Cần hướng dẫn thực hiện quy định Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Thực tiễn xét xử có trường hợp sau khi Tòa án đã hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà vụ án lại xuất hiện tình tiết mới hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định, kết luận định giá tài sản thì Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung hay Tòa án tự tiến hành yêu cầu giám định bổ sung… là một trong những vấn đề hiện còn nhiều vướng mắc về quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án.
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm là việc Tòa án cấp sơ thẩm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) ra quyết định trả lại hồ sơ vụ án hình sự cho Viện kiểm sát (VKS) đã ra quyết định truy tố để điều tra bổ sung nhằm khắc phục những thiếu sót hoặc sai sót trong quá trình điều tra, truy tố nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đúng các quy định của pháp luật.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm tại điểm b khoản 2 Điều 45; khoản 2 Điều 174; Điều 246; điểm b khoản 1 Điều 277 và Điều 280. Về số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, BLTTHS năm 2015 quy định: “Thẩm phán chủ tọa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử (HĐXX) chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần”.
Những vướng mắc khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Thứ nhất, khoản 2 Điều 174 BLTTHS năm 2015 quy định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và HĐXX chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần”. Theo quy định trên, quá trình giải quyết vụ án, trong thời hạn chuẩn bị xét xử Thẩm phán chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và tại phiên tòa HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Quy định này nhằm hạn chế việc lạm dụng trả hồ sơ điều tra bổ sung để kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Đồng thời, buộc Thẩm phán phải nêu cao tinh thần trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án, phát hiện các vấn đề cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần. Trên thực tế có những trường hợp sau khi Thẩm phán, HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì vụ án lại xuất hiện những tình tiết mới, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trường hợp này phải giải quyết như thế nào khi Tòa án đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, vấn đề này cần được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, theo khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017): “Trường hợp phải tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trong quyết định nêu rõ những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước chưa được điều tra bổ sung hoặc đã điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra bổ sung”. Hiện nay, còn có các ý kiến khác nhau về cách hiểu nội dung này:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, VKS chấp nhận điều tra bổ sung tất cả các yêu cầu của Tòa án nhưng còn sót vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án hoặc có điều tra bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra bổ sung thì sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, trong thời hạn 15 ngày Thẩm phán được quyền tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (lần 2 trong thời hạn chuẩn bị xét xử) và nêu rõ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung như hướng dẫn.
Ý kiến thứ hai cho rằng, trường hợp này, Thẩm phán không được trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, HĐXX tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và nêu rõ những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017.
Theo tác giả, BLTTHS năm 2015 quy định Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa được trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần và HĐXX được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Tuy nhiên, trường hợp VKS chấp nhận yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án nhưng kết quả điều tra bổ sung còn sót những vấn đề Tòa án yêu cầu hoặc có điều tra bổ sung nhưng không đạt yêu cầu hoặc từ kết quả điều tra bổ sung làm phát sinh vấn đề mới cần điều tra bổ sung thì sau khi nhận lại hồ sơ vụ án, Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung lần trước và nêu rõ lý do như hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2017. Bởi lẽ, trong trường hợp này Thẩm phán chủ tọa tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung những vấn đề VKS đã chấp nhận nhưng điều tra bổ sung còn thiếu sót, chưa đạt yêu cầu, hoặc do điều tra bổ sung làm phát sinh các vấn đề mới cần VKS điều tra lại đầy đủ theo yêu cầu. Trường hợp nếu VKS điều tra đầy đủ, đúng yêu cầu và kết quả điều tra không làm phát sinh vấn đề gì mới, sau khi nhận lại hồ sơ vụ án Thẩm phán phát hiện còn có vấn đề cần điều tra bổ sung nhưng quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần trước chưa yêu cầu thì Thẩm phán không được trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, trường hợp này HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thứ ba, BLTTHS năm 2015 không quy định các trường hợp HĐXX phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017, các trường hợp Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng là các trường hợp HĐXX trả hồ sơ yêu cầu VKS điều tra bổ sung. Vấn đề đặt ra là HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung tại phiên tòa vào thời điểm nào? Có hai ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng không phát hiện ra các vấn đề cần điều tra bổ sung hoặc tại phiên tòa xuất hiện các vấn đề mới mà tài liệu trong hồ sơ vụ án không phản ánh nên Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ không phát hiện. Nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 thì HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ý kiến thứ hai: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán phát hiện những vấn đề trong vụ án chưa được làm rõ nhưng không trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng tại phiên tòa sẽ làm rõ hoặc bổ sung chứng cứ được, nhưng thực tế tại phiên tòa không bổ sung, làm rõ chứng cứ được thì HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Theo tác giả, nếu tại phiên tòa, HĐXX thấy có những vấn đề thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 mà trước đó Thẩm phán chưa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì HĐXX trả hồ sơ để yêu cầu VKS điều tra bổ sung. Còn những vấn đề trước đó Thẩm phán đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung nhưng VKS có văn bản trả lời là không có căn cứ thì HĐXX không được tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Thứ tư, khoản 3 Điều 280 BLTTHS năm 2015 quy định: Trường hợp VKS không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án. Quy định trên được hiểu là Tòa án trả hồ sơ cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung, VKS thấy yêu cầu của Tòa án là có căn cứ và tiến hành điều tra bổ sung nhưng không bổ sung được nên vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án. Nếu những vấn đề Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung là những căn cứ để kết luận bị cáo phạm tội, VKS không điều tra bổ sung (cho rằng không có căn cứ) và giữ nguyên quyết định truy tố, trường hợp này giải quyết như thế nào? Hiện có hai ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất: Nếu tại phiên tòa đã làm rõ những vấn đề Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung là có căn cứ thì theo khoản 1 Điều 280 và điểm c khoản 6 Điều 326 BLTTHS năm 2015, HĐXX ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả: Nếu tại phiên tòa đã làm rõ những vấn đề Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung là có căn cứ, HĐXX căn cứ quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 để giải quyết vụ án. Nếu không đủ căn cứ kết luận bị cáo phạm tội thì HĐXX tuyên bố bị cáo không phạm tội. Sau đó, kiến nghị lên Tòa án cấp trên. Nếu trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung theo điểm b, c khoản 1 Điều 280 BLTTHS năm 2015 thì HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015 xét xử và nhận định trong bản án.
Thứ năm, trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định, kết luận định giá tài sản, cần giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản thì Tòa án phải trả hồ sơ để yêu cầu VKS điều tra bổ sung hay Tòa án tiến hành yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại, yêu cầu định giá lại tài sản. Về vấn đề này hiện còn có các ý kiến chưa thống nhất.
Ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc giám định, định giá tài sản đã tiến hành đúng theo trình tự thủ tục; kết quả giám định, định giá tài sản là đúng và khách quan, đầy đủ; hơn nữa, Tòa án có thẩm quyền trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản theo khoản 5 Điều 252 BLTTHS năm 2015 nên VKS không tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án.
Ý kiến thứ hai, cũng là ý kiến của tác giả: Theo khoản 1 Điều 210; khoản 1 Điều 211; khoản 1 Điều 218 BLTTHS năm 2015, các chứng cứ trên là cơ sở để VKS chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, phạm tội ở khoản nào của điều luật, nhưng những chứng cứ quan trọng đó không thể bổ sung tại phiên tòa. Vì vậy, việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong trường hợp này là đúng quy định.
Một số kiến nghị
Qua nghiên cứu chế định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm, tác giả có một số kiến nghị như sau:
Một là, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể khi nào HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; cần quy định rõ: “Viện kiểm sát phải trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản” hoặc quy định: “Tòa án trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản nếu có nghi ngờ kết quả giám định, định giá tài sản”.
Hai là, trong trường hợp có đồng phạm khác nhưng VKS không truy tố, Tòa án đã yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng VKS giữ nguyên quyết định truy tố; Tòa án đưa vụ án ra xét xử, như vậy có bỏ lọt tội phạm không? Trách nhiệm, biện pháp khắc phục của Tòa án trong trường hợp này cần được quy định cụ thể.
Ba là, cần có quy định và xem xét xử lý trách nhiệm đối với những người tiến hành tố tụng khi để xảy ra việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ./.
Theo kiemsat.vn
TAND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xét xử vụ nhóm giang hồ vây xe chở công an gây xôn xao dư luận - Ảnh: Đan Nguyên/ SGGPO
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận