Cơ chế tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan

Tòa án có thẩm quyền để thụ lý và giải quyết vụ án khi đã có một phần nội dung được tuyên trong phán quyết trọng tài hay không? Đây là tình huống có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau.

Thông qua một tình huống khá hy hữu trong thực tiễn, phán quyết trọng tài được tuyên trước đó trong một vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay giữa ngân hàng và và người đi vay, một phần nội dung của phán quyết trọng tài có tuyên về việc xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp mà hai bên cũng đã ký kết cùng với hợp đồng vay. Tài sản bảo đảm là bất động sản quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau đó đã khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đó và hủy hợp đồng thế chấp tài sản nêu trên. Tòa án có thẩm quyền thụ lý tranh chấp này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hay không?

Tình huống minh họa[1]

Vụ khởi kiện tại Trọng tài: Nguyên đơn – Ngân hàng C khởi kiện bị đơn – ông B, tranh chấp về hợp đồng vay mà hai bên đã ký kết, theo đó, Ngân hàng đề nghị Hội đồng Trọng tài giải quyết: (i) yêu cầu bị đơn trả nợ vay; và (ii) nếu bị đơn không trả được nợ vay thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp đã ký (và đã có đăng ký giao dịch bảo đảm). Biết rằng, thửa đất có nhà trên đất bị đơn đã mua trước đó từ bà A và cũng đã sang tên và có giấy chứng nhận cấp cho bị đơn. Phán quyết trọng tài đã chấp nhận hai yêu cầu của nguyên đơn, trong đó, có tuyên nội dung chấp nhận để Ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp đã ký kết. Trong quá trình giải quyết tại Trọng tài không có sự tham gia của Bà A (người thứ ba liên quan) là người đã chuyển nhượng tài sản là bất động sản nói trên cho bị đơn và cũng không có cơ sở để chứng minh rằng bà A đã biết có phán quyết trọng tài nêu trên hay không.

Vụ khởi kiện tại Tòa án: Bà A khởi kiện sau đó ra Tòa án, yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Hợp đồng chuyển nhượng) với ông B do theo thỏa thuận ông B sẽ đứng tên giùm và thế chấp tài sản trên để vay tiền tại Ngân hàng C giùm cho bà A nhưng sau khi ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng để vay tiền thì ông B đã không giao số tiền vay được cho bà A là đã vi phạm thỏa thuận đã ký kết. Do đó, bà A đồng thời yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông B với Ngân hàng C.

Như vậy Tòa án có thẩm quyền để thụ lý và giải quyết vụ án khi đã có một phần nội đung được tuyên trong phán quyết trọng tài hay không? Hiện có những quan điểm trái chiều như sau.

Quan điểm thứ nhất: Tòa án không có thẩm quyền giải quyết

Quan điểm này dựa trên một số cơ sở luận giải như sau.

Một. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ban hành [2]

Trọng tài cũng có chức năng giải quyết tranh chấp - là tổ chức tài phán (bên cạnh một cơ quan tài phán khác chính là Tòa án). Một khi các bên đều đồng thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của họ thì đồng nghĩa với việc Tòa án không có thẩm quyền và đương nhiên phải từ chối giải quyết tranh chấp này [3]. Ngoài ra, khác với hiệu lực của Bản án của Tòa án có thể bị xem xét lại theo các thủ tục luật định thì đối với phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và đồng thời chấm dứt quá trình tố tụng giải quyết đối với tranh chấp đó.

Ngoại trừ những trường hợp được pháp luật quy định về thẩm quyền của Tòa án hủy phán quyết trọng tài trên cơ sở có đơn yêu cầu của một bên và khi có một trong các căn cứ về việc: (i) sai thẩm quyền; (ii) sai về trình tự thủ tục hoặc (và) phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (khoản 3 Điều 414 và Điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 [4] (BLTTDS); Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 [5] (LTTTM).

Nói cách khác, ngoài các trường hợp vừa nêu thì Tòa án phải tôn trọng phán quyết trọng tài.

Hai. Tòa án không có thẩm quyền thụ lý và phải trả lại đơn khởi kiện

Căn cứ tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS do đây là trường hợp “[…] c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền […]”.

Như vậy, đây là trường hợp nếu khi chưa thụ lý, xem xét đơn khởi kiện mà Tòa án phát hiện ra vụ việc đã được giải quyết bằng phán quyết trọng tài thì Tòa án phải từ chối thụ lý và trả lại đơn khởi kiện.

Ba. Nếu đã thụ lý vụ án thì Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án

Giả sử, nếu Tòa án đã không phát hiện ra vụ việc đã được giải quyết bằng phán quyết của Trọng tài mà trong quá trình giải quyết mới phát hiện đã có phán quyết trọng tài thì khi đó Tòa án phải ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS. Khoản này quy định dẫn chiếu ngược trở lại khoản 1 Điều 192 về trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện và trường hợp này được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS như đã trích dẫn trên).

Bốn. Tòa án không có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài đối với tình huống thực tế

Khoản 2 Điều 31 BLTTDS quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết những việc dân sự về “yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại” và khoản 3 Điều 414 BLTTDS thì trong đó có việc yêu cầu “hủy phán quyết trọng tài”.

Tuy nhiên, chủ thể có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại khoản 1 Điều 69 LTTTM thì chỉ có ghi nhận “[…] nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định […] thì có quyền làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài”. Trong đó, khái niệm “bên” được định nghĩa tại khoản 3 Điều 3 LTTTM “là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn. Có nghĩa là không bao gồm bên thứ ba liên quan.

Với tình huống thực tế thì các bên trong tranh chấp được Trọng tài giải quyết bằng phán quyết trọng tài là bên Nguyên đơn Ngân hàng C và bên Bị đơn ông B mới là người có quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Do đó, bà A nếu muốn hủy Phán quyết trọng tài này để bảo vệ quyền lợi mình thì cũng không thể thực hiện được.

Quan điểm thứ hai: Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Tòa án vẫn có thẩm quyền xem xét giải quyết bởi không thể tước bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan, cụ thể:

Một là, đây là vụ án (phát sinh từ tranh chấp) khác với tranh chấp mà Trọng tài đã giải quyết trước đó

Căn cứ phán quyết trọng tài đã giải quyết thì đây là tranh chấp thương mại giữa nguyên đơn Ngân  hàng C đã khởi kiện bị đơn – B yêu cầu Hội đồng Trọng tài buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng và xác định Nguyên đơn có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp giữa hai bên.

Trong khi đó, vụ án mà Tòa án đã thụ lý lại là vụ án phát sinh từ tranh chấp dân sự, cụ thể là vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý về việc “Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất vô hiệu, hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản”.

Hai là, Không có căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Tiếp nối cách luận giải tại cơ sở [Một] nêu trên là Tòa án có thẩm quyền giải quyết nên cũng hoàn toàn có đủ cơ sở để thụ lý giải quyết vụ án này. Nói cách khác, trường hợp này không thuộc một trong những trường hợp quy định để trả lại đơn kiện cũng như đình chỉ giải quyết vụ án.

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS để xác định Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện trước khi thụ lý cũng như phải đình chỉ giải quyết vụ án nếu đã thụ lý vì phán quyết trọng tài không phải là quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể hơn là Trọng tài/Trung tâm trọng tài đó không phải là cơ quan nhà nước.

Như vậy, trong tình huống thực tế thì theo quan điểm thứ hai này Phán quyết trọng tài vẫn là quyết định chung thẩm và có giá trị thi hành nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án vì mấu chốt là tranh chấp phát sinh khác cả về quan hệ tranh chấp và các bên trong tranh chấp.

Quan điểm của người viết: Tòa án vẫn có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Mặc dù theo quan điểm thứ nhất thì Tòa án phải tôn trọng phán quyết trọng tài. Quan điểm này phù hợp ở góc độ nguyên tắc chung. Tuy nhiên, vụ án này có những đặc thù riêng mà nếu áp dụng theo quan điểm thứ nhất thì rõ ràng quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba liên quan có thể bị xâm phạm vì sẽ không có cơ chế tố tụng nào để người thứ ba được quyền tham gia trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài và cũng chưa có quy định của pháp luật tố tụng dân sự minh thị cho việc họ được quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài như quan điểm thứ nhất và thứ ba đã phân tích – và như thế là vô lý.

Hoàn toàn không công bằng nếu như phán quyết trọng tài với nội dung ghi nhận quyền được xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng – đồng nghĩa với việc hợp đồng thế chấp hợp pháp và phát sinh hiệu lực. Bởi lẽ, bà A hoàn toàn không biết về việc có phán quyết đó do các bên còn lại là bị đơn và Ngân hàng không chủ động/không muốn cung cấp phán quyết trọng tài này. Hoặc như bà A trước đó biết tranh chấp có liên quan đến bà đang được giải quyết tại trọng tài thì theo quy định của tố tụng trọng tài hiện hành cũng không có cơ chế để người thứ ba yêu cầu được tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài như là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng Tòa án. Do đó, trong trường hợp này, giả sử bà A là người thứ ba liên quan thì với quan điểm thứ nhất nêu trên đã tước đi quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ thông qua Tòa án – con đường tìm đến công lý một cách hợp pháp, chính đáng.

Nói cách khác, nếu không giải quyết được vấn đề bất cập này thì hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế các bên có thể thông đồng bằng cơ chế hợp pháp (tố tụng trọng tài) để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người thứ ba liên quan (cá nhân, cơ quan, tổ chức và đặc biệt là lợi ích N hà nước) chỉ vì họ là người thứ ba liên quan nhưng không thể biết hoặc có biết nhưng không thể tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài.

Như vậy, vấn đề mấu chốt và căn nguyên phải xác định đó là pháp luật không thể không quy định cơ chế xem xét và bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba liên quan – đó chính là lẽ công bằng, hợp tình, hợp lý mà bất kỳ ai cũng cần phải hiểu và tôn trọng.

Căn cứ pháp luật tố tụng dân sự: 

Dù cho pháp luật tố tụng trọng tài không có hoặc chưa có quy định về việc tham gia của người thứ ba vào quá trình tố tụng trọng tài thì cũng không đồng nghĩa với việc pháp luật khác (cụ thể là pháp luật tố tụng dân sự) không có quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba  liên quan.

Do đó, nếu từ phía người thứ ba khởi kiện và yêu cầu Tòa án xem xét một phần nội dung của phán quyết trọng tài thì đây không phải là yêu cầu công nhận hoặc không công nhận sự kiện pháp lý cũng như công nhận quyền dân sự và theo các quy định dẫn chiếu đến LTTTM để giải quyết theo trình tự việc dân sự (Điều 361 BLTTDS) [6]. Nói cách khác, cần phải xác định đây là trường hợp có tranh chấp [7] được quy định tại khoản 14 Điều 26 BLTTDS:“Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, người thứ ba có quyền nộp đơn khởi kiện hoặc bổ sung yêu cầu khởi kiện tranh chấp kiện đòi lại tài sản có liên quan đến yêu cầu tuyên bố hủy bỏ phần nội dung phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền thụ lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ vì hiện tranh chấp này chưa có quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức nào khác thì đương nhiên phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Ngoài ra, cần đặc biệt nhấn mạnh và lưu ý thêm rằng, không xác định đây là trường hợp yêu cầu hủy phán quyết trọng tài như LTTTM vì không phải là việc hủy phán quyết trọng tài đã giải quyết nội dung tranh chấp giữa hai bên (bên Nguyên đơn và bên Bị đơn). Đây cũng không phải là phán quyết đã giải quyết tranh chấp giữa các bên (Nguyên đơn và Bị đơn) với người thứ ba liên quan. Do vậy nếu Tòa án thụ lý, giải quyết xem xét hủy phần nội dung của phán quyết trọng tài cũng không xem đây là việc Tòa án vi phạm xét xử lại nội dung của phán quyết trọng tài theo quy định của LTTTM. Tóm lại, trong quá trình giải quyết vụ án nếu có căn cứ Ngân hàng không phải là người thứ ba ngay tình thì Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu để buộc Ngân hàng phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nguyên đơn bà A trong vụ án này, khi đó, đối với nội dung xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp được tuyên trong phán quyết trọng tài cũng vô hiệu và Tòa án tuyên bố hủy bỏ phần nội dung phán quyết trọng tài đó.

Điểm mới quan trọng và thực sự có ý nghĩa mà BLTTDS quy định về điều khoản mở - nếu tranh chấp chưa được pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức nào khác thì đương nhiên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bởi lẽ, một điều rất đơn giản là bất kỳ tranh chấp nào cũng phải có cơ chế giải quyết để đảm bảo công lý. Đây là điều khoản góp phần mang lại nhiều cơ hội để các chủ thể trong đó có người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc Nhà nước có cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình/của Nhà nước. Có như vậy thì mới đảm bảo được trật tự xã hội mà vẫn không làm ảnh hưởng đến sự thông suốt và vận hành của các giao dịch dân sự trong thực tiễn.

Đây là một vấn đề rất mới và thú vị, chúng tôi rất mong nhận được sự trao đổi cùng quý độc giả.

 

***

[1] Bản án số 596/2020/DS-PT ngày 10/11/2020.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-5962020dspt-ngay-10112020-ve-tuyen-bo-hop-dong-chuyen-nhuong-quyen-su-dung-dat-va-tai-sa-157782. Truy cập ngày 09/9/2021.

[2] Điều 4 LTTTM quy định:

“Nguyên tắc giải quyết tranh chấp của Trọng tài

[…] 5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm”.

Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định:

“Nội dung, hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài

[…] 5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành”.

[3] Điều 6 LTTTM quy định “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

[4] Khoản 3 Điều 414 BLTTDS xác định những việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đó là “Hủy phán quyết trọng tài”. Tiếp đến, Điều 415 BLTTDS quy định: “Thủ tục giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động của Trọng tài thương mại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam”.

[5] Điều 68 LTTTM quy định về các căn cứ hủy phán quyết trọng tài bao gồm:

“1. Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.

2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

[6] Điều 361 BLTTDS quy định: “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự […] của mình […]; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự […]”.

[7] “Tranh chấp” thông thường được hiểu là trường hợp có mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích của các bên mà họ không thể thống nhất được. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tranh chấp cần được hiểu ở nghĩa rộng hơn, khi mà người khởi kiện cho rằng họ có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Việc xâm phạm này có thể dựa vào nội dung của những phán quyết đã có hiệu lực pháp luật và nếu thi hành trên thực tế đương nhiên sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của họ. Tuy nhiên, dấu hiệu quan trọng chính là họ - người thứ ba đã không được tham gia vào cơ chế tố tụng trước đó nên đương nhiên chưa có việc cơ quan trọng tài đã giải quyết tranh chấp nào đó của họ./.

 

TS. ĐẶNG THANH HOA (Trường Đại học Luật TP.HCM) & ThS. NGUYỄN VĂN SƠN (Chánh Tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh An Giang)