Cần xác định lại mục đích của D khi thực hiện hành vi gây thương tích cho bà L
Sau khi nghiên cứu bài viết “Định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của Lê Hoàng D” của tác giả Văn Linh, đăng ngày 07/01/2025, tôi cho rằng để xác định Lê Hoàng D có phạm tội cướp tài sản hay không cần xác định được ý thức chủ quan và mục đích của D khi thực hiện hành vi đâm bà L.
Trong thực tiễn có rất nhiều trường hợp ban đầu người phạm tội không có ý định dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với chủ tài sản hoặc người khác mà chỉ thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản khác như trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản,… Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện hoặc chưa bị phát hiện nhưng tưởng rằng đã bị phát hiện nên đã dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, đối với trường hợp này có hai xu hướng thực hiện hành vi: Thứ nhất là dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản; thứ hai là dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chỉ nhằm tẩu thoát mà không nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản. Theo hướng dẫn tại mục 6 Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu, khi áp đụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” cần chú ý:
“6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.
Như vậy, theo hướng dẫn trên thì phải xác định được mục đích của việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc của người phạm tội là gì. Nếu chưa chiếm đoạt được hoặc đã chiếm đoạt được tài sản mà bị phát hiện và đuổi bắt mà có hành vi dùng vũ lực nhằm tẩu thoát thì chỉ phạm tội tương ứng nếu có với tình tiết định khung “hành hung để tẩu thoát”. Nếu trường hợp chưa chiếm đoạt được hoặc đã chiếm đoạt được tài sản mà bị phát hiện và đuổi bắt mà người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thủ đoạn khác làm cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt được tài sản thì trường hợp này đã chuyển hóa thành tội cướp tài sản. Trong vụ án mà tác giả đưa ra chỉ đề cập đến việc sau khi D đã lấy được tiền và bỏ vào túi quần nhưng nghe thấy tiếng động phát ra từ giường nơi bà L đang nằm, tưởng rằng bà L tỉnh dậy phát hiện và sẽ la lên nên D rút dao ra đâm nhiều nhát vào người bà L. Bà L bị đâm bất ngờ nên cố vùng vẫy, rơi từ trên giường xuống đất, D tiếp tục đâm thêm 01 cái nữa và bỏ chạy mà chưa xác định được ý định và mục đích của D khi đâm bà L là nhằm tẩu thoát hay nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản. Nếu D chỉ nhằm tẩu thoát thì không phạm tội cướp tài sản do số tiền chưa đủ cấu thành tội trộm cắp tài sản, nếu D đâm bà L nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản, lo sợ bà L kêu lên và giữ lại tài sản thì hành vi của D đã cấu thành tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 BLHS 2015.
Tòa án Quân sự QK 9 xét xử vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” - Ảnh: Trần Tuân.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận