Các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới
Ngày 29/10, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) tại Hà Nội tổ chức “Hội thảo về các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới”, với sự tham gia của các chuyên gia, đại biểu đến từ nhiều cơ quan và sự tham gia trực tuyến của nhiều chuyên gia quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết số 65/229 được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 21/12/2010 về Các quy tắc của Liên Hiệp Quốc trong việc đối xử với tù nhân nữ và các biện pháp không giam giữ đối với người phạm tội là nữ (Bộ quy tắc Băng Cốc) với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia thành viên trong quá trình thực hiện Bộ quy tắc này, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo về các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới” trên tinh thần của bộ quy tắc này.
Tham gia Hội thảo tại Hà Nội có các chuyên gia và đại biểu đến từ TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và có các chuyên gia quốc tế tham gia trực tuyến từ các quốc gia như Áo, Canada, Nam Phi, Dambia, Philippin, Thái Lan…
Đại diện UNOCD Việt Nam điều hành Hội thảo
Mục đích của Hội thảo là chia sẻ những hiểu biết của UNODC về tình hình thực hiện các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới trên tinh thần Bộ quy tắc Băng Cốc tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy các biện pháp không giam giữ đối với người phạm tội là nữ và thảo luận các khuyến nghị nhằm đẩy mạnh thực hiện các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới tại Việt Nam.
Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc áp dụng các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới
Hội thảo đã nghe Báo cáo đánh giá về các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới tại Việt Nam do bà Sabrina Mahtani - chuyên gia tư vấn quốc tế của UNODC thực hiện trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021 trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu của UNODC về thách thức về trại giam, nhằm tiếp tục hỗ trợ các đối tác tư pháp hình sự Việt Nam trong lĩnh vực cải thiện hệ thống tư pháp hình sự và trại giam. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Tư pháp Thái Lan (TIJ) và dựa trên cơ sở bộ công cụ mới đây của UNODC và TIJ về các biện pháp cưỡng chế không giam giữ có trách nhiệm giới.
Báo cáo đánh giá Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc áp dụng các biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới thông qua một số cải cách tư pháp gần đây. Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính. Điều 6 Luật Bình đẳng giới năm 2006 đưa ra các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, ví dụ quyền của nam và nữ không bị phân biệt đối xử về giới bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm và hình phạt và Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội phạm. Quyền nghĩa vụ của phạm nhân được quy định trong Luật Thi hành án hình sự 2019, Luật Đặc xá và Nghị định số 90/ 2015/ NĐ-CP, theo đó mọi người không phân biệt giới tính được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và điều này được thể hiện bằng ngôn ngữ trung lập về giới tính.
Báo cáo cũng nghiên cứu về mô hình tổ chức của TAND, VKSND, các hình phạt theo pháp luật hành chính và pháp luật hình sự; các quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm án tha tù…
Hiện thiếu thông tin cập nhật về số lượng phụ nữ bị bắt, bị giam giữ, điều kiện, hoàn cảnh của họ và con đường dẫn đến họ phải chịu hình phạt tù. Tác giả báo cáo cho rằng, các thông tin và nghiên cứu như vậy có vai trò rất quan trọng nhằm giúp hiểu hơn về tình hình của phụ nữ vi phạm pháp luật, đóng góp cho việc thực thi các chính sách và có trách nhiệm giới, nâng cao nhận thức pháp luật.
Theo dữ liệu hạn chế thì số lượng phụ nữ bị giam giữ đang tăng lên theo phỏng vấn do UNODC thực hiện năm 2013, họ thường bị truy tố về tội buôn bán ma túy, tội phạm về tình dục (như là môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm, chứa chấp mại dâm, mua bán người) và các tội phạm về kinh tế.
Báo cáo ghi nhận, một số cán bộ tư pháp hình sự nhận thức được tác hại của việc giam giữ đối với phụ nữ, cũng như việc giam giữ có tác động đến phụ nữ khác với nam giới như thế nào. Một số Thẩm phán, Kiểm sát viên và cán bộ tư pháp cho rằng phụ nữ bị giam giữ có xu hướng dễ bị li hôn và họ phải hứng chịu sự kỳ thị nhiều hơn khi được trả tự do so với nam giới.
Về các trại giam, cũng giống như nhiều nước, cơ sở hạ tầng và công tác quản lý trại giam ở Việt Nam không nhằm mục đích để phục vụ việc giam giữ phạm nhân nữ, không có trại giam nào chỉ toàn có nữ ở Việt Nam và hiện không rõ có bao nhiêu phân trại nữ trong các trại giam cho cả nam và nữ ở Việt Nam. Kết quả là nhu cầu của những người bị giam giữ là nữ có thể không được chú trọng. Hơn nữa phần lớn các cán bộ làm trong cơ quan Tư pháp hình sự là nam và điều này có thể dẫn đến những phức tạp có liên quan đến giới trong xử lý các vụ án mà người phạm tội là nữ.
Thẩm phán TANDTC Lương Ngọc Trâm chia sẻ quan điểm khi thảo luận tại Hội thảo
Báo cáo ghi nhận một điều tích cực là các cán bộ tư pháp hình sự của Việt Nam rất cởi mở đối với việc xem xét áp dụng các biện pháp không giam giữ và họ quan tâm đến các thực tiễn tốt trên thế giới. Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã cho phép áp dụng nhiều hơn các biện pháp thay thế hình phạt tù.
Các biện pháp không giam giữ chính gồm: Bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, xử lý chuyển hướng, phạt tiền, tạm hoãn thi hành án, trả tự do có điều kiện và án treo.
Gần đây Bộ Tư pháp đã tiến hành một nghiên cứu về chi phí và lợi ích của việc áp dụng thi hành các biện pháp cải tạo không giam giữ để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách pháp luật. Hiện có rất ít các quy định mang tính có trách nhiệm giới, loại trừ một số các biện pháp liên quan đến phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Do đó, cần có nhiều hơn các hướng dẫn cụ thể và sửa đổi các luật theo hướng có trách nhiệm với vấn đề giới.
Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam. Trước hết là khuyến nghị cân nhắc áp dụng biện pháp trả tự do trước thời hạn nhằm giảm tình trạng quá tải và cũng là biện pháp phòng ngừa COVID-19.
Chính phủ đầu tư thêm về nghiên cứu và công tác thông tin, dữ liệu; rà soát chính sách, pháp luật để sửa đổi phù hợp với Bộ quy tắc Băng Cốc và các tiêu chuẩn quốc tế, thực tiễn tốt trên thế giới; tăng số lượng phụ nữ làm việc trong ngành tư pháp; tăng cường trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.
Báo cáo cũng khuyến nghị về can thiệp tại cộng đồng, tăng cường hòa giải; biện pháp thay thế tạm giam trước khi xét xử; đóng cửa các trung tâm cai nghiện bắt buộc, thay vào đó là các chương trình điều trị rối loạn sử dụng ma túy tự nguyện; nghiên cứu, tập huấn cho cán bộ tư pháp về phụ nữ nước ngoài vi phạm pháp luật, nạn nhân của nạn buôn người…
Kinh nghiệm quốc tế
Hội thảo đã nghe các chuyên gia từ nhiều quốc gia chia sẻ về kinh nghiệm trong một số quốc gia áp dụng các biện pháp không giam giữ đối với phụ nữ.
Các chuyên gia và các đại biểu qua trao đổi đều thống nhất rằng giam giữ là biện pháp rất tốn kém cho ngân sách nhà nước. Ở Anh, chi phí giam giữ cho một phụ nữ mỗi năm là 52.000 bảng Anh. Phụ nữ bị giam giữ có tác động rất tiêu cực đến con cái, gia đình của họ và họ gặp nhiều khó khăn để tái hòa nhập cộng đồng sau khi hết thời hạn. Khi giải quyết một vụ án mà người phạm tội là phụ nữ thì phải quan tâm đến hoàn cảnh của họ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội; khi áp dụng các chế tài xử phạt phải quan tâm và mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em, con cái của họ.
Các chuyên gia đã cung cấp nhiều thông tin về vấn đề Hội thảo quan tâm ở một số quốc gia trên thế giới mà khác biệt so với Việt Nam.
Ở Ác mê ni a, tình tiết giảm nhẹ đối với nữ là đang chăm sóc trẻ em dưới 14 tuổi hoặc đang mang thai. Ở Úc, không áp dụng hình phạt tiền đối với phụ nữ nghèo. Ở Nam Phi, một người mẹ là người chăm sóc duy nhất 3 con ở tuổi chưa thành niên được hưởng án treo.
Angieri từ năm 2005 quy định có thể tạm hoãn thi hành bản án phạt tù nếu người bị kết án có con ở tuổi chưa thành niên và chồng/ vợ của họ cũng đang bị giam giữ. Bản án cũng được tạm hoãn với phụ nữ mang thai hay nuôi con dưới 24 tháng tuổi.
Liên bang Nga quy định có thể tạm hoãn thi hành bản án phạt tù và sau đó có thể giảm án hoặc hủy bỏ bản án đối với phụ nữ có thai hoặc có con dưới 14 tuổi.
Trong khi đó tại Việt Nam, có thể hoãn chấp hành hình phạt tù với phụ nữ có thai; đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; là lao động duy nhất trong gia đình. Thời hạn hoãn là 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ở Achentina, phụ nữ có con dưới 5 tuổi hoặc có trách nhiệm chăm sóc người khuyết tật được chấp hành án tại gia đình theo lệnh quản thúc tại gia. Ở bang Texas, Hoa Kỳ, người bị phạt tù giam có thể được chuyển sang quản thúc tại gia nếu mức án dưới 10 năm. Họ bị quản chế bằng định vị và và bắt buộc đọc sách.
Các nhóm thảo luận sôi nổi
Ở Hoa Kỳ có Nhà công lý (Justice Home) là chương trình thay thế giam giữ có trụ sở ở New York. Thay vì thi hành án trong tù, một số phụ nữ có thể chọn nhà mình, được hỗ trợ bởi nhân viên phụ trách để tiếp cận các dịch vụ cai nghiên ma túy, điều trị tâm thần, chăm sóc sức khỏe, các lớp về kỹ năng sống và nuôi dạy con cái… Ngoài việc giảm đáng kể chi phí so với giam giữ, chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ tái phạm rõ rệt.
Ở Baranh, Luật tố tụng và hình phạt thay thế năm 2007, cho phép các Tòa án đưa ra các hình phạt khác ngoài hình phạt tù như lao động công ích, nộp tiền khắc phục thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Tương tự như vậy, Nam Phi quy định người bị kết án dưới 24 tháng sẽ tham gia lao động công ích thay cho việc thi hành án trong trại giam nhằm giảm tình trạng quá tải trong các trại giam và hỗ trợ quá trình cải tạo phục hồi.
Thảo luận về thực tế Việt Nam
Các nhóm thảo luận đều có quan điểm rằng, pháp luật Việt Nam hiện đã có nhiều tiến bộ so với trước đây, do đó các cơ quan tư pháp thực hiện thật đầy đủ những quy định hiện có, với quan điểm quan tâm đến giới, đến phụ nữ phạm tội theo tinh thần Bộ quy tắc Băng Cốc … là điều đáng quan tâm.
Việt Nam có thể tiếp thu những kinh nghiệm mà các quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện để biện pháp không giam giữ có trách nhiệm giới có hiệu quả hơn.
Đó là nhân lực ở các cơ quan tư pháp như Điều tra viên; Kiếm sát viên, Thẩm phán nên có những người chuyên trách về đối tượng người bị điều tra, truy tố, xét xử là phụ nữ.
Các Tòa án có thể có có các phòng xét xử thân thiện hơn đối với các bị cáo nữ.
Với tình tiết giảm nhẹ là nuôi con dưới 36 tháng tuổi, có ý kiến đề nghị là con dưới 5 tuổi. Với án treo mà người bị kết án là phụ nữ, có thể nâng mức án từ 3 năm trở xuống đến 5 năm trở xuống thì có thể được hưởng án treo.
**
Những quy tắc của Liên Hiệp Quốc trong việc đối xử đối với tù nhân nữ và các biện pháp không giam giữ đối với nữ tội phạm (Nguyên tắc Bangkok/ Băng Cốc) gồm 70 quy tắc.
Ví dụ Quy tắc số 2:
1. Phải chú ý một cách thích hợp đến quy trình tiếp nhận phạm nhân đối với phụ nữ và trẻ em, do hai đối tượng này đặc biệt dễ tổn thương trong giai đoạn đó. Những tù nhân nữ mới vào tù phải được cung cấp các phương tiện để liên lạc với người thân, được tư vấn pháp luật, thông tin về các quy tắc và quy định nhà tù, cũng như chế độ nhà tù và nơi tìm đến khi cần giúp đỡ, với ngôn ngữ giao tiếp mà tù nhân có thể hiểu được; và, trong trường hợp là công dân nước ngoài thì phải được liên lạc với đại diện lãnh sự của họ.
2. Trước hoặc trong khi làm thủ tục tiếp nhận giam giữ, phụ nữ có trách nhiệm chăm sóc con cái phải được cho phép thu xếp cho những đứa trẻ đó, bao gồm cả khả năng hoãn thi hành án phạt tù, trong khi thực hiện các điều này cần xem xét đến lợi ích tối ưu của trẻ em.
Hay Quy tắc số 4: Tù nhân nữ, trong khả năng có thể, phải được chỉ định đến các nhà tù gần với nơi ở của họ hoặc các trung tâm phục hồi nhân phẩm, trong đó cần phải tính đến trách nhiệm chăm sóc con cái của họ, cũng như đặc điểm ưu tiên của từng cá nhân phụ nữ và các chương trình và dịch vụ phù hợp có sẳn.
Quy tắc số 5: Nơi ở của tù nhân nữ phải có cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu vệ sinh đặc thù của phụ nữ, bao gồm cả khăn sạch miễn phí và cung cấp nước thường xuyên, đảm bảo luôn sẳn sàng cho việc chăm sóc cá nhân của trẻ em và người mẹ, đặc biệt đối với các tù nhân nữ làm việc liên quan đến nấu ăn và những tù nhân nữ đang có thai, hoặc đang cho con bú, hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận