Cam kết xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về công tác phối hợp, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân năm 2020. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì cuộc họp, với sự tham dự của đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử trong 3 tháng

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ, cam kết thực hiện xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân theo tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TW và các văn bản quy định có liên quan, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với cơ sở mã số BHXH, phục vụ cho mục đích chuyên môn của cơ sở y tế cũng như trong quản lý chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của cơ quan BHXH…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hai ngành đã thống nhất, cơ sở dữ liệu (CSDL) hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được thực hiện tập trung và do BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm lưu trữ, đảm bảo an toàn an ninh mạng, cũng như tập trung CSDL tại Trung ương. Hai bên cũng cam kết thực hiện xây dựng CSDL hồ sơ sức khỏe điện tử trong vòng 3 tháng.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế rà soát các quy định pháp luật có liên quan, chi phí cần thiết cho hoạt động xây dựng, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử để báo cáo với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, Bộ Y tế có trách nhiệm sửa đổi lại kế hoạch, ban hành quy chế khai thác, bảo mật, sử dụng các dữ liệu này; có quy định rõ ràng, gắn trách nhiệm đối với người sử dụng, đó là các cơ sở y tế, BHXH các địa phương cũng như cá nhân bác sĩ…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, sửa đổi các mẫu hồ sơ, về cơ bản là sử dụng lại các mẫu bệnh án mà Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) đã ban hành. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc cập nhật danh sách, số lượng các phòng khám, các chuyên khoa khám bệnh, các bác sĩ tham gia KCB trong toàn tuyến… để phục vụ cho việc KCB BHYT cũng như quản lý hồ sơ sức khỏe. Ngoài ra, còn ban hành quy định, yêu cầu các cơ sở KCB phải sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để phục vụ cho mục đích quản lý sức khỏe và thanh toán BHYT.

Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành đào tạo, tập huấn về hồ sơ sức khỏe điện tử cho 63 Sở Y tế trên cả nước. Sau khi hoàn thành tập huấn, các cán bộ của Sở Y tế sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ y tế xã, phường và các bệnh viện trên địa bàn. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng chủ động triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm tới cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Các bước triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm: Nâng cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe cho các tỉnh; cài đặt phần mềm hồ sơ sức khỏe cho các cơ sở y tế; đào tạo, tập huấn cho các cán bộ y tế sử dụng phần mềm; tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn từ thông tin sức khỏe của người dân tại cơ sở KCB hoặc từ thông tin trực tiếp của người dân; tổ chức cập nhật thông tin trên phần mềm hồ sơ sức khỏe tại các cơ sở KCB; khai thác thông tin sức khỏe trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; đồng bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trên địa bàn tỉnh về Trung tâm Dữ liệu Y tế quốc gia; duy trì hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) bảo đảm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử vận hành thông suốt 24/7.

Phối hợp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả nhiệm vụ đề ra

Đối với BHXH Việt Nam, sẽ cung cấp CSDL về số lượng người, số lượng thẻ BHYT để cập nhật thông tin, liên thông dữ liệu và kết nối với Bộ Y tế. Phối hợp với Cục CNTT – Bộ Y tế, xây dựng, chỉnh sửa phần mềm, yêu cầu BHXH các địa phương triển khai thực hiện, mở rộng tài nguyên để lưu trữ dữ liệu…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với các nội dung triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử được Bộ Y tế đề xuất; đồng thời cam kết phối hợp cùng với Bộ Y tế trong việc tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng, hai bên cần thành lập nhóm kỹ thuật, đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với từng nhóm vấn đề, để từ đó có phương án xử lý phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất, như: Hạ tầng cơ sở, quản lý dữ liệu; xây dựng, ban hành quy chế, quy định đối với các cơ sở KCB trong việc liên thông, cung cấp dữ liệu…

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Trần Quý Tường- Cục trưởng Cục CNTT cho biết, vào tháng 6/2018, Cục CNTT đã khởi động việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử và tổ chức nghiệm thu phần mềm vào tháng 12/2018. Sau đó, ngày 01/11/2019, Bộ Y tế đã họp Hội đồng thẩm định để thẩm định đối với phần mềm này. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Cục CNTT đã họp với các DN phần mềm để triển khai tại 8 tỉnh, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Phú Yên, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Lâm Đồng, Phú Thọ.

Hiện nay, 100% tỉnh, thành phố đều nhận thức được ý nghĩa và sự cần thiết của việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo báo cáo chưa đầy đủ, có khoảng 50% số tỉnh, thành đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử ở các quy mô khác nhau, từ mô hình thí điểm ở một vài xã đến triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, cần xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống thông tin y tế liên quan; xây dựng quy chế sử dụng, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin hệ thống; thực hiện quy định về lập, cập nhật, khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng cơ chế tài chính để duy trì, vận hành hệ thống./.

TUỆ LÂM