Các biện pháp tư pháp trong luật hình sự và những vướng mắc, bất cập
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, biện pháp tư pháp không phải là hình phạt, nó là biện pháp cưỡng chế do Bộ luật Hình sự quy định, được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội hoặc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mất năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, nhằm mục đích hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt. Biện pháp tư pháp có tính ít nghiêm khắc hơn hình phạt.
Quy định của pháp luật về các biện pháp tư pháp
Theo quy định tại Điều 46 BLHS, các biện pháp tư pháp bao gồm:
“1. Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Bắt buộc chữa bệnh.
2. Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:
a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu;
d) Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra”.
Biện pháp tư pháp được phân chia thành hai nhóm: biện pháp tư pháp đối với người phạm tội và biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bên cạnh các biện pháp tư pháp này, Bộ luật Hình sự còn quy định biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 96. Việc quy định và áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm mục đích giáo dục hoặc để loại bỏ điều kiện phạm tội, ngăn ngừa hành vi nguy hiểm cho xã hội. Các biện pháp tư pháp không được quy định cho từng loại tội phạm cụ thể như hình phạt mà nó có thể được áp dụng đồng bộ với hình phạt hoặc áp dụng cùng hình phạt bổ sung, nhưng cũng có thể áp dụng độc lập, không phụ thuộc vào hình phạt. Người hoặc pháp nhân bị kết án có thể phải chịu một hoặc nhiều các biện pháp tư pháp khác nhau nhưng phải theo đúng thủ tục, trình tự được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ý nghĩa của việc quy định các biện pháp tư pháp trong luật hình sự
Thứ nhất, biện pháp tư pháp được áp dụng đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội có khả năng tác động hỗ trợ cho hình phạt và trong nhiều trường hợp còn có thể thay thế hình phạt để giáo dục, cải tạo người, pháp nhân thương mại phạm tội và phòng ngừa tội phạm;
Thứ hai, đối với những trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, hoặc người trước khi bị kết án hoặc trong khi chấp hành hình phạt mà mất năng lực đó do mắc bệnh thì việc áp dụng biện pháp tư pháp như bắt buộc chữa bệnh có vai trò điều trị cho người bị áp dụng, tạo điều kiện cho việc tái hòa nhập xã hội của họ. Như vậy, biện pháp tư pháp không chỉ mang tính nhân đạo mà còn là biện pháp phòng ngừa hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Thứ ba, việc quy định song song hai hệ thống biện pháp cưỡng chế hình sự (hình phạt và biện pháp tư pháp) trong luật hình sự Việt Nam còn thể hiện sự cưỡng chế của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách triệt để, qua đó chỉ rõ, hình phạt không phải là phương tiện duy nhất trong phòng, chống tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải biết vận dụng, áp dụng đồng bộ cả hai biện pháp này thì khả năng phòng ngừa tội phạm mới có hiệu quả.
Vướng mắc trong thực hiện biện pháp tư pháp và kiến nghị hướng dẫn
Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
Tịch thu vật, tiền liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, mục đích sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy.
Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự thì những đối tượng bị tịch thu bao gồm:
- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội: những đối tượng này mang tính chất là vật chứng của vụ án, mang dấu vết tội phạm như vũ khí, hung khí được sử dụng để thực hiện tội xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác, là xe máy, ô tô sử dụng để mua bán trái phép chất ma túy… Đối với các vật chứng này, việc tịch thu có thể để sung ngân sách nhà nước nếu là tiền, tài sản hoặc để tiêu hủy nếu không có giá trị hoặc không sử dụng được.
- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội: như vật hoặc tiền do phạm tội nhận hối lộ mà có; hoặc nhà, xe ô tô được mua từ tiền nhận hối lộ hoặc khoản thu lợi bất chính từ việc phạm một số tội trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại...
Về vấn đề này còn có một số bất cập như đối với các tội có tính chiếm đoạt, nếu bị hại không yêu cầu trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại thì có tịch thu tài sản này không. Tại Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trao đổi nghiệp vụ theo hướng không tịch thu với lý do: theo Điều 194 Bộ luật Dân sự thì chủ sở hữu có quyền, tặng cho hay từ bỏ quyền sở hữu, do đó “trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án”. Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề này nếu cho phép người phạm tội được hưởng lợi từ việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản thì vô tình “khuyến khích” người phạm tội, làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; nếu không tịch thu tài sản này sẽ làm giảm tính nghiêm khắc, răn đe của pháp luật hình sự, gây bất lợi cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, trong trường hợp này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tịch thu sung ngân sách của Nhà nước đối với tài sản nêu trên.
- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành là những vật thuộc hàng cấm kinh doanh, tàng trữ như chất nổ, chất cháy, chất độc, các chất ma túy…
Đối với vật, tiền nêu trên mà bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không bị tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Đối với trường hợp vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu, quy định này dễ dẫn đến việc xác định lỗi của của chủ tài sản không chính xác, ảnh hưởng tới việc xác định trách nhiệm hình sự của chủ tài sản.
Quy định của Điều luật này còn chung chung, không quy định rõ lỗi của chủ tài sản trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản của mình vào việc thực hiện tội phạm. Trong trường hợp này cần phải phân biệt: nếu chủ tài sản cố ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình vào việc thực hiện tội phạm thì vật, tiền đó phải bị tịch thu và người chủ tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm là người giúp sức. Nếu chủ tài sản chỉ có lỗi vô ý để người phạm tội sử dụng vật, tiền của mình vào việc thực hiện tội phạm thì việc tịch thu vật, tiền đó thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, tùy thuộc vào mức độ lỗi của người có tài sản và tính chất nguy hiểm của tội phạm do người phạm tội gây ra. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy, trường hợp phạm tội do vô ý thì có áp dụng tịch thu hay không vẫn là câu hỏi còn nhiều tranh cãi.
Biện pháp tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
Tại Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định: 1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại”.
Như vậy, nghĩa vụ của người phạm tội là trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp (tài sản này không thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng, lưu hành); sửa chữa tài sản trong trường hợp làm hư hỏng hoặc bồi thường thiệt hại vật chất trong trường hợp tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại đến mức không thể sửa chữa được… Nếu thiệt hại gây ra là thiệt hại về sức khỏe thì người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Tuy nhiên, việc các cơ quan tiến hành tố tụng buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần là rất khó xác định, mặc dù đã có các quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do sức khỏe; do tính mạng; do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (các điều 590, 591 và 592). Đối với trường hợp các bên không thỏa thuận được việc bồi thường thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì mức bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người là không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 590); thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm thì mức bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người là không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 591) và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì mức bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cho một người là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (Điều 592). Những quy định này chỉ quy định mức tối đa nên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng mức bồi thường cũng khác nhau, không thống nhất.
Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh
Bắt buộc chữa bệnh là một biện pháp buộc người phạm tội phải chữa bệnh trong một cơ sở điều trị chuyên khoa do Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định (tùy vào từng giai đoạn tố tụng hình sự) căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có mục đích phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, có hành vi gây thiệt hại cho xã hội, còn thể hiện tính nhân đạo trong luật hình sự.
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự, bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp này, sau khi điều trị, nếu khỏi bệnh thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của họ không cấu thành tội phạm.
- Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định chung. Điều này tùy thuộc vào thời gian chữa bệnh cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà họ đã thực hiện.
- Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, biện pháp bắt buộc chữa bệnh có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo và người đang chấp hành hình phạt tù trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự, do Viện kiểm sát hoặc Tòa án tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm lại không có quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành trưng cầu giám định tâm thần hoặc giám định pháp y nếu có nghi ngờ người bị tố giác không có năng lực trách nhiệm hình sự. Trường hợp, kết quả giám định là người đó đã mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không có căn cứ pháp lý nào để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đó, nên cần phải có quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn này.
Tóm lại, việc quy định các biện pháp tư pháp song song với hệ thống hình phạt (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) làm cho chế tài luật hình sự cân đối hơn, hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp tư pháp trong pháp luật hình sự cũng còn vướng mắc, bất cập như đã nêu trên nên cần phải có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận