Các bị cáo chỉ phạm tội cướp tài sản
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ra ngày 01/11/2017 có đăng bài viết BỊ HẠI HAY BỊ CÁO? MỘT TỘI HAY HAI TỘI? của tác giả Lê Thành Nam.
Với nội dung nêu trên, chúng tôi cho rằng: Nếu hành vi bắt giữ người, xâm phạm quyền tự do của công dân một cách trái pháp luật không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì các bị cáo sẽ phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Với các hành vi nêu trên, các bị cáo chỉ phạm tội “Cướp tài sản”. Bởi lẽ, bắt giữ người trái pháp luật được thực hiện với động cơ, mục đích và ý chí chủ quan là xâm phạm quyền tự do của công dân một cách trái pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục do tư thù, hống hách, thành tích… không nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi bắt giữ người có mục đích chiếm đoạt tài sản nếu cùng với hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực làm cho người bị bắt giữ sợ hãi phải giao tài sản là dấu hiệu đặc trưng của tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trường hợp hành vi bắt giữ có mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng cùng với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc … là dấu hiệu đặc trưng của tội “Cướp tài sản”. Bắt giữ trong trường hợp có mục đích chiếm đoạt tài sản, thì hành vi bắt giữ chỉ là phương thức thủ đoạn của kẻ phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, Toàn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 260.000.000đ sau đó bỏ trốn, Tuấn được sự ủy quyền của Giang đã tìm gặp Toàn và có hành vi giữ Toàn gây sức ép bắt Toàn phải trả tiền ngay trong ngày, hành vi giữ Toàn bắt phải trả nợ đủ mới cho về nhà diễn ra đồng thời với hành vi dùng vũ lực với Toàn… cả hai hành vi trên được thực hiện cùng một thời điểm, nên cơ quan điều tra phải xác định đây chỉ là phương thức, thủ đoạn nhằm đe dọa Toàn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội “Cướp tài sản”, được mô tả trong Điều luật “…dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”. Nếu tách riêng phương thức, thủ đoạn nêu trên để xử lý thành hai tội sẽ không đúng bản chất vụ việc, không đúng pháp luật và làm bất lợi cho người phạm tội. (Ví dụ: Bị cáo thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, sau khi lấy được tài sản bị chủ nhà phát hiện đã dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản vừa trộm cắp, bị cáo sẽ bị xử lý về tội “Cướp tài sản” ; không thể tách riêng phương thức, thủ đoạn nêu trên để xử lý thành hai tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Cướp tài sản” ).
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Giang khi nhờ Tuấn đòi giúp tiền đã yêu cầu Tuấn “không được làm gì trái pháp luật”, bị cáo Tuấn đã thừa nhận tại các bản khai, hành vi của Tuấn rủ Lợi và Trung tìm Toàn sau đó đã dùng thủ đoạn giữ người và dùng vũ lực ngay tức khắc chiếm đoạt tài sản đối với Toàn là hành vi vượt quá của người thực hành tội phạm, Nguyễn Xuân Giang sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của Tuấn, Lợi và Trung trong trường hợp không biết hoặc không có mặt tại nơi xảy ra vụ án. Trong vụ án này, Giang vì muốn nhanh chóng lấy lại tiền nên đã đến nơi xảy ra việc Tuấn, Lợi và Trung đang có hành vi cướp tài sản của Toàn; Giang không thực hiện hành vi bắt giữ hoặc dùng vũ lực đối với Toàn nhưng tại thời điểm xảy ra vụ án đã có thái độ bỏ mặc. Vì vậy, Giang phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho Tuấn, Lợi và Trung về tội “Cướp tài sản”.
Tác giả đồng tình với quan điểm của TS. Trần Thanh Phương về nội dung, trong vụ án này người bị hại Toàn đã chiếm đoạt 260.000.000đ của bị cáo Giang, bằng thủ đoạn gian dối sau đó bỏ trốn… nhưng cơ quan Điều tra chưa làm rõ để xác định hành vi của Toàn có phạm tội hay không là thiếu sót nghiêm trọng. Bởi lẽ, hành vi của Toàn là nguyên nhân dẫn đến vụ án, trường hợp xác định Toàn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sẽ làm thay đổi bản chất vụ án và tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của các bị cáo gây ra. Đây là tình tiết đặc biệt được Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, nhưng chưa được làm rõ. Theo quy định tại Điều 179 BLTTHS; điểm e, g, i khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ những chứng cứ quan trọng của vụ án để giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận