Chính sách hình sự đặc biệt – thuật ngữ chưa có trong các văn bản tố tụng

Theo kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 90% cổ phần AVG, có 12 bị can được đề nghị cho áp dụng chính sách hình sự đặc biệt. Thuật ngữ mới “chính sách hình sự đặc biệt” gây sự quan tâm chú ý của dư luận. Thực chất, “chính sách hình sự đặc biệt” có ý nghĩa như thế nào?

“Chính sách ưu việt”

Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, đưa hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan được khởi tố vào tháng 7/2018. Sau 13 tháng điều tra, kết luận điều tra xác định, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son là chủ mưu, chỉ đạo quyết liệt nhân viên dưới quyền làm trái quy định pháp luật để MobiFone mua bằng được 95% cổ phần của AVG, khiến Nhà nước thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng.

Theo kết luận, sau khi hợp đồng được thực hiện, Phạm Nhật Vũ , Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã đưa hối lộ 3 triệu USD cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son; 2,5 triệu USD cho Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà; 500.000 USD cho Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và 200.000 USD cho Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Hành vi của bị can Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về tội “đưa hối lộ” theo khoản 4 Điều 364 BLHS 2015 (với khung hình phạt 12-20 năm tù).

Hành vi của các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đều bị đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ” theo khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015 (với khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt” phù hợp khi truy tố, xét xử đối với Phạm Nhật Vũ vì cho rằng bị can thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác để làm rõ vụ án, chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận gần 8.900 tỉ đồng (tính cả lãi và các chi phí khác), góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Bị can Trương Minh Tuấn cũng được ghi nhận đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác và đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi truy tố, xét xử.

Có 12 bị can được đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt”, trong đó không có bị can Nguyễn Bắc Son. Ông Son nhận số tiền hối lộ 3 triệu USD, tương đương trên 65 tỉ đồng, nhưng xin khắc phục hậu quả 500 triệu đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, chính sách khoan hồng của pháp luật là rất rõ ràng, cụ thể, ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi phạm tội đối với cơ quan điều tra, cũng như khắc phục hậu quả tốt. “Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực, khắc phục các hậu quả đã xảy ra” – Thiếu tướng Ngọc nói trong buổi họp báo Chính phủ ngày 4/9.

“Không có vùng cấm”

Sau buổi họp báo, thông tin về đề nghị “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt” đối với 12 bị cáo đã khiến dư luận quan tâm, nhiều chuyên gia pháp lý đã bình luận về đề nghị này.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (TAND tp Hà Nội) cho rằng, luật hình sự hiện nay không có khái niệm “chính sách hình sự đặc biệt”. Khi lượng hình, nếu nhận thấy có đủ cơ sở kết tội bị cáo, HĐXX sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định cụ thể trong luật để đưa ra phán quyết về mức hình phạt.

Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho rằng, thời điểm mà AVG và MobiFone ký kết hợp đồng chuyển nhượng đã cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 220 BLHS. Việc hủy hợp đồng và trả lại tiền cho MobiFone nhằm khắc phục hậu quả cũng không phải là căn cứ theo quy định của BLHS để không bị xử lý vì tội phạm đã hoàn thành. Đây là tình tiết chỉ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng nhận xét: Chính sách hình sự là những tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có chính sách hình sự đặc biệt cho từng người.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) bình luận, theo Điều 54 BLHS, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS, đối với ông Vũ. Nói cách khác, thay vì đối diện với mức án lên đến 20 năm tù (khoản 4 Điều 364 BLHS) như đã bị khởi tố thì ông Vũ sẽ chịu mức phạt tối đa là 12 năm tù (khoản 3 Điều 364 BLHS) nếu đề nghị của CQĐT được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.

Ông Vũ Quốc Hùng – Ảnh : GDVN

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tỏ ra không đồng tình với chính sách hình sự đặc biệt. Ông cho rằng mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là thu hồi được tiền Nhà nước bị thất thoát. Cùng với đó là lên án, xử lý nghiêm người vi phạm và phải xử lý không có vùng cấm.

“Cũng chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ”

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC nói: BLHS hiện hành không có quy định nào về “chính sách hình sự đặc biệt”, mà chỉ có chính sách khoan hồng. Theo đó, trong các vụ án án tham nhũng, nếu người phạm tội đã khắc phục hoàn toàn hậu quả, thành khẩn khai báo thì được hưởng chính sách khoan hồng trong khuôn khổ pháp luật. Việc dùng từ “chính sách hình sự đặc biệt” trong vụ việc Mobifone mua AVG, cho vài trường hợp có liên quan là không ổn, dễ gây hiểu nhầm chỉ được áp dụng cho Phạm Nhật Vũ và ông Trương Minh Tuấn… Đây là điều cần rút kinh nghiệm, bảo đảm sử dùng từ ngữ một cách chính xác, đúng thuật ngữ pháp luật.

Ngoài ra, qua vụ việc này các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng. Điều quan trọng là làm sao phải quản lý được dòng tiền, quản lý được sự dịch chuyển tài sản từ người này, sang người kia, từ tiền “bẩn” biến thành tiền “sạch”.

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC

Ví dụ như trong trường hợp ông Nguyễn Bắc Son khai là sau khi nhận tiền hối lộ đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 – 400.000 USD. Tuy nhiên, cô con gái lại phủ nhận việc này và cơ quan điều tra cũng không chứng minh được. Điều này cho thấy, pháp luật đang có những khoảng trống. Nếu chúng ta có cách thức quản lý hiện đại như các nước thì hoàn toàn có thể chứng minh được. Bởi tất cả giao dịch của họ đều qua tài khoản nên rất dễ trong việc truy vết, còn ở ta cứ xách valy tiền mặt đưa nhau, rất khó để chứng minh. Người ta tham ô, nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng sau đó “gửi” con cái, người thân cầm hộ thì khó mà truy ra được. Trong khi đó, ở các nước có tiền cũng chưa chắc tiêu được.

TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC

TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, nhận định “chính sách hình sự đặc biệt” là một sự “sáng tạo” của cơ quan điều tra bởi trong tất cả các văn bản tố tụng thì chưa có văn bản nào đề cập các thuật ngữ này. Có thể hiểu, các bị can trong vụ án AVG đã tích cực khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo… họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định trong BLHS. Tuy nhiên, khắc phục hậu quả triệt để cũng chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ mà thôi.

“Mặt khác, các cơ quan tố tụng cũng sẽ xem xét việc đã khắc phục triệt để thực tế hay mới chỉ là làm đơn xin khắc phục? Việc được coi là tình tiết giảm nhẹ khi khắc phục hậu quả phải là tiền đã được nộp vào ngân sách rồi”, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ lưu ý.

CAO THANH LOAN