đảm nghĩa vụ, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, tr.209.

[5] Lê Vũ Nam (Chủ biên), tlđd, tr.209-210.

[6] Điều này thể hiện rõ nhất qua Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính Phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có hướng dẫn về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, các quy định hướng dẫn dường như chỉ giới hạn áp dụng trong trường hợp tài sản ký quỹ là tiền. Các tài sản khác như kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá thì vẫn chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh.

[7] Điều 4 của Luật Tổ chức Tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[8] Bản án số 580/2022/KDTM-PT ngày 20/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

[9] Bản án số 05/2018/KDTM-ST ngày 12/6/2018 của TAND quận O, thành phố C, http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta127909t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 4/10/2023.

[10] Điều 317 BLDS năm 2015.

[11] Trương Thanh Đức, Chín biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng (quy định, thực tế và thiết kế giao dịch theo Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2015), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018, tr.228.

[12] Trần Văn Nhiên, Áp dụng biện pháp bảo đảm trong hoạt động ngân hàng - một số vướng mắc và đề xuất hướng dẫn, kế thừa tại văn bản thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Kỷ yếu Tọa đàm về “Hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm” do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và Dự án JICA (Dự án hài hòa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020) tổ chức vào ngày 09/7/2019 tại TP. HCM.

[13] Điều 31. Giao tài sản cầm cố

1. Thỏa thuận về giao tài sản cầm cố quy định tại khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Dân sự có thể là việc bên cầm cố giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố giữ hoặc giao cho người thứ ba giữ. Bên nhận cầm cố có thể giữ tài sản cầm cố tại nơi có tài sản hoặc tại địa điểm do mình lựa chọn (Nghị định số 21).

[14] Có ý kiến cho rằng, với đặc thù của quan hệ, có sự xuất hiện của bên thứ ba (bên nhận ký quỹ), ký quỹ chỉ phát sinh khi nào bên ký quỹ gửi tiền hoặc kim khí quý, đá quỹ hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng nơi nhận ký quỹ thì quan hệ ký quỹ mới phát sinh. Tham khảo: Nguyễn Ngọc Điện, Đoàn Thị Phương Diệp, Lê Nguyễn Gia Thiện, Giáo trình Luật Dân sự (Tập 2 - Nghĩa vụ), Nxb. Đại học Quốc Gia TP. HCM, năm 2015, tr.138.

[15] Theo Nghị định số 21, bên đặt cọc, ký cược phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược được sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược.

[16] Tham khảo Điều 39 khoản 3 Nghị định số 21.

[17] Nguyễn Ngọc Điện, Một số suy nghĩ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ TP. HCM, 2000, tr.285-286.

[18] Bên cạnh đó, Điều 39, 40 Nghị định số 21 chỉ đề cập đến tiền ký quỹ. Trong khi đó, tài sản ký quỹ bao gồm nhiều tài sản khác lại chưa được đề cập đến phương thức xử lý.

[19] Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm không đặt ra vì tài sản bảo đảm bản thân nó đã là tiền hoặc những tài sản không phải là tiền nhưng có thể dễ dàng quy đổi thành tiền. Tham khảo Nguyễn Ngọc Điện, Đoàn Thị Phương Diệp, Lê Nguyễn Gia Thiện, tlđd, tr.139.

[20] Xem khoản 2 Điều 35 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP).

[21] Điểm c khoản 1 Điều 40 Nghị định số 21 có quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng: Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền trong phạm vi tiền ký quỹ.